Báo cáo: Ngân hàng Anh nên ngừng bán trái phiếu
Tác giả, cựu Bộ trưởng Đảng Bảo Thủ, Ngài John Redwood, cho biết Ngân hàng Anh đang bán trái phiếu ở mức lỗ mà người đóng thuế sẽ phải hoàn trả.
Một báo cáo cho biết Ngân hàng Anh (BoE) nên ngừng bán trái phiếu trừ phi việc bán trái phiếu có ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát.
Do Viện nghiên cứu Các vấn đề Kinh tế (IEA) công bố, báo cáo này cho rằng những “sai sót tồi tệ” của ngân hàng trung ương đã gây ra lạm phát phi mã, và đặt câu hỏi về lý do của việc bán trái phiếu với mức giá lỗ.
Cựu Bộ trưởng Đảng Bảo Thủ, Ngài John Redwood, tác giả báo cáo, cho biết Bộ Ngân khố Anh quốc nên đảm nhận một phần trách nhiệm trong việc kiểm soát lạm phát trong khi BoE nên được giao cho một mục tiêu khác về tăng trưởng kinh tế.
Nghị viên đại diện cho Wokingham này cho biết ngân hàng trung ương của Anh quốc phải xem lại các dự báo và mô hình của mình, đồng thời mức lương của các thống đốc ngân hàng phải gắn liền với mức độ họ làm tốt công việc của mình.
Tuy nhiên, BoE không phải là mục tiêu chỉ trích duy nhất của Ngài John. Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) cũng được cho là nguyên nhân gây ra lạm phát ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương, trong đó có BoE, Fed, và ECB, đều đã áp dụng chính sách nới lỏng định lượng (QE) hoặc mua trái phiếu như một công cụ để cắt giảm lãi suất, tạo nguồn cung tiền, và kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy cho vay.
Trong đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa, các ngân hàng trung ương đã tăng mạnh hơn nữa các chương trình QE của họ, với việc BoE bơm 450 tỷ bảng Anh (546 tỷ USD) vào nền kinh tế Anh.
Lượng tiền bổ sung này chỉ đơn giản là đã làm tăng thêm cung tiền rất nhiều khi lưu hành trong nền kinh tế.
Theo báo cáo của IEA, từ tháng 01/2020 đến mùa thu năm 2022, nguồn cung tiền của Vương quốc Anh đã tăng 27%, từ 2.9 ngàn tỷ bảng Anh (3.5 ngàn tỷ USD) lên mức cao nhất là 3.7 ngàn tỷ bảng Anh (4.5 ngàn tỷ USD).
Báo cáo cho biết, trong cùng thời kỳ, ECB đã khiến nguồn cung tiền của khu vực đồng euro tăng thêm ¼, từ 12.5 ngàn tỷ euro (13.15 ngàn tỷ USD) lên mức cao nhất là 15.5 ngàn tỷ euro (16.3 ngàn tỷ USD), trong khi Fed đã tăng số lượng USD lên khoảng 40%, từ hơn 15 ngàn tỷ USD một chút đến mức cao nhất là gần 22 ngàn tỷ USD.
Nhu cầu bị dồn nén và sự gián đoạn nguồn cung trong thời gian phong tỏa và việc Nga xâm chiếm Ukraine đồng nghĩa với việc số tiền tăng thêm đã chảy vào một lượng hàng hóa và dịch vụ hạn chế, khiến lạm phát tăng cao.
Trong năm 2022, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Anh quốc đạt 7.9%, trong khi tỷ lệ này là 8% ở Hoa Kỳ và 8.3% ở khu vực đồng euro, cao hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 2% của họ.
Ngài John cho biết “lạm phát quá mức” ở ba nền kinh tế “chủ yếu là do sai sót nghiêm trọng của ngân hàng trung ương nơi đó.”
Báo cáo cho biết, “Khi cố tình làm tăng giá tài sản thông qua nới lỏng định lượng (QE) để bù đắp cho những tác động của việc phong tỏa, các ngân hàng này đã tiếp tục mở rộng tiền tệ quá mức trong suốt năm 2021 dẫn đến lạm phát cao vào năm 2022, do lượng tiền dư thừa chảy ra khỏi thị trường tài sản đang bị tăng giá, chảy từ trái phiếu, cổ phiếu, và bất động sản sang mua hàng hóa và dịch vụ và mở rộng tín dụng ngân hàng.”
Họ cho biết, “Các ngân hàng trung ương đã kiên trì dự báo lạm phát thấp cho đến khi lạm phát cao và sau đó dự báo là lạm phát tạm thời khi lạm phát bắt đầu lan sang tiền lương và dịch vụ.”
Theo Ngài John, thực tế rằng không phải tất cả các nền kinh tế lớn đều bị lạm phát cao sau đợt tăng giá năng lượng do chiến tranh gây ra đồng nghĩa với việc “chính sách của ngân hàng trung ương có thể đã tạo ra sự khác biệt.”
