Hoa Thịnh Đốn: Lễ cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công
HOA THỊNH ĐỐN — Bầu không khí trong lành sau một ngày tháng Bảy oi ả ở thủ đô với mặt đường còn ẩm ướt của quốc gia. Một cơn bão chiều đã xua tan đi cảm giác nóng nực nồm ẩm này, để lộ ra những đám mây rực rỡ sắc màu khi mặt trời lặn trên Đài tưởng niệm Washington.
Những bản nhạc không lời yên bình của Trung Quốc vang vọng và lan tỏa khắp không trung, khi hơn một ngàn ngọn nến điểm tô những đốm sáng lấp lánh trên bãi cỏ trước tháp đài tưởng niệm cao chót vót sừng sững trên nền trời tối dần.
Khung cảnh này gợi lên một tâm trạng u sầu. Các học viên Pháp Luân Công đang ngồi trên bãi cỏ, mỗi người cầm trên tay một ngọn nến được thắp sáng để tưởng nhớ vô số những người bị chế độ cộng sản Trung Quốc sát hại — không vì lý do nào khác ngoài việc thực hành đức tin của họ.
Một ngày trước đó, tức hôm 20/07/2022, là ngày đánh dấu 23 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần với các bài tập tĩnh tại và một bộ bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Sự phổ biến rộng rãi của môn tu luyện này được coi là mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài toàn trị của ĐCSTQ đối với xã hội, vì theo ước tính vào năm 1999, ở Trung Quốc có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Kể từ tháng 07/1999, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trung tâm giam giữ, trại lao động, và các cơ sở khác trên khắp đất nước, nơi họ phải chịu cảnh tra tấn, lao động nô lệ, tẩy não, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã có hơn 4,700 trường hợp được ghi nhận về các học viên Pháp Luân Công thiệt mạng do bị tra tấn và ngược đãi trong trại giam của công an kể từ năm 1999, nhưng con số thực có thể cao hơn gấp nhiều lần do việc xác minh thông tin ở Trung Quốc vô cùng khó khăn.
Gia đình ly tán
Tại buổi lễ, cô Vu Bình (Yu Ping), đến từ tiểu bang New York, và mẹ của cô là bà Vương Xuân Ngạn (Wang Chunyan), một cư dân địa phương của Fairfax, Virginia, nghĩ đến một người thân yêu đặc biệt trong tâm trí. Ông Yu Yefu, cha của cô Bình, đã qua đời năm 2002 do hậu quả của cuộc bức hại.
Cô Bình năm nay 39 tuổi. Cha cô qua đời trong kỳ nghỉ đông, khi ấy cô mới 19 tuổi và là sinh viên năm nhất của Đại học Y khoa Trung Quốc ở Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, cô Bình đã biết gia đình cô sẽ mất một số quyền tự do nhưng không phải là cả sinh mạng, đặc biệt là vì cha cô không phải là học viên Pháp Luân Công.
“Tôi cảm thấy người mình rã rời, một cảm giác rất lạ, như mộng ảo vậy,” cô nói với The Epoch Times. “Nó gần giống như chân tôi không bước trên nền đất vững chắc và tay tôi không chạm vào bất cứ thứ gì chân thật.”
Trong hầu hết những năm cô học trung học ở thành phố Đại Liên, quê hương cô, mẹ của cô Bình, một học viên Pháp Luân Công, đã buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bắt và bị ép buộc từ bỏ đức tin của mình. Vì vậy, bố của cô Bình là người đã chăm sóc cô.
Mỗi ngày, ông đều đạp xe đến trường đón cô đi học về. Trên đường về nhà, cô sẽ ngồi trên chiếc xe đạp của ông, thưởng thức một que kem ông mua cho cô. Thi thoảng khi trông thấy ông gắng sức rất nhiều để đạp xe lên dốc, cô hỏi cha mình, “Con nặng quá không ba?”
“Không. Con chẳng nặng chút nào,” ông sẽ trả lời như vậy, cô Bình nhớ lại.
Cô Bình vẫn nhớ buổi sáng vào ngày ông qua đời. Ông đã hôn mê nửa tháng. Cô đã trở lại Đại Liên trong kỳ nghỉ đông của mình và ở nhà người chị họ ở gần bệnh viện. Trong thời gian đó, cô không thể nào yên giấc vì lo lắng cho cha. Cô thậm chí chẳng buồn thay đồ ngủ vào ban đêm.
Vào rạng sáng ngày 03/01/2002, cô nhận được một cuộc gọi từ người dì làm việc tại Bệnh viện Trung ương Đại Liên, nơi cha cô đang nằm viện, nói với cô rằng cha cô đang trong tình trạng nguy kịch.
Cô bật dậy và chạy ngay ra đường để bắt taxi.
