Nhiều công ty niêm yết của Trung Quốc bị trừng phạt vì gian lận tài chính
Trong bối cảnh Trung Quốc trải qua khủng hoảng kinh tế và tài chính, một sự thay đổi lãnh đạo đáng chú ý đã xảy ra tại Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Sau sự thay đổi này, nhiều công ty niêm yết đã bị giám sát chặt chẽ và phải đối diện với các hình phạt từ CSRC do sai phạm về tài chính và các vi phạm khác. Trong số này, Công ty Hàng không vũ trụ Thiểm Tây (Shaanxi Aerospace Power) nổi bật với việc thổi phồng doanh thu thêm 3.8 tỷ nhân dân tệ (525 triệu USD) trong năm năm, trong khi công ty dược phẩm nổi tiếng Quảng Dự Viễn (QuangYuYuan) bị dính líu đến gian lận tài chính vượt quá 1 tỷ nhân dân tệ (138 triệu USD) trong tám năm.
Từ tháng Một đến tháng Ba năm nay, CSRC đã xử phạt hành chính 60 công ty niêm yết cổ phiếu hạng A ở Trung Quốc, đánh dấu mức tăng hơn 60% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Các lý do phổ biến dẫn đến hình phạt bao gồm các hoạt động bị nghi ngờ là bất hợp pháp như gian lận kế toán, không đáp ứng nghĩa vụ công bố thông tin, bỏ lỡ thời hạn báo cáo định kỳ, hệ thống nội bộ không hoàn thiện, và giao dịch nội gián.
Trong một diễn biến đáng kể hồi tháng Ba, hai công ty *ST Tân Hải (New Sea Union Technology Group Co Ltd) và *ST Bác Thiên (Poten Environment Group Co Ltd), đã phải đối diện với các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm cả việc hủy niêm yết do các vấn đề nghiêm trọng như gian lận tài chính.
Cả hai công ty đều được đánh dấu “*ST,” biểu thị cảnh báo về rủi ro hủy niêm yết, cho thấy công ty đã hoạt động thua lỗ ba năm liên tiếp. Dấu ST (special treatment) cho thấy cổ phiếu của công ty thuộc diện xử lý đặc biệt do hoạt động thua lỗ hai năm liên tiếp.
Hôm 25/03, cổ phiếu hạng A *ST Tân Hải (SHE: 002089) đã đưa ra thông báo tuyên bố công ty sẽ trải qua giai đoạn chuyển tiếp hủy niêm yết bắt đầu từ ngày 26/03, kéo dài trong 15 ngày giao dịch và ngày giao dịch cuối cùng dự kiến là ngày 17/04.
Theo “Quyết định xử phạt hành chính” của CSRC, *ST Tân Hải đã ngụy tạo hồ sơ trong báo cáo thường niên từ năm 2014 đến năm 2019, thổi phồng doanh thu bán hàng thêm khoảng 3.7 tỷ nhân dân tệ (511 triệu USD) trong báo cáo hợp nhất và thổi phồng tổng lợi nhuận lên khoảng 540 triệu nhân dân tệ (khoảng 74.68 triệu USD). Do đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến đã quyết định hủy niêm yết công ty này.
Một ngày sau thông báo của *ST Tân Hải, *ST Bác Thiên (SHA: 603603) đã ra thông báo xác nhận quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải về việc hủy niêm yết cổ phiếu của công ty. Thời gian chuyển tiếp hủy niêm yết đối với cổ phiếu kéo dài từ ngày 27/03 đến ngày 18/04. “Quyết định xử phạt hành chính” kết luận rằng báo cáo thường niên của công ty từ năm 2017 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật. Công ty đã phạm phải gian lận tài chính trong năm năm liên tiếp, với số tiền lên tới gần 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 276 triệu USD). Vì lý do này, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã quyết định hủy niêm yết *ST Bắc Thiên.
