Hơn 1,000 nhà lập pháp trên thế giới tôn vinh Pháp Luân Đại Pháp
Hôm 13/05, nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới, hơn 1,000 nhà lập pháp đã gửi các thông điệp chúc mừng lễ kỷ niệm 30 năm môn tu luyện tinh thần này được khai truyền.
Ngày 13/05/1992, Đại sư Lý Hồng Chí đã lần đầu tiên truyền giảng môn tu luyện thiền định này tại Trường Xuân, Trung Quốc. Pháp Luân Đại Pháp còn được biết đến với tên gọi là Pháp Luân Công. Các nguyên lý cốt lõi chân, thiện, và nhẫn của môn tu luyện này cùng sự chú trọng vào đạo đức đã được hàng triệu người dân trên khắp cả nước đón nhận, và môn tu luyện sau đó đã nhanh chóng phổ truyền sang phần còn lại của thế giới.
Ngày 13/05 cũng là ngày sinh nhật của Ngài Lý. Hàng năm quanh thời điểm này, các học viên Pháp Luân Công toàn thế giới sẽ kỷ niệm sự kiện bằng cách tổ chức các buổi diễn hành và biểu diễn — thường có sự tham gia của nhiều người ở tất cả các giai tầng xã hội, trong đó có các nhà lập pháp, những người tuyên dương tác động tích cực của môn tu luyện này đối với xã hội.
Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, các nhà lập pháp tiểu bang và thành phố ở New York, New Jersey, Pennsylvania, Florida, tiểu bang Washington, Delaware, Minnesota, Virginia, Indiana, Texas, Maryland, Nevada, Massachusetts, Missouri, California, và Michigan đã thông qua các nghị quyết và tuyên bố công nhận sự cống hiến của Pháp Luân Đại Pháp trong việc bảo tồn các giá trị chân, thiện, và nhẫn.
Để đón chờ Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới, tiểu bang New York đã thông qua nghị quyết số 2278 để kỷ niệm dịp này và khen ngợi các bài giảng đạo đức cũng như những lợi ích sức khỏe “đáng kể” của môn tu luyện.
“Triết lý của Pháp Luân Đại Pháp đề cao ý tưởng rằng khi nội tâm trong sáng, tâm trí cân bằng, và thân thể tràn đầy sinh lực, sức khỏe và hạnh phúc sẽ là một kết quả tất yếu,” nghị quyết nêu rõ, đồng thời nói thêm rằng môn tu luyện này “vượt xa mục tiêu rèn luyện sức khỏe và thể chất để đạt đến mục đích khai mở trí huệ và sự giác ngộ.”
Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York), chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, đã gửi một chứng chỉ công nhận đặc biệt của Quốc hội dành cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở vùng Upstate New York để ca ngợi “sự kiên định khi đối diện với cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (ĐCSTQ) của họ.
Cùng tham gia mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp, Thượng nghị sĩ Patrick J. Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã trao tặng một chứng chỉ công nhận đặc biệt dành cho Ngài Lý.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) hôm 13/05 đã đăng lên Twitter những lời chúc mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới và cho biết ông “ủng hộ những người thực hành tín ngưỡng của họ một cách ôn hòa,” đồng thời kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo khác.
Ông Rubio, cùng với nhiều người khác, từ lâu đã phản đối sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với quyền tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc và cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài hàng thập niên của nhà cầm quyền này.
“Pháp Luân Đại Pháp, một môn khí công tu thân dưỡng tính bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa cổ đại, gồm năm bài công pháp và các chuẩn tắc đạo đức và luân lý mạnh mẽ. Khi chúng ta kỷ niệm ngày lễ hân hoan này, chúng ta nên suy ngẫm những lời dạy về chân, thiện, và nhẫn,” Thống đốc tiểu bang Pennsylvania Tom Wolf tuyên bố trong một lá thư hôm 13/05 gửi cho Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Philadelphia.
