Kỹ năng viết tay Hán tự bị xói mòn giữa sự thống trị của kỹ thuật số
Hôm 13/10, các sinh viên đã tham gia một vòng sơ khảo của cuộc thi viết chính tả Hán tự tại một trường đại học ở Vũ Hán, trong đó một sinh viên năm nhất chỉ đạt được 2/100 điểm và tự gọi đùa mình là sinh viên đại học “mù chữ.”
Trong quá trình làm bài thi, sinh viên chỉ được biết với cái tên là Liu này, gặp khó khăn trong việc viết tay các ký tự chữ Hán và phải viện đến cách dùng các từ đồng âm vv…, tức là những từ có âm thanh giống nhau nhưng có ý nghĩa khác nhau.
Trong một video clip trên Weibo, sinh viên Liu cho biết anh là một sinh viên chuyên ngành nghệ thuật nhưng hiếm khi viết tay, và anh đã không chuẩn bị trước cho kỳ thi do được thông báo muộn. Anh cho biết anh nhận ra từng từ nhưng gặp khó khăn khi viết chúng bằng tay, thay vào đó phải dùng đến cách viết từ đồng âm.
Anh cho biết trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, khi mà những chiếc điện thoại di động và máy điện toán đang thống trị, thì hiện tượng kỹ năng viết tay suy giảm ngày càng trở nên phổ biến. Anh khuyên mọi người nên tập viết bằng tay nhiều hơn để tránh rơi vào tình cảnh tương tự.
Tầm quan trọng của văn hóa
Một số học giả cho rằng Hán ngữ là ngôn ngữ thần truyền, và xu hướng thay thế các ký tự bằng từ đồng âm có nguy cơ làm mất đi ý nghĩa văn hóa được ép nhập vào ngôn ngữ viết.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, giáo viên đã về hưu Lin Zhe (bí danh) đến từ Thượng Hải đã nhấn mạnh giá trị văn hóa uyên thâm của Hán tự.
Ông cho biết: “Hán ngữ gói gọn tinh hoa của 5,000 năm văn minh, từ hình thái và cách phát âm cho đến các thành ngữ và những hàm ý bắt nguồn từ các ký tự.”
“Hán tự là kho tàng lưu trữ ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Văn hóa Trung Quốc về bản chất gắn liền với các Hán tự, vốn đóng vai trò là nền tảng truyền tải nền văn minh Trung Quốc qua hàng ngàn năm. Truyền thống tồn tại là có lý do và cần phải được bảo tồn. Dù là có những tiến bộ về công nghệ, thì một số truyền thống vẫn không thể thay đổi.”
Liên quan đến vấn đề “quên cách viết chữ,” một cuộc khảo sát do Mạng lưới Phổ biến Khoa học Thượng Hải thực hiện ở 12 thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, cho thấy 94.1% số người được hỏi đã trải qua tình huống khó khăn này.
Nguyên nhân chính là do sự phụ thuộc quá nhiều vào Internet, với việc bàn phím thay thế chữ viết tay và giao tiếp hướng tới sự đơn giản và hời hợt. Nhiều người chọn những chữ có cách phát âm tương tự để thay thế khi họ không thể nhớ cách viết một chữ nào đó.
Tiến sĩ Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Quốc gia Thủ đô hiện đang cư trú tại Úc, nói với The Epoch Times về tác động của điện thoại di động và máy điện toán.
Tiến sĩ Lý cho biết: “Trong thế giới ngày nay, điện thoại di động và máy điện toán đã trở thành những công cụ chính để giao tiếp bằng văn bản, khiến hoạt động viết tay truyền thống gần như lỗi thời.”
Tiến sĩ Lý nói: “Hình ảnh theo truyền thống kết nối các ký tự với ý nghĩa của chúng dần dần biến mất, dẫn đến tình trạng lãng quên trên diện rộng. Điều này gây ra một mối đe dọa đáng kể đối với văn hóa truyền thống. Các Hán tự, với ý nghĩa văn hóa phong phú, là ngôn ngữ mà thần truyền thụ.”
“Đây là lần thứ hai Hán tự có nguy cơ bị hủy hoại. Lần đầu tiên xảy ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra cái gọi là chữ giản thể, làm thay đổi đáng kể hình dạng các chữ bằng cách đơn giản hóa các nét, nguyên lý cơ bản, và thành phần chữ. Điều này dẫn đến việc mất đi bản chất của chữ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times