Hoa Thịnh Đốn: Thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn tôn vinh tinh thần tự do của người Trung Quốc
HOA THỊNH ĐỐN – “Tinh thần của phong trào dân chủ của sinh viên Trung Quốc tiếp tục trường tồn.” Đó là cảm tưởng của những người tham dự buổi lễ thắp nến được tổ chức tại Thủ đô để tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ba mươi ba năm trước, vào ngày 03/06/1989, các lãnh đạo ĐCSTQ đã ra lệnh cho quân đội xóa sổ những người biểu tình do sinh viên lãnh đạo đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn trong nhiều tuần đòi dân chủ ở Trung Quốc. Đến sáng sớm ngày 04/06, xe tăng và quân đội đã dọn sạch khu vực này. Hàng trăm sinh viên, nếu không muốn nói là nhiều hơn, đã thiệt mạng.
“Người chặn xe tăng” (tank man), một người đàn ông Trung Quốc không rõ danh tính, đứng trước đoàn xe tăng vào ngày 05/06/1989 đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của phong trào này.
“Hôm nay chúng tôi tụ họp ở đây để tưởng nhớ về vụ thảm sát tàn bạo trên Quảng trường Thiên An Môn mà ĐCSTQ rất muốn thế giới quên đi. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên,” Đại sứ Andrew Bremberg, chủ tịch của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (VOC), một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết.
Ông thông báo rằng Bảo tàng Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản mới tại Hoa Thịnh Đốn sẽ mở cửa vào ngày 13/06 với cuộc triển lãm “Thiên An Môn 1989”.
Buổi lễ thắp nến tưởng niệm do VOC tổ chức đã diễn ra tại Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản gần Điện Capitol. Bức tượng này là một bản sao của tác phẩm điêu khắc “Nữ thần Dân chủ” mà các sinh viên Trung Quốc đã dựng ở Quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 05/1989. Sau đó bức tượng đã bị phá hủy trong cuộc đàn áp bạo lực hồi tháng 6 năm đó.
Ông Lee Edwards, đồng sáng lập kiêm chủ tịch danh dự của VOC, đã kêu gọi những người tham gia buổi lễ “lấy cảm hứng” từ các nạn nhân và “kiên định cho đến ngày Trung Quốc sẽ là Trung Quốc tự do.”
Ông nói: “Những kẻ độc tài luôn tỏ ra mạnh mẽ nhất ngay trước khi sụp đổ.” Ông còn cho biết thêm rằng ông Erich Honecker, lãnh đạo nhà nước Đông Đức, hồi đầu năm 1989 đã nói rằng Bức tường Berlin sẽ tồn tại trong 100 năm. Và nó đã sụp đổ chỉ vài tháng sau đó.
Bác bỏ ý kiến cho rằng ĐCSTQ sẽ trường tồn, ông Edwards nhận định, “Nhiều người đang bắt đầu nhận ra rằng có thể ĐCSTQ sẽ phải trải qua những áp lực và căng thẳng nghiêm trọng vì nền kinh tế đang sa sút ở Trung Quốc.”
Tinh thần Trung Hoa
Ông Yang Jianli, chủ tịch của nhóm vận động Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc, đã trích dẫn bình luận của cựu Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Ronald Reagan về vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, “Quý vị không thể tàn sát một ý tưởng.” Cựu TT Reagan đã nói những lời này khi đang trình bày trong một buổi diễn thuyết tưởng nhớ nhà lãnh đạo thời chiến của Vương Quốc Anh Winston Churchill tại London, chỉ vài ngày sau khi vụ thảm sát xảy ra.
Ông Yang nói rằng thời điểm hiện tại rất khó khăn vì “không gian cho xã hội dân sự đã gần như bằng không” ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những khao khát dân chủ của người dân Trung Quốc vẫn chưa lụi tàn; theo ông, người ta cần đúng thời điểm để lên tiếng.
Ông Yang nói với The Epoch Times: “Tôi vẫn đặt một hy vọng rất lớn đối với người dân Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta phải giữ cho phong trào của chúng ta tồn tại ở hải ngoại và gieo hạt ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Rồi đến một ngày nào đó chúng ta sẽ thu hoạch.”
Đối với cô Joey Siu, một nhà hoạt động Hồng Kông đã rời bỏ quê hương hồi cuối năm 2020 khi ĐCSTQ bóp nghẹt thành phố này, tinh thần của phong trào sinh viên năm 1989 là “sự cống hiến và lòng tận tụy để bảo vệ tự do, dân chủ và các giá trị mà chúng tôi tin tưởng.”
Cô Siu, sinh năm 1989, biết đến vụ thảm sát Thiên An Môn qua báo chí và khi còn đi học ở Hồng Kông. Người dân địa phương thường gọi phong trào này là sự kiện “Lục Tứ”, tức ngày 04/06, ngày xảy ra vụ thảm sát hồi năm 1989. Hàng năm, người dân Hồng Kông đã tổ chức các buổi thắp nến tưởng niệm sự kiện “Lục Tứ” tại Công viên Victoria cho đến năm 2020 khi chính quyền thành phố cấm sự kiện này này với lý do đại dịch. Lệnh cấm buổi lễ tưởng niệm được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt hơn các quyền tự do tại Trung tâm tài chính này theo sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn ở Hồng Kông hồi năm 2019.
Nhà hoạt động này nói rằng tinh thần “Lục Tứ” sống mãi trong tâm nhiều người Hồng Kông qua các cuộc biểu tình hàng loạt hồi năm 2019.
“Nhiều người biểu tình trẻ tuổi ở Hồng Kông đã bỏ học, hy sinh tương lai của họ, và từ bỏ những công việc được trả lương cao. Giờ đây, chúng tôi vẫn thấy nhiều nhà hoạt động làm như vậy, và tôi cảm thấy đó là nơi chúng tôi có thể nhìn thấy hy vọng vào sự kiện Lục Tứ này.”
‘Không có sự mập mờ’
Ông Wu’erkaixi, một thủ lĩnh sinh viên trong phong trào dân chủ năm 1989 và hiện là tổng thư ký của một tổ chức nhân quyền trực thuộc Lập pháp Viện Đài Loan, nói rằng các sự kiện thường niên tưởng niệm ngày 04/06 là một lời nhắc nhở về bản chất thực sự của ĐCSTQ đối với thế giới.
“Kẻ thù của tự do và dân chủ ở Trung Quốc năm 1989 vẫn là kẻ thù của tự do và dân chủ 33 năm sau. Kẻ thù này không chỉ là kẻ thù của các sinh viên đại học Trung Quốc năm 1989 mà còn là kẻ thù của các giá trị tự do và dân chủ,” ông nói với The Epoch Times.
“Giữa những chiếc xe tăng và ‘người chặn xe tăng’, người ta chỉ có thể chọn một bên. Không có sự mập mờ,” ông cho biết thêm.
Cô Terri Wu là một phóng viên tự do tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên viết cho The Epoch Times về giáo dục và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Quý vị có thể gửi lời góp ý đến cô tại [email protected].