Khiến xã hội trở nên ‘bình đẳng’ là không công bằng
Giới tinh hoa văn hóa của Hoa Kỳ mang một ám ảnh thái quá về sự đại diện bình đẳng (nghĩa là bình đẳng về kết quả) trong rất nhiều lĩnh vực của xã hội chúng ta. Vô số các trường học, đại học, và doanh nghiệp hiện nay đã có một kiểu giám đốc [phụ trách] về tính đa dạng và hòa nhập, vốn chỉ là một chức danh hoa mỹ dành cho các nhà hoạt động được trả lương quá mức, những người giúp định hình kết quả dựa trên ý tưởng cho rằng khi sự bình đẳng không tồn tại, thì một dạng bất công mang tính hệ thống nào đó chính là nguyên nhân.
Kiểu nhận thức này cho rằng, ví dụ, nếu nữ giới chiếm 50.8% dân số nhưng chỉ chiếm 15% lực lượng lao động [của một lĩnh vực] cụ thể nào đó, sự phân biệt đối xử theo giới tính sẽ bị quy kết là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch này mà chẳng màng đến một sự thật rất đơn giản-và đã được chứng minh rất nhiều lần-rằng nữ giới đơn giản là lựa chọn con đường sự nghiệp khác với nam giới.
Rốt cuộc, khái niệm “đa dạng và hoà nhập” này dựa trên một quan niệm đầy khiếm khuyết rằng sự đại diện bình đẳng (một lần nữa, tức là bình đẳng về kết quả), như mục tiêu của chính nó, chính là đạo đức.
Con người được sinh ra với những năng khiếu khác nhau. Chúng ta mang những khuynh hướng khác nhau, do đó chúng ta theo đuổi những sở thích khác nhau, kết quả là tích lũy những bộ kỹ năng khác nhau và những kho tài năng khác nhau. Con người đến từ các giai tầng kinh tế-xã hội khác nhau, với những đặc điểm gia đình khác nhau, được nuôi dạy bởi những bậc cha mẹ có thời gian dành cho con cái dài ngắn khác nhau.
Có một sự thật không mấy thú vị về sự tôn sùng bình đẳng hay công bằng đó là mỗi cá nhân thực hiện những quyết định khác nhau, và quý vị không thể kiểm soát những gì họ làm và cưỡng ép ra cái kết quả quý vị mong muốn mà không cản trở hay điều khiển ý chí tự do của họ, đây là trường hợp tốt nhất, còn tệ nhất là cưỡng chế người ta bằng cách sử dụng quyền lực của nhà nước.
Đôi khi, thực tế những lựa chọn đó phân bố dọc theo nhóm [người], do bản chất về mặt sinh học. Về điểm này, tôi lại nhớ đến những bài viết mà tôi từng xem nói về những bậc phụ huynh than thở rằng những đứa con gái mà họ đang nuôi nấng theo kiểu trung lập không theo giới tính vẫn luôn chọn các món đồ chơi màu hồng. Họ như chết lặng và thất vọng, bởi vì chính họ không thể chấp nhận [sự thật] rằng, bé trai và bé gái, đàn ông và đàn bà, đơn giản là khác nhau.
Chúng ta có thể tiếp tục phân nhóm xã hội trên cơ sở chủng tộc, giới tính, hoặc nhân chủng học nhưng nếu đó là con đường mà chúng ta tự vẽ ra cho mình, thì chúng ta sẽ phải tự gánh chịu mọi rủi ro khi làm thế. Nếu chúng ta tiếp tục cải thiện những vấn đề của quốc gia chúng ta bằng cách bình thường hóa và thể chế hóa tất cả những thành viên trong xã hội để có được những kết quả hoàn toàn giống nhau như vậy, thì ánh sáng ở cuối đường hầm sẽ là chuyến tàu hỏa thần tốc của chủ nghĩa cộng sản đang đâm sầm vào chúng ta.
Chẳng có gì là cao quý khi loại bỏ chủ nghĩa cá nhân để tạo ra một xã hội của chủ nghĩa tập thể-nơi khiến con người ít tự do hơn, ít độc lập hơn, với ít sự tự do hơn-tất cả chỉ để xoa dịu cảm giác méo mó về một nền quân chủ văn hóa tự phong, thống trị một nhà nước chuyên quyền mà họ đã đơn phương áp đặt lên phần còn lại của chúng ta.
Việc tập trung quyền lực xã hội nhằm tự tay định hình thế giới của chúng ta đã cho phép những kẻ thâu tóm quyền lực xã hội, những nhà độc tài thực thụ, có quyền thao túng mọi sự theo ý của họ và trở thành những chủ nhân cho số phận của chúng ta-một vai trò chỉ thuộc về mỗi cá nhân.
Những quyền cá nhân của chúng ta đến từ Chúa trời và chỉ được bảo vệ bởi chính phủ và Hiến Pháp của chúng ta. Nhà nước chẳng có vai trò hợp pháp nào để áp đặt một kết quả cụ thể cho từng cá nhân cũng như chẳng có vai trò hợp pháp nào để bảo người ta phải mua sắm ở đâu, phải mua ngôi nhà nào, hay khi nào cần phải ăn.
Bình đẳng về kết quả đồng nghĩa với việc tước bỏ quyền tự quyết của mỗi cá nhân. Mỗi con người không chỉ được sinh ra với những năng lực khác biệt, mà nếu như được tự do tối đa, chúng ta đều có những quyết định khác nhau. Có người chọn học đại học, trong khi những người khác thì học nghề, hoặc không học cao lên nữa. Có người chọn những nghề nghiệp hướng đến con người, có người lại hướng đến vật chất. Có người chọn làm việc ngoài giờ, trong khi có người lựa chọn dành tối đa thời gian cho những kỳ nghỉ.
Những lựa chọn không giống nhau này đương nhiên dẫn đến những kết quả khác nhau. Và những kết quả khác nhau này (những trường hợp khi mà không có sự bình đẳng) không nhất thiết là biểu hiện của sự bất công.
Nếu không có sự can thiệp bên ngoài vào đời sống cá nhân của chúng ta, mỗi cá nhân được thực hành sự tự do về ý chí, được đưa ra quyết định của mỗi cá nhân, thì kết quả sẽ luôn là không bình đẳng-đó chính xác là lý do tại sao “bình đẳng” lại là không công bằng.
Tác giả Adrian Norman là nhà văn, nhà phê bình chính trị, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật đánh cắp: Vạch trần Gian lận và Lỗ hổng trong các Cuộc Bầu cử ở Hoa Kỳ.” (The Art of the Steal: Exposing Fraud & Vulnerabilities in America’s Elections).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Adrian Norman thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Xem thêm: