Khám phá ngôi nhà của mình như một vùng đất xa lạ
Tham gia chuyến hành trình cùng nhà văn G.K. Chesterton để khám phá những điều mới lạ trong những điều quen thuộc và mở rộng tầm mắt để nhìn ngắm thực tại bằng nhãn quan đầy kinh ngạc.
Anh chàng Smith Ngây ngô dùng súng lục bắn vào mọi người, nhưng không phải để sát hại họ. Đúng hơn, anh làm thế “với mục đích lập dị nhưng ngớ ngẩn là mang lại nỗi sợ hãi hữu ích” cho những ai mà anh nghĩ rằng họ không đủ trân trọng cuộc sống. Trải nghiệm cận kề cửa tử này mang lại cho “nhân vật không may” khát vọng sống mãnh liệt hơn. Với tinh thần đó, anh chàng Smith cố gắng giữ cho trải nghiệm sống của chính mình luôn mới mẻ bằng cách nhiều lần bỏ trốn cùng vợ và đột nhập vào chính ngôi nhà của mình — để có thể nhìn thấy những điều thân thuộc này như thể lần đầu tiên.
Anh chàng Smith Ngây ngô là “kẻ ngốc thánh thiện” (holy fool)*, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết có tên “Manalive” (Người Đàn Ông Đang Sống) của nhà văn G.K. Chesterton. Nhan đề này đã gợi lên chủ đề chính của tác phẩm, và kỳ thực là, chiếm phần lớn trong tác phẩm của nhà văn Chesterton — đó là, chúng ta chỉ sống trọn vẹn nhất khi ta nhìn ngắm thế giới này bằng nhãn quan tươi mới, khi những điều bình thường hiển hiện trước mắt ta như món quà bất ngờ và vô giá. Tuy nhiên, để giữ được quan điểm này cần có sự nỗ lực, và cũng cần được nhắc nhở nhiều lần — một lời nhắc mà nhà văn Chesterton rất sẵn lòng đưa ra. Và anh chàng Smith Ngây ngô cũng vậy. Anh ta đã sử dụng một khẩu súng lục.
Lấy ý tưởng về giá trị của ngôi nhà làm ví dụ, một ý tưởng mà nhà văn Chesterton đã đề cập đến trong tác phẩm “Manalive” và một số tác phẩm khác. Anh chàng Smith ngao du vòng quanh thế giới không phải để thưởng ngoạn những điều mới lạ mà để nhìn ngắm những điều quen thuộc. Nghĩa là, mục đích chuyến đi của anh là để trở về nhà và nhìn ngôi nhà như một điều gì đó mới mẻ và kỳ diệu, chỉ có thêm một điều kinh ngạc là “nơi xa lạ” này thuộc về chính anh.
Như tôi từng viết ở đâu đó rằng, nhiều câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất đều xoay quanh chuyến hành trình trở về nhà. Những câu chuyện như vậy đều khiến ta đồng cảm. Chúng ta mong chờ những trải nghiệm mới mẻ và những cảnh tượng lạ mắt, đó là sự thật, nhưng ta càng khao khát hơn là được trở về nhà, về chốn nghỉ ngơi thực sự của mình. Nhưng đôi khi, chúng ta cần phải kinh qua chuyến hành trình tha hương trước khi có thể thực sự tìm thấy bình yên ở nhà. Để tới Miền Đất Hứa, bạn phải đi qua sa mạc.
Giống như cách nhà soạn nhạc Wagner sử dụng nhạc tố chủ đạo (leitmotiv) trong vở nhạc kịch “Ring Cycle” (Vòng Tuần Hoàn), nhà văn Chesterton cũng sử dụng một khuôn mẫu cơ bản – ý tưởng này nhằm tái khám phá những điều quen thuộc để nhìn thấy bản chất đích thực của chúng — và xem xét chúng, đưa ra nhiều biến thể phong phú về chủ đề này, xuyên suốt các tác phẩm của ông.
