Không chỉ là tri thức căn bản: Giáo dục con trẻ về cuộc sống
Nghe đến từ “giáo dục” hầu hết chúng ta đều liên tưởng đến hình ảnh những lớp học đầy học sinh đang cặm cụi ôm sách toán, học ngữ pháp và chính tả, khám phá các phần của một tế bào, đọc về Trận chiến Yorktown, hoặc suy ngẫm về tác phẩm “Hamlet.”
Vào thời điểm học sinh tốt nghiệp trung học, chúng ta kỳ vọng những thanh thiếu niên này sẽ có kiến thức về toán học và khoa học. Sau 13 năm học, các em sẽ biết vài điều về lịch sử dân tộc và câu chuyện về những người đã giúp kiến tạo đất nước. Các em phải thấy quen thuộc phần nào với các tác phẩm hay nhất và có thể viết văn xuôi gọn gàng, [bố cục] chặt chẽ, dễ hiểu, không có lỗi chính tả, và lỗi ngữ pháp.
Đây là những điều căn bản của nền giáo dục tạo ra những người trưởng thành thành công và những công dân tốt. Thiếu những kỹ năng này, nhiều người trẻ thấy mình phải đối mặt với những bất lợi trong cuộc sống, không chỉ khi tìm việc làm mà còn bị thiếu năng lực do thiếu khả năng suy nghĩ chín chắn và hiểu biết về thế giới xung quanh, mọi thứ, từ Dự luật Nhân quyền cho đến nguyên nhân của lạm phát.
Hầu hết các bậc cha mẹ và giáo viên mong muốn chính đáng nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức căn bản này, đó là lý do tại sao chúng ta tham gia vào một cuộc tranh luận tiếp diễn về việc liệu trường học có khả năng cung cấp một nền giáo dục như vậy hay không. Chúng ta mong muốn những đứa trẻ bước ra khỏi giai đoạn tốt nghiệp đó không chỉ với một tấm bằng tốt nghiệp vô nghĩa trong tay.
Nhưng để thật sự chuẩn bị cho tương lai của các em, có lẽ chúng ta nên nghĩ rộng ra về điều gì tạo nên một nền giáo dục.
Khía cạnh thực tiễn
Nhà văn khoa học viễn tưởng Robert Heinlein từng viết:
“Một người nên có khả năng thay tã, lập chiến lược, làm thịt heo, neo tàu, thiết kế nhà, làm thơ, cân đối tài chính, xây tường, tiếp bề trên, an ủi người hấp hối, nhận lệnh, ra lệnh, hợp tác, làm việc một mình, giải phương trình, phân tích một vấn đề mới, làm phân bón, lập trình máy điện toán, nấu một bữa ăn ngon, chiến đấu hiệu quả, chết một cách ngoan cường. Còn sự chuyên biệt thì chỉ dành cho côn trùng.”
Danh sách của Heinlein có thể hơi quá toàn diện đối với hầu hết mọi người, nhưng chắc chắn rằng một thanh niên 18 tuổi chuẩn bị vào đại học hoặc đi làm nên có các kỹ năng để giải quyết nhiều nhiệm vụ tương tự. Đây là danh sách của tôi mô phỏng lại của Heinlein:
“Một học sinh tốt nghiệp trung học sẽ có thể sử dụng máy giặt và máy sấy, mặc cả trong cửa hàng tạp hóa, tìm quần áo ở cửa hàng tiết kiệm, cọ rửa phòng tắm, cân đối chi tiêu, hiểu các nguyên tắc căn bản về tiết kiệm, đầu tư, thế chấp, cho thuê hợp đồng, tiền vốn và tiền lãi, thay lốp xe hơi của mình, sửa chữa lặt vặt trong nhà, chăm sóc thú cưng, đến lớp và đi làm đúng giờ, nhận thức được sự nguy hiểm của rượu, ma túy giải trí, và thuốc lá, tránh xa những dụ dỗ, và không để người khác dẫn mình đi lạc hướng. Trên hết, khi bước ra xã hội, họ cần ý thức trước pháp luật, rằng họ là người thành niên và phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống và hành động của mình”.
Kiến lập ưu thế
Có lẽ con gái Samantha của bạn không thích môn toán nhưng lại yêu thích môn sinh học và giải phẫu học. Có lẽ bạn sống trong một khu phố cao cấp, lái một chiếc Lexus, và mong đợi đứa con trai 17 tuổi của mình, Tom, ứng tuyển vào một trường đại học danh tiếng, rồi bước vào nghề, nhưng cậu ấy lại tỏ ra hứng thú hơn với việc học nghề mộc và xây dựng sau kỳ nghỉ hè của mình cùng một nhóm thi công.
Mặc dù chúng ta vẫn phải cố gắng để khắc phục một số điểm yếu trong học tập của bọn trẻ, nhưng đồng thời chúng ta cũng nên khuyến khích con trẻ theo đuổi đam mê, theo đuổi những gì các em yêu thích, và phát huy thế mạnh của các em.
