Ký giả Matt Taibbi: Tài liệu của người tố cáo phơi bày các chiến thuật chính của tổ hợp công nghiệp kiểm duyệt
Những guồng máy vốn được xây dựng để chống lại hoạt động trực tuyến của các nhóm như Al-Qaeda và ISIS giờ đây lại hướng mũi nhọn vào người dân trong nước.
Ký giả độc lập Matt Taibbi cho biết các tài liệu do người tố cáo cung cấp gần đây tiết lộ các chiến thuật tấn công được chính phủ và các tổ chức bên ngoài sử dụng nhằm chống lại và ngăn chặn việc lan truyền những thông tin không mong muốn.
Mới đây, ông Taibbi cùng hai ký giả Michael Shellenberger và Alex Gutentag đã tiết lộ một bộ tài liệu mới từ Liên đoàn Tình báo về Mối đe dọa trên Không gian mạng (CTIL), một nhóm “chống thông tin sai lệch” đã tiến hành một hoạt động thông tin tấn công nhắm vào công chúng.
Ông Taibbi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (Các nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV rằng các tài liệu mới này, được gọi là “hồ sơ CTI,” đã phân tích các chiến thuật được sử dụng để chống lại các nhóm khủng bố ngoại quốc, chẳng hạn như Al-Qaeda và ISIS, nhưng giờ đây có thể được áp dụng trong nước để ngăn chặn việc công bố những thông tin không mong muốn.
Ký giả này cho biết, hồ sơ CTI gọi những chiến thuật này bằng một thuật ngữ trong quân sự đó là “left of boom action” (hành động trước khi bom nổ, ý muốn nói hoạt động thu thập thông tin trước khi hiểm họa xảy ra) và biện minh cho việc sử dụng những chiến thuật này bằng mối nguy hiểm do một người nào đó như cựu Tổng thống Donald Trump gây ra.
Ông Taibbi trước đó đã điều tra và tiết lộ một số phần trong “Hồ sơ Twitter” sau khi tỷ phú công nghệ Elon Musk mua lại Twitter hồi tháng 10/2022 và cho phép ông Taibbi cùng các ký giả được chỉ định khác truy vấn các hồ sơ nội bộ của công ty.
Hồ sơ Twitter cho thấy Twitter, một nền tảng truyền thông xã hội lớn dành cho phát ngôn chính trị, đã được kết hợp với tổ hợp công nghiệp kiểm duyệt như thế nào để đàn áp hoặc xóa nội dung dưới áp lực của chính phủ về các chủ đề khác nhau, bao gồm cả những bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020, các vấn đề bỏ phiếu qua thư, và nhiều khía cạnh về đại dịch COVID-19.
Bộ máy kiểm duyệt của chính phủ hợp tác với giới học viện, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức nghiên cứu tư nhân thường được gọi là “tổ hợp công nghiệp kiểm duyệt.”
Các chiến thuật phủ đầu
Ông Taibbi cho biết, CTIL được xem như một tổ chức tình nguyện với mục tiêu xác định thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch COVID-19, nhưng “trên thực tế, như quý vị đã xem xét sâu thêm — về cơ bản họ quan tâm đến bất kỳ chủ đề nào.”
CTIL đã mô tả các mục tiêu chính trên trang web của mình, bao gồm bảo vệ ngành y tế và các tổ chức cứu người trên toàn thế giới khỏi các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa mạng — chủ yếu liên quan đến đại dịch COVID-19 — và giúp những tổ chức này vững chãi hơn trước thông tin sai lệch.
Ông Taibbi cho biết, mặc dù các Hồ sơ Twitter tiết lộ rằng Twitter đã sử dụng các chiến thuật phòng thủ để kiểm soát thông tin được đăng trên nền tảng của mình, chẳng hạn như kiểm duyệt và khử khuếch đại, nhưng hồ sơ CTI cho thấy tổ chức này đã sử dụng các chiến thuật tấn công như dùng số điện thoại giả, tạo các trương mục có danh tính giả, và xâm nhập vào các nhóm.
Ông nói thêm rằng hồ sơ CTI cũng tiết lộ “một loại sổ tay hướng dẫn về cách tạo danh tính giả trên mạng.”
Ông Taibbi giải thích, các chiến thuật khác được mô tả trong tài liệu CTI bao gồm việc gây áp lực tài chính lên các nhóm không được ưa thích thông qua yêu cầu cắt dịch vụ ngân hàng của họ hoặc thậm chí trực tiếp đến các cửa hàng dịch vụ để cố gắng ngăn những cửa hàng này bán [dịch vụ] đường truyền [cho các nhóm đó].
Ông nói rằng những chiến thuật như vậy là “hoạt động thông tin tấn công.”
