Giá thực phẩm đắt hơn, nhưng không có khả năng thiếu hụt giữa những kỳ vọng về vụ thu hoạch ổn định
Người Mỹ cần chi tiêu nhiều hơn khi thanh toán tại cửa hàng thực phẩm, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy rằng các kệ hàng sẽ khan hiếm, theo dữ liệu khảo sát theo dõi sản xuất của nông dân.
Trong tháng Sáu, giá thực phẩm đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, với bột mì tăng gần 20%. Nông dân đã phải đối mặt với một loạt các bất lợi, bao gồm giá dầu diesel và phân bón tăng gấp đôi cũng như tình trạng thiếu thuốc diệt cỏ. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra, đặc biệt là nếu nông dân sẽ có một vụ mùa thất bát trong năm nay.
Cho đến nay, có vẻ như những nỗi sợ hãi đó có thể sẽ không thành hiện thực. Mặc dù một số vùng của đất nước đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nhưng nhìn chung, vụ thu hoạch năm nay vẫn khá tốt, theo báo cáo ngũ cốc tháng Bảy của Bộ Nông nghiệp (USDA) (pdf).
Hoa Kỳ là nước xuất cảng ngũ cốc lớn, đặc biệt là lúa mì, bắp, và đậu nành. Như vậy, chỉ khi trải qua một thiên tai đặc biệt nghiêm trọng thì mới có thể đẩy nước này vào tình trạng thiếu lương thực. Mặc dù điều kiện năm nay đặc biệt khó khăn nhưng có vẻ như người nông dân đã có thể vượt qua.
Nông dân Hoa Kỳ dự kiến sẽ thu được hơn 48 triệu tấn lúa mì và hơn 368 triệu tấn bắp trong năm nay. Con số này giảm khoảng 1% so với mức trung bình 5 năm đối với lúa mì, nhưng tăng 1% đối với bắp.
Trên thực tế, giá ngũ cốc đã bắt đầu giảm một chút trong những tuần gần đây, mặc dù có thể còn nhiều việc phải làm với những dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế, vốn có thể làm giảm nhu cầu.
Trong khi đó, sản lượng thịt, trứng, và sữa cũng đang tăng lên, mặc dù người nông dân dự kiến sẽ thu ít trứng hơn khoảng 3% trong năm nay, có khả năng là do dịch cúm gia cầm đã buộc họ phải tiêu huỷ khoảng 2 triệu con gà mái đẻ vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, về mặt giá cả, sữa tăng lên mức 13.5%, trứng tăng lên mức 33%, và thịt gà khoảng 18%. Thịt lợn và thịt bò chỉ tăng lần lượt là 4% và 10% so với một năm trước, nhưng so với năm 2019, cả hai đều tăng hơn mức 25%.
Một phần của sự gia tăng này là do giá đầu vào cao hơn, chẳng hạn như giá thức ăn chăn nuôi, và một phần do nhu cầu mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước được hỗ trợ bởi khoản chi tiêu lớn của chính phủ trong đại dịch COVID-19.
Chiến tranh Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất cảng ngũ cốc của nước này, đặc biệt là lúa mì. Điều đó cũng đẩy giá ngũ cốc toàn cầu lên cao. Truyền thông Ukraine đưa tin rằng nước này đang mắc kẹt với khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc dự kiến xuất cảng. Bên cạnh đó, thế giới đang tiêu thụ khoảng 770 triệu tấn lúa mì mỗi năm và dự trữ khoảng 270 triệu tấn, theo báo cáo của USDA.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.