Huynh đệ nhân từ trọng nghĩa, được phúc báo cải biến vận mệnh
Vô tư là một trong những phẩm đức khó đạt được, một tấm lòng vô tư vô vị lợi có thể cảm động thiên địa, khi ở nhân gian cũng có thể nhận được hồi báo. Trong dòng sông dài của lịch sử, mỗi gia tộc đều có những câu chuyện thể hiện tình huynh đệ vô tư: huynh đệ thay nhau chịu tội, huynh đệ vì nghĩa sẵn sàng từ bỏ sinh mệnh, huynh đệ nhân từ không sợ dịch bệnh… Những câu chuyện có thật trong lịch sử này đã gieo xuống những hạt giống thiện lương, khiến lòng người ấm áp, cũng để lại cho hậu nhân một bài học quý giá.
Sức mạnh của sự ôn nhu
Vào những năm Vạn Lịch thời nhà Minh có một vị Tiến sĩ tên là Trần Thế Ân, là người Hạ Ấp (Thương Khâu, Hà Nam).
Nhà của Trần Thế Ân có ba anh em, Thế Ân là con thứ hai, anh lớn là Hiếu Liêm, còn cậu em út từ nhỏ đã chơi bời lêu lổng, mỗi ngày đều đi ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến lúc hoàng hôn cũng chưa thấy về.
Huynh trưởng Hiếu Liêm ngày nào cũng nghiêm nghị khuyên bảo cậu em út, nhưng cậu ta vẫn muốn sao làm vậy. Thế Ân nói với anh trai mình: “Làm như vậy sẽ chỉ tổn thương tình huynh đệ, không có ích gì”.
Mỗi tối, Thế Ân đều đợi cậu em út ở cửa, khi cậu ta trở về, Thế Ân liền đích thân mở cửa và hỏi han ân cần: “Em có đói không? Anh lấy đồ ăn nóng cho em ăn nhé.”
Cứ như vậy ngày ngày trôi qua, cuối cùng cũng khiến cậu em út cảm động, cậu thật tình ăn năn, từ đó không bao giờ về nhà muộn nữa.
Vào năm Vạn Lịch Kỷ Sửu, Thế Ân thi đỗ Tiến sĩ, quan vận ngày càng hanh thông, khi đó huynh trưởng đã qua đời, tiểu thiếp Ngô Thị của huynh trưởng vẫn còn ở đó.
Một ngày nọ, em trai của Ngô Thị tên là Ngô Tam đến thăm chị gái của mình. Ngô Tam đội một chiếc mũ đã cũ, vận quần áo rách rưới, trông rất tội nghiệp và nghèo khổ. Thế Ân mời Ngô Tam ngồi lên ghế, cùng mặt đối mặt dùng cơm.
Lúc này, cậu em út của Thế Ân vừa về đến nhà, nhìn thấy vị khách không mời mà đến này bèn hỏi anh trai: “Cho cậu ta ăn uống là đủ rồi, sao anh còn mời cậu ta vào bàn khách?”
Thế Ân nói: “Chị dâu không có con, còn trẻ đã góa bụa, lại chịu tang cho huynh trưởng. Trong lòng huynh rất cảm động, rất kính trọng chị ấy. Người ta nói yêu cây yêu cả cành, mời em trai của chị ấy cùng ngồi ăn cơm có gì mà không phải?”. Nghe anh trai nói như vậy, cậu em út vô cùng thán phục.
Thế Ân có hai người con trai là Ngô Thăng và Ngô Bệ, cả hai đều đỗ Tiến sĩ.
Huynh đệ tranh nhau chịu tội
Trịnh Thực được sinh ra vào năm Hồng Vũ thời nhà Minh. Vào thời điểm đó, Tể tướng Hồ Duy Dung bị Minh Thái Tổ xử tử. Bởi vậy, tai họa cũng bất ngờ rơi xuống sáu huynh đệ nhà Trịnh Thực. Có người vu cáo rằng sáu huynh đệ họ Trịnh đều thuộc phe cánh của Hồ Duy Dung, từng qua lại với Hồ Duy Dung khi ông còn sống. Do đó, Trịnh Thực và các huynh đệ của mình trở thành mục tiêu bị quan phủ bắt giữ khẩn cấp.
Huynh trưởng của Trịnh Thực muốn lên kinh thành để chịu tội, Trịnh Thực nói: “Đệ đệ ở đây, sao có thể nhẫn tâm để huynh trưởng đi chịu hình phạt được?”.
Trịnh Thực nói hãy để một mình ông lên kinh thành giải thích rõ ràng cho quan phủ.
Nhị ca của Trịnh Thực tên Trịnh Liêm, trước đó vì có công việc nên đã sớm đến kinh thành. Nhìn thấy Trịnh Thực đến, Trịnh Liêm bèn nói với em trai rằng: “Anh ở trong nhà lớn tuổi hơn em, nên để anh đi chịu tội, chuyện này không liên quan gì đến em.”
Trịnh Thực nói: “Anh trai, hãy để em đi nói rõ ràng. Nếu không có cách nào để giải oan cho nhà chúng ta, hãy để một mình em chịu tội.”
Cứ như vậy, cả hai anh em đều tranh nhau đi chịu tội. Câu chuyện của họ cuối cùng đã đến tai Minh Thái Tổ. Minh Thái Tổ bèn triệu tập cả hai huynh đệ họ vào triều để thăm hỏi.
