‘Hỏa long châu tô điểm xuân cửu vận, Kim ti đào trừ tà cảm thánh ân’
Nói đến thật xấu hổ, suốt nhiều năm qua, tôi cứ theo phản xạ mà gọi đây là “hoa đậu đỏ”. Loài hoa này là một phần không thể thiếu trong các bức tranh Tuế Triêu, làm nền cho hoa bách hợp và hoa cẩm chướng. Nó mang theo sắc đỏ rạng ngời, một vẻ đẹp hân hoan yêu kiều, đặc biệt là sức sống mạnh mẽ, tới giây phút cuối cùng vẫn nở nụ cười.
Hỏa long châu – Đậu tương tư
Bước vào năm Giáp Thìn, tôi mới được biết đây là hoa “Kim ti đào không mùi” (Hypericum × inodorum), thuộc chi Ban (chi Hypericum), nằm trong họ Ban (họ Hypericaceae), có cái tên tiếng Trung mỹ miều là “Hỏa long châu”, nghĩa là viên ngọc quý ngậm trong miệng Long Vương. Hỏa long châu có sắc đỏ rực rỡ, mang ý nghĩa hưng vượng và vui mừng, vừa hay tương ứng với vận ‘cửu tử ly hỏa’ [1] bắt đầu năm 2024. Hoa này nếu đem tặng cho người bạn đang gặp khó khăn trong công việc kinh doanh thì đúng là lời chúc phúc ý nghĩa nhất. Hỏa long châu còn được gọi là “đậu tương tư”, mang hàm ý thể hiện tình cảm sâu sắc và nhớ nhung lưu luyến. Tặng một bó hồng đậu tương tư đặt bên trong lớp lá xanh cho người trong mộng, chính là lời tỏ tình chân thành, ngắn gọn và có sức hấp dẫn nhất. Hoa này còn có thể dùng làm hoa cài áo, vòng hoa đội đầu, hoa đeo tay hoặc vòng tay, kết hợp với phụ kiện phù hợp, đem lại cảm giác ấm áp và tươi mới.
Kim ti đào không mùi thuộc loại cây rụng lá. Nó còn có một người chị em trông khá giống, khiến tôi cứ nhầm lẫn không phân biệt được là “Kim ti đào hồng quả” (Hypericum ‘Excellent Flair’). Đây là cây bụi xanh quanh năm thẳng đứng, thường được sử dụng làm vòng hoa hoặc hàng rào tạo cảnh quan xanh. Ở chợ hoa, nó cũng thường được gọi là “Hỏa long châu”. Hoa vàng và trái nhỏ màu đỏ của cây này có thể mang lại sự kết hợp sinh động giữa nét đẹp cao quý và sắc màu rực rỡ trong nghệ thuật cắm hoa, có sức truyền cảm rất phong phú.
Ngoài màu đỏ, trái của cây Kim ti đào còn có màu hồng, xanh, vàng, nâu và nhiều màu khác. Do trái của nó có hình dáng tròn và bề mặt bóng, trông rất giống đầu của tiểu hòa thượng, cho nên trong tiếng Nhật loại trái này được gọi là “Tiểu hòa thượng”.
‘Rực rỡ mâm vàng dâng đào thọ’
Chi Ban (chi Hypericum) có tổng cộng hơn 400 loài thực vật, phân bố rộng rãi ở vùng ôn đới và á nhiệt đới. Ở Trung Quốc có khoảng 55 loài, đa số sống ở vùng Tây Nam. Các loài cây thuộc chi Ban sống rất khỏe, không dễ bị côn trùng hại. Chúng nở hoa vào mùa hè, kết trái vào mùa thu, phát triển mạnh mẽ trên sườn núi, trong rừng, ven suối và vùng đồng ruộng. Lá hình bầu dục đối xứng, hoa năm cánh đều nhau màu vàng, nhị nhiều và sáng, màu vàng lộng lẫy và rực rỡ, thu hút bướm và chim nhỏ tới truyền phấn. Trái được kết thành sau khi hoa tàn. Trái của cây này là loại quả nang sẽ nứt ra sau khi chín để phát tán hạt. Trái của nó có thể dùng làm thuốc thay thế cho quả liên kiều. Rễ và thân cây đều có thể dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm giảm đau, trị viêm khớp và thông kinh mạch. Ngoài ra loại trái này còn có thể giúp vết thương nhanh lành, giúp nữ giới điều tiết kinh nguyệt, bổ máu, dưỡng nhan. Chiết xuất hoa Kim ti đào chứa hơn mười thành phần tự nhiên chống trầm cảm, đặc biệt có tác dụng chống virus, và còn có thể dùng trong điều trị AIDS. Nhiều loại thảo mộc hoang dã lâu năm thuộc chi này có giá trị dược liệu cao, như cây liên kiều, hoàng hải đường, cây ban lá dính và nhiều loại cây khác.
