Hồi kết cho một kỷ nguyên vàng son trong ngành công nghiệp xe hơi Đức: Xe hơi Trung Quốc thắng thế
Thời kỳ hoàng kim trong ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức đã qua. Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực xe hơi chạy bằng điện (EV) trong khi công nghệ động cơ đốt trong — công nghệ hàng đầu của Đức — thì lại bị các nghị quyết vùi dập.
Là ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất, đồng thời là ngành công nghiệp quan trọng nhất tại Đức, hiệu quả của ngành công nghiệp xe hơi được đo lường bằng doanh số bán hàng. Năm 2022, ngành công nghiệp này tạo ra gần 506 tỷ euro và thu hút khoảng 734,000 nhân lực làm việc cho ngành. Hơn ⅔ sản lượng xe hơi sản xuất tại Đức là dành cho xuất cảng ra ngoại quốc.
Ngành công nghiệp xe hơi ở Đức rõ ràng là một yếu tố rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của quốc gia cũng như tình hình việc làm ở đất nước này. Tuy nhiên, ngành sản xuất xe hơi ở Đức đã qua thời hoàng kim đỉnh cao từ lâu.
Lượng xe hơi sản xuất tại Đức đang ngày một ít đi. Theo Chủ tịch Viện Ifo, ông Fuest, kể từ năm 2018 sản lượng trong ngành công nghiệp xe hơi tại Đức đã giảm đáng kể: “Một phần ba sản lượng đã biến mất và không ai biết liệu sản lượng đã mất đó có quay trở lại hay không.”
Đức: Sản lượng xe hơi trong 12 tháng
Năm 2018, sản lượng xe hơi của Đức giảm 9.4% so với năm trước, giảm 9% vào năm 2019, giảm 24.7% vào năm 2020 và 11.7% vào năm 2021. Trong năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023, sản lượng xe hơi đã tăng so với năm trước, nhưng vẫn cách mức cao trước đó rất xa — và rất có thể sẽ không bao giờ đạt được mức đó nữa, vì ngành công nghiệp chủ chốt này đang bị đe dọa bởi những khó khăn xuất phát từ một quốc gia Viễn Đông (Trung Quốc).
Xuất cảng xe hơi từ Trung Quốc sang Đức
Cho đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với các nhà sản xuất xe hơi. Từ lâu, nơi đây đã là địa điểm kinh doanh mang lại lợi nhuận rất lớn đối với các nhà sản xuất xe hơi Đức. Năm 2021, khoảng 37.4% tổng số xe của Volkswagen, Daimler, và BMW đã được bán tại Trung Quốc. Với vị trí dẫn đầu thị trường, hãng Volkswagen đã bán được khoảng 40% lượng xe của mình tại Trung Quốc.
Hiện giờ, các nhà sản xuất xe hơi Đức đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” không chỉ từ một bộ phận dân cư và chính giới, mà còn từ các đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Những công ty cạnh tranh đang sản xuất xe hơi với mức lương trả cho công nhân thấp hơn đáng kể, các quy định môi trường lỏng lẻo, và chi phí năng lượng rẻ hơn nhiều.
Trên hết, các nhà sản xuất xe hơi tại Trung Quốc hầu hết đều chịu sự kiểm soát của nhà nước — một lực lượng rất mạnh. Từng bị cười nhạo trước kia nhưng giờ đây các nhà sản xuất xe hơi tại Trung Quốc lại đang thực hiện một bước đột phá không thể ngăn cản. Mặc dù như vậy, nhưng Đức vẫn mua hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, đổi lại, xe hơi sang trọng giá cao được bán sang Trung Quốc.
Bí quyết thành công của các nhà sản xuất xe hơi tại Đức cũng như các nhà máy sản xuất ở hải ngoại nằm trong hệ truyền động. Hệ thống này khiến cho hầu như chưa nơi nào có thể chế tạo được động cơ xăng và dầu diesel tốt hơn Đức.
Tuy nhiên, những ngày đó đã qua với sự xuất hiện của dòng xe hơi sạc điện. Ông Stephan Wöllenstein, cựu giám đốc tập đoàn Volkswagen tại Trung Quốc, đã tuyên bố vào cuối năm 2021 rằng sau nhiều thập niên, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc đã có thể bắt kịp với phương Tây. “Hiện tại, trong lĩnh vực xe điện, xe tự lái, và kết nối thiết bị thì một số hãng sản xuất của Trung Quốc đã đạt tới vị thế cạnh tranh.”