Trong một câu chuyện hóm hỉnh mang tên “The Riddle of the Ivy” (Câu Đố về Cây Thường Xuân), nhà văn Chesterton bắt chước anh hùng hư cấu Smith Ngây ngô bằng cách tuyên bố với một người bạn rằng ông sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới để tìm kiếm quận Battersea của London. Người bạn nói, “Tôi cho là không cần thiết phải nhắc nhở anh rằng, nơi này chính là quận Battersea đâu nhỉ?” Nhà văn Chesterton trả lời:
“Chuyện này rõ là không cần thiết … và về mặt tinh thần là hoàn toàn sai. Tôi không hề thấy quận Battersea nào ở đây; tôi cũng không thấy London hay bất kỳ nước Anh nào cả. Tôi không nhìn thấy cánh cửa đó. Tôi không nhìn thấy chiếc ghế đó: bởi vì đám mây ngái ngủ và thói quen đã che khuất tầm nhìn của tôi. Cách duy nhất để quay về với chúng là đi đâu đó; đó là mục đích thực sự của chuyến du ngoạn và niềm vui thực sự của những ngày nghỉ … Mục đích chung của chuyến đi không phải là để đặt chân lên vùng đất lạ, mà là để cuối cùng cũng được đặt chân lên quê hương mình như một vùng đất xa lạ.”
Nhà văn Chesterton cho thấy rằng, vấn đề của chúng ta là ở tầm nhìn. Câu ngạn ngữ cổ “quen quá hóa nhờn” vẫn luôn đúng. Sự quen thuộc phủ một lớp màng lên đôi mắt chúng ta. Ít nhất là theo tác giả Chesterton, một tác phẩm nghệ thuật, và thỉnh thoảng đi du lịch có thể giúp loại bỏ lớp màng đó.
Trong một truyện ngắn khác là “The Colored Lands” (Những Vùng Đất Rực Rỡ), nhà văn Chesterton viết về một cậu bé đang cảm thấy chán ngôi nhà của mình. Một chàng trai trẻ đến và cho cậu xem bộ sưu tập kính mắt kỳ diệu — một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh lá, một chiếc màu vàng và nhiều loại khác — để biến toàn bộ thế giới thành một màu này hoặc một màu khác, và thậm chí, dường như còn đưa người đeo kính đến một vùng đất xa lạ, được bao phủ bằng toàn màu đỏ, hoặc toàn màu xanh lá cây, v.v. Chàng trai kể về nỗi buồn chán của chính mình, điều đã dẫn anh du ngoạn đến những vùng đất có màu sắc kỳ lạ này. Anh kể rằng, lúc đầu mỗi vùng đất đều khiến anh rung động và thích thú như thế nào, nhưng rồi theo thời gian tất cả đều trở nên đơn điệu ra sao. Anh ước rằng mình có thể kết hợp các yếu tố của mỗi màu sắc đó lại với nhau. Khi một thuật sĩ cho phép anh bắt đầu pha trộn các màu và các thế giới để tạo ra ý tưởng của riêng mình, anh nhận thấy mình đã tạo ra thế giới thực và ngôi của chính mình.
Những câu chuyện như thế này nhắc nhở chúng ta rằng, những gì chúng ta coi là hiển nhiên đều có thể dễ dàng diễn ra theo cách khác (và tệ hơn). Chúng ta có thể sống hoàn toàn bình thường trong một thế giới chỉ có một màu. Hoặc là không có ngọn cỏ nào. Hoặc hoàn toàn bằng phẳng. Tuy nhiên, chúng ta thấy thế giới thực tại phong phú đến kinh ngạc, và dường như tràn ngập vẻ đẹp một cách dư thừa. Đây là điều mà nhà văn Chesterton muốn chúng ta nhận ra từ những điều quen thuộc nhất, như ngôi nhà của mình.
Dòng suy nghĩ này là trọng tâm triết lý của tác giả Chesterton, như được mô tả trong tác phẩm phi hư cấu “Orthodoxy” (Chính Thống Giáo) của ông. “Orthodoxy” kể về việc ông phát minh ra một loại triết học truyền thống chỉ để khám phá ra rằng điều đó đã tồn tại, vốn là như vậy, trên thực tế, đó là quyền thừa kế của ông với tư cách là một người được kế thừa truyền thống trí tuệ của phương Tây. Ông đưa ra sự so sánh như sau:
Tôi thường thích viết một câu chuyện lãng mạn về người lái du thuyền người Anh tính toán sai sót một chút lộ trình của mình, và phát hiện ra nước Anh với ấn tượng rằng đây là một hòn đảo mới ở Biển Nam … Còn gì có thể thú vị hơn khi trong cùng một vài phút được trải nghiệm cả nỗi sợ hãi đầy mê hoặc khi ra hải ngoại kết hợp với tất cả cảm giác an toàn đầy tính nhân văn khi trở về nhà? Còn gì có thể vinh quang hơn tự mình chuẩn bị tinh thần để khám phá tiểu bang New South Wales và rồi nhận ra, kèm những giọt nước mắt trào dâng niềm hạnh phúc, rằng đó thực sự là một South Wales cổ xưa.
