Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi? Chuyên gia hướng dẫn ba cách
Sợ hãi là một trong những cảm xúc của thất tình lục dục, đồng thời cũng là một loại thử thách mà con người sẽ gặp phải trong cuộc sống. Thậm chí, đó là một thử thách rất lớn. Có chuyên gia nói rằng, có thể khắc phục được chứng sợ hãi, chỉ cần tuân theo ba cách sau là có thể hóa giải nó.
Phó giáo sư Kurt Ela, nhà tâm lý học lâm sàng, nhà phân tích tâm lý tại Trường Y Dược Đại học Georgetown của Hoa Kỳ, đã có bài viết về chủ đề này trên trang web Today Psychology (Tâm Lý Học Ngày Nay). Ông cho biết, hầu hết mọi người đôi khi phải sống chung với nỗi sợ hãi, và đây là một trong những cảm xúc bình thường của con người.
Chuyên gia Ela chỉ ra rằng, chứng sợ hãi – Phobia, cái tên này xuất phát từ tiếng Hy Lạp. Các bệnh nhân của ông có đủ loại nỗi sợ hãi, ví dụ như sợ bác sĩ, sợ cây cầu, thậm chí sợ cả ông già Noel v.v.
Đối với người trưởng thành, chứng sợ hãi có thể gây hạn chế nghiêm trọng cho hoạt động hàng ngày của họ. Đối với trẻ em, nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu, khiến cho trẻ không muốn đi học, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển giao tiếp xã hội và giáo dục của trẻ.
Một cuộc khảo sát do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành vào năm 2021 cho thấy, có nhiều cách để đánh giá kết quả điều trị các loại sợ hãi cụ thể.
Nhìn chung, khi mọi người càng kiên trì tìm cách điều trị chứng sợ hãi của mình, thì hiệu quả càng tốt (với tỷ lệ thành công đạt 85.7%). Vì vậy, cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi là điều vô cùng quan trọng.
Nếu bạn hoặc con cái của bạn đang trải qua chứng sợ hãi, bạn có thể thử nghiệm ba cách sau đây để khắc phục:
1. Đặt tên cho nỗi sợ hãi
Điều này tương tự như việc đặt tên cho các cảm xúc tiêu cực. Đặt tên cho nỗi sợ hãi giúp giảm bớt sức mạnh đáng sợ của nó. Ví dụ này có thể thấy trong bộ phim hoạt hình “Monsters, Inc” (Tạm dịch: Công ty quái vật) của hãng phim Pixar Animation Studios, Hoa Kỳ. Khi cô bé Boo hai tuổi đặt tên cho con quái vật trong tủ quần áo là Kitty, nó đã trở nên ít đáng sợ hơn.
2. Thảo luận và phân tích nỗi sợ hãi
Hãy tự hỏi, liệu nỗi sợ hãi của bạn có hợp lý hay không. Bởi vì nhiều nỗi sợ hãi là phi lý, nên cách này có thể giúp nhận ra và đảo ngược những suy nghĩ về tình huống xấu nhất. Mặc dù những điều khiến mọi người lo sợ có xác suất xảy ra thấp, nhưng xác suất này không nhất định là bằng không. Vì vậy, bạn phải tìm cách chung sống hòa bình với những điều đáng sợ vẫn tồn tại trên thế giới này.
3. Đối mặt với nỗi sợ hãi một cách an toàn
Mọi người nên từ bỏ cách giải quyết không hữu ích như trốn tránh hiện thực. Thay vào đó, hãy từng bước đối mặt với những thứ mà bạn cảm thấy sợ hãi một cách an toàn. Ví dụ, nếu bạn sợ rắn, hãy bắt đầu bằng việc hình dung một con rắn, sau đó nhìn hình ảnh những con rắn, và cuối cùng đến sở thú để nhìn thấy rắn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp giúp thư giãn nhằm giảm bớt phản ứng sợ hãi về mặt tâm lý. Không dám đối mặt hoặc trốn tránh nỗi sợ hãi, thường sẽ làm cho nỗi sợ trở nên mạnh mẽ hơn, và khiến chứng sợ hãi trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Cuối cùng, chuyên gia Kurt Ela kết luận rằng, trải qua nỗi sợ hãi là điều tự nhiên và phù hợp với bản tính con người. Tuy nhiên, khi nỗi sợ trở nên quá mức hoặc cố định, thì nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và gây trở ngại cho việc tận hưởng cuộc sống, ví dụ như du lịch, gặp bác sĩ hoặc thậm chí là đi học.