Khóa học dành cho cha mẹ (P.50): Đặt tên cho con như thế nào? [2]
Ngày nay, các bậc cha mẹ thường cho rằng con mình dễ thương nên thích đặt cho con những cái tên ngộ nghĩnh, hoặc những cái tên khó nghe như “Mèo con” và “Chó nhỏ”… Cách gọi đùa giỡn này có phù hợp không? Trên thực tế, bạn có biết sự nguy hại của biệt danh không? Những tổn thương tâm lý mà nó mang lại cho trẻ có thể là suốt đời…
Đừng mang đến năng lượng tiêu cực cho trẻ
Bản thân cái tên đã là một âm thanh, khi bạn dùng tâm lý đùa giỡn để tạo ra âm thanh thì năng lượng mà nó mang lại không phải là năng lượng tích cực. Vậy nên, mỗi lần bạn gọi con đều mang đến năng lượng phụ diện cho cháu bé, đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là khi bạn dùng tâm lý để đùa giỡn, lời lẽ bạn sử dụng không thực sự đoan trang cho lắm, thậm chí còn có chút mỉa mai hoặc hài hước, mà kiểu vui vẻ này lại dựa trên sự vô tri và đau khổ của cháu bé. Do đó, chúng tôi thường không khuyến khích đặt biệt hiệu hoặc biệt danh. Nếu chúng ta nhìn từ góc độ năng lượng, đa số các cách làm như vậy sẽ mang đến năng lượng tiêu cực.
Chúng ta cần biết một khái niệm rất cơ bản – gieo nhân nào thì nhận quả đó. Nếu cha mẹ không tôn trọng con trẻ thì trẻ cũng không thể học được sự tôn trọng từ cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ đừng mong rằng một ngày nào đó khi cháu bé lớn lên, cháu sẽ tôn trọng bạn.
(Người dẫn chương trình): Vậy tại sao phải mở “lớp học về tên gọi” cho giáo viên và phụ huynh? Chẳng phải tên của mỗi người khi còn nhỏ đều đã được định rồi sao?
Thực ra, trong lớp học này có một điều vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ trong quá trình trưởng thành của mình có những chỗ thiếu sót nào, những chỗ nào mất cân bằng. Những điều tạo nên trạng thái cảm xúc của bạn hiện tại còn chỗ nào chưa thực sự thoải mái, thậm chí tạo nên rào cản nghiêm trọng.
Tâm lý trả thù chôn giấu trong tuổi thơ
Tôi từng mở một chương trình giảng dạy gần một năm ở một trường học được xếp hạng cao, mỗi tuần một buổi. Tôi được mời đến để làm một giáo viên phụ đạo. Sau khi các giáo viên tan giờ, một lớp học kéo dài hơn hai giờ sẽ được tổ chức, có cả hiệu trưởng tham gia từ đầu. Sau khi kết thúc lớp học, tôi cũng đã trở thành giáo viên tư vấn cho nhiều trường hợp trong trường. Từng có một giáo viên gặp vấn đề, đây là một giáo viên rất chăm chỉ và mạnh mẽ. Nhưng phụ huynh phản đối kịch liệt, thậm chí còn muốn kiện người giáo viên này ra tòa.
Nguyên nhân là do cô giáo này không kiềm chế được cảm xúc trong lớp, và có những ngôn từ tiêu cực với học sinh. Khi về nhà, trẻ em nhất định sẽ nói với cha mẹ về chuyện này, khi cha mẹ không giải quyết được thì chỉ có thể nhờ nhà trường giải quyết. Khi tôi nghe về điều này, tôi đã nói mọi người hãy cùng giúp đỡ người giáo viên này. Giúp đỡ người khác cũng sẽ chính là giúp bản thân mình!
Khi đó, chúng tôi đã thảo luận về những tên gọi trong lớp học. Tại sao bạn lại được gọi bạn bằng cái tên này, và ai đã đặt cho bạn cái tên đó? Trên thực tế, nhiều người (từ nhỏ) không quan tâm đến những vấn đề này. Vì vậy, họ phải về nhà hỏi trước khi quay lại trả lời câu hỏi. Trong một lần khi mọi người đang chia sẻ, cô giáo này đã bật khóc. Cô ấy nói rằng, hồi tiểu học tên của cô đã bị đặt biệt danh. Kết quả, trong lớp giáo viên cũng dùng biệt danh này để gọi cô khi cô có biểu hiện không tốt. Người giáo viên đó đã gán cho cô một mẫu hình rất xấu, để lại cảm xúc tiêu cực sâu sắc trong lòng cô. Vì vậy, khi đó cô ấy đã quyết định – Tôi phải trở thành một giáo viên. Tại sao cô ấy muốn trở thành giáo viên? Cô muốn trả thù người giáo viên trước đây của mình. Cô muốn dạy giỏi hơn người giáo viên đó, muốn chứng tỏ bản thân. Vấn đề là động cơ trở thành giáo viên ở đây không phải là để đào tạo nhân tài, mà là để trả thù.