Đi từ ‘chống khủng bố đến chống chủ nghĩa dân túy’
Trong một bài báo trên Substack, ông Taibbi viết rằng hồ sơ CTI đã tiết lộ rằng vào năm 2019, “Các nhà thầu quân sự và tình báo của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, dưới sự dẫn dắt của bà Sara-Jayne ‘SJ’ Terp, từng là nhà nghiên cứu về quốc phòng của Vương quốc Anh, đã phát triển khuôn khổ kiểm duyệt sâu rộng. Các nhà thầu này cũng lãnh đạo CTIL.”
Theo báo cáo ra mắt của CTI, được thành lập chính thức hồi tháng 03/2020, CTIL đã mở rộng với hơn 1,400 tình nguyện viên từ gần 80 quốc gia.
Giám đốc CISA đương thời đã thông báo trên Twitter rằng, hồi tháng 04/2020, CTIL đã hợp tác với Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng Hoa Kỳ (CISA) để ngăn chặn hoạt động mạng độc hại liên quan đến COVID-19.
Ông Taibbi cho rằng sự xuất hiện đột ngột của “tất cả các nhóm chống thông tin sai lệch” này, cả trong chính phủ và xã hội dân sự, không phải là ngẫu nhiên. Ông tin rằng sự xuất hiện của những nhóm này trùng hợp với sự phát triển của Internet và lực lượng dân chủ hóa to lớn trên thế giới, vốn đã tạo ra “đủ loại năng lượng chính trị” không thể kiểm soát được và làm dấy lên phong trào Chiếm Wall Street, Tea Party, và Mùa xuân Ả Rập.
Theo ông Taibbi, trong năm 2015 và năm 2016, cơ quan an ninh quốc gia cho rằng một loạt sự kiện diễn ra là rất đáng lo ngại, như Brexit, việc ông Donald Trump đắc cử, chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Bernie Sanders, và việc ông Jeremy Corbyn lên nắm giữ vị trí lãnh đạo Đảng Lao Động ở Vương quốc Anh.
Cả ông Corbyn và ông Sanders đều là những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy cánh tả, được các cử tri trẻ yêu thích.
Ông Taibbi giải thích, đối với cơ quan an ninh quốc gia, tất cả những sự kiện này đều là “mối đe dọa bất hợp pháp cùng loại … mà họ đã phải đối phó ở hải ngoại,” vì vậy cơ quan này đã hướng các nỗ lực của mình từ chống khủng bố sang chống chủ nghĩa dân túy.
Những guồng máy này đã được xây dựng để chống lại hoạt động trực tuyến ở hải ngoại có hiệu quả trong việc chống lại các nhóm như Al-Qaeda và ISIS, nhưng một khi guồng máy to lớn đó hướng vào bên trong để chống lại chính người dân trong nước, thì nó sẽ hoạt động mà không có sự giám sát về mặt pháp lý và “điều đó tạo ra đủ loại vấn đề khá là kinh khủng.”
máy đó thậm chí không tuân theo những điều được nêu trong Tu chính án thứ Nhất.”
Cuộc cạnh tranh trong giới truyền thông và nỗ lực chung
Ông Taibbi cho biết, các tài liệu đào tạo có trong hồ sơ CTI dành cho những người đang nghĩ đến việc xem xét ngôn luận trong nước có một câu trích dẫn của các tham mưu trưởng liên quân, “nói về cách quý vị phải sử dụng một số chiến thuật nhất định để đánh bại kẻ thù của mình.” Ông nói thêm, do đó, các học viên đã học cách xem những người Mỹ khác như kẻ thù.
Ông nhấn mạnh rằng đây là suy nghĩ của những người bên trong giới quyền uy chính trị ở phương Tây, có thể được xem là “một kiểu liên minh lỏng lẻo của các tổ chức” như các nền tảng truyền thông, chính phủ, và các tổ chức xã hội dân sự.
Ông dẫn lời ông Luke Harding, một ký giả của The Guardian, người đã mô tả sự hình thành như vậy là “nỗ lực chung” trong bài viết của ông đánh giá một quyển sách về Bellingcat, một nền tảng cho các cuộc điều tra trực tuyến.
Ông Harding viết như sau: Tác giả cuốn sách tin rằng “sự cạnh tranh giữa các tiêu đề trong ngành truyền thông đã là chuyện dĩ vãng. Tương lai sẽ là sự hợp tác, sẽ có một nỗ lực chung để tìm kiếm bằng chứng, sự thật sẽ lộ ra nếu chúng ta muốn khám phá.”
Tuy nhiên, ông Taibbi lập luận rằng những vị Tổ phụ Lập quốc của Mỹ “đã hình dung báo chí là một lĩnh vực đối nghịch, xét theo bản chất của ngành này.” Ông giải thích, khái niệm về nỗ lực chung hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các Tổ phụ Lập quốc.