Năm 2023: Các nhà sản xuất xe hơi Đức học cách e ngại các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc
Tuyên bố của cựu giám đốc Volkswagen dường như đang trở thành sự thật nhanh hơn dự kiến và nó cho thấy tình hình có thể thay đổi nhanh như thế nào.
Số liệu bán hàng từ quý đầu tiên của năm 2023 cho thấy xu hướng đảo ngược. Đối với nhà sản xuất xe hơi Đức này, tại Trung Quốc mọi thứ đang trên đà tụt dốc.
Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, hãng Volkswagen đã đánh mất vị trí dẫn đầu, vị trí số một thị trường vào tay tập đoàn BYD của Trung Quốc. Theo tờ Handelsblatt, BYD đã bán được gần 441,000 chiếc xe tại Trung Quốc từ tháng 01 đến tháng 03/2023, một mức tăng lớn (68%) so với năm trước. Còn Volkswagen bán ra được 428,000 chiếc xe, ít hơn 14% so với cùng thời kỳ năm 2022.
Một nguy cơ tiềm ẩn đang dần nổi lên đối với các nhà sản xuất xe hơi Đức tại Trung Quốc. Trong thị trường xe điện nói riêng, họ rõ ràng đã mất vị thế. Tờ Auto motor sport của Đức viết:
“Khi so sánh những thông số quan trọng, chúng (xe điện của Đức) hoặc quá đắt, hoặc không đủ kết nối kỹ thuật số hoặc không thể theo kịp các đối thủ Trung Quốc.”
Hiện tại, khi mà thời đại thống trị của các nhà sản xuất xe hơi Đức dựa trên các dòng xe động cơ đốt trong đang kết thúc thì có vẻ như một kỷ nguyên mới đang bắt đầu ở Trung Quốc. Giờ đây, những thương hiệu chưa từng được biết đến ở châu Âu như BYD, Geely, Nio, Xpeng, và Great Wall rõ ràng đang khởi sắc.
Ngành kinh doanh xe điện tại Trung Quốc đang tốt hơn bất kỳ nơi nào khác. Năm 2021, 18.4 triệu xe con sử dụng động cơ đốt trong (chạy bằng xăng hoặc dầu) vẫn đang được bán ở Trung Quốc; một năm sau con số này chỉ là 15.4 triệu chiếc. Trong khi đó, doanh số bán xe hơi điện đã tăng gấp đôi, lên gần bốn triệu chiếc trong vòng một năm.
Có vẻ như các nhà sản xuất xe hơi Đức không lướt cùng Trung Quốc trên ngọn sóng kinh doanh xe hơi điện. Theo tờ Handelsblatt, nhận định này được chứng minh qua doanh số bán xe hơi điện của Volkswagen, chỉ đạt mức 6,300 xe trong hai tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc: Nhà sản xuất xe hơi của tương lai
Tờ Financial Times đã xác nhận điểm này trong bài báo đăng ngày 01/06/2022 của tác giả Robin Harding: “Electric vehicles accelerate China’s looming dominance as a car exporter” (Xe điện đẩy nhanh sự thống trị trong tương lai của Trung Quốc với tư cách là nhà xuất cảng xe hơi).
Theo ông Harding, việc khai trương nhà máy Tesla vào năm 2019 tại Thượng Hải — nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu ngoại quốc đầu tiên tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới này — là một bước đột phá đối với xe điện và các nhà sản xuất xe hơi ngoại quốc. Thành tựu này đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng thậm chí còn lớn hơn nữa: Trung Quốc nổi lên trong vai trò một nhà xuất cảng xe hơi.
Đồng hành với xu hướng này là việc tái tổ chức một cách căn bản cấu trúc sản xuất của thế giới, đồng thời kích hoạt một làn sóng phi công nghiệp hóa mới ở châu Âu. Chỉ vài năm trước, Trung Quốc hầu như không xuất cảng một chiếc xe hơi nào, mà đến năm 2021, nước này đã có nửa triệu xe điện.
Châu Âu có thể sẽ sớm thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong lĩnh vực xe hơi khi thị trường chuyển hướng sang xe điện. Công ty tư vấn quản lý PwC đã đưa ra kết luận tương tự trong phân tích ngành công bố vào năm 2022.