Thái Tổ nói với những cận thần ở bên mình rằng: “Các ngươi nhìn xem, những người như họ có thể làm những việc xằng bậy hay sao? Họ sẽ sẵn sàng theo người khác đi làm chuyện xấu sao?”. Kết quả là cả hai anh em họ đều được thăng chức làm quan tham nghị ở trong triều.
Huynh đệ đấu tranh vì nghĩa, cam tâm thay nhau chịu chết
Tôn Cức được sinh ra vào năm Đại Minh thời Nam Triều Tống Hiếu Vũ Đế. Khi đó, nếu trong nhà có nam giới thì phải đi trấn giữ biên ải, mỗi nhà cử ra một người. Em trai của Tôn Cức là Tôn Tát đã nguyện ý sẽ đi sung quân.
Vợ của Tôn Cức là Hứa Thị nói với Tôn Cức rằng: “Phu quân là chủ của gia đình chúng ta, làm sao có thể để công việc nguy hiểm này cho em trai mình đảm nhận được? Trước khi mẫu thân qua đời đã giao em trai cho phu quân. Bây giờ em ấy vẫn chưa kết hôn, vẫn chưa thành gia lập nghiệp, còn phu quân đã có hai người con trai, dẫu cho chiến tử sa trường cũng không hối tiếc vì không có người nối dõi.”
Tôn Cức sau khi nghe xong, lập tức đến quận phủ và nguyện ý thay thế em trai mình đi trấn giữ biên cương. Tuy nhiên, Tôn Tát không đồng ý, không muốn huynh trưởng đi lính thay mình.
Hai anh em cứ tranh nhau làm công việc nguy hiểm này, việc này khiến Thái thú Trương Đại trong tâm sinh nghi, không biết ý đồ của họ là gì. Bởi vậy, ông ta đã tách hai anh em họ Tôn ra hai phòng khác nhau, đồng thời sai người hầu âm thầm đi điều tra. Sau khi cẩn thận điều tra, người hầu báo cáo lại cho Thái thú rằng hai anh em họ đều vui vẻ cam tâm chịu chết, xin Thái Thú có thể yên tâm. Thái thú Trương Đại cảm động trước tấm lòng vô tư của hai anh em họ Tôn, bèn đặc biệt viết thư trình báo lên trên về việc này. Kết quả là hai anh em họ đã nhận được Thánh chỉ đặc biệt miễn đi lính.
Huynh đệ nhân từ, không sợ dịch bệnh
Dữu Cổn sinh ra trong năm Hàm Ninh thời nhà Tấn. Có một năm khi đại dịch xảy ra, hai người anh của Dữu Cổn không may qua đời vì nhiễm dịch. Nhị ca của Dữu Cổn tên là Dữu Bì thì đang ở trong tình trạng nguy kịch, cha mẹ và người nhà đều ra ngoài lánh nạn. Chỉ có Dữu Cổn một mình ở lại nhà và không chịu rời đi.
Dữu Cổn đã không quản ngày đêm tự mình chăm sóc nhị ca, ngày ngày chuẩn bị thuốc thang. Đôi khi, anh còn còn xoa nhẹ quan tài của hai người anh đã khuất và khóc. Sau hơn một trăm ngày thì bệnh dịch biến mất, khi đó người nhà của Dữu Cổn mới trở về nhà. Lúc này nhị ca Dữu Bì cũng đã bình phục, còn Dữu Cổn thì hoàn toàn khỏe mạnh, may mắn không bị nhiễm dịch bệnh.
Dịch bệnh có mắt
Dịch bệnh có mắt, người tốt sẽ không bị nhiễm bệnh! Có rất nhiều bằng chứng như vậy trong lịch sử.
Vào thời nhà Tùy, người dân Mân Châu rất sợ dịch bệnh, khi một người trong nhà nhiễm dịch thì cả nhà đều trốn đi nơi khác, vì vậy người bệnh không có ai cứu chữa chăm sóc và thường sẽ qua đời. Khi Tân Công Nghĩa được bổ nhiệm làm Thứ sử Mân Châu, ông đã quan sát thấy tập tục xấu này, bèn dán bố cáo rằng: Tất cả bệnh nhân bị nhiễm dịch tại nhà sẽ được gửi đến công đường của Châu để được chăm sóc. Đến giữa mùa hè, trên hành lang công đường chật ních người dân Mân Châu bị nhiễm bệnh.
Tân Công Nghĩa kê một chiếc ghế dài ở giữa những bệnh nhân, đây cũng là nơi ông làm việc và ngủ nghỉ. Ông góp tiền lương của mình để chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân, chăm sóc họ chu đáo, hỏi thăm tình trạng, hướng dẫn họ làm theo lời thầy thuốc và tự chăm sóc bản thân. Sau đó, những người bị nhiễm dịch này đều lần lượt khỏi bệnh. Lúc này, Tân Công Nghĩa triệu tập người thân của họ lại và chỉ ra sai lầm quan trọng rằng: “Sống chết đều có số, làm sao có thể lây nhiễm lẫn nhau? Nếu bệnh có thể nhiễm cho người khác thì ta đã chết từ lâu rồi!”.
Những người thân kia trước đây vốn không quan tâm đến người nhà bị nhiễm dịch, nay lòng đầy hổ thẹn, cảm tạ Tân Công Nghĩa rồi ra về. Kể từ đó, tập tục xấu này ở Mân Châu cũng đã thay đổi.
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Lý Mai biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