IMF: Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đặt ra ‘rủi ro đáng kể’ cho triển vọng toàn cầu
Chính sách tài khóa của Hoa Kỳ có ‘những tác động sâu sắc’ đến nền kinh tế quốc tế.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đang gây ra “rủi ro đáng kể” đối với sự phát triển và triển vọng tài khóa toàn cầu.
Trong báo cáo Giám sát Tài khóa mới nhất, các nhà kinh tế của IMF tuyên bố rằng các chính sách tài khóa của Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tạo ra “những tác động sâu sắc” đến nền kinh tế toàn cầu và đặt ra những thách thức đối với các dự báo tài khóa căn bản ở các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển.
Các chuyên gia của IMF đã xem xét các số liệu của năm ngoái và báo cáo rằng chính phủ Hoa Kỳ đã thể hiện “sự trượt dốc tài khóa lớn đáng kể,” khi có thâm hụt tăng lên mức 8.8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng từ mức 4.1% GDP vào năm 2022. Nguồn thu từ thuế thu nhập đã sụt giảm đi 3.1% GDP trong bối cảnh thu nhập từ thuế lãi vốn thấp hơn và thời hạn đóng thuế bị chậm. Chi tiêu liên bang tăng thêm 1.3% GDP. Trong tương lai, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ chiếm hơn 6% GDP.
IMF lưu ý rằng do lãi suất cao hơn, chi phí tài chính để trả nợ quốc gia đã tăng vọt.
Lãi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 năm là 5% vào tháng 10/2023. Mặc dù giảm trong những tháng tiếp theo, lãi suất công khố phiếu trên nhiều lĩnh vực đã tăng đáng kể trở lại do kỳ vọng về lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Áp lực lạm phát, vốn đã tăng trở lại trong quý 1/2024, có thể vẫn tiếp tục tăng do chính sách tài khóa ảnh hưởng đến lãi suất danh nghĩa.
Tổ chức có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn này viết: “Phân tích các nguyên nhân gây ra lạm phát cơ bản về mặt thực chứng để phân tích các tác động của các sự kiện tài khóa tiêu cực ở Hoa Kỳ cho thấy rằng những tác động lũy kế từ chính sách tài khóa vẫn có ý nghĩa đáng kể về mặt thống kê vào năm 2023, ở mức khoảng 0.5%.”
Tổ chức toàn cầu này cho biết thêm rằng cuối cùng, việc chính phủ Hoa Kỳ duy trì chính sách tài khóa nới lỏng “có thể khiến việc giảm lạm phát khó đạt được hơn ở chặng cuối trong khi khiến gánh nặng nợ nần càng nghiêm trọng thêm.”
Họ viết, “Hơn nữa, những tác động lan tỏa đối với lãi suất toàn cầu có thể góp phần khiến các điều kiện tài chính thắt chặt, làm tăng rủi ro ở những nơi khác.”
Trong một báo cáo khác về Triển vọng Kinh tế Thế giới, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF thừa nhận rằng điều kiện tài khóa hiện tại của Hoa Kỳ là “đặc biệt đáng lo ngại” vì những điều kiện đó “không phù hợp với tính bền vững tài khóa dài hạn.”
Ông nói: “Tình trạng này có thể khiến công việc khôi phục sự ổn định giá cả của Hệ thống Dự trữ Liên bang trở nên khó khăn hơn.”
“Tài khóa nới lỏng của Hoa Kỳ làm tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm phát, cũng như rủi ro ổn định tài khóa và tài chính dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu. Tình hình này sẽ không thể duy trì lâu dài.”
Đi sâu vào nền tài chính của Hoa Kỳ
Trong sáu tháng đầu năm tài khóa 2024, thâm hụt liên bang đã vượt mốc 1 ngàn tỷ USD và đang trên đà đạt 1.5 ngàn tỷ USD.
Các chuyên gia đã cảnh báo về những thách thức tài khóa dài hạn mà Hoa Thịnh Đốn phải đối mặt.
Tháng trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) phi đảng phái đã dự kiến thâm hụt sẽ tăng vọt lên 8.5% GDP vào năm 2054.