Năm nay, Cơ quan Lập pháp tiểu bang Pennsylvania đã thượng cờ Hoa Kỳ vào ngày 13/05 để kỷ niệm ngày đặc biệt này và cảm ơn Ngài Lý vì những đóng góp của ngài cho xã hội.
Dân biểu Mike Doyle (Dân Chủ-Pennsylvania), người vẫn luôn lên tiếng ủng hộ những người bị ĐCSTQ đàn áp, trong đó có các học viên Pháp Luân Đại Pháp, cho biết: “Hoa Kỳ được thành lập dựa trên nguyên tắc các nhân quyền bất khả xâm phạm, bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng.”
Hàng trăm nhà lập pháp trên khắp đất nước đã tham gia cùng các đồng sự của mình kỷ niệm 30 năm ngày khai truyền Pháp Luân Đại Pháp và cảm ơn Ngài Lý vì đã truyền giảng môn tu luyện này cho công chúng.
Canada
Ở Canada, hơn 100 nhà lập pháp từ Đảng Tự Do, Đảng Bảo Thủ, và Đảng Xanh đã gửi những lời chúc tốt đẹp tới các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Thêm vào đó, khoảng 20 thành phố đã tổ chức các buổi lễ thượng cờ để ghi nhận sự kiện này.
“Các phương pháp thiền định và hướng nội của Pháp Luân Đại Pháp rất hữu ích đối với hàng triệu học viên trên khắp thế giới,” bà Candice Bergen, quyền lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ Canada và là lãnh đạo của phe đối lập chính thức, cho biết trong một bức thư hôm 10/05. “Nhiều người dân Canada được hưởng sự an nhiên và bình hòa mà phương pháp nâng cao bản thân này mang lại.”
“Nhiều giá trị mà ngày nay chúng ta trân trọng — lòng nhân ái, sự bao dung, và công lý — được gìn giữ trong các truyền thống tâm linh. Điều vốn có bên trong những người tu luyện là dũng khí để liên tục nhìn thấy sự cải biến tích cực trong cuộc sống và xã hội của chính mình,” bà Elizabeth Dowdeswell, phó thủ hiến tỉnh bang Ontario, cho biết trong một bức thư hôm 13/05. “Các cộng đồng bắt nguồn từ tâm linh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng kết cấu xã hội của tỉnh chúng tôi.”
Các giá trị về chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp có “rất nhiều ý nghĩa” trong thời hiện đại, Nghị viên Đảng Tự Do Kevin Lamoureux nói trong thư chúc mừng của mình.
“Các giá trị phổ quát về sự chân thành, thiện lương, và khoan dung, là trọng tâm của Pháp Luân Đại Pháp, cũng là những lý tưởng cho Canada,” ông Pierre Poilievre, Nghị viên Đảng Bảo Thủ và là ứng cử viên lãnh đạo cho biết. “Tôi đánh giá cao sự đóng góp của quý vị trong việc đưa những giá trị này vào cuộc sống ở Canada vì một xã hội lành mạnh, hài hòa, bao dung, và nhân ái hơn.”
“Pháp Luân Đại Pháp hảo. Pháp Luân Đại Pháp là tốt,” Nghị viên Canada John Brassard nói trong một tuyên bố qua video.
Ngoài việc gửi lời chúc mừng đến các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong một video, Nghị viên Garnett Genuis hiện đã trình bày một dự luật tại Quốc hội Canada (S.223) “nêu bật cuộc bức hại tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”
“Cần phải có hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền đang ảnh hưởng đến tất cả những người sống ở Trung Quốc,” ông Genuis nói trong video. “Đặc biệt, các học viên Pháp Luân Công đã đang là những nạn nhân, dù cho hoạt động bình dị của họ là một môn tu luyện tinh thần nhằm đề cao các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.”