Theo nhà văn Chesterton, phát kiến tưởng tượng về một người Anh “khám phá” nước Anh này là hình ảnh lý tưởng cho công việc của một triết gia. “Làm sao chúng ta có thể tìm cách để ngay tức khắc vừa kinh ngạc trước thế giới này lại vừa cảm thấy thoải mái bên trong nó?” Đó là điều mà các triết gia tài giỏi luôn tìm cách khám phá.
Tôi ngờ rằng đáp án cho câu hỏi này là điều rất gần gũi, hoặc ít nhất là một phần bí mật của cuộc sống — về việc ta được “sống’’ đúng nghĩa và trọn vẹn, giống như anh chàng Smith Ngây ngô là một “Manalive” (Người Đàn Ông Đang Sống). Sâu trong thâm tâm, nghịch lý thay khi chúng ta khao khát cả sự hoạt động và nghỉ ngơi, cái mới lạ và cái quen thuộc, tìm kiếm và sở hữu. Như nhà tâm lý học Jordan Peterson giảng rằng, trạng thái tinh thần lành mạnh là khi ta tìm thấy sự cân bằng giữa trật tự và hỗn loạn, trật tự của cái đã biết và hỗn loạn của cái chưa biết. Nó là điều gì đó kiểu như, trong cùng một vài phút “được trải nghiệm cả nỗi sợ hãi đầy mê hoặc khi ra hải ngoại kết hợp với tất cả cảm giác an toàn đầy tính nhân văn khi trở về nhà.”
Trạng thái tinh thần đó không chỉ lành mạnh, mà tôi tin rằng đó là thái độ duy nhất thực sự sáng suốt nên áp dụng, bởi vì đó là thái độ duy nhất phù hợp với cuộc sống thực. Thế giới này vừa hoang dại lại vừa có trật tự, vừa khó đoán lại vừa ổn định. Ngôi nhà của chúng ta thực sự là nơi đầy phiêu lưu — nếu chúng ta để mắt đến. Ngôi nhà của chúng ta là nơi diễn ra tất cả những trải nghiệm thú vị nhất, như yêu thương, nuôi dạy con trẻ, hay đọc một cuốn sách làm thay đổi cuộc đời. Có lẽ là một cuốn sách của nhà văn Chesterton.
Đặc biệt là trong thời đại của chúng ta, với rất nhiều kẻ thù đang dàn trận chống lại gia đình, thì còn cuộc phiêu lưu nào vĩ đại hơn việc bắt đầu xây dựng gia đình trong một thế giới luôn cố gắng phá bỏ tổ chức cổ xưa này? Còn có cuộc hành trình nào nguy hiểm và đáng giá hơn mà người ta có thể thực hiện, ngoài việc điều hướng chiếc thuyền nhỏ là gia đình vượt qua những vùng nước vô định trong thời đại chúng ta? Và, cuộc hành trình đó diễn ra ngay tại nhà.
Quý vị muốn xem thêm các bài viết văn hóa và nghệ thuật khác? Vui lòng gửi cho chúng tôi ý tưởng câu chuyện hoặc đóng góp của bạn qua thư điện tử: [email protected]
Ông Walker Larson dạy văn học và lịch sử tại một học viện tư nhân ở tiểu bang Wisconsin, nơi ông đang sống cùng vợ và con gái. Ông có bằng Thạc sĩ về văn học và ngôn ngữ Anh, và có những bài viết được đăng trên các ấn phẩm The Hemingway Review, Intellectual Takeout, và nền tảng Substack của ông, “TheHazelnut.”
Chú giải:
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times