Người Mỹ xem “sự xung đột giữa các tổ chức và sự xung đột về ý tưởng là một điều tốt,” ký giả này cho biết.
“Tất cả chúng ta đều suy nghĩ khác nhau, chúng ta sống khác nhau, chúng ta có đức tin khác nhau, nhưng cuối cùng, chúng ta đã cùng nhau đến được một nơi tốt đẹp. Hệ thống đó đã hoạt động vô cùng hiệu quả ở Mỹ trong hàng trăm năm.”
Ông Taibbi tuyên bố, “Việc thay thế khái niệm này bằng ý tưởng khác, kiểu như một nỗ lực chung, “về bản chất là độc tài và cuối cùng là phản dân chủ. Và điều đó bắt đầu với [lĩnh vực] ngôn luận.”
“Có một lý do mà [tự do] ngôn luận là quyền được bảo đảm đầu tiên trong Hiến Pháp. Bởi vì không có [quyền tự do] ngôn luận thì không một quyền nào khác thực sự có tác dụng.”
Thông tin độc hại
Ông Taibbi cho biết, một sự thay đổi khác trong chính sách thông tin là đánh giá thông tin “theo vai trò của thông tin trong lối đưa tin, trái ngược với việc thông tin đó đúng hay sai.”
Ông nói, đó là một khái niệm mới được định nghĩa là tin giả (disinformation), ví dụ như bất cứ điều gì thúc đẩy người ta do dự chích vaccine COVID-19.
Ông giải thích, “Một câu chuyện có thật về một người nào đó qua đời vì bệnh viêm cơ tim sau khi chích vaccine” có thể được xem là một dạng tin giả, ngay cả khi người đó có thể ủng hộ vaccine, vì thông tin này có thể khiến những người khác không chích vaccine.
“Đó là cái mà họ gọi là thông tin độc hại (malinformation),” ông nói.
CISA định nghĩa thông tin độc hại là thông tin “dựa trên thực tế, nhưng được sử dụng ngoài ngữ cảnh để đánh lừa, gây tổn hại, hoặc thao túng [người khác].”
Ông Taibbi nêu lên Dự án Virality tại Đại học Stanford. Dự án này đề nghị giải quyết vấn đề do dự chích vaccine COVID-19 bằng cách trấn áp hoặc phổ biến thông tin nhằm định hình dư luận.
Hồi tháng 02/2022, Dự án Virality đã phát hành một báo cáo “với những hiểu biết sâu sắc độc đáo từ việc giám sát theo thời gian thực đối với các luận điệu chống vaccine trên các nền tảng truyền thông xã hội.”
Báo cáo đề nghị hai cách tiếp cận để các nền tảng truyền thông xã hội tăng cường nội dung có thẩm quyền được ưa thích: “thứ nhất, nâng cao tiếng nói có thẩm quyền bằng cách hiển thị những ngôn luận này nhiều hơn trong kết quả tìm kiếm hoặc trên các băng chuyền thông tin (carousel) hoặc tab thông tin; và thứ hai, loại bỏ những người liên tục truyền bá tin giả và thông tin gây hiểu lầm ra khỏi nền tảng.”
Ví dụ, Pinterest “chỉ hiển thị nội dung từ các tổ chức y tế công cộng hàng đầu như CDC và WHO,” báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, Twitter đã loại bỏ cựu Tổng thống Trump ra khỏi nền tảng sau cuộc bầu cử năm 2020 cùng với 70,000 trương mục khác như là “các nguồn tin có hại.”
Báo cáo cho biết Facebook đã xóa các trương mục Instagram thuộc về chương trình trò chuyện “HighWire” của ông Robert F. Kennedy Jr. và ông Del Bigtree sau khi họ bày tỏ quan điểm chỉ trích vaccine COVID-19. Theo báo cáo, hai nhân vật này lần lượt có 799,000 và 162,000 người theo dõi.
Ông Kennedy là người sáng lập Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em và vào thời điểm đó, ông giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị kiêm trưởng cố vấn pháp lý của tổ chức này.
Ông Bigtree là một nhà làm phim, ký giả y tế điều tra, và người chủ trì chương trình trò chuyện “The HighWire.”
Ông Taibbi cho biết, công việc của một ký giả truyền thống là phân biệt điều gì là đúng và điều gì không đúng, đồng thời cho biết thêm rằng ông được đào tạo để trở thành một ký giả chân chính.
“Một khi điều đó là sự thật, chúng tôi sẽ công bố điều đó và sau đó quý vị sẽ quyết định phải làm gì với thông tin đó.”
Tuy nhiên, cách tiếp cận mới là tập trung vào “động cơ, mục đích, và tác động có thể xảy ra, trái ngược với sự tách biệt đúng/sai,” ông Taibbi nói. Vấn đề về tính chân thực đã trở thành thứ yếu.