Lễ trưởng thành truyền thống ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc
Theo văn hoá truyền thống của người phương Đông, nam nữ đến một độ tuổi nhất định sẽ được tổ chức Lễ thành nhân, hay còn gọi là Lễ trưởng thành. Đây là một ngày lễ trọng đại trong cuộc đời các chàng trai và cô gái, ngày mà họ chính thức được coi đã bước sang tuổi trưởng thành, có thể bàn chuyện dựng vợ gả chồng.
Hiện nay nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn duy trì tổ chức Lễ trưởng thành, để chúc mừng và động viên nam nữ thanh niên đã thực sự trở thành người lớn với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân trong xã hội. Vậy Lễ trưởng thành ở các quốc gia này có những điểm độc đáo nào?
Khi nói đến văn hoá phương Đông, chúng ta không thể không nhắc đến văn hoá Trung Quốc. Đây là nền văn hoá có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ khu vực Đông Á. Mặc dù những trào lưu hiện đại đã dần thay thế hầu hết những truyền thống văn hóa cổ xưa của Trung Quốc, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy bóng dáng của văn hoá Trung Quốc cổ xưa từ nền văn hoá của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lễ trưởng thành ở Nhật Bản
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về phong tục Lễ trưởng thành của Nhật Bản. Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày thứ 2 của tuần thứ 2 trong tháng 1 hàng năm, người Nhật Bản lại tổ chức Lễ trưởng thành để động viên và chúc mừng những bạn trẻ khắp Nhật Bản tròn 20 tuổi.
Đến nay, Đại học Quốc gia Tokyo Nhật Bản vẫn lưu giữ phong tục Lễ trưởng thành có từ thời Heian. Vào ngày này, những thanh niên 20 tuổi sẽ được làm lễ trao mũ (Quán lễ), nam giới trao mũ quan, nữ giới được trao trâm cài đầu. Sau lễ trao mũ, các thanh niên sẽ mặc một bộ “phục sức thành nhân” hoàn chỉnh, đại diện cho việc hoàn thành quá trình chuyển đổi quan trọng từ vị thành niên sang trưởng thành.
Giáo sư bộ môn Văn hoá của trường đại học Quốc gia Tokyo cho biết: “Lễ trưởng thành là nghi thức đã được lưu truyền từ hàng ngàn năm trước. Ngay cả đến trang phục, nghi lễ tổ chức cũng giống như thời xưa.” Vào ngày hôm đó, những thanh niên trưởng thành sẽ đi bộ từ giảng đường đến tu viện của trường, phụng cáo các vị Thần và cầu các ngài phù hộ.
Hàng năm, ở Yokohama, Nhật Bản, đều tổ chức các buổi Lễ trưởng thành quy mô lớn. Chẳng hạn như Lễ trưởng thành tổ chức vào năm 2021 đã có hơn 30,000 người tham gia. Mọi người khoác lên mình những trang phục khác nhau, trong đó các cô gái thì mặc furisode, một loại kimono nhiều màu sắc sinh động với tay áo rất dài, còn các chàng trai mặc một bộ kimono tối màu hakama hoặc trang phục hiện đại. Sau đó, họ cùng nhau thực hiện một nghi lễ trọng đại đánh dấu tuổi thanh xuân của mình.
Hôm ấy, cô Yume Sakai đã thay mặt cho những thanh niên tham gia buổi Lễ thành nân của Nhật Bản nói: “Hy vọng rằng, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai, và kiên định đi trên con đường mình đã lựa chọn. Đây là lời tuyên bố của tôi với tư cách là một người trưởng thành.”
Ở Kyoto, Nhật Bảo có một ngôi đền cổ tên là Sanjusangendo, vào tháng Giêng hằng năm đều tổ chức các cuộc thi bắn cung. Đây cũng là một bộ môn để chúc mừng Lễ trưởng thành, do đó các nam nữ thanh niên sẽ mặc kimono truyền thống đến bắn cung kỷ niệm tuổi trưởng thành.
Lễ trưởng thành là cột mốc đánh dấu một người bước vào tuổi trưởng thành, chính thức trở thành thành viên của xã hội, đồng thời cũng là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Bởi vì sau khi trưởng thành thì đã có thể thành gia lập thất, bàn chuyện cưới xin, cho nên Lễ trưởng thành rất được xem trọng trong văn hoá phương Đông và phương Tây.