Cô Bình vẫn nhớ cảnh hành lang chìm trong bóng tối khi cô đến bệnh viện vào khoảng 3 giờ sáng. Khi ấy cô cảm thấy rất cô đơn và buồn bã. Không hiểu vì sao, cô không nhớ mình đã gặp ai. Và hành lang đó dài thăm thẳm như chẳng có lối ra. Vừa chạy, cô vừa tự trấn an bản thân: “Nếu con kịp vào buồng bệnh, thì ba sẽ không sao hết.” Tuy nhiên, ông đã qua đời trong vòng hai giờ sau đó.
Trong ba năm đầu sau khi cha cô qua đời, cô Bình vẫn còn ngỡ ngàng. Các thành viên khác trong gia đình đã mơ thấy cha cô, nhưng ông chưa bao giờ đến thăm cô trong những giấc mơ.
Mãi đến năm 2003, khi cô Bình trở về ngôi nhà ở Đại Liên lần đầu tiên sau cái chết của cha cô, cô mới chấp nhận được mọi chuyện. Sau đó, cha cô xuất hiện trong giấc mơ của cô. Ông nói với cô rằng ông đang ở một nơi tốt đẹp.
“Sau đó, tôi nhận ra rằng cha đã không xuất hiện trong giấc mơ của tôi vì ông ấy không muốn tôi buồn,” cô Bình nói, mắt ngấn lệ.
Ngày 09/01/2002, gia đình cô Bình đến lò hỏa táng để lấy tro cốt của cha cô. Trong hài cốt của ông, dì của cô đã chỉ cho cô một vùng đen trên hộp sọ với đường kính khoảng 10 cm (4 inch), và nói với cô, “Bình ơi, hãy nhớ lấy, cha cháu không chết tự nhiên đâu.”
Mặc dù nguyên nhân chính thức cho sự ra đi của ông là ngộ độc khí gas, nhưng gia đình không tin như vậy.
Giữa tháng 12/2001, gia đình mất liên lạc với cha của cô Bình trong ba ngày và sau đó trình báo vụ việc với công an. Cuối cùng, ông được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh tại nhà khi bếp ga đang bật.
Khi gia đình yêu cầu một câu trả lời từ công an địa phương, họ được cho biết, “Nếu muốn biết nguyên do cái chết của người đàn ông này, hãy yêu cầu vợ của ông ta đến đối chất với chúng tôi.”
Yêu cầu đó giống như một cái bẫy để bắt mẹ của cô, người vẫn đang ẩn náu, cô Bình cho biết. Cô nghĩ, chắc chắn nguyên nhân cái chết có thể được chia sẻ với ông bà, cha mẹ của người đã khuất. Theo cô Bình, công an đang cố gắng nhử gia đình họ: nếu họ không giao nộp mẹ cô, họ sẽ phải sống trong hối hận khi không biết sự thật về cái chết của cha.
Gia đình nhận thấy những tình tiết đáng ngờ xung quanh cái chết của cha cô. Vài ngày trước khi ông được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh tại nhà, một sĩ quan công an đã đến gặp ông tại nơi làm việc của ông, thời đó là Nhà máy Đóng tàu Đại Liên và nay là Công ty Công nghiệp Đóng tàu Đại Liên, để tìm kiếm tung tích của bà Vương vợ ông. Viên sĩ quan đã đánh cha cô Bình và ông đã chống trả. Sau đó, viên sĩ quan này đe dọa sẽ trả thù ông.
Dù đã hơn 20 năm trôi qua, cô Bình vẫn không cầm được nước mắt khi chia sẻ những ký ức về cha mình. Tuy nhiên, nỗi buồn đã nguôi ngoai và cô cảm thấy an lòng khi biết rằng ông đang ở một nơi tốt đẹp.
Cô Bình hiện làm hỗ trợ hoạt động tại một công ty thương mại điện tử ở ngoại ô New York, nhiều năm sau khi cô đến Hoa Kỳ lần đầu tiên hồi tháng 02/2008 theo chương trình trông trẻ au pair. Trước khi mẹ cô cùng cô đến đất nước này vào năm 2015 thông qua một chương trình tị nạn của Liên Hiệp Quốc, trên thực tế cô đã sống như một đứa trẻ mồ côi trong nhiều năm.
Cô Bình cho biết việc tu luyện đã giúp cô không lún sâu vào vực thẳm của sự đau buồn hay oán giận, “Việc tu luyện Pháp Luân Công của tôi đã giúp tôi luôn lạc quan trong những khó khăn và duy trì lòng tin vào người tốt.”
‘Cần phải làm điều gì đó’
Anh Makai Allbert, 21 tuổi, một sinh viên năm cuối tại trường Đại học Phi Thiên ở ngoại ô New York, đã tham dự lễ cầu nguyện. Anh nói rằng anh sẽ không bao giờ quên cách anh phát hiện ra việc chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công.