8 năm lừa đảo tài chính
Hôm 25/03, công ty dược phẩm quốc doanh Công ty TNHH Thảo dược Quốc gia Quảng Dự Viễn Sơn Tây (Shanxi GuanYuYuan Chinese Herbal Medicine Co., Ltd.) thông báo rằng họ đã nhận được “Thông báo trước về việc xử phạt hành chính và lệnh cấm tham gia thị trường” từ Cục Quản lý Chứng khoán Sơn Tây. Thông báo cho thấy công ty đã làm sai lệch báo cáo thường niên từ năm 2016 đến năm 2022 và báo cáo tạm thời năm 2023 của công ty, thổi phồng lợi nhuận thêm 674 triệu nhân dân tệ (tương đương với 93.3 triệu USD) và làm giảm lợi nhuận đi 469 triệu nhân dân tệ (khoảng 65 triệu USD) từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023. Công ty và các giám đốc điều hành có liên quan phải đối mặt với mức phạt tổng cộng là 21.1 triệu nhân dân tệ (2.92 triệu USD).
Tính đến thời điểm đóng cửa ngày 26/03, giá cổ phiếu của Quảng Dự Viễn là 24.76 nhân dân tệ (3.43 USD) mỗi cổ phiếu, với tổng giá trị thị trường khoảng 1.675 tỷ USD. Con số này thể hiện mức giảm 54.18% so với giá cổ phiếu đỉnh cao là 54.04 nhân dân tệ (7.48 USD) mỗi cổ phiếu vào tháng Bảy năm 2021.
Thổi phồng doanh thu 5 năm
Hôm 25/03, công ty nhà nước và giao dịch công khai, Công ty TNHH Hàng không vũ trụ Thiểm Tây (Shaanxi Aerospace Power Hi-Tech Co., Ltd.), đã thông báo rằng họ đã nhận được “Quyết định xử phạt hành chính và lệnh cấm tham gia thị trường” từ CSRC (gọi tắt là ‘Quyết định xử phạt’). Quyết định xử phạt tuyên bố rằng công ty đã thổi phồng thu nhập hoạt động thêm 3.8 tỷ nhân dân tệ (525 triệu USD) trong vòng năm năm, bắt đầu từ năm 2016. Công ty này đã bị phạt 1.64 triệu USD, và người ra quyết định chính vào thời điểm đó, Tổng Giám đốc Quách Tân Phong (Guo Xinfeng), đã bị cấm giao dịch thị trường chứng khoán trong mười năm. Ngoài ra, hai cựu giám đốc điều hành liên quan đến vụ án về mạng truyền thông chuyên dụng Tùy Điền Lực (Sui Tianli) đã bị kết án tù.
Công ty Hàng không vũ trụ Thiểm Tây đã tham gia kinh doanh mạng truyền thông chuyên dụng Tùy Điền Lực vào năm 2016. Vào tháng 05/2021, các hoạt động gian lận của doanh nghiệp này đã được phơi bày. Và ngoài Công ty Hàng không vũ trụ Thiểm Tây, 9 công ty niêm yết khác có liên quan đến doanh nghiệp này đã nhận được thông báo Quyết định xử phạt của CSRC.
Gian lận tài chính liên quan đến sáu công ty trên Thị trường STAR
Thị trường STAR, tên chính thức là Sàn Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, là một thị trường chứng khoán tập trung vào khoa học và công nghệ Trung Quốc được thành lập vào tháng 07/2019 với 179 công ty niêm yết. STAR được quảng cáo như sàn của Thượng Hải tương đương với Nasdaq của Hoa Kỳ, nhằm mục đích cung cấp cho các công ty khoa học và công nghệ Trung Quốc khả năng tiếp cận thị trường vốn nhiều hơn.
Kể từ khi ra mắt Thị trường STAR bốn năm trước, sáu công ty niêm yết đã bị phát hiện có hành vi gian lận tài chính và đã nhận “Quyết định xử phạt hành chính” từ các cơ quan quản lý. Trong số đó, 4 công ty đã làm sai lệch báo cáo tài chính bằng cách thổi phồng doanh thu, lợi nhuận và làm nhỏ chi phí hoạt động trong các bản cáo bạch và báo cáo định kỳ. Hai công ty còn lại đã bịa đặt thông tin sai lệch nghiêm trọng, tham gia vào việc phát hành gian lận.