Lễ trưởng thành ở Hàn Quốc
Đó là những nét cơ bản về Lễ trưởng thành ở Nhật Bản, vậy Hàn Quốc sẽ kỷ niệm ngày lễ này như thế nào? Chính phủ Hàn Quốc quy định, ngày thứ 2 của tuần thứ 3 trong tháng 7 hằng năm là “Ngày thành niên”. Vào ngày này, nam nữ thanh niên trong độ tuổi 20 sẽ chính thức tuyên bố bản thân bước vào tuổi trưởng thành, và long trọng tổ chức nghi thức thành nhân theo truyền thống.
Nghi thức đầu tiên trong Lễ trưởng thành ở Hàn Quốc là ngước lên bầu trời “bẩm báo” bắt đầu Lễ trưởng thành và cầu xin Thượng thiên bảo hộ và ban phúc. Sau đó, các nam nữ thanh niên mặc trang phục truyền thống bước vào địa điểm tổ chức buổi lễ. Tương tự như Nhật Bản, người nam sẽ được trao mũ quan, gọi là “Quán lễ”, còn người nữ được trao trâm cài đầu, gọi là “Kê lễ”.
Trong “Kê lễ” của các cô gái, mái tóc của họ sẽ được trưởng bối búi lên, rồi cài thêm một chiếc kẹp tóc, sau đó đội một chiếc mũ nhỏ sặc sỡ lên đầu, mặc các bộ hanbok với màu sắc và kiểu dáng khác nhau, dánh đấu thời điểm kết thúc tuổi vị thành niên. Kể từ đây, các cô gái đã có thể bàn đến chuyện dựng vợ gả chồng.
Sau khi hoàn thành các nghi thức kể trên, mỗi người uống một ly “rượu” (nếu tổ chức ngoài trời thì lấy trà thay rượu). Hàn Quốc quy định trẻ vị thành niên không được uống rượu, sau khi trưởng thành thì mới có quyền này, đồng thời phải tham gia thực hiện các công tác xã hội như nghĩa vụ quân sự, v.v.
Khi buổi lễ kết thúc, các nam nữ thanh niên phải hành đại lễ quỳ gối trước các bậc trưởng bối, đồng thanh đọc bài “Thuỳ huấn” của học giả Yulgok như một chuẩn tắc hành xử của người Hàn Quốc khi bước vào tuổi trưởng thành. Bài huấn có nội dung sau: “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ; độc thư dĩ tư cùng lí, hành thiện dĩ cầu phục tính; tĩnh tắc kính trực hồ trung, động tắc nghĩa phương vu ngoại. Sách chi dĩ dũng mãnh, trì chi dĩ du cửu. Như tư nhi dĩ.”
Ý tứ là: Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi. Đọc sách để hiểu đạo lý làm người, hành thiện để quay về bản tính vốn có. Trong nhà yên tĩnh, kính cẩn, bên ngoài làm việc gì cũng không được quên chữ Nghĩa. Lập kế hoạch phải rõ ràng, mạnh dạn, thực hành phải kiên trì, bền bỉ. Chỉ cần làm được vậy đã đủ rồi.
Đoạn văn này mang đậm tư tưởng Nho gia. Yulgok tiên sinh tên thật là Lý Nhị, là một học giả Nho gia nổi tiếng ở thời tiền Joseon. Trong đó, Yulgok là hiệu của ông, thời xưa xưng hiệu mà không xưng danh để thể hiện sự tôn trọng đối phương. Chân dung của ông cũng được in trên tờ tiền 5,000 Won phát hành tại Hàn Quốc năm 2006.
Văn hoá Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hoá truyền thống Trung Quốc. “Lễ trưởng thành” của người Hàn Quốc bắt đầu từ triều đại Goryeo (918-1392), và cũng có nghi thức trao “quán lễ” cho người nam và trao “kê lễ” cho người nữ. Sau này nghi thức này biến mất một thời gian, sau đó xuất hiện trở lại vào năm 1973 và tiếp tục lưu giữ cho đến ngày nay.
Lễ trưởng thành ở Trung Quốc
Văn hóa Nhật Bản và Hàn Quốc từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, vậy Lễ trưởng thành dành cho nử tử trong văn hóa Trung Quốc được tổ chức ra sao?