Lập mô hình tồi
Các ngân hàng trung ương dựa vào dự báo để ban hành các chính sách tiền tệ của mình vì các chính sách này phải mất nhiều thời gian mới có hiệu lực. Ngài John cho rằng việc lập mô hình tồi của các ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong phán đoán của họ.
“Các mô hình của họ không xem trọng vấn đề tăng trưởng tiền tệ và tín dụng,” ông nói, “Fed và BoE không báo cáo về tăng trưởng tiền tệ và thảo luận về ý nghĩa của tăng tăng trưởng tiền tệ đối với nền kinh tế và chính sách. Họ thích tập trung vào khái niệm công suất, tìm cách đánh giá xem nền kinh tế đang nóng hay lạnh và liệu lãi suất có cần thúc đẩy sản lượng và việc làm nhiều hơn để bù đắp sự trì trệ hay ít hơn để hạ nhiệt thị trường.”
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, các ngân hàng có xu hướng sử dụng số liệu thị trường lao động làm đại diện cho công suất [của nền kinh tế] mà bỏ qua các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng sản xuất.
Ngài John cũng cho biết các ngân hàng “có xu hướng có cái nhìn quốc gia hơn là toàn cầu về công suất” trong khi trên thực tế, khả năng nhập cảng cũng là một yếu tố nhưng khó đưa vào mô hình.
Mặc dù báo cáo của ông đã phân tích các chính sách tiền tệ của BoE, Fed, và ECB, nhưng nghị viên Anh này cho biết ông chỉ có quyền đề ra khuyến nghị cho BoE và chính phủ Anh quốc.
Ông cho rằng chính phủ Anh quốc nên yêu cầu BoE xem xét và điều chỉnh các mô hình của mình, đặc biệt là các mô hình về lạm phát.
Ông nói: “BoE nên tạo ra một phân tích về vai trò của tiền tệ và tín dụng đối với lạm phát, đồng thời thảo luận về cách giám sát và sử dụng phân phân tích này để giúp đưa ra các quyết định chính sách về lãi suất và việc tạo thêm tiền trong tương lai.”
Ngài John cũng khuyến nghị ngân hàng nên tuyển dụng nhân viên cao cấp với các quan điểm đa dạng và khen thưởng họ khi ngân hàng “đạt được mục tiêu về tính chính xác của dự báo và thành công của các kết quả trong các quyết định chính sách.”
Sau các chương trình QE quy mô lớn, BoE đã bắt đầu quá trình thắt chặt định lượng (QT), hoặc bán trái phiếu, và Fed cùng ECB đã làm theo.
BoE bán lỗ trái phiếu
Trong năm đầu tiên của quá trình QT, BoE đã đặt mục tiêu bán ra số trái phiếu trị giá 80 tỷ bảng Anh (97 tỷ USD). Tuần trước (18-24/-09), ngân hàng này cho biết họ dự định sẽ đẩy nhanh quá trình này, bán 100 tỷ bảng Anh (121 tỷ USD) trái phiếu trong 12 tháng tới.
Tuy nhiên, Ngài John đặt câu hỏi tại sao các ngân hàng lại bán trái phiếu tại thời điểm giá thấp hơn nhiều so với khi họ mua vào.
Báo cáo cho biết, “Có nhiều ước tính chính thức khác nhau về những tổn thất có thể xảy ra, trong đó Vương quốc Anh chắc chắn sẽ mất hơn 100 tỷ bảng Anh [121 tỷ USD] đối với các trái phiếu đang nắm giữ còn ECB và Fed tương ứng sẽ mất nhiều hơn do quy mô danh mục đầu tư của họ lớn hơn nhiều. Lý do cho việc muốn bán trái phiếu với mức giá lỗ như vậy là một điều đáng tò mò.”
Báo cáo cho biết, trong khi Fed đơn giản là không lo lắng về việc mất tiền, “BoE đã lo lắng về khả năng xảy ra các khoản lỗ lớn làm hỏng bảng cân đối kế toán của mình đến mức khiến người đóng thuế và Bộ Ngân khố đồng ý hoàn trả từng bảng Anh bị mất để bảo toàn vốn cho ngân hàng này.”
Ngài John cho biết BoE nên “xem xét lại quan điểm của mình” đối với QT và ngừng bán trái phiếu trước khi đáo hạn.
Ông nói: “Nếu việc bán trái phiếu không có ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát như đã nêu, và có mục đích chỉ mang tính kỹ thuật hoặc thanh lý bớt tài sản thôi, thì họ nên ngừng bán trái phiếu và để việc trái phiếu đến kỳ đáo hạn làm giảm dần bảng cân đối kế toán.”
Vân Du biên dịch
Qúy vị tham hảo bản gốc từ The Epoch Times