Vương quốc Anh
“Nhiều thập niên sau khi hành vi không thể dung thứ này [cuộc bức hại Pháp Luân Công] bắt đầu, không thể chấp nhận được rằng nó vẫn được phép diễn ra,” Nghị viên Ian Murray nói trong thông điệp của mình với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Vương quốc Anh. “Việc đàn áp bất kỳ nhóm nào, ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, là không thể chấp nhận được, và chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.”
“Quyền tự do tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng là một trong những nhân quyền căn bản và bất khả xâm phạm mà mỗi người xứng đáng được hưởng,” Nghị viên Cat Smith tuyên bố trong thông điệp chúc mừng tới các học viên Pháp Luân Đại Pháp địa phương, những người đã tổ chức lễ kỷ niệm ở London hôm 07/05.
Bà chia sẻ tầm nhìn đầy hy vọng của mình về một tương lai thành công cho hoạt động [nâng cao nhận thức] để mang lại sự thay đổi của các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
“Tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng tôi sẽ tiếp tục thúc giục chính phủ Vương quốc Anh gửi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn và chúng tôi sẽ không dung thứ cho những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn như vậy,” Nghị viên Feryal Clark nói.
Bà Clark trích dẫn một báo cáo của Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án bất vụ lợi độc lập, vốn kết luận “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý” rằng chính quyền Trung Quốc đang phạm tội ác phản nhân loại bằng việc thu hoạch nội tạng một cách cưỡng bức và có hệ thống từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp và các nhóm thiểu số khác như người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.
“Dù cho niềm tin tín ngưỡng, tâm linh, hay chính trị của chúng ta là gì, chúng ta đều đồng tâm trong lòng nhân đạo của mình,” ông Benedict Rogers, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo Thủ, cho biết. “Nhà cầm quyền tại Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm. Công lý phải được thực hiện. Sự thật phải được nói ra. Và việc chịu trách nhiệm phải đạt được.”
Ông Rogers đang viết một cuốn sách về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công và những người khác ở Trung Quốc, những người phải đối mặt với sự bức hại từ chế độ cộng sản.
“Cuốn sách đó sẽ kể câu chuyện của quý vị. Và câu chuyện của tất cả các dân tộc của Trung Quốc đi tìm công lý,” ông nói.
Úc
Hôm 05/05, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Úc đã tổ chức các lễ kỷ niệm ở Sydney, bắt đầu bằng việc luyện năm bài công pháp bên cạnh Nhà hát Opera Sydney. Họ đã nhận được những lời chúc và lời khen ngợi từ các nhà lập pháp trên khắp đất nước, những người tán dương họ vì những giá trị mà các học viên của môn tu luyện tinh thần này đang thúc đẩy trong xã hội.
“Chân, thiện, nhẫn là các giá trị mạnh mẽ, và là các giá trị có ích để chúng ta học hỏi và noi theo,” Thượng nghị sĩ Janet Rice nói trong một bức thư gửi Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp của Úc. “Tôi hoan nghênh truyền thống đạo đức và văn hóa sâu sắc của Pháp Luân Đại Pháp, cũng như sự đóng góp của các học viên Pháp Luân Đại Pháp nơi đây tại Úc và trên toàn thế giới.”
Nghị viên Bernie Finn đã tham gia một sự kiện do các học viên Pháp Luân Đại Pháp Úc tổ chức hôm 13/05. Ông nói rằng ông luôn phấn chấn khi ở bên các học viên, và ông khen ngợi sự kiên định của họ.
Những người trong ĐCSTQ là “những kẻ bắt nạt” và là “những tên côn đồ”, ông Finn nói với mọi người tại cuộc tập hợp. Ông lưu ý rằng đức tin ôn hòa của Pháp Luân Đại Pháp đã khiến ĐCSTQ sợ hãi, khiến nhà cầm quyền cộng sản này phát động cuộc bức hại đối với những người vô tội.
