Huấn luyện viên cuộc sống: Bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’ đã làm sáng tỏ sự thật
Bà Denise Kalm biết đến Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa cổ xưa, từ nhiều năm trước. Mặc dù ban đầu bà có quan điểm tiêu cực về môn tu luyện này từ các bài báo của các hãng truyền thông lớn, nhưng quan điểm của bà đã thay đổi trong vài năm gần đây sau khi bà đặt mua báo The Epoch Times dài hạn. Sau đó, vào tháng 01/2023 tại San Francisco, bà đã thưởng lãm Shen Yun, một chương trình âm nhạc và vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới. Các tiết mục vũ đạo và ca từ đã giúp bà có thêm nhiều hiểu biết về văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Bà cho hay Shen Yun đã khiến bà “chấn động” và ngày càng tò mò hơn về môn tu luyện tinh thần này. Vì vậy, khi bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” gần đây của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại Sư Lý Hồng Chí đăng tải trên The Epoch Times, bà đã đọc và cảm thấy “hứng thú.”
“Shen Yun nói về các vị Thần. Và trong đó có những bài thơ được chuyển ngữ, các bài hát và những thứ tương tự. Vì thế tôi đã biết thêm được một chút, nhưng đó là những mảnh ghép riêng lẻ, còn bài viết của Đại Sư Lý thực sự làm sáng tỏ tất cả những điều đó,” người huấn luyện viên cuộc sống 68 tuổi này chia sẻ với The Epoch Times.
Bà thấy bài viết này rất hấp dẫn vì “nó liên quan chặt chẽ với rất nhiều thứ mà trước đây tôi đã nghiên cứu theo nhiều phương thức khác nhau, và bài viết đã hệ thống hóa chúng [theo cách] mà mọi người có thể nhanh chóng nắm bắt được.”
Đối với bà, bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” cũng mang đến cho mọi người trải nghiệm chân thực về Pháp Luân Công. “Tôi rất vui vì tác giả [Đại Sư Lý] đã làm sáng tỏ sự thật trong bài viết của mình để mọi người có thể đọc và nói rằng, ‘Đúng rồi, đây mới là sự thật,’” bà Kalm nói. Bà khuyến khích mọi người tìm hiểu về Pháp Luân Công bằng cách đọc bài viết này của Đại Sư Lý. “Ông ấy đang cho bạn biết sự thật. Và hãy tự hỏi bản thân, những người [tập môn khí công này] có thể làm tổn thương bạn theo bất kỳ cách nào không? Không có. Họ có làm tổn hại đến thế giới này không? Không có.”
“Vì vậy, giống như những tôn giáo mà chúng ta có thể không hiểu rõ, chúng ta không nên nghĩ về họ khác với [cách chúng ta nhìn nhận] bất kỳ nhóm người nào khác bởi vì họ đang sống một cuộc sống tốt đẹp, tích cực với những giá trị tuyệt vời. Và điều đó tốt cho tất cả mọi người.”
‘Mối tương quan chặt chẽ’ giữa khoa học và bài giảng của Đại Sư Lý
Trước khi bước vào công việc trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tiếp thị, và huấn luyện, bà Kalm học ngành di truyền sinh học. Bà cho hay bà thấy bài viết này “thuyết phục” vì những tư tưởng trong bài viết của Đại Sư Lý vượt trên nhận thức của các nhà khoa học. Tuy nhiên, bà thấy “một mối tương quan chặt chẽ giữa những gì các nhà khoa học nói về việc vũ trụ liên tục tự trùng tân tái tạo và những gì Đại Sư đề cập đến trong bài viết này.”
“Là một nhà di truyền học, bà thấy rằng một trong những điều khiến người ta chú ý ngay lập tức chính là việc loài người tồn tại và được sinh ra hoàn toàn lành lặn là khó khăn đến thế nào nếu xem xét tất cả những vấn đề có thể xảy ra,” bà nói. “Và vì vậy, hầu hết các nhà khoa học mà tôi biết đều là những người tín Thần ở một mức nào đó, không nhất định là có tín ngưỡng đến mức nói là, tôi tin vào Chúa, nhưng [họ] có một cảm giác rằng còn rất nhiều điều chúng ta không biết, và có rất nhiều điều đã kiến tạo nên sinh mệnh.”
