Chịu báo ứng vì tung tin đồn thất thiệt, hại ba người mạng vong
Tĩnh tọa suy nghĩ về những việc đã làm, không bàn chuyện phiếm thị phi, đó mới thực là đạo xử thế của người quân tử. Dưới đây là một câu chuyện về lời nói bóng gió, tung tin đồn thất thiệt khiến ba người vong mạng.
Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Khang Sinh, trước nay nổi tiếng tài mạo song toàn. Khi mới 22 tuổi, Khang Sinh đã dạy học trong nhà của một vị đại quan họ Đan. Nhà họ Đan ba đời làm quan, là nhà giàu có nhất trong huyện, trong nhà lúc nhiều nhất có đến mấy trăm người hầu cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên họ Đan bản tính tàn bạo, gia quy nghiêm khắc. Người hầu nếu không cẩn thận sẽ bị quất roi, thậm chí bị tra tấn, chịu cực hình tàn khốc. Trong nhà thường có người hầu bị hành hạ đến chết, nhưng gia chủ họ Đan xem như không có chuyện gì, quan phủ cũng không làm gì được. Khang Sinh giỏi a dua nịnh hót nên rất được lòng gia chủ nhà họ Đan. Tuy nhiên, Khang Sinh tuổi còn trẻ, thường ưa thích sinh sự từ những việc không đâu, hơn nữa còn tung tin đồn thất thiệt.
Khang Sinh có năm người học trò: bốn người là con cháu họ Đan, cụ thể là Đan Tu, Đan Bảo, Đan Kiệt và Đan Ti; người còn lại là huynh đệ cùng cha khác mẹ của gia chủ họ Đan, tên là Văn Bính. Văn Bính mới 17 tuổi nhưng rất thông minh. Những bài thơ anh viết, Khang Sinh thường không biết sửa đổi thêm như thế nào. Khang Sinh bề ngoài rất tán thưởng Văn Bính, nhưng thực ra lại rất ghen tị. Trong số năm người học trò, chỉ có Đan Bảo và Khang Sinh là hợp nhau nhất. Mỗi khi có chuyện, Đan Bảo liền đi nghe ngóng rồi quay lại nói với Khang Sinh. Khang Sinh gặp người lạ, cũng sẽ tìm Đan Bảo để nghe ngóng, mối quan hệ giữa hai người thực sự rất thân thiết.
Một ngày nọ, nhà họ Đan tổ chức tiệc chiêu đãi họ hàng của phu nhân, đến chiều tối thì khách dần dần ra về. Mấy vị nữ gia quyến sau khi từ biệt khách nhân quay trở lại, vừa nói vừa cười đi qua cửa nhà dạy học. Khang Sinh lén nhìn qua khe cửa, thấy một a hoàn mặc áo xanh váy trắng, xinh đẹp kiều diễm, phong thái quyến rũ, anh ta nhất thời cảm thấy bồn chồn vương vấn. Ngay lúc đó, tình cờ gặp một thư đồng đang cầm nến, đưa rượu và đồ ăn lên, Khang Sinh bèn hỏi: “Các vị công tử ở trong đó làm gì?” Thư đồng đáp: “Có người thân ở lại qua đêm, mấy vị công tử đang bận thu xếp. Một lát nữa, nhị công tử sẽ đi ra uống rượu với tiên sinh.” Khang Sinh gật đầu.
Một lúc sau, Đan Bảo đi đến, hai thầy trò uống rượu vui vẻ. Khang Sinh hỏi về a hoàn mà mình vừa nhìn thấy, Đan Bảo thưa: “Người tiên sinh muốn hỏi là a hoàn có nước da trắng nõn, mắt to, răng trắng, tóc dày đen nhánh phải không?” Khang Sinh nói: “Chính xác.”
Đan Bảo nói tiếp: “Đó là Tiểu Huệ, a hoàn thiết thân trong phòng của dì ba. A hoàn này thông minh lanh lợi, giỏi thêu thùa may vá, cả nhà đều thích nàng ấy. Nàng ấy đã 19 tuổi, nhưng vẫn chưa tìm được nhà chồng.” Khang Sinh nâng ly, nói đùa: “Tài sắc như thế, mỗi ngày đều ở trước mắt, các huynh đệ ngươi không để ý đến nàng sao?”
Đan Bảo cười nói: “Ai chưa từng thử qua? Chỉ là a hoàn này biết cách từ chối né tránh, thế nên mắt thấy sắp với được thì lại tuột mất. Chỉ có Văn Bính là luôn thân tình với nàng ta.” Khang Sinh đắc ý nói: “Ai da! Văn Bính luôn tự nhận thanh cao, nhưng lại đi hủy hoại thanh danh của người khác, chẳng phải là không nhất quán sao? Ta thấy Tiểu Huệ là người thận trọng, e rằng Văn Bính cũng chưa thể làm hoen ố nàng ấy, những gì trò nói có lẽ chỉ là phỏng đoán mà thôi.”