“Đây hẳn là một trò đùa,” cậu học sinh trung học lúc bấy giờ nghĩ bụng hồi tháng 02/2018 khi lần đầu tiên cậu tìm kiếm “Pháp Luân Công” trên mạng và xem một video về cuộc bức hại.
Makai và anh trai song sinh Rumi của anh đã tập Pháp Luân Công từ năm thứ hai trung học ở Arizona.
Cụ thể, trước khi tu luyện thì anh Makai đã nghĩ rằng cuộc sống này có thể còn nhiều điều [có ý nghĩa] hơn là rượu, ma túy, và tiệc tùng. Vì vậy, anh bắt đầu tìm kiếm câu trả lời trong các cuốn sách triết học.
Cuộc tìm kiếm đó kết thúc vào mùa hè năm 2017 khi một người bạn của mẹ anh tặng cho anh một thùng sách. Trong số đó có cuốn “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, và một đĩa DVD dạy các bài công pháp tĩnh tại của môn tu luyện này. Cuốn sách này đã thu hút sự chú ý của anh Makai vì “cuốn sách toát ra một trường năng lượng mạnh mẽ,” anh cho biết.
Trong vòng một tuần tập các bài công pháp và đọc “Chuyển Pháp Luân”, anh Makai cho biết anh đã trở thành một phiên bản của chính mình mà anh nghĩ là “không thể đạt đến hoặc chỉ đơn giản là không tồn tại.” Kết quả là mối quan hệ của cậu thiếu niên này với gia đình được cải thiện, và sức khỏe của anh cũng được cải thiện.
Sau khi luyện tập với anh trai song sinh của mình khoảng nửa năm, anh Makai nghĩ họ nên tìm kiếm trên mạng. “Có thể có nhiều người giống như chúng ta ở ngoài kia,” anh nói với anh Rumi. Đúng là như vậy. Và những người đó đã bị bức hại, theo video đầu tiên họ tìm thấy trên mạng.
“Khi video đang phát, tôi phải dừng lại giữa chừng vì không thể tin vào mắt mình,” anh Makai nhớ lại. Sau khi xem xong video, hai anh em song sinh này như chết lặng. Không ai trong số họ có thể thốt nên lời. Sau đó, họ xem lại video đó một lần nữa.
“Tôi nhớ rõ, vào lúc video phát xong, khuôn mặt tôi ướt hết cả không hẳn bởi vì tôi đã khóc, nhưng nước mắt cứ thế lăn dài trên má. Tôi cảm thấy đau xót vô cùng, thấy rất buồn khi những người như tôi đã bị sát hại chỉ vì họ đang thiền, chỉ vì họ muốn trở thành người tốt hơn,” anh Makai hồi tưởng lại.
Anh Makai cho biết anh đã thông tỏ rằng cuộc bức hại là có thật sau khi xem đoạn video thứ hai. Anh tiếp tục tìm kiếm trên mạng. Và sau đó trong ngày, anh cũng biết về việc chính quyền Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, và đó không phải là chuyện chỉ xảy ra trong quá khứ mà vẫn đang tiếp diễn.
Năm 2019, một tòa án độc lập phát hiện ra rằng trong nhiều năm Bắc Kinh đã sát hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ nhằm cung cấp cho hệ thống cấy ghép nội tạng của nhà cầm quyền này trên một “quy mô đáng kể”. Tòa án này đã phát hiện ra rằng nguồn chính của những cơ quan này đến từ các học viên Pháp Luân Công, đồng thời cho biết thêm rằng thông lệ này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
“Điều đó thật sự khiến tôi đau lòng,” anh Makai nói. “Chỉ nghĩ đến những người phải lo cho nội tạng của mình thôi, thì chuyện này đã là không thể hiểu được và khiến tôi cảm thấy rất phẫn nộ.”
Với anh, ngày 20/07 đánh dấu một năm khổ đau nữa. Và cuộc bức hại không chỉ liên quan đến các học viên Pháp Luân Công. Nó cũng liên quan đến các sĩ quan công an và toàn bộ những ai làm trong bộ máy quốc gia của Trung Quốc. Vì vậy, theo một cách nào đó, nó ảnh hưởng đến toàn bộ dân số Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, anh cho biết.
Là sinh viên chuyên ngành khoa học y sinh, anh Makai đã làm tình nguyện cho tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), một nhóm hoạt động gồm các chuyên gia y tế. Anh nói rằng anh muốn nói với nhiều người hơn về cuộc bức hại, “Tôi biết rõ rằng mình cần phải làm điều gì đó.”
Cô Terri Wu là một phóng viên tự do tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên viết cho The Epoch Times về giáo dục và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Quý vị có thể gửi lời góp ý đến cô tại [email protected].