Làm chủ cái tôi của bạn
Bản ngã phóng đại có thể ăn mòn ước mơ và thành công của bạn
Viện nguyên lão La Mã đã tổ chức buổi lễ khải hoàn cho một tướng lĩnh quân sự thắng trận, lễ ăn mừng đó bao gồm một cuộc diễn hành lớn gồm những người có địa vị, những tù nhân chiến tranh, các kho báu lấy được từ bên thua cuộc, các nhạc sĩ, và những nghệ sĩ giải trí khác. Vị tướng lĩnh kia ngồi bên trong và cưỡi một cỗ xe gần cuối đoàn diễu hành này. Đứng cạnh ông là một nô lệ, giữ một chiếc vương miện bằng vàng trên đầu người đàn ông vĩ đại ấy. Trong suốt cuộc diễu hành đó, người nô lệ này có nhiệm vụ liên tục thì thầm vào tai vị tướng những lời đại ý như sau: “Hãy nhớ rằng, mọi vinh quang đều là phù du.”
Ở Mỹ quốc vào thế kỷ 21, nhiều người trong chúng ta muốn nhảy lên cỗ xe đó và đội chiếc vương miện bằng vàng ấy. [Nhưng] điều mà một số người trong chúng ta không muốn là việc một số người thì thầm vào tai chúng ta những lời cảnh báo chẳng hạn như “cái tôi chính là kẻ thù.”
Trong cuốn sách của mình với nhan đề là lời cảnh báo thẳng thắn đó, tác giả Ryan Holiday viết: “Người ta phải đặt câu hỏi: nếu niềm tin của bạn vào bản thân không phụ thuộc vào thành tựu thực tế, thì niềm tin đó phụ thuộc vào điều gì? Câu trả lời là, thông thường khi chúng ta mới bắt đầu thì không có gì ngoài cái tôi. Và đây là lý do tại sao chúng ta thường thấy những sự phát triển nhanh chóng kéo theo sau là những sự trượt dốc tai hại.”
Mô thức này lặp đi lặp lại nhiều lần. Ví dụ như, gần đây, ông George Santos đã được bầu vào Quốc hội bằng việc nâng cao thành tích của ông thông qua những lời nói dối và những chuyện bịa đặt. Những thành tựu thực tế của ông rất ít và nhỏ nhoi, nổi bật nhất là những chuyện vặt vãnh, nhưng chúng ta có thể đoán được cái tôi của ông ấy có cùng kích cỡ với Đài tưởng niệm Washington. Vị thiên tài mã kim và tỷ phú Sam Bankman-Fried đã trở thành một chủ ngân hàng (a bank man), nhưng quả thật là đã khánh tận (fried). Đế chế tài chính tham nhũng của anh ta đã sụp đổ; anh ta bị mọi người xem thường như một kẻ phản diện; có thể những cú lừa của anh ta và sự khinh miệt mà anh ta thể hiện đối với các nhà đầu tư của mình được sinh ra từ một cái tôi phóng đại.
Như tác giả Holiday đã nêu ra hết lần này đến lần khác trong cuốn sách “Ego Is the Enemy” (Cái Tôi Chính Là Kẻ Thù), tất cả chúng ta đều có thể là những nạn nhân, thường là do vô ý của giọng nói vị kỷ đó trong tâm trí chúng ta. Khi thành công, chúng ta có thể phóng đại niềm kiêu hãnh, [và điều đó] thường gây bất lợi cho chúng ta — đặc biệt là nếu khái niệm về sự ngạo mạn này của người Hy Lạp cổ đại bắt đầu ứng nghiệm và sự thất bại sau đó khiến chúng ta nhận phải kết cục thảm hại. Và khi chúng ta gục ngã, cũng chính tiếng nói bên trong đó có thể chỉ trích chúng ta suốt cả ngày. Bằng cách này hay cách khác, cái tôi đang thao túng chúng ta thay vì ngược lại.
Về những người mà tác giả Holiday tìm hiểu mà đã kiểm soát được cái tôi và đạt được những mục tiêu của họ, ông nhận xét rằng: “Họ là những người vững vàng, thận trọng và thật lòng thật dạ. Không phải ai trong số họ cũng hoàn toàn không có tự ngã. Nhưng họ biết cách kìm nén nó, chuyển hóa nó, dung hòa nó khi cần thiết. Họ vĩ đại nhưng khiêm tốn.”
Tôi nhận ra rằng hai trong số những công cụ tốt nhất để tránh những cạm bẫy của sự tự cao tự đại là tầm nhìn và sự khiêm tốn. Tầm nhìn đòi hỏi khả năng đánh giá một tình huống đúng với bản chất của tình huống đó, thay vì đánh giá theo cách chúng ta mong muốn, đồng thời đánh giá những năng lực của chúng ta theo một cách khách quan nhất có thể. Liệu chúng ta có đủ kiến thức cần thiết để mở và vận hành tiệm bánh mà chúng ta hằng mơ ước không? Những kỹ năng và thành tựu thực tế nào mà chúng ta có thể mang đến cho công việc của mình với tư cách là một nhà trị liệu? Hãy cất đi cái tôi, và chúng ta có thể trả lời những câu hỏi như vậy với sự tự tin.
Sự khiêm tốn đi đôi với khả năng nhìn nhận [sự việc] vượt thoát khỏi [quan niệm] của bản thân, tuy nhiên phẩm chất tiên tha hậu ngã đó, vốn được xem là một đức tính tốt đẹp từ thời cổ đại, ngày nay lại trở nên thiếu vắng. Chúng ta chỉ cần nhìn vào ba vị tổng thống gần đây nhất để hiểu rằng điều này quả đúng là như vậy. Ông Barack Obama, ông Donald Trump, và ông Joe Biden đã mang những nét tính cách rất khác biệt đến Oval Office, nhưng không ai có thể nhìn nhận họ là hình mẫu của sự khiêm tốn.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times