Kim ti đào loại cây bụi thường được trồng trong vườn hoặc làm bồn cảnh. Nó chủ yếu trồng để ngắm quả, hoa thường không lớn, chỉ nhỏ xinh như hoa mai. Các loại cây chi Ban trồng lấy hoa thì có cả loại cây bụi và cây thân thảo. Đường kính hoa từ 8 ~ 10cm, với năm cánh hoa màu vàng tươi mở rộng như một cái đĩa. Nhị hoa bung nở óng ánh sắc vàng tạo thành hình nửa quả đào, lung linh quý phái, tỏa sáng rực rỡ. Cành hoa lấp lánh điệu đà bay theo gió, nhẹ nhàng uyển chuyển, mượt mà thanh tao, giống như tiên nữ tóc dài tung bay, đầu đội vương miện vàng vậy. Vua Càn Long cũng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của hoa, nên làm câu thơ “Tối ái lục bàn cao phủng xuất, Ngũ hoa tề xán ngũ kim đăng” (Dịch nghĩa: Bưng cao đĩa xanh yêu thích nhất. Đèn ngũ kim rực rỡ năm màu.)
Trong toàn bộ chi Ban, loài hoa đơn lớn nhất chính là hoa Hoàng hải đường (Hypericum ascyron) chịu được giá lạnh. Loài cây này thuộc thân thảo lâu năm, mọc trên sườn núi có độ cao dưới 2800 mét so với mực nước biển, tỏa ra hương thơm dễ chịu. Hoàng hải đường có đến 150 nhị hoa (mỗi bó nhị có khoảng 30 nhị, tổng cộng 5 bó). Trên nhị hoa có nhiều đốm tía đỏ, vậy nên cây còn có tên là Hồng hạn liên. Ngoài ra, còn có các tên khác như Kim ti đào lá to, Kim ti hải đường, .v.v.
Loài hoa này có rất nhiều tên gọi khác nhau, cả tao nhã lẫn dân dã, như kim tuyến hồ điệp, kim ti liên, thổ liên kiều, tản địa kim, kim ti mai, hoa mang chủng, cản sơn tiên, địa nhĩ thảo, ngũ tâm hoa, qua lộ hoàng…. Quan trọng là người Trung Quốc cổ đại đã đặt cho nó một tên gọi chung là “Kim ti đào”. Trong văn hóa truyền thống, quả đào luôn gắn liền với sự trường thọ. Câu chuyện Tôn Ngộ Không lén ăn đào tiên trên Thiên đình trong “Tây du ký” chắc hẳn ai cũng biết. Hay chuyện đào tiên trong vườn đào của Vương Mẫu Nương Nương, loại 3,000 năm mới chín, ăn vào sẽ thành Tiên đắc Đạo, loại 6,000 năm mới chín, ăn vào sẽ phi thăng thành Tiên, trường sinh bất lão. Ở nhân gian, con cháu vẫn thường dâng đào trường thọ (đào tươi hoặc làm bằng bột) cho ông bà, cha mẹ để chúc phúc và tỏ lòng hiếu thảo. Người xưa coi cây đào là “cây tiên”, kiếm làm từ gỗ đào là pháp khí trừ yêu diệt quái của Đạo sĩ. Tục lệ dán câu đối vào đầu xuân năm mới cũng bắt nguồn từ việc treo bùa đào để trừ tà bảo vệ bình an. Trong “Kinh Thi – Chu Nam – Đào yêu”, hoa đào lại gắn liền với hình ảnh người phụ nữ nghi gia nghi thất. Hình ảnh “Đào hoa nguyên” điềm đạm, thanh lệ dưới ngòi bút của Đào Uyên Minh lại thể hiện ước mơ về một cuộc sống ẩn dật, lánh xa hỗn loạn của chiến tranh, tận hưởng niềm vui thanh tao của cuộc sống. Tóm lại, hoa khi nở rộ trông như một chiếc đĩa vàng dâng lên những trái đào trường thọ. Đặc biệt, nó còn có công dụng chữa bệnh của một loại thảo dược hoang dã, dường như mang trong nó sự che chở của thần linh. Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau, “Kim ti đào” vẫn là cái tên tôn quý cát tường được sử dụng chính thức trong tiếng Trung Quốc, người cao quý hay bình dân đều dùng.