Ngoài các công ty được đề cập trước đó, hôm 19/03, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Thượng Hải (SID) đã thông báo rằng họ đã nhận được “Thông báo trước về xử phạt hành chính và lệnh cấm tham gia thị trường” từ Cục Giám sát Thượng Hải của CSRC. Thông báo này xác định rằng SID (SHA: 600748) đã vi phạm các quy định khi không công bố kịp thời các khoản lỗ hoạt động dự kiến, không công bố kịp thời các hợp đồng quan trọng, và có thông tin nghi ngờ làm sai lệch thông tin trong báo cáo thường niên. SID đã có gian lận tài chính trong sáu năm liên tiếp, với tổng doanh thu bị thổi phồng là 4.7 tỷ nhân dân tệ (653 triệu USD) và tổng lợi nhuận thổi phồng là 614 triệu nhân dân tệ (khoảng 84.91 triệu USD) từ năm 2016 đến năm 2021.
Evergrande tăng doanh thu giả thêm 77 tỷ USD trong 2 năm
Hôm 18/03, sau 172 ngày bị giam giữ, ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), chủ tịch đại tập đoàn địa ốc Evergrande của Trung Quốc, đã bị CSRC trừng phạt vì nghi ngờ gian lận tài chính.
Theo thông báo, “Tập đoàn Evergrande đã tăng doanh thu thêm 564.1 tỷ nhân dân tệ (77 tỷ USD) trong năm 2019 và 2020.”
Ông Hứa và cựu Chủ tịch Hạ Hải Quân (Xia Haijun) đã bị cảnh cáo và cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời, đồng thời bị phạt lần lượt 6.5 triệu USD và 2.07 triệu USD.
Ngoài ra, tập đoàn Evergrande còn bị phạt 5.77 tỷ USD vì gian lận trái phiếu, tương đương 20% tổng số tiền vốn từ trái phiếu. Các giám đốc điều hành cấp cao khác bị phạt từ 27,600 USD đến 1.24 triệu USD.
Hiện tượng gian lận tài chính lan rộng
Theo dữ liệu công khai, có 5,000 công ty niêm yết cổ phiếu hạng A ở Trung Quốc, và gian lận tài chính là phổ biến trong số đó.
Năm ngoái, 138 công ty niêm yết ở Trung Quốc đã bị CSRC điều tra và ít nhất 78 chủ tịch hoặc kiểm soát viên của các công ty niêm yết đã tham dự vào hành vi sai trái.
Nhiều công ty niêm yết đã dính líu đến gian lận tài chính trong nhiều năm mà không có sự giám sát. Các phương thức gian lận là khác nhau, bao gồm các hoạt động kinh doanh hư cấu, ghi nhận doanh thu sớm hoặc chậm, thổi phồng hoặc thu hẹp chi phí, cùng nhiều phương pháp khác. Các hoạt động kinh doanh hư cấu đặc biệt xảo quyệt và nghiêm trọng.
Trước sự than thở của thị trường chứng khoán Trung Quốc, ông Ngô Thanh (Wu Qing) được bổ nhiệm làm chủ tịch mới của CSRC hôm 07/02. Sau đó, ông đã triệu tập nhiều cuộc họp, đề nghị điều tra nghiêm ngặt hàng trăm công ty chuẩn bị IPO và thậm chí xem xét các công ty đã niêm yết để chấn chỉnh gian lận tài chính. Hôm 26/03, CSRC đã ban hành “Ý kiến về Tăng cường sự Giám sát các Công ty Niêm yết (Thử nghiệm),” đề nghị loại bỏ dứt khoát “hệ sinh thái” gian lận tài chính.
Nhà bình luận chính trị Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times hôm 28/03 rằng sự thay đổi lãnh đạo tại CSRC là một hành động cần thiết trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và sự sụp đổ sắp xảy ra của hệ thống tài chính. “Gian lận tài chính trong các công ty niêm yết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng có hệ thống trong ĐCSTQ. Các hành động của CSRC cho thấy sự leo thang của các cuộc tranh giành quyền lực và các hành động thanh lọc trong lĩnh vực tài chính, nhưng về căn bản chúng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tư The Epoch Times