Nghi thức “Kê lễ” trong văn hoá Trung Hoa bắt nguồn từ thời nhà Chu. Trong sách “Lễ ký” viết rằng: “Nữ tử thập hữu ngũ nhi cấp”, tức là nữ tử xưa 15 tuổi đã bắt đầu tuổi trưởng thành và có thể thực hiện “Kê lễ”. Kê trong tiếng Hán là một loại trâm cài đầu, do trưởng bối sẽ tháo bỏ kiểu tóc thời thơ ấu, và dùng trâm để cài lên đầu cô gái.
Theo phong tục truyền thống, khi chưa đến tuổi thành niên, nữ tử thời xưa sẽ được tết tóc hai bên, giống chữ “丫” trong tiếng Hán (phiên âm là ya), nên mới có cách gọi thiếu nữ thời xưa là “nha đầu”. Trong bài “Kí tặng Tiểu Phiền” của Lưu Vũ Tích đời Đường có câu: “Hoa diện nha đầu thập tam tứ, xuân lai xước ước hướng nhân thì.” Ý tứ là: Thiếu nữ tuổi mười ba, mười bốn đang độ tuổi xuân thì, mặt đẹp như hoa.
Những cô gái sau khi hoàn thành “Kê lễ” sẽ búi tóc, để người khác nhìn vào có thể biết ngay cô đã là người trưởng thành và có thể xuất giá thành thân. Trong buổi lễ, người trưởng bối sẽ chọn cho cô một cái tên tượng trưng cho tuổi trưởng thành. Trong “Hồng Lâu Mộng, khi Giả Bảo Ngọc hỏi Lâm Đại Ngọc rằng: “Biểu muội có tên tự là gì?”, nàng đáp: “Muội không có tên tự.” Đó là bởi vì Lâm Đại Ngọc vẫn chưa làm lễ thành nhân, vì vậy chắc chắn nàng chưa đến 15 tuổi.
Nghi thức “Kê lễ” cho các công chúa trong hoàng cung sẽ được tổ chức rất long trọng. Trong “Tống sử – Chí” ghi chép rằng, “Kê lễ” được tổ chức trong cung điện, hoàng đế sẽ đích thân đến tham dự. Công chúa không những đeo chiếc trâm cài đầu mà con đội thêm nhiều trang sức khác, như mũ phượng (phượng quan), v.v. Sau kê lễ, công chúa sẽ bái kiến phụ quân, sau đó nhận những lời chúc phúc từ hoàng hậu và phi tần. Công chúa cũng phải cung kính nghe theo lời huấn: “Sự thân dĩ hiếu, tiếp hạ dĩ từ, hòa nhu chính thuận, cung kiệm khiêm nghi, bất dật bất kiêu, vô bí vô khi.”
Lễ trưởng thành ở Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt được tổ thức vào tháng Giêng và tháng Năm. Vậy ngày lễ ngày sẽ được tổ chức vào thời gian nào theo văn hoá truyền thống Trung Quốc?
Theo Hoàng lịch (Âm lịch), ngày 1 tháng 1 là Tết năm mới, ngày 2 tháng 2 là ngày Long Sĩ Đầu hay Rồng ngẩng đầu, còn ngày 3 tháng 3 là ngày cổ nhân tổ chức Lễ trưởng thành cho nữ tử. Người Trung Quốc gọi ngày 3 tháng 3 được gọi là Tiết Thượng Tị, hay còn gọi Tiết nữ nhi, Tiết đào hoa. Đây là thời điểm chào đón mùa xuân với trăm hoa đua nở. Mọi người rủ nhau dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là đạp thanh. Buổi tối họ lại tắm bằng nước lá thơm để tẩy rửa những điềm xui xẻo. Cũng vào ngày này, rất nhiều cô gái đang tuổi đương thì sẽ kéo nhau đến ven sông nghịch nước. Chẳng hạn, trong bài thơ “Lệ nhân hành” của đại thi hào Đỗ Phủ đời Đường viết rằng: “Tam nguyệt tam nhật thiên khí tân, trường an thủy biên đa lệ nhân.” Tức là vào ngày mồng 3 tháng 3 tiết trời mát mẻ, những có gái đẹp tụ hội bên dòng nước ở Trường An.