Đan Bảo nói: “Không đúng, mối quan hệ giữa hai người họ, con và Đan Ti đều từng tận mắt nhìn thấy.” Khang Sinh đến gần Đan Bảo hỏi: “Mấy trò đã thấy gì?” Đan Bảo nói: “Hai người họ nói chuyện, Đan Ti ở trong phòng nhìn trộm thấy, con thì tình cờ gặp họ trong vườn.” Khang Sinh nghe xong thì cười lớn.
Một ngày nọ, Đan Kiệt hỏi Khang Sinh về câu chuyện “Man xúc chi tranh” [1] trong “Trang Tử”, Khang Sinh không thể trả lời. Văn Bính ở bên cạnh giải thích, Khang Sinh cảm thấy vô cùng xấu hổ nhưng vẫn dùng giọng điệu giáo huấn nói: “Nghiên cứu học vấn nên lấy ‘Thập tam kinh’ làm nền tảng, lấy ‘Chấp nhất sử’ làm kiến thức, đọc những cuốn sách hoang đường đó chẳng khác nào vớ phải đống rác mà thôi.”
Văn Bính thưa: “Nếu có chuyện không biết, cũng là điều hổ thẹn đối với nho sinh. Tể tướng phải là người đọc sách để gánh vác lo liệu, bởi vì học sĩ có kiến thức rộng, vậy nên vai trò cũng rất lớn.”
Khang Sinh đáp lại: “Đọc sách có thể thay đổi tính khí con người, tính khí của cậu cũng xứng gọi là Nho sinh ư? Tuy rằng ta chỉ lớn hơn cậu mấy tuổi, nhưng cũng là thầy của cậu, cậu là học trò, học trò mà khi dễ thầy, đọc sách có tác dụng gì? Huống hồ cậu tự cho mình tinh thông nho thuật, nhưng lại tư thông với a hoàn, phá hoại quy củ khuê phòng nhà người ta, trên đời có nho sinh như vậy sao?”
Văn Bính nghe vậy thì mặt biến sắc, không dám nói thêm gì nữa. Đan Tu và những huynh đệ khác cố gắng khuyên giải Khang Sinh, cơn giận của Khang Sinh mới dần nguôi ngoai, nhưng không nói thêm chuyện gì với Văn Bính.
Sau khi gia chủ họ Đan biết chuyện, đã đánh Văn Bính mười mấy roi, còn mời Khang Sinh uống rượu, tỏ vẻ áy náy nói: “Đại trượng phu mượn rượu để tống khứ tâm bất bình, huống chi tiên sinh là thầy đối với học trò! Tiểu đệ của ta quá hồ đồ, tiên sinh không cần phải so đo với nó.” Khang Sinh liên tục đồng ý, cùng uống rượu thâu đêm.
Họ Đan uống đến lúc đã ngà say, rất cao hứng, nói về những chuyện mà bản thân đắc ý trong đời, nói liên hồi không dứt. Khang Sinh thừa cơ khiêu khích: “Lão tiên sinh làm quan, văn chương trác việt siêu quần, đủ để truyền thế, chỉ là gia pháp không đủ nghiêm ngặt, ở bên ngoài có một số tin đồn, quả thực là đáng tiếc!”
Gia chủ họ Đan chợt mất hứng nói: “Ta trị gia tự cảm thấy không hổ là liễu đá [cây liễu được điêu khắc từ đá, ý nói nhìn có vẻ mềm mại nhưng lại hết sức cứng rắn]. Tiên sinh nói câu này, phải chăng là vì nghe được chuyện gì?” Khang Sinh đáp: “Nhận được sự yêu quý của ngài, cho nên tôi biết gì thì sẽ nói nấy. Thế nhưng chuyện này liên quan đến riêng tư của người khác, cho nên không tiện mở miệng.”
Gia chủ họ Đan càng thêm nghi ngờ, ra hiệu cho người hầu trong phòng đi ra, một mực truy hỏi. Khang Sinh liền đem chuyện Văn Bính và Tiểu Huệ tư thông, thêm mắm thêm muối nói ra: “Chuyện này công tử nhà ngài cũng tận mắt chứng kiến. Lão tiên sinh là tấm gương mẫu mực, sao có thể vì một a hoàn, nhất thời khoái lạc mà làm ảnh hưởng và làm vấy bẩn danh tiếng của ngài?”
Gia chủ họ Đan trước nay luôn tự hào gia pháp nghiêm khắc, khi bị người khác chỉ ra việc xấu trong nhà ngay trước mặt thì tức giận đến nổi trận lôi đình. Ông ta hung hãn hất mạnh ly rượu, bước vào phòng trong, vừa đi vừa lớn tiếng gọi Tiểu Huệ đến, ra sức dùng đòn roi để tra khảo nàng. Tiểu Huệ chịu đựng không nổi cực hình, đành phải làm trái với lương tâm mà thừa nhận.
Gia chủ họ Đan vô cùng phẫn nộ, đem trói Tiểu Huệ vào cột, rồi gọi Văn Bính đến xem. Nhìn thấy cảnh tượng này, Văn Bính chỉ biết che mặt bò trên đất, gào khóc thảm thiết. Gia chủ họ Đan vừa la mắng vừa dùng roi quất, sắc mặt dữ tợn. Phu nhân ở bên cạnh hết lần này đến lần khác cầu tình, nhưng gia chủ họ Đan vẫn mãi không nguôi giận. Sau khi nhốt Văn Bính trong nhà vệ sinh, ông mới trở về phòng.