Trong “The Curmudgeon’s Guide to Get Ahead,” một cuốn sách về lời khuyên dành cho học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học mà tôi đặc biệt giới thiệu, tác giả Charles Murray viết rằng, “Có hai thành tựu mà nếu bạn vượt qua được, thì bạn gần như chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc: Tìm được việc làm bạn yêu thích, và tìm thấy người bạn tri kỷ của mình.”
Khi đề cập đến chủ đề công việc, ông Murray đưa ra cho người đọc một danh sách những điều cần cân nhắc, không tập trung vào một nghề cụ thể mà tập trung vào những thứ họ đặc biệt thích thú, chẳng hạn: “Bạn thích ở ngoài trời,” “Bạn thích mạo hiểm,” “Bạn thích sự cô độc, tự bản thân mình nghĩ ra hết mọi thứ,” và v.v.
Nói cách khác, ông yêu cầu những người trẻ trước tiên phải xác định niềm đam mê của họ, những điều khiến họ hạnh phúc nhất, và “sau đó bắt đầu suy nghĩ về một nghề nghiệp” phù hợp với những sở thích đó.
Hôn nhân và Gia đình
Chìa khóa hạnh phúc thứ hai của ông Murray là tìm được một người bạn tâm giao, nghĩa là vợ hoặc chồng.
Huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học của con trai tôi, cũng là một bác sĩ, thường lái xe đưa một số thành viên của nhóm học sinh học tại gia này đi thi đấu trên sân khách. Trên đường đi, anh ấy hay thảo luận về mọi thứ, từ các sự kiện hiện tại đến ý nghĩa của cuộc sống với các cậu bé. Điều đó khiến cho cả nhóm cảm thấy vừa thú vị vừa được khai sáng trong những chuyến đi. Có một lần anh ấy đã dành cả một chặng đường dài để nói với các em về những phẩm chất mà các em nên tìm kiếm ở một người vợ vào một ngày nào đó. Tôi chưa tìm hiểu chi tiết về cuộc nói chuyện đó, nhưng khi tôi nghe kể, tôi nhận ra rằng, hiếm khi nào tôi nói chuyện với con trai tôi về chủ đề này.
Bất luận tình trạng hôn nhân của chúng ta ra sao, đây là một chủ đề đáng để thảo luận với con trẻ. Bất chấp sự sụt giảm số lượng các cuộc hôn nhân trong 20 năm qua và tỷ lệ sinh nở – chúng ta hiện đã vượt xa các mức độ thay thế dân số – hôn nhân và gia đình vẫn là nền tảng của xã hội. Điều quan trọng hơn đối với mỗi người chúng ta là hôn nhân, gia đình, và con trẻ có thể mang đến những niềm vui lớn và sâu sắc nhất trong cuộc đời.
Nhiều người con của chúng ta rời tổ ấm mà không có ý thức thực sự về những gì chúng có thể tìm kiếm ở một người chồng hoặc người vợ tương lai, hoặc những niềm vui và khó khăn ràng buộc trong hôn nhân. Ngay cả khi bọn trẻ coi chúng ta là hình mẫu trong việc nuôi dạy con cái và chấp thuận đối với bạn đời, các cuộc trò chuyện về những chủ đề như vậy, tựa như môn đại số hoặc hóa học, điều này chắc chắn quan trọng đối với hạnh phúc tương lai của bọn trẻ, vốn có thể mang lại những hiểu biết rộng hơn về mối quan hệ vợ chồng này.
Những mục tiêu
Tôi đã từng là một giáo viên. Thỉnh thoảng, vì có một số nhận xét về điểm số và tình hình học tập trong lớp học, nên tôi sẽ tạm dừng lớp học để giải thích một số điều cho học sinh. Lúc này, tôi sẽ nói với các em rằng, học thuật mang đến cho các em cảm giác về thành tích và thất bại, nhưng trong vài năm tới, tất cả những điều đó sẽ qua đi. Các em sẽ bước vào thế giới người lớn, nơi các nhà tuyển dụng và đồng nghiệp không quan tâm đến số điểm cao trong Kỳ thi tiếng Latin quốc gia. Thay vào đó, họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những phẩm chất khác như cá tính, năng lực, và hiệu suất.
Xin đừng hiểu lầm, tôi vẫn sẽ nói với học sinh của mình rằng học thuật rất quan trọng và các em đang ở độ tuổi nên học hỏi nhiều nhất có thể. Cơ hội này có thể sẽ không đến nữa, vì vậy hãy tận dụng nó. Nhưng hãy nhớ rằng các em có thể có những khả năng và thế mạnh ít liên quan đến sách vở và trường lớp, cũng như thành công trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc phát triển tất cả những tài năng đó.
Hân Hữu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times