Sau triều đại Ngụy Tấn, vào ngày 3 tháng 3, người ta ngoài tắm nước lá thơm để xua đuổi tà khí, còn tổ chức lễ hội du xuân như bày tỏ tình cảm và sự hoà hợp đối với non nước. Thời Đông Tấn, vào ngày mùng 3 tháng 3 năm 353, Vương Hi Chi và những vị bằng hữu đã họp mặt bên ở chùa Lan Đình. Họ vui vẻ uống rượu ngâm thơ với trò chơi “thả chén đặt thơ” bên dòng suối uốn quanh. Mỗi khi chiếc chén trôi qua trước vị trí của người nào, thì người đó phải làm một bài thơ hoặc uống ba ly rượu phạt.
Những tập tục vào ngày 3 tháng 3 của Trung Quốc được lan truyền sang Nhật Bản kể từ thời nhà Đường. Từ đó trở đi, Nhật Bản cũng tổ chức lễ hội mùng 3 tháng 3. Đến thời Edo, mùng 3 tháng 3 trở thành một trong năm lễ hội quan trọng nhất ở Nhật Bản.
Sau sự kiện Minh Trị Duy tân, lễ hội ngày 3 tháng 3 Hoàng lịch được đổi thành ngày 3 tháng 3 Dương lịch (lịch Gregory). Vào ngày này, văn hoá Trung Quốc có phong tục tắm nước lá để thanh tẩy uế và tà khí, còn ở Nhật Bản lại tổ chức cắt hình giấy rồi thả xuống biển. Người Nhật Bản tin rằng, người giấy có thể đẩy lùi dịch bệnh, tiêu trừ vận xui. Tập tục truyền thống này đã được ghi chép lại trong cuốn tiểu thuyết “Nguyên thị vật ngữ” từ thời Hensai của Nhật Bản. Thời đó, vào ngày 3 tháng 3, người ta sẽ tổ chức nghi thức thả búp bê. Theo quan niệm xưa, những con búp bê giống như hình nhân thế mạng, sau khi các cô gái chơi xong sẽ thả búp bê xuống sông để mang đi hết những linh hồn xấu xa hay những điều không may mắn. Nghi lễ này vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay, và được người Nhật Bản gọi là Lễ hội búp bê hoặc Nữ nhi tiết.
Trong văn hoá Trung Hoa, việc tổ chức Lễ trưởng thành cho các cô gái đến tuổi cập kê không chỉ đơn thuần là một nghi lễ để đánh dấu độ tuổi trưởng thành. Điều quan trọng hơn là, trước khi tổ chức buổi lễ, họ phải học hỏi rất nhiều tri thức và kĩ năng mà một người phụ nữ trưởng thành cần nắm vững.
Trong xã hội truyền thống phân chia rõ ràng nhiệm vụ của từng giới: đàn ông làm ruộng còn phụ nữ dệt vải, đàn ông chủ ngoại còn phụ nữ chủ nội, nên những kiến thức mà hai giới phải học cũng hoàn toàn khác nhau. Vào thời Tây Chu, nam tử 8 tuổi đã bắt đầu đi học, phân làm hai cấp tiểu học và đại học. Trong đó, tiểu học là học những kĩ năng nhỏ nhặt trong cuộc sống như vảy nước quét nhà, đối đáp, tới lui,v.v. Sau đó lên đại học thì bắt đầu học tu dưỡng đạo đức thông qua các kiến thức về “thành ý chính tín”, tức là muốn tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng, đoan chính.
Ví dụ, đến đại học, các nho sinh sẽ học cách sống thế nào cho phải lẽ. Trong “Đại học – Trung Dung” viết rằng: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.” Ý tứ là Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện (vô cùng hoàn thiện).
Ngoài ra, nam tử cũng cần phải học “Lễ nhạc xạ ngự thư số”, hay còn gọi là “Lục nghệ” của người quân tử. Tức là người nam tử phải nắm vững sáu môn học, bao gồm: lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư tháp và toán học. Nếu ở độ tuổi thiếu niên đã nắm vững các kiến thức và kỹ năng này, đợi đến 20 tuổi, họ sẽ tổ chức Lễ trưởng thành, chứng minh bản thân đã thực sự trưởng thành.
Còn nữ tử thời xưa cần học tập về nội trị, bao gồm Tam tòng tứ đức, cách tề gia, nội trợ. Nói về đức tính của người phụ nữ, một cuốn sách nổi tiếng Trung Quốc khiến độc giả phải thay đổi cách nhìn về trí tuệ trong việc tề gia, nội trợ của người phụ nữ. Trong cuốn “Hồng Lâu Mộng”, Phượng Thư đã thông minh, khéo léo cai quản việc nội vụ của cả phủ trên dưới mấy trăm người. Tài năng chủ nội của nàng được phản ánh một cách sinh động trong việc giúp Ninh Quốc Phủ lo liệu tang lễ của Tần Khả Khanh.