“Sức mạnh, quyết tâm, lòng dũng cảm, và dũng khí khi đối mặt với lực lượng hiếu chiến mà cộng đồng của quý vị đã thể hiện rất đáng được khen ngợi,” Thượng nghị sĩ Dean Smith viết, nói thêm rằng những nỗ lực ôn hòa của các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã đánh thức những người khác về những hành động tàn bạo của ĐCSTQ.
Thụy Điển
“Pháp Luân Đại Pháp đã khai truyền được 30 năm,” Nghị viên Thụy Điển Ann-Sofie Alm cho biết. “Tôi tin rằng môn tu luyện này sẽ được lưu truyền trong xã hội nhân loại trong một thời gian rất, rất dài. Chúc quý vị một Ngày Pháp Luân Đại Pháp vui vẻ!”
“Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân, thiện, nhẫn hảo!” bà Alm nói bằng Hoa ngữ.
Cùng chung cảm nghĩ với bà là 14 đồng sự của bà trong Nghị viện Thụy Điển và hai nhà cựu lập pháp, những người đã viết một bức thư khen ngợi các nguyên lý cốt lõi của môn tu luyện.
“Hôm 13/05/2022, Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới, môn tu luyện này kỷ niệm 30 năm thành lập,” bức thư viết. “Chân thành, thiện lương, và khoan dung là đặc biệt quan trọng trong và sau đại dịch, khi mà sức khỏe, trách nhiệm, và sự phát triển của tự thân là quan trọng hơn bao giờ hết. Pháp Luân Đại Pháp đã góp phần tạo nên sự đa dạng, sự lựa chọn, và sự thuận hòa trong xã hội. Với tuyên bố này, chúng tôi thực sự muốn gửi những lời chúc nồng nhiệt nhất.”
Thụy Sĩ
Cùng gửi các thông điệp chúc mừng là các thành viên của Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) của Thụy Sĩ, bao gồm ông Francois Pointet, bà Laurence Fehlmann-Rielle, bà Isabelle Pasquier, và ông Nicolas Walder, cũng như các nhà lập pháp từ khắp nơi trên đất nước.
“Mọi người sẽ tự đi theo các giá trị mà họ ủng hộ: nhân từ, khoan dung, và trung thực,” bà Fehlmann-Rielle nói. “Chúng tôi không thể tin được rằng Trung Quốc lại ngược đãi những người như vậy và tiếp tục sách nhiễu họ. Điều cốt yếu là cộng đồng quốc tế nên tiếp tục chú ý đến điều này và thúc giục nhà cầm quyền Trung Quốc ngừng cuộc bức hại.”
Bà Pasquier khen ngợi những nỗ lực ôn hòa của các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong việc phản bức hại: “Dũng khí, sự ôn hòa, và lòng kiên trì của quý vị khi đối mặt với những năm tháng bị bức hại là rất đáng noi theo.”
Ông Walder đã gửi lời chúc đến Ngài Lý Hồng Chí. “Chúc nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, Ngài Lý Hồng Chí, một sinh nhật vui vẻ! Và chúc mọi người có một ngày 13/05 tuyệt vời!”
Ireland
“Tôi hoan nghênh các giá trị về sức khỏe, đạo đức, và nội tại mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp nắm giữ, và cách mà công việc của họ vượt qua những rào cản về văn hóa và chủng tộc. Việc nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử vô nhân đạo đối với các học viên Pháp Luân Công là không thể chấp nhận được và làm xói mòn nhân phẩm. Tôi lên án sự đàn áp này đồng thời ủng hộ quyền [của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc] được tự do tu luyện,” bà Niamh Smyth, Dân biểu Ireland, nói trong một bức thư.
“Thật đáng tiếc là một môn tu luyện ôn hòa với những lý tưởng siêu việt như thế này lại bị [ĐCSTQ] bức hại,” ủy viên hội đồng của Thành phố Cork Deirdre Forde nói. “[Đây là] cuộc đàn áp quyền tự do của con người và quyền tự do cá nhân, về căn bản là trái đạo đức.”
