Kinh tế Khu vực đồng Euro tăng trưởng bất ngờ trong quý 4 nhưng yếu kém vào năm 2023
FRANKFURT — Khu vực đồng euro đã đạt được tốc độ tăng trưởng trong ba tháng cuối năm 2022, xoay xở tránh được suy thoái kinh tế ngay cả khi chi phí năng lượng cao ngất trời, niềm tin suy giảm, và lãi suất tăng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế có khả năng kéo dài đến năm nay.
Hôm thứ Ba (31/12) dữ liệu từ Eurostat cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội trên toàn khối tiền tệ Âu Châu đã tăng thêm 0.1% nhỏ nhoi trong quý 4, vượt xa kỳ vọng trong một cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 0.1%. So với một năm trước đó, mức tăng trưởng đã là 1.9%, vừa vượt qua những kỳ vọng ở mức 1.8%.
Dựa trên một ước tính nhanh có thể sửa đổi, Eurostat cho biết thêm, trong số các quốc gia lớn nhất khu vực đồng euro, Đức và Ý đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm trong quý này nhưng Pháp và Tây Ban Nha đã mở rộng.
Cuộc chiến kéo dài gần một năm của Nga ở Ukraine đã tỏ ra tốn kém đối với khu vực đồng euro, hiện có 350 triệu người ở 20 quốc gia, do một số thành viên phụ thuộc nặng nề vào năng lượng giá rẻ.
Giá xăng và khí đốt tăng cao đã làm cạn kiệt tiền tiết kiệm và kìm hãm đầu tư, đồng thời buộc Ngân hàng Trung ương Âu Châu phải tăng lãi suất chưa từng có để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đã thể hiện một số khả năng phục hồi ngoài mong đợi — giống như trong đại dịch COVID-19, thời điểm mà tốc độ tăng trưởng vượt xa kỳ vọng khi các doanh nghiệp điều chỉnh nhanh hơn theo sự thay đổi của hoàn cảnh so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.
Các số liệu gần đây hơn như một chỉ số niềm tin quan trọng hoặc dữ liệu PMI mới nhất cho thấy tăng trưởng có thể đã suy giảm xuống mức thấp nhất và quá trình phục hồi chậm chạp đang diễn ra, nhờ sự trợ giúp hào phóng của chính phủ và một mùa đông dễ chịu đã hạn chế được chi tiêu năng lượng.
Tuy nhiên, hình thế chung vẫn còn yếu kém, với dự báo tăng trưởng ít ỏi cho năm 2023 do thu nhập thực tế giảm mạnh và lãi suất tăng cao.
Ông Ken Wattret, một nhà phân tích của S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Số liệu GDP toàn cầu tạo ra một ấn tượng tích cực một cách sai lầm về các điều kiện kinh tế vào cuối năm 2022.”
“Điểm mấu chốt rút ra từ dữ liệu của các quốc gia thành viên là mức độ suy yếu trong tiêu dùng tư nhân, với việc thu nhập thực tế của các gia đình bị siết chặt ngặt nghèo do lạm phát tăng cao đang bám chắc lâu dài.”
Các nhà kinh tế cho biết con số tăng trưởng 3.5% trong quý 4 của Ireland đã bóp méo hình thế chung này vì con số này chủ yếu do hoạt động của các công ty ngoại quốc lớn có trụ sở tại đó để hưởng lợi về thuế thúc đẩy. Họ còn cho biết thêm rằng nếu không có Ireland, thì tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ bằng không.
ECB đã tăng lãi suất một mức tổng cộng là 2.5% lên 2% kể từ tháng Bảy (2022) để kiềm chế lạm phát, và các thị trường chứng kiến mức tăng 1.5% khác vào giữa năm, đưa lãi suất tiền gửi lên mức cao nhất kể từ đầu thế kỷ này.
Một sự gia tăng nhanh chóng như vậy đang kìm hãm hoạt động cho vay của ngân hàng, vốn là một nguồn tín dụng chính cho các doanh nghiệp, và khả năng tiếp cận các khoản vay đã bị sụt giảm mạnh nhất trong quý trước kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2011 của khối EU.
Nhà kinh tế Christoph Weil của Commerzbank cho biết: “Trong những tháng tới, việc thắt chặt chính sách tiền tệ rõ rệt sẽ ngày càng làm chậm nền kinh tế.”
Do Balazs Koranyi của Reuters thực hiện.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times