Đầu tiên, nàng đã lập danh sách người nhà, xác định chức vị của từng người, phân phó từng nhiệm vụ cụ thể, phân cấp rõ ràng, hết thảy đều phải theo lệnh Phượng Thư, nếu làm sai một chút, đều nhất luật trừng trị.
“Hai mươi người này chia làm hai ban, mỗi ban mười người, chuyên việc pha nước tiếp các tân khách;
Hai mươi người này chia làm hai ban, chuyên việc cơm nước phục dịch họ hàng và những người trong nhà;
Bốn mươi người này chia làm hai ban, chuyên việc thắp hương, rót dầu, kéo màn, cúng cơm, cúng nước, có khách đến viếng thì “cử ai” trước linh sàng;
Bốn người này chuyên ở phòng trà coi giữ ấm, chén, mất mát cái nào, phải chia nhau đền”
Một hôm Phượng Thư mang sổ ra gọi tên. Mọi người đều có mặt cả, chỉ trừ một người chưa thấy đến. Phượng Thư sai đi gọi ngay rồi cười nhạt nói: “Ngỡ là ai hóa ra chính là mụ. Mụ cho mình có thể diện hơn người, nên không nghe lời ta!” Người kia lên vội vàng giải thích đã dậy từ lâu, thấy trời còn sớm, lại ngủ mất, thành ra đi chậm một bước, xin nàng tha cho lần đầu. Nhưng nàng rất cứng rắn quát: “Mang mụ này ra đánh hai mươi roi! Ngày mai còn chậm, sẽ đánh bốn mươi roi, ngày kia đánh sáu mươi roi. Đứa nào muốn chịu đòn thì cứ chậm.”
Phượng Thư phân phó công việc rất rõ ràng, mạch lạc, nhưng tính tình lại hà khắc, nên gia nhân trong nhà đều răm rắp nghe theo, chăm chỉ làm việc, không dám lơ là. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn của nàng lại khiến một số người trong tâm không phục, ôm bụng tức làm việc.
So với Phượng Thư, các tiểu thư chưa xuất các ở Đại Quan Viên xử lý sự vụ càng khiến người ta tâm phục khẩu phục. Có một đợt Phượng Thư đổ bệnh nặng nên giao lại công việc quản lý nội phủ cho Tiết Bảo Thoa và Giả Thám Xuân. Hai vị tiểu thư này mới đầu bị các quản sự, phu nhân chế giễu, bắt nạt, gây khó dễ, nhưng sau sự kiện này, mọi người đều thấy họ đúng là giỏi quản việc gia đình, tài sản, chẳng kém cạnh Phượng Thư, thậm chí còn xuất sắc hơn.
Ví dụ, trong vấn đề quản lý Đại Quan Viên sao cho phải lẽ. Trước đây, quản lý Đại Quan Viên vẫn luôn tốn rất nhiều tiền của. Hai nàng nghĩ ra một cách, giao khu vườn cho các quản gia ma ma quản lý từng khu. Bằng cách này, nội phủ không phải tốn nhiều chi phí thuê người chăm nom, các ma ma nhận khoán có thể tự do trồng hoa quả, cây cối, lại vừa thêm có khoản thu nhập đáng kể. Bảo Thoa còn đề xuất rằng, phần lợi nhuận từ việc nhận khoán sẽ chia đều cho các phu nhân, thế nên những người không được nhận khoán cũng rất hài lòng, không gây thêm chuyện. Như vậy, chúng hạ nhân đều rất vui vẻ làm việc, nguyện ý trông coi nội phủ. Hai vị cô nương không mất một xu mà vẫn lo liệu ổn thoả công việc quản lý Đại Quân Viên, còn khiến kẻ hầu người hạ rất biết ơn. Đây quả là một công ba việc.
Những vị tiểu thư chưa từng rời nội các nhưng lại rất có kiến thức và tài năng, họ không sắc sảo, nghiêm khắc như Phượng Thư, cũng không dung túng kẻ hầu như Vưu thị, cuối cùng vẫn khiến gia nhân tâm phục khẩu phục, biết ơn khôn nguôi. Từ đó có thể thấy tài năng và học thức sâu rộng của các nàng.