Các học viên Pháp Luân Đại Pháp tổ chức diễn hành kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới tại San Francisco
Hôm 06/05, có khoảng 400 học viên Pháp Luân Đại Pháp tham gia một cuộc diễn hành lớn tại San Francisco để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới vào ngày 13/05 sắp tới.
Ngày 13/05 là ngày kỷ niệm môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Đây cũng là ngày sinh nhật của nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, Đại sư Lý Hồng Chí. Năm nay Đại sư Lý tròn 72 tuổi.
Cuộc diễn hành bắt đầu ở Harry Bridges Plaza và di chuyển dọc theo Market Street và Kearny Street hướng về phía Quảng trường Portsmouth.
Đoàn nhạc Thiên Quốc Nhạc Đoàn (Tian Guo), có thành viên chủ yếu gồm các học viên Pháp Luân Đại Pháp, là đoàn nhạc diễn hành đầu tiên. Tiếp theo là đội múa rồng cùng nhiều biểu ngữ và biển hiệu kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp và sinh nhật của Đại sư Lý.
Nhà tổ chức Joel Eng nói với The Epoch Times rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp cố gắng trở thành người tốt hơn mỗi ngày bằng cách tuân theo ba nguyên lý chính của môn tu luyện này là: chân, thiện, và nhẫn.
“Nếu mọi người sống theo những nguyên lý này… thế giới sẽ hòa bình,” ông nói.
Môn tu luyện này cũng bao gồm năm bài công pháp tĩnh tại, khoan thai. Hồi những năm 1990, môn tập này đã được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc do những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Môn tập này thực sự tốt cho sức khỏe của mọi người,” ông Eng chia sẻ. “Ngoài ra, mọi người sẽ cảm thấy tiêu chuẩn đạo đức của mình được nâng cao. … Cuộc sống có một ý nghĩa mới.”
Học viên Linda Campbell nói với The Epoch Times rằng: “Mọi người nhận được những lợi ích to lớn về sức khỏe nhờ môn tu luyện này.”
Cô tâm sự rằng cô luôn nghĩ mình là một người hạnh phúc, nhưng cô thấy mình hạnh phúc hơn sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
“Tôi cảm thấy thoải mái hơn trong tâm mình, bởi vì chúng tôi được chỉ dẫn cách để hướng nội khi có các vấn đề nảy sinh, và quý vị sẽ biết cách giải quyết chúng,” cô Campbell tâm sự.
Sau khi Pháp Luân Đại Pháp ra mắt công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã nhanh chóng truyền rộng khắp cả nước. Đến năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ước tính có gần 100 triệu người tập môn này ở Trung Quốc.
Vào tháng Bảy năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Đại Pháp bằng cách sách nhiễu, bỏ tù, và sát hại họ, đồng thời sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền vu khống môn tu luyện này. Cuộc bức hại này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Anh Chris Kitze, đã tu luyện Pháp Luân Công được 15 năm và là một doanh nhân, cho biết một trong những mục đích của cuộc diễn hành là để mọi người biết về cuộc bức hại này.
Anh Kitze nói với The Epoch Times rằng: “Đó là một điều rất đáng buồn. Mọi người đã bị bức hại đến mức tử vong; họ đã bị bắt giữ vì thực hành thiền định ở Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng cuộc bức hại sẽ chấm dứt.”
Ông Cao Chí Bân (Zhibin Gao), một người tị nạn từ Hoa lục đến Hoa Kỳ một tháng trước, đã tham gia cuộc diễn hành. Ông chia sẻ với The Epoch Times rằng ông tự hào khi thấy rằng những học viên Pháp Luân Công này có thể tổ chức kỷ niệm bên ngoài Trung Quốc.
“Là một phần của văn hóa Trung Quốc, môn tập này lại phát triển mạnh bên ngoài Trung Quốc; họ có thể có niềm tin về sự lựa chọn của riêng mình,” ông cho biết.
Một người tị nạn khác tham gia cuộc diễn hành là ông Hác Kiến Bình (Jianping Hao) đến từ thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc.
“Tôi thấy rất phấn khởi và hạnh phúc khi có thể tham gia cuộc diễn hành này,” ông Hác nói với The Epoch Times. “Thật không thể tưởng tượng được ở Hoa lục—chưa nói đến cuộc diễn hành cho Pháp Luân Công, tôi e rằng mình sẽ biến mất ngay cả khi thể hiện sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.”
Tại Quảng trường Harry Bridges trước cuộc diễn hành, cô Veronica Chung, cư dân sống gần đó cho biết cô bắt đầu quan tâm đến Pháp Luân Đại Pháp sau khi biết được câu chuyện cá nhân của một nữ học viên Pháp Luân Đại Pháp đã từng rất khó khăn để có bầu.
“Tôi hiện 37 tuổi và đang phải vượt qua rất nhiều tổn thương để bình phục trước khi sinh em bé,” Cô Chung kể với The Epoch Times. “Cô ấy nói với tôi mọi phương diện lợi ích mà môn tập này mang lại và có thể có ích cho cuộc sống của tôi.”
Cô Chung cho biết cô dự định sẽ xem các sách Pháp Luân Đại Pháp.
Bản tin có sự đóng góp của Jason Blair
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times