Kỳ vọng lạm phát dài hạn đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm ở Hoa Kỳ
Theo Đại học Michigan, chỉ số kỳ vọng lạm phát trong 5 đến 30 năm đã đạt mức cao nhất trong 12 năm là 3.2%. Đồng thời, chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm xuống 63.5 so với mức cao trước đại dịch là 300. Tình hình người tiêu dùng ngày càng xấu đi là xu hướng rất rõ ràng.
Tuyên bố chính thức từ phía chính phủ là lạm phát đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng quên rằng giảm lạm phát từ 9.0% xuống 5.0% là một công việc tương đối dễ dàng. Đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang mới là thách thức.
Lạm phát là một loại thuế ẩn. Một chính phủ luôn cố gắng che giấu việc mất sức mua hoặc đổ lỗi cho bất cứ điều gì trừ chính họ, nhưng lý do duy nhất khiến hầu hết giá cả tăng cùng một lúc là in tiền nhiều hơn nhu cầu thực tế về tiền.
Theo Cục Thống kê Lao động, trong tháng Tư, Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ sau khi điều chỉnh theo mùa đã tăng 0.4%, và đã tăng 4.9% trong 12 tháng qua, đồng thời lạm phát căn bản đã tăng 0.4%, tăng 5.5% theo năm. Điều này có nghĩa là đồng USD đã mất sức mua 14% kể từ năm 2019 và 35% kể từ năm 2008.
Thất bại của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát là hiển nhiên. Chi tiêu của chính phủ hoàn toàn không giảm chút nào, và điều đó có nghĩa là một mức tiêu dùng lớn hơn đối với các đơn vị tiền tệ mới được tạo ra. Lãi suất tăng và nguồn cung tiền sụt giảm chỉ làm suy yếu khu vực tư nhân trong khi chính phủ tiếp tục chi tiêu cao hơn mức của năm 2019. Đó là lý do tại sao tuyên bố chính thức đang thay đổi, chuyển sang cố gắng khiến người dân chấp nhận mức lạm phát hàng năm là 3% thay vì 2%. Thông điệp là các con số này hầu như giống nhau, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Thay vào đó, điều này có nghĩa là một tốc độ nghèo đi nhanh hơn.
Nhiều chính trị gia cố gắng thuyết phục chúng ta rằng giờ đây chúng ta phải lựa chọn giữa lạm phát và tăng trưởng, nhưng đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan sai lầm. Lạm phát là sự nghèo đi đối với toàn dân số nói chung, và tất nhiên, sự nghèo đi này không có nghĩa là đi kèm với tăng trưởng. Trên thực tế, một hiện tượng có thể thấy rõ ở hầu hết các nền kinh tế phát triển là một tình trạng gần với lạm phát đình trệ.
GDP của Hoa Kỳ đã phục hồi được về mức trước đại dịch vào năm 2022. Tuy nhiên, nợ công tiếp tục tăng nhanh hơn GDP, và lạm phát lũy kế trong giai đoạn đó là 15%. Tình hình như vậy có thể chưa phải là lạm phát đình trệ về mặt kỹ thuật, nhưng đã tiến gần tới mức độ đó một cách đáng chú ý. Hoa Kỳ là một nền kinh tế năng động hơn so với hầu hết các quốc gia phát triển, vì vậy tình hình không nghiêm trọng như ở những quốc gia này, nơi mà chi tiêu của chính phủ hiện chiếm hơn 40% GDP.
Lạm phát là bằng chứng của sự mất cân bằng nguy hiểm làm cho tất cả mọi người nghèo hơn. Chính sự dư thừa thấy rõ về tiền tệ trong nền kinh tế đã tạo ra sự mất mát trên diện rộng về sức mua của tiền lương và tiền gửi tiết kiệm. Lạm phát là sự chuyển giao của cải từ các khu vực sản xuất và các gia đình sang cho chính phủ, bên duy nhất được hưởng lợi từ việc giá cả tăng cao do thu được nhiều thuế hơn và làm loãng bớt được một phần khoản nợ của mình. Tuy nhiên, nhà nước tham lam nghiện thâm hụt ngân sách này thậm chí còn không thể giảm tình trạng mất cân đối tài chính của mình thông qua lạm phát. Trong các thời kỳ lạm phát, nhà nước này thậm chí còn bắt tay vào chi tiêu nhiều hơn, giả định rằng các khoản thu thuế bất thường là vĩnh viễn, và thay vì giảm nợ, thì lại tiếp tục tăng nợ.
Những người bênh vực cho chủ nghĩa lạm phát để giảm nợ quên mất rằng bên gây lạm phát đầu tiên, chính phủ, luôn có động cơ để tăng sự mất cân đối tài chính ngay cả khi họ có số tiền thuế kỷ lục. Một chính phủ sử dụng tất cả các công cụ của cái gọi là chủ nghĩa Keynes luôn để lại một đống nợ nần và sự yếu kém kinh tế. Tất cả các gói “kích thích kinh tế” được sử dụng trong thời kỳ phục hồi đều tạo ra hiệu ứng boomerang và làm cho cuộc suy thoái không thể tránh khỏi trở nên càng tồi tệ hơn.
Tăng trưởng không đến từ nợ nần, chi tiêu công, hay lạm phát. Tăng trưởng đi kèm với tiết kiệm và đầu tư thận trọng.
Những gì chúng ta đang trải qua trong những ngày này là sự chiếm đoạt từ từ của cải do khu vực sản xuất tạo ra với mục tiêu duy nhất là việc gây lạm phát chi tiêu mang tính chính trị một cách ồ ạt thông qua chiến lược bòn rút và tịch thu. Lạm phát đồng nghĩa với cướp bóc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times