Giáo dục sâu sắc để không còn lo lắng: Học cách sống chậm lại
Chậm lại, kết nối thực sự mới có thể xảy ra
Để giáo dục con trẻ được tốt, đòi hỏi phải tích hợp não trái và não phải, tạo ra sự cân bằng về cảm giác cởi mở và sáng tạo. Chúng ta cần phải vừa tỏ ra trìu mến vừa uy nghiêm, nhưng cũng cần nhớ rằng trìu mến và cảm thông hơn một chút. Các bậc cha mẹ hãy dành thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về việc, đã bao lâu rồi bạn không ngồi xuống trò chuyện tâm tình với con, không xao nhãng, không vội vàng, không phân tích, không uốn nắn, không “chọn lọc” những gì bạn muốn nghe.
Muốn não phải của bạn và của con bạn thực sự kết nối với nhau, bạn phải dành không gian và thời gian để nhìn nhau và thông hiểu lẫn nhau, đừng căng thẳng, cũng đừng suy nghĩ về việc kiểm soát. Lúc này, nội tâm nên giữ yên lặng và bình hòa.
Khi đạt đến trạng thái này, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, nhịp tim và nhịp thở trở nên đàn hồi và thư giãn, bạn sẽ nhìn thẳng vào mắt trẻ khi nói, và ngữ khí của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn so với khi bận rộn. Cảm giác này rất nhẹ nhàng tự tại, bạn sẽ đồng cảm với trẻ một cách tự nhiên, thay vì giả vờ tỏ ra như vậy. Một kết nối đồng cảm thực sự, không phải là bạn nói những gì cần nói, làm những gì cần làm, chưa kể khi bạn đang căng thẳng và bận rộn, lúc này ngay cả bản thân bạn cũng không muốn đồng bộ với cơ thể của mình, thì kết nối của bạn với con trẻ chắc chắn sẽ thiếu sự đồng điệu.
Tôi đoán rằng những người hiện đại quá bận rộn để có thể nhấn nút tạm dừng, yên tĩnh, và tạo các kết nối dựa trên não phải? Mọi người không thể hiểu rằng, tại sao sự kết nối này chỉ diễn ra trong trạng thái “vô sở cầu” (không xuất phát từ tâm truy cầu). Đôi khi tôi chỉ ngồi trên ghế sofa, cố gắng buông xuống những suy nghĩ cùng những việc mà tôi phải làm (đừng quên việc này cần phải luyện tập!), và ước mình có thể làm được nhiều hơn thế.
Tôi chỉ cần ngồi xuống, quan sát đứa trẻ, buông lỏng các cơ trên khuôn mặt, để sự căng thẳng rời xa khỏi tôi.
Tôi cố tình quên đống bát đĩa cần rửa, thức ăn tối rơi vãi trên sàn nhà, những thứ bọn trẻ cần chuẩn bị cho ngày hôm sau đi học, hoặc những email chưa trả lời trong hộp thư. Tôi ngồi chăm chú, yên lặng và bình hòa, cho phép mình tận hưởng “giây phút hiện tại”.
Cảm giác này thật tuyệt, nó tràn đầy năng lượng tích cực, và tôi lúc này giống như một thỏi nam châm thu hút các con đến với mình. Đứa trẻ từ từ nghiêng người, rúc vào bên cạnh tôi và thư giãn. Bọn trẻ sẽ bắt đầu kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó. Tôi cảm thấy như chúng cũng đang đắm chìm trong cảm giác cởi mở và bình lặng, bởi vì đó là những gì chúng cần.
Điều thú vị là, khi cơ thể tôi căng thẳng và đầu óc quay cuồng, dù có vẻ đang ngồi thẫn thờ trên ghế sofa, thì bọn trẻ cũng không chủ động sà vào lòng tôi, điều này cho thấy trẻ sẽ phán đoán đúng thời điểm thích ứng.
Một số người trong thời thơ ấu không được trải nghiệm về sự giáo dục từ bi và gắn kết, vì vậy họ rất khó để thực sự buông lỏng và thiết lập mối liên kết này với con cái của mình. Cuốn sách này chủ yếu là giúp các bậc cha mẹ chuyển từ trạng thái ban đầu “căng thẳng phòng thủ”, hoặc thậm chí trạng thái “vui vẻ hình thức”, sang trạng thái “kết nối bình hòa”, dựa vào não phải để tạo ra sự kết nối giữa não và cơ thể.