Bản phân tích này có đoạn: “Trung Quốc đang trở thành nhà xuất cảng xe hơi điện … . Khi các nhà sản xuất Trung Quốc đang bán ngày càng nhiều BEV ở châu Âu, thì cả các nhà sản xuất của châu Âu và châu Mỹ đang ngày càng chuyển hoạt động sản xuất BEV của họ sang Trung Quốc.” Thuật ngữ BEV là viết tắt của cụm từ “battery electric vehicle”, có nghĩa là xe điện chạy bằng pin, dùng để chỉ những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Theo nghiên cứu của PwC, châu Âu có thể chạm mức nhập siêu hơn 221,000 chiếc xe (cả xe động cơ đốt trong và xe điện) vào năm 2025. Một khi động cơ điện thay thế động cơ đốt trong thì khả năng cao là Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Theo Financial Times, việc di dời ngành sản xuất xe hơi sẽ có tác động thậm chí còn lớn hơn so với sự ra đi của các ngành thép, điện tử, hoặc đóng tàu trong quá khứ. Xe điện có công nghệ cao nhưng gần như không phức tạp như xe động cơ đốt trong.
Việc chế tạo một động cơ đốt trong đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật sâu và mạng phân phối rộng. Trong khi đó, mặc dù việc lắp ráp xe điện đòi hỏi nhiều kỹ năng như trong sản xuất xe hơi truyền thống, nhưng quá trình này giống như lắp ráp thiết bị điện tử, theo ông Harding.
Trong lĩnh vực sản xuất pin quang năng vào các thiết bị giải trí điện tử, Trung Quốc chiếm ưu thế không thể tranh cãi vì lý do chi phí. Không nghi ngờ gì nữa, quý vị vẫn có thể mua TV của các hãng Philips hoặc Sony nhưng sản phẩm của các hãng này không còn được sản xuất ở Hà Lan hay Nhật Bản nữa mà là ở Trung Quốc, quốc gia có chi phí sản xuất rẻ hơn. Số phận tương tự cũng có thể xảy ra với các thương hiệu xe hơi nổi tiếng, đây là điều mà không chỉ tờ Financial Times lo ngại.
Cũng có khả năng giá trị của xe điện sẽ ngày càng chuyển sang hướng phần mềm ứng dụng vận hành chúng. Một ví dụ điển hình của sự chuyển hướng này là trong điện tử gia dụng.
Ví dụ, công ty Đài Loan Foxconn sản xuất khoảng một nửa lượng iPhone trên toàn thế giới cho Apple ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Nếu vậy thì Đức có thể rơi vào tình huống nhàm chán quen thuộc mà nước này đã trải qua hàng ngày với thiết bị điện tử: Các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất chạy phần mềm Mỹ.
Có thể vì một lý do nào đó mà xe hơi điện sẽ không thịnh hành trong tương lai, trong trường hợp đó Trung Quốc đã có biện pháp đề phòng khi tiếp tục đồng thời dựa vào động cơ đốt trong.
Động cơ đốt trong và động cơ điện tại Trung Quốc
Trong khi Đức và châu Âu đang đặt hết vào canh bạc “động cơ điện” và việc bán xe hơi mới sử dụng động cơ đốt trong có thể sẽ không còn khả thi trong khối châu Âu từ năm 2035, thì Trung Quốc lại đang tiến hành một cách tiếp cận hai hướng.
Tháng 07/2022, chính quyền Trung Quốc đã giảm thuế suất đối với xe động cơ đốt trong với dung tích buồng đốt tối đa 2 lít từ 10% xuống 5%. Còn tỷ lệ thuế đối với các loại xe điện hoặc xe lai sạc điện thì không thay đổi.
Với việc giảm thuế cho xe động cơ đốt trong, lợi thế cho xe điện không còn nữa. Theo ông Alexander Timmer, công ty tư vấn Berylls Group, các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong sẽ trở thành trụ cột cho phương tiện di chuyển của Trung Quốc vào năm 2030: Khoảng 300 triệu xe hơi (chiếm 71%) trong tổng số xe hơi của Trung Quốc sẽ là xe động cơ đốt trong.
