Hòa thượng ba đời trước làm quan, vì sao đời này xuất gia vẽ tranh trưng bày?
Vào thời nhà Thanh, có vài lữ khách lặn lội đường xa tình cờ đi qua một ngôi miếu cổ bị bỏ hoang. Họ vào bên trong nghỉ ngơi một lát, thấy kiến trúc bên trong đa phần đã bị cũ nát, nhưng những tranh vẽ ở hai bên hành lang vẫn còn nguyên như mới.
Hành lang không chỉ đã vẽ kín tranh, hơn nữa những bức tranh còn rất kỳ dị, không biết là thủ bút của ai. Họ nhìn một lượt theo thứ tự: một nữ yêu ăn mặc diêm dúa cưỡi trên lưng hổ, một bộ xương nữ đang soi gương trang điểm, một nữ yêu trói một người nam vào cột đồng và đang móc tim gan anh ta, còn có hình tượng người nam bị nữ yêu quăng xuống giường lửa dùng sắt nung đỏ làm bỏng, những hình tượng khác như là nữ yêu lột da hút tủy người nam lại càng nhiều.
Lai lịch hành lang trưng bày tranh ở miếu cổ
Trong những lữ khách này, có một người tò mò muốn tìm hiểu xem những bức bích họa này rốt cục là chuyện gì. Vừa hay có một người học trò bản địa ở gần đó, vị lữ khách bèn hỏi thăm anh ta.
Người học trò kể rằng: Ngôi miếu hoang này đã có thời gian rất lâu rồi, mình xuất sinh muộn nên cũng không hiểu rõ tường tận; chỉ nghe các lão nhân nói, ngôi miếu này xây dựng vào giữa những năm Chính Đức thời Minh. Có một hòa thượng đã đi hóa duyên quyên góp từ các hộ giàu có trong huyện, trải qua ba năm mới hoàn thành ngôi miếu.
Ngôi miếu sau khi xây xong, vị hòa thượng tự mình vẽ tranh trưng bày ở hành lang. Thế nhưng, phàm là người xem tranh trưng bày đều không thích tranh của ông, chỉ cảm thấy sợ hãi và quái dị. Trong miếu hương hỏa dần dần vắng vẻ, chúng tăng bởi vậy đều oán trách vị hòa thượng xây miếu.
Vị hòa thượng hóa duyên xây miếu sau khi nghe đám người phàn nàn, rất cảm thán nói: “Con người bị bề mặt thế gian mê hoặc đến nay không tỉnh, khiến cho ta uổng phí tâm sức. Lão tăng đây từng bị hại rất nặng nề, vì thế lấy bút thay cho lời nói, thể hiện rõ chi tiết lợi hại trong đó. Thế nhưng mọi người lại nhắm mắt bịt tai, biết làm sao bây giờ?”
Nhiều đời vì sắc dục mà mất đi lý trí
Mọi người không hiểu ý của vị hòa thượng. Ông lại tiếp tục nói:
“Lão tăng vẽ những bức họa này, đương nhiên là có duyên cớ. Ta ba đời trước đây đã làm quan, tuân theo pháp luật, làm việc thanh liêm, nhưng lại thích nữ sắc, dần dần bị mê hoặc. Cuối cùng vì sủng ái một người thiếp mà ta đã tha tội cho một người lẽ ra phải chịu án tử hình, bởi vậy mà bị bãi quan. Sau khi hồi hương lại cũng vì nghe lời nàng, mà khăng khăng ra mặt ảnh hưởng đến việc công, kết quả sự tình bại lộ, làm mất hết cả thể diện. Ta trong tâm mặc dù cũng không vừa ý về nàng, nhưng nàng ở trước mặt ta bày dáng vẻ quyến rũ, ta lập tức bị nàng mê hoặc, đến chết cũng không tỉnh ngộ.
Một đời kia sau khi chết, ta chuyển sinh thành một thư sinh, cũng bị sắc dục mê hoặc như vậy, cùng một cô gái nhà bên nảy sinh quan hệ bất chính. Kết quả tổn hại sức khỏe, về sau bị giảm thọ, mắc phải bệnh lao, nằm trên giường không dậy nổi. Nhưng nàng lúc này lại không đợi ta chết, đã ruồng bỏ tôi, trong nháy mắt đã đi lấy người khác.
Người thư sinh sau khi ôm hận chết, chuyển sinh thành ta ở đời này, nhưng ta ở đời này cũng không phải từ nhỏ đã xuất gia. Đời này, ta khi tuổi còn trẻ thì tâm sắc dục cũng chưa hết, kết quả một lần trên đường gặp phải một nữ quỷ, nó cuốn lấy ta, khiến cho ta mất hết sinh lực, gầy như que củi. Cơ hồ ngay tại lúc ta đang thoi thóp, may mắn gặp được sư phụ của ta, ông cho ta uống thuốc, cứu ta hồi sinh. Ông lại thi triển pháp lực, lôi chấn nữ quỷ, khiến cho nó hiện nguyên hình là bộ xương khô. Lần này ta mới hoàn toàn tỉnh ngộ, xuất gia tu Phật”.
Vẽ tranh cảnh tỉnh thế nhân
“Ta theo sư phụ khổ tu ba mươi năm, trong định nhìn thấy rõ ràng những gì mình đã trải qua ở kiếp trước. Bởi vậy, ta mới vẽ những bức họa này, hy vọng sau khi mọi người nhìn thấy thì có thể không còn trầm mê trong bể dục biển tình. Thế nhưng mọi người trong mê, ngược lại còn oán trách ta. Vậy nên ta cũng không cần ở lại chỗ này nữa”.
Nói xong, lão hòa thượng cầm lấy tích trượng cùng chiếc bát sành để hóa duyên rời đi. Trước khi đi, ông múc nước dùng miệng phun về phía hai bên hành lang trưng bày tranh. Kể ra cũng lạ, sau khi ông rời đi, có hòa thượng khác muốn hủy hết tranh trưng bày ở hành lang, nhưng cho dù dùng cuốc sắt phá hủy như thế nào, những bức bích họa vẫn cứng rắn như sắt, uy nghiêm bất động. Họ nghĩ ra rất nhiều biện pháp, nhưng hành lang trưng bày tranh cũng không hề mảy may bị tổn hại một chút nào. Dần dà, họ đành phải từ bỏ kế hoạch của mình. Đến triều Thanh, hành lang trưng bày tranh này vẫn còn hoàn hảo như mới.
Nghe câu chuyện mà thư sinh kể xong, mọi người đều cảm thán không thôi.
Lý Mai biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