Họa thánh Ngô Đạo Tử
Ngô Đạo Tử và tinh thần khoáng đãng của thư pháp
Đối với họa sư Trung Hoa cổ đại Ngô Đạo Tử (khoảng năm 685–758), vẻ đẹp của những đường nét chuyển động có lẽ là phương tiện biểu đạt mạnh mẽ nhất của ông.
Sinh ra trong thời thịnh thế của Nhà Đường (618-907), vị họa sĩ này bắt đầu bước đường công danh của mình với vai trò là thợ thủ công bình thường, nhưng dần dần được mệnh danh là “họa thánh.” Với tài năng vang dội, Ngô Đạo Tử được triệu vào hoàng cung để phụng sự cho hoàng đế và còn vẽ hàng trăm bức bích họa cho các tu viện Phật giáo và Đạo giáo.
Dưới sự tàn phá của thời gian, hầu như không có tác phẩm nào trong số này còn tồn tại. Tuy nhiên, qua những bức tranh sao chép và thư tịch diễn giải, chúng ta vẫn có thể có cái nhìn sơ lược về trình độ điêu luyện đã làm cho những họa sĩ đương thời và nhiều thế hệ sau phải thán phục của ông.
Họa sĩ Ngô nổi danh nhất với các bức tranh vẽ nhân vật, và nhiều tác phẩm của ông đều miêu tả Thần Phật, tín ngưỡng có vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần của bách tính thời Đường. Một bức tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka, được cho là của họa sĩ Ngô nhưng một số người cho đó là bản sao chép vào thời nhà Tống (960-1279), thể hiện chính xác chủ đề này. Tựa đề của bức tranh là “The Birth of Shakyamuni” (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh) nói về cảnh cuối cùng, bên góc trái của cuộn tranh, miêu tả Đức Phật vừa mới đản sinh được phụ hoàng và mẫu hậu — Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da của Ấn Độ — dâng lên một vị tiểu thần tiên, người mà ngược lại đã bày tỏ sự tôn kính hài nhi thiêng liêng này.
Theo Kinh Phật viết, Đức Thích Ca Mâu Ni sinh ra trong gia đình hoàng tộc vô cùng giàu có và hạnh phúc, nhưng ông cảm thấy mọi vật chất thế gian đều là hư không khi đối mặt với sinh tử và khổ đau. Do đó, ông rời bỏ gia đình để đi tìm sự giác ngộ, và cuối cùng, phát nguyện mong muốn cứu độ tất cả chúng sinh khỏi những khổ đau chốn nhân gian. Vào năm thế kỷ trước khi Chúa Jesus giáng sinh, Phật giáo đã ra đời tại vùng đất Ấn Độ và Nepal ngày nay. Tôn giáo này ngày càng trở nên hưng thịnh ở Trung Quốc vào thời Nam Bắc Triều (386-581) và lên đến đỉnh cao vào triều đại nhà Đường. Nhiều tác phẩm có chủ đề tôn giáo của Ngô Đạo Tử đã ra đời tại kinh đô Trường An đa văn hóa và thịnh vượng của triều đại này.
Tại phần đặc biệt này của họa phẩm, chúng ta được đối diện với sự tương phản rõ rệt giữa vị thần đang quỳ gối và một nhóm nhân vật. Ở bên phải, họa sĩ Ngô rất cẩn thận truyền tải sự trầm tĩnh của đoàn tùy tùng hoàng tộc. Ông miêu tả tỉ mỉ ngũ quan trên gương mặt và mũ mão bằng những đường nét thanh mảnh và mực nhạt màu, và những nét vẽ dài, uyển chuyển và từ tốn tạo nên bộ trang phục bồng bềnh cho thấy những bước đi trang nhã tiến về phía trước của họ. Ở phía ngược lại, hình dáng của vị tiểu thần tiên được khắc họa bởi những nét vẽ biểu cảm và mạnh mẽ hơn. Những đường cong ngắn, đứt đoạn và nhấp nhô trên gương mặt và cơ bắp làm nổi bật những cảm xúc vô cùng mãnh liệt của ông khi nhận ra Đức Phật vĩ đại, và những đường cong uốn lượn mạnh mẽ và đột ngột của tấm áo choàng cho thấy tâm trí ông đang xáo động, ông kinh ngạc trước sự hiện diện uy nghi của Đức Phật.
Chính nhờ chuyển động đặc trưng này mà Ngô Đạo Tử đã trở nên nổi tiếng. Các họa sĩ đương thời nhận xét rằng: “Tấm áo choàng của họa sư Ngô bồng bềnh trong không khí.” Ngay trong bức tranh này, họa sĩ sử dụng mực đậm hơn để nhấn mạnh chuyển động của tấm vải bồng bềnh và độ dày mỏng khác nhau của các nét vẽ như đang thể hiện một tác phẩm thư pháp. Thật vậy, bút pháp hội họa của ông Ngô có liên quan chặt chẽ với phong trào thư pháp Trung Hoa và đặc biệt gợi nhớ lối viết “chữ thảo,” mà ông từng nghiên cứu.
Tuy nhiên, ông đã sử dụng các yếu tố mang phong cách cá nhân như vậy một cách có chừng mực, chỉ thể hiện biểu cảm cao độ khi cần thiết. Nhiều thế kỷ sau, đại văn hào Tô Thức (1037-1101) ngạc nhiên với việc họa sĩ Ngô đã đưa đến “những đổi mới vượt ngoài chuẩn mực hiện có” và “phát triển những ý tưởng tuyệt vời bằng cách duy trì một tinh thần can đảm và khoáng đạt.”
Từ triều đại nhà Đường cho đến thời nay, việc sử dụng đường nét thư pháp đầy biểu cảm của Ngô Đạo Tử luôn được coi là hiện thân hoàn hảo của lý tưởng “khí vận sinh động” (qiyun shengdong), một khái niệm trong lý thuyết nghệ thuật Trung Hoa có thể tạm dịch là “chuyển động sống động của tinh thần thông qua nhịp điệu của vạn vật.”
Nghệ thuật văn chương, sử dụng những dạng thức hữu hình để truyền tải tinh thần nội tại của sinh mệnh, khí vị của phong cảnh lúc ẩn lúc hiện và linh khí của những sự vật bình dị, coi đó là cảnh giới tối thượng.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times