Kỳ 12: Long tộc thời Trần – Cuộc Nam chinh huyền thoại
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.Là một triều đại thịnh trị bậc nhất cổ kim với các vị vua hiền minh tín Phật, nên không khó hiểu khi các thành viên Long tộc lại hiện diện thường xuyên nhất trong thời đại này.
Kỳ 10: Long tộc – long mạch thời Trần
Kỳ 11: Long tộc thời Trần – Truyền kỳ về những vị vua đắc Đạo
Kế nối di sản và tầm nhìn định ra từ thời Đinh Lê xuyên suốt thời Lý, triều Trần tiếp tục khai mở con đường sống còn duy nhất của dân tộc ta, con đường Nam tiến.
Tiếp tục con đường Nam tiến của ông cha, chiến tranh với Chăm Pa
Kế thừa ý chí truyền lại từ các đời Lê Lý, nhà Trần với năng lực quân sự đặc biệt hùng mạnh của mình dĩ nhiên cũng sẽ tiếp tục con đường Nam tiến. Đặc biệt là Chăm Pa từ khi nhà Lý suy yếu thì càng trở nên hung hăng và hay cướp phá nước ta.
“Nhâm Tý, Nguyên Phong năm thứ 2 [1252]. Mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ.
Chiêm Thành từ khi nhà Lý suy yếu, thường đem thuyền nhẹ đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có thường sang cống, nhưng lại đòi xin lại đất cũ, và có ý dòm ngó [nước ta]. Vua giận, nên có việc thân chinh này.
Mùa đông, tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Nhưng sau cuộc chiến bên trên thì thời gian sau đó quan hệ Đại Việt và Chăm Pa khá nồng ấm. Vì thời đó cả Chăm Pa và Trần đều có kẻ thù chung là quân Nguyên Mông, tình thế đó làm cho 2 nước phải chân thành hợp tác với nhau nếu không muốn bị diệt.
Trong các đời vua Trần từ Thái Tông cho đến Anh Tông, quan hệ của Việt Chăm vẫn là hòa hoãn tốt đẹp. Đặc biệt với uy tín của một người tu hành đắc Đạo, vua Trần Nhân Tông đã thành công đem về 2 châu Ô và Lý của Chăm Pa chỉ qua cuộc hôn nhân của vua Chăm với Huyền Trân công chúa. Tuy nhiên sau thời đó thì nhiều cuộc chiến tranh giữa 2 nước bắt đầu bùng phát do nhà Trần bí mật cướp công chúa Huyền Trân về vì sợ nàng bị hỏa thiêu cùng vua Chăm vừa băng hà.
“Đinh Mùi, [Hưng Long] năm thứ 15 [1307], (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.
Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý [của nhà vua] chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về.
Tháng 3, ngày 17, giờ Tỵ, mặt trời có hai quầng, như hình hai cầu vòng giao nhau.
Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành Chế Mân chết.
Thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng.
Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]:
“Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh [23a] hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.
Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền cướp lấy công chúa đem về.
Cuộc chiến Nam chinh khốc liệt và dai dẳng
Thời Trần Anh Tông là thời hùng mạnh của nhà Trần sau binh uy đánh thắng Nguyên Mông, các cuộc tấn công Chăm Pa đều thắng rất dễ dàng và triệt để.
“Tân Hợi, [Hưng Long] năm thứ 19 [1311] Mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc.Nhâm Tý, [Hưng Long] năm thứ 20 [1312] Mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong em hắn là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy.
“Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], Sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc. Quân giặc thuachạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước Quan nội hầu, ban cho phi ngư phù và cho con ông làm quan”
“Nhâm Thìn, [Thiệu Phong] năm thứ 12, [1352], (Nguyên Chí Chính năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 3, Chế Mỗ người Chiêm Thành chạy sang ta, dâng voi trắng, ngựa trắng, mỗi thứ một con, một con kiến lớn (dài 1 thước 9 tấc) và các cống vật xin đánh Trà Hòa Bố Để mà lập y làm quốc vương. Triều đình nghe lời Chế Mỗ, cử binh đưa Chế Mỗ về nước, nhưng không thành công. Chế Mỗ ở lại nước ta, không bao lâu rồi chết” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Nhưng thời thế trong thiên hạ có thịnh ắt có suy, nhà Trần đã từng đánh bại quân Nguyên Mông, binh uy lừng lẫy khắp khu vực là thế, nhưng đến lúc suy vi (từ sau thời Minh Tông) thì cũng không thể tránh được việc thất bại trong cuộc chiến với Chiêm Thành.
Trong giai đoạn từ khoảng năm 1367 đến 1390 là 20 năm giai đoạn chiến tranh Việt Chăm diễn ra thường xuyên và rất khốc liệt. Cả hai phía đều tổn thất rất lớn. Phía Việt từng bị giặc đánh tận kinh đô, từng có 1 vua chết trận trên đất Chăm (Trần Duệ Tông). Tuy nhiên sau khi vua Chăm hùng mạnh nhất lịch sử là Chế Bồng Nga chết trận, thì nước Chăm Pa đã rơi vào thế suy bại không thể tránh khỏi trong cuộc chiến với người Việt, dần dần thất bại cho đến khi bị thôn tính hoàn toàn vào thời Nguyễn.Khởi đầu là Chăm Pa bắt đầu quấy nhiễu biên giới Đại Việt và cho sứ qua đòi đất đã mất trước đó. Quân ta cũng tiến đánh Chăm Pa nhưng thất bại quay về, có tướng quân tử trận.