Cuốn sách này sẽ dạy bạn cách đạt được trạng thái này, và khi bạn biết cách nhận thức, xoa dịu trạng thái tinh thần và thể xác của mình, việc nuôi dạy con trẻ sẽ trôi chảy dễ dàng và tự nhiên hơn. Chỉ bằng cách đặt nền tảng tốt, bạn mới có thể áp dụng các công cụ và kỹ thuật nuôi dạy con cái để đạt được kết quả quản lý hành vi.
Nếu cha mẹ điều tiết cảm xúc của mình một cách hợp lý, trẻ sẽ sẵn sàng thừa nhận và tôn trọng các quy tắc do cha mẹ đặt ra, điều này cũng ảnh hưởng đến thái độ vâng lời của trẻ. Nhưng điều tôi ngưỡng mộ nhất là sự kết nối, không chỉ đạt được kết quả như chúng ta mong đợi, mà còn rất quan trọng trong việc kết nối bản thân.
Bài tập: Kết nối não phải của bạn, để cho bản thân mình chậm lại (8 phút)
Nhận được những thông điệp từ tâm trí sẽ giúp ích cho bạn trong việc nuôi dạy con cái. Vì vậy, bạn phải dành thời gian để tâm trí tĩnh lặng và kết nối với phần não bên phải. Một số người cảm thấy khó thực hiện, nhưng chỉ cần tiếp tục luyện tập thường xuyên, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những lợi ích. Bài tập này nên được tính trong 8 phút.
- Ngồi ở nơi yên tĩnh, hít thở sâu, đồng thời kéo căng xương sườn và lưng trên. Thở ra gấp để giảm bớt căng thẳng ở phần trên cơ thể. Chúng ta lặp lại động tác này nhiều lần.
- Bây giờ hít vào và thở ra từ từ và thư giãn. Cố gắng kéo dài hơi thở ra dài hơn hít vào.
- Hình dung bản thân bạn đang mang nhiều sự dịu dàng và từ bi vào tâm trí và cơ thể qua mỗi hơi thở.
- Bây giờ hãy hít vào, kéo hơi thở đến lông mày, hai bên trái và phải của trán. Khi bạn hít vào, tập trung toàn bộ sự chú ý vào giữa lông mày.
- Khi bạn thở ra, hãy tập trung vào vùng não phía trên mắt phải, và cố gắng tập trung xa hơn về một phía đầu não bên phải, phía trên tủy sống, cố gắng truyền hơi thở đến vùng này, và tiếp tục kéo dài hơi thở, thử kết nối cơ thể với não bộ.
- Sau khi bạn đã làm như vậy trong vài phút, hãy thử tạm dừng trong 2-3 giây giữa thở ra và hít vào.
- Khi bạn thở, hãy thư giãn các cơ trên khuôn mặt, đặc biệt là các cơ nhỏ xung quanh mắt và miệng để khuôn mặt thực sự thư giãn.
- Bây giờ hãy đưa hơi thở lên não và đầu, bao gồm cả khuôn mặt của bạn, cố gắng thở chậm và cảm thấy bình tĩnh. Nếu bạn hơi nản lòng hoặc bối rối về hành vi của con mình, hãy thử hình dung khuôn mặt của đứa trẻ và tự hỏi mình một vài câu hỏi: “Phương pháp giáo dục trẻ hợp lý và cân bằng là gì?”. Bạn có thể không tìm ra câu trả lời, nhưng hãy cố gắng lắng nghe trực giác của mình và sử dụng trí tuệ bẩm sinh bên trong của bạn.
- Nhận thức được cảm giác của bạn trong quá trình luyện tập. Bạn có thể ổn định tâm trí và cơ thể của bạn, làm chậm nhịp thở của bạn? Bạn có cảm thấy cáu kỉnh hay cố gắng chống lại? Hay bạn cảm thấy thư thái và bình tĩnh?
- Hãy thử thực hành hàng ngày, hoặc thử các bài thực hành chánh niệm khác, học cách không phán xét, và kết nối tâm trí với cơ thể.
Trong những ngày tiếp theo, hãy dành thời gian để ý xem tốc độ nói chuyện của bạn với con nhanh như thế nào, đặc biệt là lúc bạn đang ngăn con lại hoặc khi bạn phiền não, bận rộn…
Lê Vi biên tập
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