Vì vậy, cô giáo này đã dạy học rất nỗ lực và chăm chỉ. Nhưng việc dạy học của cô trở thành thủ đoạn để trả thù. Vì vậy, nếu học sinh không học tốt, điều đó sẽ làm tổn hại đến lòng tự trọng, thể diện của cô và mục tiêu cuộc sống mà cô đã đặt ra. Vì vậy, cô yêu cầu học sinh của mình rất cao. Mọi người cũng phải biết rằng, cô ấy đã phải chịu tổn thương lớn đến mức nào mới chôn xuống một cây đinh sâu như vậy. Nhưng khi đó cô ấy chỉ mới 10 tuổi, bạn có thể trách cô ấy không? Hơn nữa, việc đặt biệt hiệu không phải bắt đầu lúc các em học lớp 5 tiểu học, mà thường bắt đầu từ lớp 1 và lớp 2.
(Người dẫn chương trình): Hiện tượng này không chỉ có ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục hay Hoa Kỳ, mà nó xảy ra ở khắp mọi nơi!
Bước chân nở ra hoa sen
Đây là cái ác của nhân tính con người, nhưng vai trò của giáo dục là biến nó thành cái thiện. Đây là giá trị tồn tại của giáo dục. Vì vậy, tôi thường khuyến khích các giáo viên và phụ huynh, nếu bạn không thể làm được nữa thì hãy đến bệnh viện của chúng tôi. Bạn có thể đến gặp những trẻ em, bác sĩ và nhân viên ở đó. Trong hoàn cảnh éo le như vậy vẫn có những người không tiếc công sức, tăng ca để chăm sóc những đứa trẻ này. Khi bạn nhìn lại công việc của mình, thực ra là niềm vui nhiều hơn nỗi khổ. Vì vậy, bạn hãy vui vẻ đón nhận nhé!
Vấn đề của người giáo viên vừa rồi, chúng ta không chỉ dùng lời nói và đạo lý, mà phải để cô ấy cảm nhận sâu sắc như thế nào là ấm áp, hy vọng và hợp tác. Vì vậy, trong lớp học, chúng ta sẽ từ từ chia sẻ những mặt tốt nhất của bản thân. Ví dụ, có lần tôi cho các thầy cô làm bài tập: “Mỗi ngày bạn đến trường, bạn có cảm nhận được dưới mỗi bước chân là những đóa hoa sen đang nở hay không? Bạn bước đi một bước là một đóa hoa sen sẽ nở ra.” Mọi người đều làm được điều này, người giáo viên kia cũng bán tín bán nghi làm như vậy. Khi giẫm ra đóa hoa sen đầu tiên, cô ấy mới phát hiện ra rằng hoá ra con người có thể sống như vậy!
(Người dẫn chương trình): Làm thế nào để dưới mỗi bước chân có hoa sen?
Dưới mỗi bước chân của bạn, bạn có thể tưởng tượng dưới đó nở ra một đóa hoa sen. Khi bạn có nhiều cảm xúc tiêu cực, điều đó chắc chắn là không thể. Chúng tôi cũng có những khóa huấn luyện rất cụ thể để rèn luyện khứu giác nhạy bén, để khi năng lượng của bạn ngày càng thanh tịnh và tạp chất ngày càng ít đi, thì khi bạn giẫm ra bông sen, bạn vẫn có thể ngửi thấy mùi thơm của bông sen đó! Trong giáo dục năng khiếu, chúng tôi đã đào tạo những học sinh năng khiếu Mỹ quốc theo cách tương tự: khi đi bộ, con gái thanh lịch, còn con trai nho nhã. Nếu một ngôi trường mà từ hiệu trưởng đến giáo viên đều đi như thế này thì học sinh ở đó sẽ như thế nào?
Những cái tên – Kiến Quốc và Thục Mỹ
Quay trở lại về vấn đề tên gọi, vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp tên gọi mang đến những rắc rối trong cuộc sống và công việc. Ví dụ như cái tên “Kiến Quốc” là do cha mẹ của bạn đặt cho. Có một thế hệ mà con trai ở Đài Loan thường được đặt tên là Kiến Quốc, con gái là Thục Mỹ, Thục Tuệ.
(Người dẫn chương trình): Ở Trung Quốc đại lục có một thế hệ được đặt tên là Thắng Lợi.
Giả sử bạn tên là Thục Mỹ thì cha mẹ muốn bạn trở thành người như thế nào? Điều này rất rõ ràng: một cô gái có tính cách ôn nhu và dịu dàng, sau này bạn sẽ là một cô con dâu ngoan hiền. Nhưng tính cách con người bạn có thể rất lý tính, và rất thích hợp để nghiên cứu toán học, hóa học v.v. Nhưng vì kỳ vọng của cha mẹ thông qua tên gọi, họ sẽ không khuyến khích con cái phát triển theo hướng này, và cũng không quan sát thấy vốn dĩ bạn có những đặc điểm này. Vì vậy, bạn sẽ luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Ví dụ, người được đặt tên là Kiến Quốc, có thể hướng anh ấy đến tính cách có đặc điểm kỹ thuật, cường tráng và lý tính. Nhưng anh ấy lại có đặc điểm tính cách rất nghệ thuật. Tuy nhiên, điều này khiến anh ấy cả đời không có nhiều cơ hội để học hội họa hay nghệ thuật. Đến khi anh ấy trưởng thành và đạt được thành tựu, anh ấy vẫn cảm thấy có gì đó không ổn. Bởi vì anh ấy trong cả một quá trình được nuôi dưỡng, đã có rất nhiều sai lệch với đặc điểm tính cách của chính mình.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 50
Lý Âu biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