Hơn 300,000 quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng trong nửa đầu năm 2023
Hôm 22/07, Cơ quan giám sát kỷ luật hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố kết quả điều tra kỷ luật và hình sự nửa đầu năm nay, với số quan chức bị điều tra tham nhũng đạt mức cao nhất trong thập niên qua.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) đã công bố một thông báo ngắn gọn trên trang web chính thức của cơ quan này, trong đó nêu rõ rằng từ tháng Một đến tháng Sáu, 316,000 quan chức ở các cấp khác nhau trên toàn quốc đã bị lập hồ sơ điều tra hình sự.
Con số này cao hơn 36% so với kết quả trung bình trong các trường hợp trước đó kể từ khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Trong chiến dịch chống tham nhũng của mình, ông Tập đã sử dụng CCDI để bắt cả “hổ lẫn ruồi” — đề cập đến các quan chức cấp cao và cấp thấp; khoảng 4,648,000 quan chức đảng đã bị điều tra tham nhũng trong thập niên qua.
Thanh trừng giới quan chức
Hầu hết các quan chức bị điều tra hình sự đều là đảng viên cấp thấp của ĐCSTQ, bao gồm 1,588 quan chức cấp tỉnh, 13,000 quan chức cấp thành phố và cấp quận, 31,000 quan chức cấp thôn làng.
Chỉ có 36 trường hợp liên quan đến các quan chức cao cấp được cơ quan quản lý công vụ viên cao cấp nhất của Bắc Kinh, Ban Tổ chức Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, bổ nhiệm.
36 quan chức này, được gọi là “công vụ viên do Ban Tổ chức Ủy ban Trung ương quản lý,” bao gồm các cựu lãnh đạo của chính quyền cấp tỉnh, cơ quan lập pháp cấp tỉnh và thành phố, ủy ban cấp tỉnh và thành phố của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) — bao gồm Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, cựu quan chức cao cấp của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs), ngân hàng, văn phòng thể thao, và cơ quan quản lý tài sản nhà nước.
Hệ thống quản lý công vụ viên của ĐCSTQ là một bản sao của nomenklatura hay “danh sách” của Liên Xô cũ, một hệ thống theo đó các vị trí có ảnh hưởng trong chính quyền, doanh nghiệp nhà nước, và các cơ quan công quyền hoặc doanh nghiệp trực thuộc khác do những quan chức được ĐCSTQ chỉ định đảm nhiệm. Ban Tổ chức bảo đảm rằng những quan chức có ảnh hưởng trong cơ quan sẽ quyết định mọi việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ các cấp, các ngành. Cơ quan này cũng tổng hợp các báo cáo chi tiết và bí mật về các nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai của ĐCSTQ.
Thông báo của CCDI cũng cho biết 258,000 quan chức đã bị trừng phạt theo các quy tắc kỷ luật hoặc hành chính. Trong số các quan chức này, 18 người nguyên là quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, và 178,000 người nguyên là quan chức trong các SOEs và là trưởng thôn ở khu vực nông thôn. Khoảng 80,000 là cựu quan chức cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện, và thị trấn.
Tranh đấu quyền lực không ngừng
Kể từ khi nhậm chức, ông Tập đã tiến hành thanh trừng các đối thủ chính trị của mình. Cho đến nay, gần 5 triệu quan chức đã bị điều tra công khai về tội tham nhũng. Quan chức cao cấp nhất bị điều tra và kết án chung thân là ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), nguyên Bộ trưởng Bộ Công an kiêm ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ.
Ông Chu cũng là cựu chính trị gia cấp cao nhất phải hầu tòa kể từ vụ xét xử tội phản quốc năm 1981 đối với vợ của ông Mao Trạch Đông và các thành viên khác trong hội “Tứ Nhân Bang”, những người đã đàn áp các đối thủ chính trị trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa 1966–1976.
Trong khi các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả việc kết án ông Chu là một thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng, thì việc hạ bệ ông là một bước quan trọng trong chiến dịch của ông Tập nhằm triệt hạ phe cánh chính trị do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân thành lập. Mặc dù chỉ chính thức nắm quyền từ năm 1989 đến năm 2002, nhưng cố chủ tịch Giang và đồng đảng của ông ta (bao gồm cả ông Chu) đã nắm giữ quyền lực kinh tế và chính trị trên thực tế đối với Đảng và Nhà nước trong hơn một thập niên sau khi ông Giang về hưu. Ông Giang đã qua đời hồi tháng 11/2022.
“Chế độ độc tài này duy trì quyền lực của mình bằng các cuộc tranh đấu tới lui,” ông Lý Miễn Ánh — một triết gia và doanh nhân người Trung Quốc mới chuyển đến Hoa Kỳ — nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Ông Lý nói: “Giống như cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình cũng cần những cuộc tranh đấu nội bộ để duy trì quyền lực của mình.”
Ông cho rằng ông Tập vẫn cảm thấy bị đe dọa dù đang ở đỉnh cao quyền lực.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Tịnh và Leo Timm
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times