Phu nhân lặng lẽ giúp Tiểu Huệ cởi trói, đỡ nàng vào phòng. Tiểu Huệ hơi thở thoi thóp, tấm chiếu trải giường thẫm ướt máu tươi, những người hầu đều rơi nước mắt thương xót cho nàng. Cứ như thế đến nửa đêm, Tiểu Huệ đột nhiên đứng lên, lớn tiếng nói: “Nếu con người sau khi chết còn có thể nhận biết, tôi nhất định sẽ đòi lại công đạo!” Nói xong, cô gào khóc mấy tiếng rồi qua đời, mọi người trong nhà ai nấy đều thương xót.
Sau khi Khang Sinh biết chuyện, trong tâm cảm thấy vô cùng bất an, tìm lý do xin nghỉ dạy rồi rời về quê nhà. Mỗi khi nghĩ đến chuyện của Tiểu Huệ, anh ta đều sợ hãi đến mức lưng ướt đẫm mồ hôi. Lúc đó vừa hay sắp tới kỳ thi Hương, Khang Sinh thắp đèn học vào ban đêm để chuẩn bị cho kỳ thi. Mẹ của Khang Sinh là Lý Thị tự tay chuẩn bị đồ ăn và đưa đến thư phòng. Đột nhiên, bà nhìn thấy một cô gái không mảnh vải che thân, toàn thân bê bết máu đứng trước cửa sổ. Lý Thị sợ hãi hét lên một tiếng rồi ngã xuống đất, trong chớp mắt đã không thấy cô gái kia đâu nữa.
Khang Sinh vội vàng chạy ra ngoài, dìu mẹ trở về phòng ngủ nghỉ ngơi. Anh ta hỏi mẹ có chuyện gì khiến bà kinh sợ, mẹ anh bèn kể lại những gì bà đã nhìn thấy, Khang Sinh cũng sợ hãi không thôi. Lý Thị nói: “Xem ra căn nhà này có ma, không nên ở nữa, huống chi gần đến ngày thi Hương rồi, hay là con hãy lên tỉnh đến nhà cậu ở tạm. Nếu thi đỗ, con lại chuyển đến nơi khác sinh sống.” Khang Sinh cảm thấy mẹ nói có lý, liền nhanh chóng xuôi thuyền lên tỉnh, sau đó ở lại nhà cậu mình.
Ngày thi Hương đã đến, sĩ tử khắp nơi lục tục kéo về trường thi. Đêm hôm đó, mọi người trên trường thi đều nghe thấy tiếng người con gái khóc thút thít, cảm thấy vô cùng kỳ lạ. Còn Khang Sinh thì thần sắc uể oải, không muốn ăn uống gì. Đến đêm hôm sau, vào lúc canh ba, đột nhiên bên ngoài mành treo cửa có tiếng người ầm ĩ, mọi người đều lấy làm kỳ quái.
Có sĩ tử vén mành đi ra ngoài dò xét, chỉ thấy trước cửa phòng Khang Sinh có rất nhiều người đang chen chúc. Anh ta biết nhất định đã xảy ra chuyện, bèn chen vào đám đông để xem. Chỉ thấy Khang Sinh người trần như nhộng ngồi dưới mái hiên, hai mắt trừng trừng, hét lớn: “Giờ này Đan Đình Hiến (Đan Thị) còn chưa đến, tạm thời tha cho hắn một trận. Bây giờ cắt lưỡi của tên bại hoại này trước, rồi đi đối chất.” Nói xong, Khang Sinh dùng tay tự kéo lưỡi của mình ra, dùng hết sức mà kéo, lưỡi từ trong miệng kéo dài ra, hai bên khóe miệng đều chảy máu. Những người đứng xem vô cùng sợ hãi, muốn giúp Khang Sinh, nhưng ngón tay của anh ta đã mắc vào gốc lưỡi, làm thế nào cũng không thể tách ra. Khi quan phủ phái người đến điều tra, Khang Sinh đã kéo ra cả lưỡi lẫn gốc, đau đớn nằm bất tỉnh trên mặt đất, một lúc sau thì qua đời.
Văn Bính sau khi hay tin, nửa năm sau đó cũng qua đời. Phải chăng anh và Tiểu Huệ chưa thể kết lương duyên đời này ở nhân gian, cho nên muốn hoàn thành ở nơi minh phủ?
Chú thích:
[1] “Man xúc tương tranh”: Man Thị là nước nằm ở góc phải của Oa Ngưu, còn Xúc Thị là nước ở góc trái. Vì tranh giành lãnh địa, hai nước này cứ 15 ngày lại giao chiến một lần, thương vong hơn vạn người. Điển này lấy từ “Trang Tử – Tắc Dương”, dùng để ví von vì chút lợi nhỏ mà khởi mối tranh chấp.