Lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện thừa nhận lạm phát là một ‘vấn đề rất lớn’
Trong lời thừa nhận mới nhất của Đảng Dân Chủ về sự thắt chặt chi phí sinh hoạt của Hoa Kỳ, Lãnh đạo Đa số Hạ viện, Dân biểu Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland) nói với Fox News rằng lạm phát ở mức báo động đỏ là một “vấn đề rất lớn” đối với các gia đình.
Ông Hoyer đã đưa ra những nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Your World” của Fox News phát sóng hôm 20/07.
“Lạm phát là một vấn đề rất lớn. Đó là một vấn đề rất lớn đối với người Mỹ. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung — đặc biệt là ở các cửa hàng bách hóa — là một vấn đề rất lớn đối với người Mỹ. Chúng ta cần phải giải quyết điều đó,” vị lãnh đạo Đảng Dân Chủ này nói.
Những nhận xét trên xảy ra sau lời thừa nhận gần đây của cố vấn kinh tế Toà Bạch Ốc Jared Bernstein cho rằng lạm phát ở Hoa Kỳ là “cao không thể chấp nhận được,” mặc dù có một số cải thiện trong các lĩnh vực như giá xăng, điều mà ông Bernstein nói là “đang đi đúng hướng.”
Sau khi chạm mức cao kỷ lục hơn 5 USD/gallon vào tháng trước (06/2022), giá xăng đã có xu hướng giảm, với hiệp hội xe hơi AAA báo cáo rằng, hôm 21/07, mức trung bình trên toàn quốc là 4.44 USD/gallon.
Ông Hoyer nhấn mạnh rằng chính phủ ông Biden đang làm việc để kiềm chế lạm phát tăng vọt, đưa ra các biện pháp như Đạo luật về Chi phí Nhiên liệu và Lương thực Thấp hơn được thông qua gần đây, mà Viện nghiên cứu R Street có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn coi là làm nghiêm trọng thêm “chính những vấn đề mà luật này tuyên bố sẽ giải quyết,” đồng thời cũng làm tăng thêm 700 triệu USD nợ công.
Các gia đình nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi lạm phát
Thông báo lạm phát mới nhất cho biết lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên là 9.1% tính theo năm, với thực phẩm tăng lên mức 10.4% và năng lượng tăng 41.6%.
Mặc dù lạm phát giá cả ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng Mỹ, nhưng các nghiên cứu gần đây từ Đại học Iowa State University và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã cho thấy các kiểu chi tiêu khác nhau giữa các nhóm nhân khẩu học khác nhau, có nghĩa là làn sóng lạm phát đã có một tác động không cân đối.
Ví dụ, các gia đình nông thôn đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn do lạm phát tăng cao, với nghiên cứu của Đại học Iowa State University cho thấy thu nhập tùy ý ở nông thôn đã giảm 50% kể từ năm 2020, với hầu hết các khoản thu nhập bị mất đó diễn ra trong 12 tháng qua.
Ngược lại, thu nhập tùy ý của các gia đình thành thị lại giảm 13% so với cùng thời kỳ.
Các gia đình người Mỹ gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha có xu hướng chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ cho việc đi lại, với Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York ước tính rằng người Mỹ gốc Phi Châu phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát ở mức 0.2 điểm phần trăm cao hơn so với tỷ lệ chính, trong khi đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha, thì con số này cao hơn 0.6 điểm phần trăm.
Lạm phát đối với các gia đình người Mỹ gốc Á Châu thấp hơn 0.5 điểm phần trăm, trong khi tỷ lệ mà người da trắng phải đối mặt là tương đương với con số 9.1 phần trăm.
Lạm phát giữ cho Thế hệ Z sống chung với cha mẹ
Sự siết chặt của lạm phát cũng đã cản trở khả năng chuyển ra ngoài sinh sống độc lập của nhóm Thế hệ Z.
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Qualtrics thay mặt cho Credit Karma cho thấy 29% người được hỏi thuộc Thế hệ Z trong độ tuổi 18–25 đều đang sống với cha mẹ hoặc những người thân khác của họ và xem sự sắp xếp này ít nhiều là lâu dài.
Chi phí nhà ở tăng cao có thể là một yếu tố chính đằng sau tỷ lệ cao thanh niên Mỹ tiếp tục sống với cha mẹ của họ.
Chỉ số tiền thuê nhà trong con số lạm phát của tháng Sáu đã tăng 0.8 phần trăm so với tháng trước, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 04/1986.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’