Huawei bị Hoa Kỳ cấm vận, ĐCSTQ sử dụng Xiaomi để cạnh tranh với Big Tech của phương Tây
Xiaomi, đại công ty điện tử của Trung Quốc, đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đẩy lên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của mình. Sau khi Hoa Kỳ trừng phạt Huawei, Xiaomi đã trở thành công cụ của ĐCSTQ để cạnh tranh với các công ty công nghệ của phương Tây. Xiaomi, công ty có nhiều mối quan hệ với quân đội Trung Quốc, không chỉ tham gia vào các lĩnh vực như xe điện và mạng di động 5G mà còn tham gia vào việc xây dựng hệ thống internet vệ tinh “Starlink” của riêng ĐCSTQ.
Hồi tháng Tám, ông Lôi Quân (Lei Jun), người sáng lập tập đoàn Xiaomi, đã tuyên bố rằng từ điện thoại thông minh, thiết bị đeo thông minh, xe hơi điện, và các loại robot sinh học, cho đến chương trình kết nối vệ tinh từ mặt đất đến không gian của ĐCSTQ, Xiaomi đặt mục tiêu cạnh tranh với các loại robot sinh học hình người và robot có thể tự lái xe Tesla, cũng như mạng liên lạc vệ tinh thế hệ tiếp theo “Starlink” của Elon Musk.
“Xiaomi là một sự thay thế cho Huawei,” chuyên gia Trung Quốc Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times. “Kể từ khi Huawei bị Hoa Kỳ trừng phạt, ĐCSTQ đã thay thế Huawei bằng Xiaomi, công ty cũng có nền tảng [hỗ trợ] quân sự cho ĐCSTQ, để trở thành một thương hiệu công nghệ cao cho sự mở rộng toàn cầu của ĐCSTQ. Nhìn bề ngoài thì dường như Xiaomi đang cạnh tranh với Huawei.”
Hôm 07/10, chính phủ Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ mở rộng hơn nữa các hạn chế xuất cảng đối với vi mạch bán dẫn tân tiến và các thiết bị liên quan sang Trung Quốc. Mặc dù chính phủ ông Biden đã loại Xiaomi khỏi danh sách các tổ chức thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc hồi tháng 05/2021, nhưng các hạn chế của Hoa Kỳ đối với lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc cũng phần nào hạn chế được Xiaomi.
Bị tụt hậu trong công nghệ tân tiến và đổi mới
Các công ty công nghệ Trung Quốc như Xiaomi đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp các đại công ty công nghệ (Big Tech) của Hoa Kỳ như Tesla và Apple. Nguyên mẫu robot của Xiaomi có ngoại hình tương tự như robot Optimus của Tesla được ra mắt vào ngày 01/10, nhưng không thể so sánh được về các thuật toán cốt lõi, kịch bản ứng dụng, và giá thành. Mặt khác, Optimus của Tesla có hình thức trực quan và hệ thống điện toán giống như xe điện thông minh của hãng, cũng như được xây dựng dựa trên một mạng lưới và công nghệ lái xe hoàn toàn tự động, có triển vọng ứng dụng rộng rãi trong tương lai.
Ông Musk cho biết tại sự kiện Ngày AI (trí tuệ nhân tạo) của Tesla hôm 01/10 rằng Optimus dự kiến sẽ có giá dưới 20,000 USD, rẻ hơn một chiếc xe Tesla, và sẽ có mặt trên thị trường trong khoảng 3-5 năm tới, sẽ được sản xuất với số lượng rất lớn, khoảng hàng triệu robot.
Theo một nghiên cứu tóm lược về ngành công nghiệp robot Trung Quốc, được Viện nghiên cứu Đầu Báo của Trung Quốc công bố hôm 23/09, giá thành của Xiaomi CyberOne dao động từ 84,000 đến 98,000 USD, gấp khoảng bốn lần so với Optimus, và hoàn toàn chưa sẵn sàng cho sản xuất đại trà. Ngoài ra, các thành phần cốt lõi trong robot sinh học của Xiaomi phụ thuộc 80% vào nhập cảng.
Về công nghệ lái xe hoàn toàn tự động, Tesla đã có gần 10 năm kinh nghiệm về xe tự hành và cung cấp hơn 1 triệu xe điện mỗi năm, tích lũy một lượng dữ liệu khổng lồ giúp hãng liên tục cải tiến công nghệ của mình. Xiaomi của Trung Quốc thiếu dữ liệu căn bản nhất để nghiên cứu về xe tự hành. Công ty này có thể chiêu mộ được một số nhân tài, nhưng lỗ hổng về kiến thức căn bản này lớn đến mức họ không thể bắt kịp.
Xiaomi, khởi nghiệp với điện thoại thông minh, đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong chiến lược toàn cầu của ĐCSTQ và đã được hưởng lợi từ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ. Xiaomi tham gia vào lĩnh vực xe điện, đây là bước đi rất quan trọng đối với kế hoạch chiến lược của ĐCSTQ để sử dụng công ty này như một thương hiệu cho quảng bá các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc trên toàn thế giới. Xiaomi đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực xe điện hoàn toàn tự động. Hồi tháng Tám năm ngoái, Xiaomi đã mua lại DeepMotion với giá 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 70 triệu USD) và đã đầu tư khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 280 triệu USD) vào các công ty liên quan như ZongMu Technology (Công ty Khoa học và Kỹ thuật Tổng Mục) và G-PAL, chuyên sản xuất hệ thống lái xe tự động.
Kể từ khi tuyên bố gia nhập lĩnh vực xe điện hồi tháng Ba năm ngoái, Xiaomi đã đầu tư 3.3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 460 triệu USD) vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển đầu tiên, và đội ngũ phát triển xe tự lái của hãng đã lên đến hơn 500 người. Ông Lôi Quân cũng nói rằng thuật toán tự lái của Xiaomi sẽ được “tự nghiên cứu hoàn toàn” và sẽ dẫn đầu ngành công nghiệp này vào năm 2024.
Tham vọng ‘Starlink’ của ĐCSTQ
Hồi tháng Ba, GalaxySpace, một công ty công nghệ vũ trụ của Trung Quốc, đã phóng sáu vệ tinh thông tin băng thông rộng vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) để cùng vệ tinh đầu tiên (thành chùm vệ tinh), đồng thời xây dựng mạng thử nghiệm 5G kết hợp vệ tinh-mặt đất đầu tiên. Mục đích của hành động này là để cạnh tranh với chùm vệ tinh “Starlink” SpaceX của ông Musk để tạo ra phiên bản Starlink của riêng Trung Quốc có sự tham gia của Xiaomi.
Người sáng lập Lôi Quân của Xiaomi được nêu tên trên trang web chính thức của Galaxy Space với tư cách là một nhà đầu tư sau khi người sáng lập của công ty này là Từ Minh (Xu Ming) và công ty đầu tư Thuận Vi (Shunwei Capital) của ông Lôi tham gia vào tất cả các vòng cấp vốn của Galaxy Space. Trong vòng cấp vốn gần đây nhất, hoàn thành hồi đầu tháng Chín, vốn sở hữu nhà nước từ ĐCSTQ cũng đã tham gia, bao gồm CCB International của Tập đoàn Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Quỹ Triple One Venture của tỉnh An Huy, và Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp của Thành phố Hợp Phì.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times