Lý do người Mỹ nên chú ý đến cảnh ngộ của Pháp Luân Công
Tại sao ĐCSTQ tiếp tục bức hại người dân vô tội?
Theo tổ chức bất vụ lợi Ngôi nhà Tự do (Freedom House), vào ngày 20/07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cấm Pháp Luân Công và bắt đầu khiến các học viên của pháp môn này phải chịu đựng “bị giám sát khắp nơi, bắt giam tùy ý, tra tấn tàn bạo, và sát hại không qua xét xử — những hành vi bức hại đến nay vẫn tiếp diễn.”
Hai mươi ba năm sau … mà cuộc bức hại vẫn tiếp diễn.
Tại sao?
Theo ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, “Pháp Luân Đại Pháp là nhóm người tố giác lớn nhất trên thế giới về tội ác của ĐCSTQ, với hàng chục triệu người tham gia vào các hoạt động bất tuân dân sự ở cấp cơ sở tại Trung Quốc kết hợp với các công ty truyền thông, các nhóm nhân quyền, và các tổ chức văn hóa do các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới thành lập — tất cả đều vạch trần bản chất chuyên chế và lịch sử tàn bạo của ĐCSTQ.”
Ông kết luận: “Đây là điều then chốt để hiểu lý do tại sao, sau 23 năm, ĐCSTQ vẫn xem cuộc đàn áp Pháp Luân Công là ưu tiên hàng đầu.”
Vào ngày 21/07, các học viên Pháp Luân Công sẽ diễn hành ở Hoa Thịnh Đốn để chấm dứt điều mà theo các hãng thông tấn của Trung Quốc, là một chiến dịch nhằm “xóa sổ” môn tu luyện tinh thần này. Vì thế, cuộc bức hại này là một cuộc diệt chủng theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, “theo luật pháp của hầu hết các nước phương Tây, Pháp Luân Công được xem là một tôn giáo hoặc một tín ngưỡng được bảo vệ. Tuy nhiên, Pháp Luân Công không được đặt vào trong một tổ chức nào; môn tu luyện này không có bất cứ một cách thức thụ giới chính thức nào, một tín điều chính thức, hay các nghi lễ thờ phụng sùng đạo nào, v.v.”
Pháp Luân Công còn có tên gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Các học viên của môn này diễn hành thường niên vào cuối tháng Bảy để tưởng nhớ những mất mát của họ, tôn vinh niềm tin không đổi thay của họ trong hoàn cảnh bị đàn áp, và bày tỏ sự thành tâm với ba nguyên lý thiêng liêng nhất: chân, thiện, và nhẫn.
Các cuộc diễn hành khiến công chúng chú ý đến cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra vượt xa khỏi Hoa Thịnh Đốn, bao gồm cả London, New York, San Francisco, Melbourne, và Toronto. Rất nhiều cuộc diễn hành địa phương cũng đã diễn ra.
Để phản đối tuyên truyền của ĐCSTQ, các học viên Pháp Luân Công thường cầm các biểu ngữ có các dòng chữ: “Pháp Luân Đại Pháp là tốt” hoặc “Hãy dừng cuộc bức hại”. Họ thực hiện các cuộc biểu tình ôn hòa và ngồi thiền trước các đại sứ quán và lãnh sự quán của Trung Quốc trên khắp thế giới.
Các nguyên lý của Pháp Luân Công hoàn toàn trái ngược với những điều ĐCSTQ thực hiện hàng ngày. Điều này giải thích tại sao Bắc Kinh có ác cảm đối với Pháp Luân Công và ý nghĩa rộng hơn của Pháp Luân Công tại thời điểm then chốt này của lịch sử giữa một bên là hệ thống dựa trên pháp luật quốc tế được phát triển từ sau năm 1945, vốn ưa chuộng dân chủ và nhân quyền, và một bên là nỗ lực lật ngược hệ thống đó của Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn nhằm hướng đến một “kiểu quan hệ quốc tế mới” dựa trên quy luật “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.”
