Kinh tế Trung Quốc suy thoái dẫn đến sa thải hàng loạt và nhân viên biểu tình
Theo dữ liệu chính thức, trong quý 3, Trung Quốc chứng kiến thâm hụt 11.8 tỷ USD đầu tư ngoại quốc; mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi có dữ liệu.
Xu hướng suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã dẫn đến việc một số lượng lớn các công ty phải đóng cửa và sa thải nhân viên. Các cuộc biểu tình quy mô lớn của người đi làm do bị sa thải đột ngột mà không được đền bù thỏa đáng đã diễn ra ở Trung Quốc.
Đầu tư ngoại quốc đang rời khỏi Trung Quốc với tốc độ tăng vọt. Trong quý 3 năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến mức thâm hụt 11.8 tỷ USD vốn đầu tư ngoại quốc theo số liệu chính thức của chính quyền nước này. Đây là mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi có dữ liệu. Suy thoái kinh tế của đất nước được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tháo vốn.
Xu hướng này đã khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dẫn đến việc sa thải hàng loạt công nhân Trung Quốc.
Lời khẩn cầu của những người đi làm
Kể từ ngày 30/11, hàng ngàn công nhân ở Dương Châu, Giang Tô, đã biểu tình và yêu cầu bồi thường hợp lý cho việc công ty của họ, Công ty TNHH Giày Dương Châu Bảo Ức (Yangzhou Baoyi Footwear Ltd), đình chỉ sản xuất đột ngột và chấm dứt hợp đồng.
Ông Vương Kỳ (Wang Qi, bí danh), một nhân viên kỳ cựu của công ty trong hơn mười năm, nói với The Epoch Time hôm 06/12 rằng nhà máy đã bất ngờ thông báo hôm 29/11 rằng do ảnh hưởng của môi trường quốc tế (dịch bệnh, chiến tranh Nga-Ukraine, thuế xuất nhập cảng, chi phí lao động, lãi suất USD tăng), công ty sẽ đóng cửa hôm 31/12 và sẽ chấm dứt hợp đồng với nhân viên. Các công nhân đã không chấp nhận điều này và đình công để phản đối hành động đóng cửa của công ty.
Ông Vương nói: “Hơn 1,000 người đã đình công. Nếu họ tuân thủ luật pháp, thì lẽ ra công nhân đã không đi biểu tình, nhưng bây giờ chúng tôi không còn cách nào khác là phải đình công.”
Theo ông Vương, nhà máy sản xuất đã bắt đầu chuẩn bị cho việc di dời và ngừng sản xuất ngay từ năm ngoái. Kể từ năm ngoái, công ty đã cắt giảm dây chuyền sản xuất và giảm lương cho nhân viên. Công ty đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Indonesia.
Ông Vương hiện đang bi quan về tương lai vì những công nhân ở độ tuổi 40, 50 như ông sẽ rất khó để tìm một công việc khác sau khi bị sa thải. Một nhân viên khác của công ty đã có thâm niên 15 năm cũng nói với The Epoch Times rằng các công nhân chỉ đơn giản là đang khẩn cầu được trả lương thôi việc hợp lý mà thôi.
Công ty TNHH Giày Dương Châu Bảo Ức đi vào sản xuất năm 2007, với khoản đầu tư 49.8 triệu USD từ Tập đoàn Bảo Thành (Pou Chen) của Đài Loan trong giai đoạn đầu và vốn ghi danh là 32 triệu USD, với 15 dây chuyền sản xuất và từng có hơn 3,200 nhân viên. Hiện tại, chỉ còn lại 1,500 nhân viên. Tính đến ngày 08/12, các cuộc đình công và đàm phán vẫn đang tiếp diễn khi tập đoàn Đài Loan này tìm cách rút lui khỏi Trung Quốc.
Kiểm duyệt và tham nhũng
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc đang sa thải nhân viên, đóng cửa hoạt động, chuyển địa điểm, hoặc tạm ngừng sản xuất, khiến hàng loạt vấn đề nảy sinh như thất nghiệp, nợ lương, và đền bù không thỏa đáng, gây ra làn sóng biểu tình trên khắp cả nước. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân rất khó lan truyền thông điệp biểu tình trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc.
Chỉ trong hai tháng qua, đã có hàng chục cuộc biểu tình và đình công trên khắp Trung Quốc liên quan đến việc thiếu trợ cấp thôi việc, sa thải đột ngột, và di dời các nhà máy sản xuất sang quốc gia khác.
Bản tin Lao động Trung Quốc (China Labor Bulletin) cho biết, trong nửa đầu năm nay, số vụ đình công và biểu tình của công nhân ở Trung Quốc đã lên tới 741 trường hợp, gần bằng con số của cả năm 2022 là 830 trường hợp. Các cuộc biểu tình đã diễn ra trên nhiều ngành nghề, từ lĩnh vực sản xuất đến các ngành xây dựng, khai khoáng, vận tải, và dịch vụ.
Những cuộc biểu tình như vậy bị ĐCSTQ xem là mối đe dọa đối với sự chuyên quyền của họ.
Nhà hoạt động dân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, Trần Quang Thành, từng nói với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng: “Điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất là tính chính danh của họ sẽ bị phơi bày.” ĐCSTQ sử dụng một hệ thống cơ quan chính quyền phức tạp để giám sát người dân và dập tắt mọi hình thức bất mãn chính trị. Bất kỳ hình thức phản kháng nào đều được coi là đe dọa sự ổn định của nhà cầm quyền này.
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói với The Epoch Times hôm 07/12 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, với các công ty ngoại quốc đang chuyển sang các nước khác và các công ty của chính Trung Quốc di dời sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, luật chống gián điệp của ĐCSTQ đe dọa bắt giữ người ngoại quốc dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý mơ hồ đã khiến nhiều công ty ngoại quốc rời khỏi Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times