Tham gia cùng họ là hàng chục nhà lập pháp Ireland, những người hoan nghênh các giá trị đạo đức do Pháp Luân Đại Pháp lan tỏa và kêu gọi mang lại công lý cho các học viên Pháp Luân Công bị nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp.
Nhật Bản
“Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Pháp Luân Đại Pháp, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất. ‘Chân, thiện, nhẫn’ là những giá trị rất quan trọng đối với nhân loại và được phổ biến trong thời hiện đại dưới hình thức khí công,” ông Ishibashi Rintaro, thành viên Hạ viện Nhật Bản, cho biết trong một video chúc mừng.
“Nhưng khi tôi lần đầu tiên tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công, những gì tôi nghe được thật đau lòng.”
“Ở Trung Quốc, ĐCSTQ và ông Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại diễn ra trong nhiều năm đối với Pháp Luân Công. ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công để cấy ghép tạng. Đây là một điều chấn động. Để ngăn chặn những hành động xấu xa của ĐCSTQ càng sớm càng tốt, tôi phải lên tiếng ở Nhật Bản cho dù thế nào đi nữa. Và với niềm tin này, tôi đang làm việc miệt mài tại Nhật Bản.”
Ông Hiroaki Maruyama cũng có chung cảm nghĩ này khi nói chuyện với các học viên và những người ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp tại một cuộc tập hợp hôm 08/05. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp và khích lệ các học viên của môn tu luyện này.
Ông Koichiro Yoshida và ông Kazuo Nakamura, các ủy viên hội đồng của Thành phố Yamato và Thành phố Nakano, đều cho biết họ sẽ không dung thứ cho cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp và tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức có tổ chức từ các học viên của ĐCSTQ. Cả hai nhà lập pháp đều đại diện cho mạng lưới Stop Medical Genocide (Dừng Diệt Chủng Trong Y Khoa), một tổ chức nhân quyền hoạt động để nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Đài Loan
Ông Vương Định Vũ (Wang Ting-yu), thành viên Lập Pháp Viện, chúc Ngài Lý Hồng Chí sinh nhật vui vẻ.
“Tôi hy vọng sự chân thành, thiện lương, và khoan dung sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn,” ông nói, khi tán dương “tinh thần quyết tâm” của các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
“Hôm nay, chúng ta chứng kiến các học viên Pháp Luân Công và các kênh thông tấn của Pháp Luân Công nỗ lực vì hòa bình trên thế giới và mang lại hòa bình cho thế giới,” bà Trần Tiêu Hoa (Chen Jiau-hua), cũng là một thành viên của Lập Pháp Viện, cho biết. Bà đã tán dương lễ kỷ niệm 30 năm Pháp Luân Đại Pháp được khai truyền và chúc Ngài Lý Hồng Chí sinh nhật vui vẻ.
“Chúng ta đang chứng kiến sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ,” bà Trần nói thêm. “Ở Đài Loan, hiện giờ rất nhiều người đang thức tỉnh.”
“Chúc mừng sinh nhật Sư phụ Lý, và cảm ơn ngài đã truyền Pháp Luân Đại Pháp đến cho chúng tôi!” bà Cao Gia Du (Kao Chia-yu), một thành viên khác của Lập Pháp Viện, cho biết thêm rằng môn tu luyện tinh thần này đã cải thiện các giá trị đạo đức và khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Cùng tham gia với những đồng sự lập pháp trong dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới năm 2022 có ông Lâm Sướng Tá (Freddy Lim Tshiong-tso), ông Khâu Hiển Trí (Chiu Hsien-chih), ông Hứa Trí Kiệt (Hsu Chih-chieh), ông Triệu Thiên Lân (Chao Tien-lin), ông Lưu Kiến Quốc (Liu Chien-kuo), ông Thái Di Dư (Tsai Yi-yu), và ông Thái Thích Ưng (Tsai Shih-ying).
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: