Lạm phát của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 17 tháng, khiến các vụ phá sản doanh nghiệp tiếp tục gia tăng
Các vụ phá sản doanh nghiệp tăng trong 10 tháng liên tiếp
Trong những tháng gần đây, giá các mặt hàng thiết yếu tại Nhật Bản liên tục tăng do đồng yên Nhật suy yếu và tác động của giá tài nguyên tăng cao. Trong khi đó, số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng trong 10 tháng liên tiếp khi các công ty phải vật lộn với chi phí gia tăng.
Theo dữ liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố hôm 24/02, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này, vốn là 100 vào năm 2020, đã tăng lên 104.3 trong tháng Một. Con số này đã tăng trong 17 tháng liên tiếp.
Chỉ số tháng Một tăng 4.2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu tăng 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Xét về chủng loại, giá các mặt hàng thực phẩm có hạn sử dụng dài tăng 7.4% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng mức giá chung lên. Nikkei Asia đưa tin, giá dầu ăn tăng 31.7% so với cùng kỳ năm ngoái, sữa tăng 10% và các sản phẩm liên quan đến năng lượng tăng 14.6%.
Trò chuyện với The Epoch Times hôm 25/02, nhà bình luận chính trị Nhật Bản Kenichi Yasuda dự đoán rằng giá hàng hóa ở Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023. Ông Yasuda nói, giá của mọi thứ từ thực phẩm, hàng tạp hóa, thiết bị, và nhiên liệu cho đến ẩm thực bên ngoài và giải trí “đều đang tăng lên.”
Ngoài ra, chi phí lao động và hậu cần cũng đang tăng lên, ông nói. Lý do chính là sự gia tăng nhu cầu toàn cầu và giá nguyên liệu thô như nhiên liệu và tài nguyên tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, giá dầu tăng dẫn đến chi phí hậu cần và nguyên vật liệu đóng gói tăng.
Dữ liệu công khai cho thấy tỷ lệ lạm phát lõi của Nhật Bản – sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ, trừ thực phẩm và năng lượng – chỉ là 0.6 và 0.8% trong tháng Hai và tháng Ba năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát lõi của Nhật Bản đã tăng vọt lên 2.1% vào tháng Tư năm ngoái và vẫn tiếp tục tăng. Tỷ lệ này đạt 3.6% vào tháng Mười năm ngoái và tăng lên 4.2% vào tháng Một năm nay.
Ông Yasuda cho biết sự mất giá của đồng yên là một yếu tố nữa dẫn đến giá cả tăng cao.
Tỷ giá hối đoái trung bình của đồng dollar so với đồng yên là khoảng 1 USD đổi được 110 yên trước năm 2022. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, đồng yên dần suy yếu. Đến tháng Hai năm nay, tỷ giá hối đoái của đồng dollar so với đồng yên đã tăng lên, đạt khoảng 1 USD đổi được 136 yên.
Vì hầu hết nhiên liệu và nguyên liệu thô của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập cảng, đồng yên yếu sẽ làm tăng chi phí nhập cảng, dẫn đến giá các nhu yếu phẩm hàng ngày và nguyên liệu thô công nghiệp cao hơn.
Ông Yasuda tin rằng giá nhiên liệu tăng và sự sụt giá của đồng yên sẽ tiếp tục trong một thời gian, cho thấy rằng lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh.
Sự gia tăng của các vụ phá sản doanh nghiệp
Do bị ảnh hưởng bởi sự mất giá của đồng yên và chi phí sản xuất tăng cao, nên số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản cũng đang tăng lên.
Theo dữ liệu được công bố hôm 08/02 của Tokyo Shoko Research Ltd., một cơ quan báo cáo tín dụng, 570 vụ phá sản của công ty (những công ty có khoản nợ hơn 10 triệu yên, tương đương khoảng 74,000 USD) đã được báo cáo vào tháng Một, tăng 26,1% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong số đó, các công ty mất khả năng thanh toán với khoản nợ dưới 50 triệu yên (khoảng 370,000 USD) chiếm 60%. Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp số vụ phá sản doanh nghiệp tại Nhật Bản tăng cao. Trong khi đó, trong 4 tháng liên tiếp, tất cả các doanh nghiệp phá sản đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Số vụ phá sản trong ngành dịch vụ là lớn nhất, tiếp theo là ngành xây dựng, bán lẻ, và sản xuất. Trong số đó, ngành sản xuất có mức tăng đáng kể nhất: 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Yasuda cho biết mặc dù giá nguyên liệu thô tăng cao, nhưng chi phí gia tăng mà nhiều công ty gặp phải không được chuyển cho khách hàng. Do lo sợ rằng việc tăng giá có thể dẫn đến giảm doanh thu và mất khách hàng, các công ty đã cố gắng tăng giá ở mức thấp nhất có thể hoặc giữ nguyên giá với các phần nhỏ hơn một chút.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều công ty không đủ khả năng chi trả cho chi phí gia tăng và cuối cùng phải tăng giá sản phẩm của họ.
Bản tin có sự đóng góp của Sean Tseng
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times