“Ất Tỵ, [Đại Trị] năm thứ 8[ 1365], . Mùa xuân, tháng giêng, người Chiêm Thành cướp dân đi chơi xuân của Hóa Châu.
Đinh Mùi, [Đại Trị] năm thứ 10 [1367]. Mùa đông, tháng 12, lấy Minh tự Trần Thế Hưng làm Thống quân hành khiển đồng tri thượng thư tả ty sự, Đỗ Tử Bình làm phó, đi đánh Chiêm Thành
Mậu Thân, [Đại Trị] năm thứ 11[ 1368]Tháng 2, Chiêm Thành sa Mục Bà Ma sang đòi lại đất biên giới Hóa Châu.
Mùa hạ, tháng 4, Trần Thế Hưng đến Chiêm Động. Người Chiêm phục quân đánh trộm, quân ta tan vỡ. Thế Hưng bị giặc bắt, Tử Bình đem quân trở về.”(Đại Việt sử ký toàn thư)
Nhà Trần suy yếu, vị vua duy nhất chết trong trận giặc
Kể từ sau đời Minh Tông, do vua quan cai trị kém nên quân lực nhà Trần dần dần suy yếu, không thể duy trì chiến thắng trước Chăm Pa. Do đó quân Chăm Pa có lúc thừa thế đánh tận kinh đô, vua Trần phải lánh sang chỗ khác.
“Tân Hợi, [Thiệu Khánh] năm thứ 2 [1371] tháng 3 nhuận, Chiêm Thành vào cướp, từ cửa biển Đại An, tiến thẳng đến kinh sư. Du binh [của giặc] đến bến Thái Tổ (nay là Phục Cổ). Vua đi thuyền sang Đông Ngàn lánh chúng.
Ngày 27, giặc ùa vào thành, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái , ngọc lụa đem về.
Chiêm Thành sở dĩ sang cướp là vì mạ Nhật Lễ chạy trốn sang nước ấy, xúi giục chúng vào cướp để báo thù cho Nhật Lễ. Bấy giờ thái bình đã lâu ngày, thành quách biên cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không. Nhà nước từ đó sinh ra nhiều chuyện.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Vua Trần Duệ Tông sau đó đã đích thân dẫn đại quân đánh sang Chăm báo thù. Nhưng thời thế không thuộc về Đại Việt, cầm quân Chăm Pa là vị vua nổi tiếng thao lược Chế Bồng Nga, Trần Duệ Tông trẻ người non dạ không phải đối thủ. Vì thế nên quân Việt lại rước phải thảm bại và lần đầu tiên trong lịch sử có 1 vị vua Việt chết trận trên đất khách.
“Quý Sửu, [Long Khánh] năm thứ 1 [1373], Mùa thu, tháng 8, định việc bổ sung quân ngũ, đóng sửa thuyền chiến để chuẩn bị đánh Chiêm Thành
Bính Thìn, [Long Khánh] năm thứ 4 [1376], Tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư. Đến bến sôngxã Bát, có người làng làm lễ đám ma, vua truyền phạt 30 quan tiền. Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân.
Trước đây, chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên [vua]. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ quan quân đến cửa biển Di Luân, các quân vượt biển mà tiến. Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ, mentheo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệđóng quân lại, luyện tập trong một tháng. Người Tân Bình, Thuận Hóa bắt được người Chiêm trốn sang, đem đến dâng nộp
Đinh Tỵ, [Long Khánh] năm thứ 5 [1377], (từ tháng 5 trở đi là Phế Đế năm Xương Phù thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thi Nạicủa Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, đóng ở động Mang.
Bồng Nga dựng trại bên ngoại thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn lại thành không, nên tiến quân gấp, đừng để lỡ cơ hội.
Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân.
Đại tướng Đỗ Lễ can rằng:
“Nó đã chịu hàng, là muốn bảo toàn đất nước làm đầu. Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc bất đắc dĩ. Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói:
“Lòng giặc khó lường”. Thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại”.
Vua nói:
“Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp cho ta đó. Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân nói: “Dùng binh quý thần tốc”. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà”.
Rồi sai lấy áo đàn bà mặc cho Lễ. Quân lính bèn nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ, quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết. Bọn đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả. Giặc bắt sống được Ngự Câu vương, đem con gái gả cho. Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không đến cứu nên thoát chết.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Trải hơn nghìn năm độc lập, đến nay hậu thế vẫn không thôi cảm thán trước thành tựu vĩ đại về văn trị và võ công của nhà Trần. Chưa từng có một triều đại nào mà danh vọng nước ta ở mức gần như ngang vai với các vua Trung Quốc về đối ngoại và binh uy mạnh nhất thế giới của Nguyên Mông cũng chùn bước nơi Đại Việt.
Quan trọng hơn là sự hùng mạnh đó kéo dài liên tục năm đời vua mới suy, điều chưa từng thấy trước và sau đó. Ấy là do người nhà Trần giỏi hơn các triều đại khác chăng? Hay bởi nhà Trần có điều gì đặc biệt hơn chăng? Có câu “tu thân tề gia” thì mới “bình thiên hạ”. Năm đời vua đó đều là những người tu hành đắc Đạo, công đức to lớn của họ đã đem đến phúc trạch cho quốc gia. Chỉ cần 1 đời vua không tu thân thì liền khốn đốn nơi Chăm Pa, quả là bài học đáng suy ngẫm vậy.
Đông Phong
(Còn nữa)