Mặc dù Hoa Kỳ và các nước đồng minh thân thiết của mình cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng quá trình này vẫn diễn ra chậm chạp. Chúng ta cũng chậm chạp trong việc công nhận tình trạng lạm dụng nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Chỉ đến năm 2021, chính phủ Hoa Kỳ và một số cơ quan chính phủ toàn cầu khác mới bắt đầu công nhận cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng. Họ vẫn chưa làm như thế đối với Pháp Luân Công — tuy vậy bằng chứng về tội ác diệt chủng vẫn tồn tại rất nhiều.
Năm 2021, cựu quan chức Bộ Nội vụ Miles Yu đã lập luận rằng có nhiều bằng chứng về tội diệt chủng đối với Pháp Luân Công hơn so với đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Thực trạng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc — và việc lợi dụng thông lệ này như là một vũ khí diệt chủng — đang được công nhận ngày càng nhiều, kể cả bởi các tòa án quốc tế, các tạp chí bình duyệt, truyền thông chính thống, và ở các cuộc điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo một bài báo trên USA Today hồi tháng trước (06/2022), “Bằng chứng mới cho thấy rằng việc hành quyết bằng cách hiến tạng tiếp tục là một phần của chiến dịch có hệ thống chống người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, người Tây Tạng, Cơ đốc nhân và những người khác mà Bắc Kinh phân loại là có vấn đề về chính trị.”
Mối đe dọa từ Trung Quốc cộng sản
Người Mỹ nên lo ngại về Trung Quốc cộng sản không chỉ bởi vì tình trạng vi phạm nhân quyền của đảng này, mà còn bởi các tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở biên giới Trung Quốc. Như được công nhận rõ ràng trong các tài liệu học thuật, ĐCSTQ có một mục tiêu trở thành bá chủ toàn cầu. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang dần lớn mạnh hơn rất nhanh đến nỗi vào năm 2017 đã vượt qua GDP của Hoa Kỳ tính theo sức mua tương đương (PPP). Hiện nay Bắc Kinh đang xây dựng hải quân, vốn đã có quy mô hơn, nhanh hơn so với Hải quân Hoa Kỳ.
Hiện nay các nhà ngoại giao của ĐCSTQ quá tin chắc vào sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội của mình đến nổi họ đã đưa ra danh sách các yêu cầu cho cả Hoa Kỳ và Úc. Nếu họ đã làm điều đó với chúng ta, thì họ có thể cũng đã làm điều đó với các nước đồng minh khác.
Một cột mốc hy vọng
Việc ủng hộ và liên minh với Pháp Luân Công là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, bởi vì những nguyên nhân vượt ra ngoài sự ủng hộ trong lịch sử của chúng ta đối với nhân quyền. ĐCSTQ là kẻ thù nguy hiểm nhất của Hoa Kỳ, và Pháp Luân Công có hàng chục triệu học viên bên trong đất nước này và có khả năng nằm trong chính chế độ này.
Trước cuộc đàn áp, theo các nguồn tin của nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó, số lượng học viên Pháp Luân Công lên tới 70 đến 100 triệu hoặc hơn.
Sau 18 năm chịu bức hại, Freedom House đã ước tính có từ 7 đến 20 triệu học viên còn lại ở Trung Quốc.
Nhưng theo ông Browde, các nguồn cung cấp tin về Pháp Luân Công vài năm trước đã ước tính ở Trung Quốc có từ 20 đến 40 triệu người đã tích cực tham gia phân phát các tài liệu về Pháp Luân Công.
Theo ông Browde, nếu đó là sự thật, thì điều này sẽ ngụ ý là một số lượng người lớn hơn chỉ tu luyện mà không tham gia vào một hình thức bất tuân dân sự bất bạo động mang đến rủi ro cao nào.
Do đó, có thể số lượng học viên Pháp Luân Công đã không giảm sút, mà còn tăng lên kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Và những người vẫn là học viên bất chấp cuộc bức hại có thể vững tin hơn và can trường hơn trong các hành động của họ.
Trước cuộc bức hại, nhiều người tu luyện Pháp Luân Công đã thăng tiến cao trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ. Điều đó có thể vẫn đúng, trong trường hợp đó các cá nhân này có thể đang cố gắng cải cách chế độ Trung Quốc từ bên trong.
Nhu cầu cải cách như vậy là rất lớn — và Pháp Luân Công có thể là hy vọng tốt nhất của chúng ta.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.