Cơ quan giám sát ngân sách này đã dự đoán rằng chi tiêu sẽ chiếm 27.3% GDP vào năm 2054, liệt kê các khoản thanh toán lãi suất và chi tiêu ngày càng tăng cho các chương trình chăm sóc sức khỏe lớn, chẳng hạn như Medicare, là động lực chính cho sự tăng chi tiêu này.
Chi tiêu liên bang dự kiến sẽ tăng lên 18.8% GDP, do doanh thu thuế thu nhập cao hơn. Ngày nay, gần một nửa số thu nhập từ thuế thu nhập được phân bổ để trả nợ.
Trong một bài bình luận viết cho Star Tribune gần đây, ông Tim Penny và ông David Minge đến từ Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm cho biết: “Tính đến thời điểm này trong năm nay, phải cần đến 39 cent trên mỗi USD doanh thu thuế thu nhập cá nhân chỉ để trả lãi cho khoản nợ quốc gia. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang trả tiền cho quá khứ chứ không phải cho tương lai.”
Đối với nợ quốc gia, CBO ước tính sẽ đạt 166% GDP vào năm 2054 “và vẫn trên đà tăng sau đó.”
“Nợ lớn và ngày càng tăng như vậy sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm tăng các khoản thanh toán lãi cho các chủ nợ ngoại quốc của Hoa Kỳ, và gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng tài khóa và kinh tế; nợ lớn cũng có thể khiến các nhà lập pháp cảm thấy hạn chế hơn trong các lựa chọn chính sách của họ,” theo báo cáo triển vọng ngân sách dài hạn.
Nợ quốc gia của Hoa Kỳ hiện ở mức 34.6 ngàn tỷ USD, tăng khoảng 700 tỷ USD kể từ đầu năm.
Tình hình kinh tế toàn cầu
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3.2% trong năm thứ hai liên tiếp và dự đoán tốc độ tăng trưởng thế giới là 3.2% vào năm 2025.
Tại Hoa Kỳ, GDP thực dự kiến sẽ tăng 1.7% vào năm 2024 và 1.8% vào năm tới. Các nền kinh tế phát triển khác, như khu vực đồng euro, Nhật Bản, và Anh, được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP thực dưới 1% và hồi phục vào năm 2025.
Tại các thị trường mới nổi, Ấn Độ được dự đoán sẽ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng 6.8% vào năm 2024 và 6.5% vào năm 2025. Triển vọng của Trung Quốc được dự đoán sẽ có xu hướng giảm, với tốc độ tăng trưởng GDP thực là 4.6% vào năm 2024 và 4.1% vào năm 2025.
Ông Gourinchas viết: “Bất chấp những dự đoán ảm đạm, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, với tốc độ tăng trưởng ổn định và lạm phát chậm lại với tốc độ nhanh chóng hầu như giống như khi lạm phát tăng lên.”
Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn tồn tại do tiến độ mới nhất hướng tới các mục tiêu lạm phát “có phần bị đình trệ” kể từ đầu năm.
Ông lưu ý, “Đây có thể là một bước thụt lùi tạm thời, nhưng có nhiều lý do để thận trọng,” đồng thời cho biết thêm rằng giá dầu thô tăng và các hạn chế thương mại đối với hàng xuất cảng của Trung Quốc có thể đẩy lạm phát hàng hóa lên cao.
Nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 16/04, nhà kinh tế IMF này cho biết rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu là “khá nhỏ.”
Ông Gourinchas nói với mạng tin tức kinh doanh kể trên rằng, “Tại thời điểm này, để làm chệch hướng được nền kinh tế này thì sẽ cần rất nhiều yếu tố. Nền kinh tế đã có sự phục hồi to lớn trong triển vọng tăng trưởng,” ám chỉ hiệu quả kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ và một số nền kinh tế thị trường mới nổi cũng như việc lạm phát chậm lại.
Bà Gita Gopinath, phó giám đốc điều hành IMF, nói với CNBC rằng bà lo ngại về các xung đột địa chính trị đang âm ỉ. Bà cho biết, mặc dù vẫn chưa có tác động lan tỏa đáng kể từ Trung Đông, nhưng rủi ro là khá lớn, và nếu xung đột leo thang và mở rộng ra một khu vực rộng lớn hơn, “những tác động có thể xảy ra đối với giá dầu có thể là rất lớn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times