Bà tiếp tục, “Với mã di truyền của chúng ta, chỉ cần bắt đầu từ đó, và cách mã di truyền đó luôn tạo ra những con người tương đối hoàn hảo là điều khó mà tưởng tượng nổi. Và vì vậy, bạn có cảm giác rằng có điều gì đó đang quản [những việc này], rằng có điều gì đó đang xảy ra ở đây. Và vì thế qua việc đọc bài viết này, tôi hình dung được một cách giải thích khác cho vấn đề này, mặc dù điều đó không biến tôi thành một người theo tôn giáo.”
“Điều mà tôi tâm đắc là ý tưởng về một khía cạnh rất thực tế ‘làm thế nào để bạn sống cuộc đời của mình như một người tốt,” bà nói về bài viết này.
Mở rộng tâm hồn để trở nên tốt hơn
Vì tò mò, bà Kalm đã tìm hiểu về khái niệm luân hồi cùng mẹ bà vào khoảng năm 1990. Bà đã tham gia một hội thảo về luân hồi, ở đó mọi người khám phá quá khứ và tương lai của họ thông qua tự thôi miên.
Trong buổi hội thảo đó, người điều phối đã hỏi mọi người: Nếu bạn có thể hỏi vũ trụ một câu hỏi, thì bạn sẽ hỏi gì? Bà Kalm đã thỉnh cầu, “Nếu có thiên đường, tôi muốn có một khoảnh khắc thông hiểu hoàn toàn [về vũ trụ này].”
“Tôi cảm thấy rằng Đại Sư Lý đã tiếp cận sát điều đó trên một số phương diện với bài viết này,” bà nói thêm. “Nếu có luân hồi, thì chúng ta [sẽ] mang theo những thứ từ quá khứ của chúng ta. Linh hồn đang mang những thứ đó theo, và đó thực sự là một số điều mà Đại Sư Lý đã đề cập đến, theo tôi là vậy.”
Mặc dù bà Kalm không chắc chắn liệu bà có hoàn toàn tin rằng có luân hồi [hay không], nhưng bà cho rằng “rất thú vị” khi các niềm tin của người Trung Quốc có liên quan đến luân hồi: “Nếu bạn sửa đổi bản thân, nếu bạn học hỏi và mở rộng tâm hồn, thì nó sẽ trở thành một tâm hồn đẹp hơn, và bạn sẽ được đền đáp cho điều đó.”
‘Sống theo những giá trị của bạn’
[Khi] bà Kalm đang học tiến sĩ về di truyền sinh học thì bà nhận ra rằng nghề nghiên cứu không phải là sứ mệnh thật sự của mình. Do đó, sau khi nhận một bằng Thạc sĩ về di truyền sinh học, bà đã bỏ học cao học.
Bà dự tính rằng công nghệ thông tin sẽ là một nghề tạm thời cho đến khi bà xác định được tiếp theo nên làm gì. Tuy nhiên, bà đã dành hàng thập niên trong lĩnh vực này. Từ một kỹ sư hiệu năng với công việc giúp máy tính hoạt động nhanh chóng, bà đã trở thành một giám đốc tiếp thị của một công ty công nghệ thông tin hàng đầu và là một phó chủ tịch của một tổ chức thành viên bất vụ lợi của các chuyên gia công nghệ thông tin. Năm 2005, bà đã mở công ty huấn luyện của mình.
Mặc dù các công việc khác nhau của bà không cho thấy một mô thức rõ ràng, nhưng điểm chung dường như là [hướng đến] hiệu quả [công việc] và tự cải thiện bản thân. Bà vẫn đang [hành nghề] huấn luyện nhưng đã về hưu bán thời gian và không chủ động tìm kiếm khách hàng mới.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times