Nhu cầu đi lại với mức giá phải chăng của các tài xế Trung Quốc ngày càng tăng, và đây là nguyên nhân giữ cho nhu cầu ổn định, ông Timmer cho biết. Thực tế là các nhà sản xuất xe hơi Đức vẫn tiếp tục dựa vào hệ truyền động trong các động cơ đốt trong. Nhờ có cổ đông Geely, Mercedes có thể sản xuất động cơ tại Trung Quốc, còn Audi cũng có ý định tiếp tục cung cấp các mẫu xe có hệ thống truyền động sử dụng động cơ đốt trong cổ điển.
EU chỉ còn có thể phê chuẩn các loại xe chạy bằng xăng, dầu diesel, hoặc xe lai cho đến năm 2035, với ngoại lệ là nhiên liệu được sản xuất tổng hợp, trung hòa với khí hậu, còn được gọi là nhiên liệu điện tử (e-fuel). Ngược lại, Trung Quốc đã bỏ lệnh cấm động cơ đốt trong.
Ngoại trừ BMW, các nhà sản xuất xe hơi Đức sẽ ngừng phát triển động cơ mới cho xe chạy bằng xăng và dầu diesel trước khi thập niên này kết thúc. Liệu chiến lược xe điện của các nhà sản xuất xe hơi Đức và châu Âu có hiệu quả hay không và liệu lệnh cấm động cơ đốt trong có thực sự xảy ra ở các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga cũng như ở các quốc gia Nam Mỹ, châu Phi, và Đông Nam Á hay không, thì thời gian sẽ trả lời câu hỏi này.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng nếu giá năng lượng ở Đức cũng như ở châu Âu vẫn ở mức cao (vốn là điều nằm trong dự liệu), thì cả Đức và châu Âu sẽ không có cơ hội cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực sản xuất pin thâm dụng năng lượng cho xe điện so với Trung Quốc, một địa điểm sản xuất có chi phí than và điện hạt nhân rẻ hơn.
Nếu chiến lược xe điện không hiệu quả, thì các công ty Đức và châu Âu sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh về vị trí dẫn đầu với tư cách là nhà sản xuất động cơ đốt trong hiện đại và chất lượng cao. Xe hơi Trung Quốc và các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc chắc chắn sẽ thu hẹp khoảng cách với các công ty ngoại quốc.
Công nghệ sẽ mất nếu không được phát triển
Người đứng đầu Viện Động cơ Piston tại Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT), ông Thomas Koch cho rằng việc dừng các chương trình nghiên cứu và phát triển là hậu quả của lệnh cấm động cơ đốt trong đối với các công ty và viện nghiên cứu Đức.
Điều này sẽ dẫn đến việc các công ty và chuyên gia di cư đến các khu vực nơi công nghệ không bị quản thúc, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
“Công nghệ ở các nước đó đang được tiếp tục phát triển,” ông Koch nói. “Hậu quả là Đức đang bị thất thoát một lượng lớn chất xám. Chúng ta từng ở vị thế dẫn đầu thị trường thế giới trong vài năm qua nhưng chúng ta lại đang trong quá trình từ bỏ vị thế dẫn đầu đó. Trung Quốc đã bắt kịp chúng ta về công nghệ động cơ đốt trong, nếu không muốn nói là đã vượt qua chúng ta ở một số lĩnh vực. Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất động cơ xe hơi lớn nhất thế giới và cung cấp cho châu Âu trong tương lai. Thậm chí ngày nay, các nhà sản xuất từ Trung Quốc còn cần nâng cấp dây chuyền sản xuất để bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu tại Đức. Đó là một thảm hoạ.”
Về tác giả
Ông Matthias Weik đã làm việc trong lĩnh vực tài chính hơn hai thập niên và là một chuyên gia về các chiến lược rút lui. Với sáu đầu sách bán chạy liên tiếp, ông là một trong những tác giả có sách bán chạy đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực kinh tế và tài chính trong nhiều năm. Cuốn sách bán chạy thứ sáu của ông “Die Abrechnung” được phát hành vào tháng Ba. Ông Matthias Weik mô tả mình không phải là một người bi quan cũng không phải là một người lạc quan, mà là một người thực tế. Bài báo này là một đoạn trích cập nhật từ cuốn sách bán chạy nhất Die Abrechnung” của ông. Quý vị truy cập vào trang www.matthias-weik.com để biết thêm thông tin.