Cây Thánh John – Xua đuổi tà ma, xoa dịu ưu phiền
Ở phương Tây, có một loài cây mang tên Thánh thuộc chi Ban, chính là “cây Thánh John” (St. John’s Wort). Người Hoa quen gọi nó là “Liên Kiều xuyên lá” (Hypericum perforatum), hoặc “Kim ti đào xuyên lá”. Cái tên bắt nguồn từ người anh họ của Chúa Jesus – John the Baptist. Ông từng làm lễ rửa tội cho dân chúng tại sông Jordan, và khuyên họ sám hối. Khoảng thời gian từ Hạ chí đến ngày đản sinh của Thánh John (ngày 24/06), loài cây có hoa ánh vàng kim này nở rộ rực rỡ nhất. Cánh hoa khi ép nát sẽ chảy ra một thứ chất lỏng màu đỏ thẫm, khiến người ta liên tưởng tới máu của các vị Thánh tử đạo. Cho nên, người ta mới đặt tên cho nó là “cây Thánh John”. Tương truyền rằng, cây Thánh John hái vào khoảng thời gian này mang trong mình toàn bộ năng lượng của ánh nắng mặt trời mùa hè, và sở hữu khả năng chữa bệnh kỳ diệu. Nó có khả năng xua đuổi tà ma, xóa đi những u buồn và mang lại may mắn. Vùng Địa Trung Hải và Bắc Âu vẫn còn giữ truyền thống treo cây Thánh John lên cửa sổ để xua đuổi tà ma vào dịp Hạ chí. Phong tục này có nét tương đồng với tục treo cây xương bồ và lá ngải cứu vào dịp Tết Đoan Ngọ trong văn hóa truyền thống của người Hoa.
Cây Thánh John có những đặc điểm nhận dạng dễ dàng bị bỏ qua nếu không quan sát kỹ. Trên cánh hoa và mép lá có những chấm đen nhỏ. Trên lá có những lỗ nhỏ li ti như lỗ kim châm. Theo truyền thuyết, ma quỷ ghen tị với khả năng chữa bệnh phi thường của cây Thánh John, nên đã liên tục dùng kim đâm thủng nó. Không ngờ việc đó lại vô tình giúp cho khả năng hấp thu tinh hoa đất trời và trao đổi chất của cây Thánh John trở nên mạnh mẽ hơn.
Lịch sử được sử dụng làm thuốc lâu đời của cây Thánh John có thể truy ngược về thời Hy Lạp cổ đại. Loại cây thuốc này thường được người dân treo lên các bức tượng Thánh, tượng trưng cho ánh sáng và sự bảo hộ. Các thầy thuốc xưa còn sử dụng nó để lau rửa thân thể cho những bệnh nhân bị tà linh phụ thể. Tên khoa học tiếng Latinh của chi Ban là Hypericum, có nguồn gốc từ từ “hyperikon” trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “Kim ti đào treo trên tranh.” Các kị sĩ trong Thập tự quân đông chinh đã sử dụng cây Thánh John để chống vi khuẩn, kháng viêm và chữa lành vết thương. Loài cây thân thảo hoang dã lâu đời này mang một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và dễ gần, mang đến cho bá tánh bình dân một cánh tay trợ giúp ấm áp và tận tình. Chúng được mệnh danh là cây “bách ưu giải” (giải tỏa trăm mối ưu sầu) của thiên nhiên. Theo quan điểm Trung y, Kim ti đào xuyên lá có tác dụng thanh tâm sáng mắt, dịu gan giải sầu, thanh nhiệt hút ẩm, tiêu sưng lợi sữa. Thời hiện đại, cây Thánh John chủ yếu được dùng điều trị chứng trầm cảm, cải thiện tình trạng lo âu mất ngủ. Tinh dầu và trà cây Thánh John là những sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại nhà được ưa chuộng ở Châu Âu và Hoa Kỳ.
Trong lịch hoa của Giáo hội (có các loài hoa ứng với từng vị thánh theo từng ngày), hoa của cây Thánh John mang ý nghĩa là “chỉ dẫn”. Những ai được sinh ra vào ngày mà loài hoa này đại diện sẽ sở hữu tố chất lãnh đạo, cùng với trí tuệ, lòng bao dung và khả năng phán đoán chuẩn xác.
Thánh và phàm tục – hai tầng trời
Hoa Kim ti đào qua “ngôn ngữ hoa” còn thể hiện ra nhiều tầng ý nghĩa trái ngược nhau: kiều diễm, thương cảm, nhu thuận, và sự trả thù mê tín.
Trong thi từ, ca phú, hoa Kim ti đào hóa thân thành người phụ nữ cổ điển kiều diễm, thương cảm và nhu thuận, chờ đợi phu quân đi xa trong loạn thế khó lòng trở về, bặt vô âm tín. Muôn vàn sợi tơ vàng tuôn trào tương tư, thanh xuân như hoa rồi cũng tàn phai trong gió …
Vậy thế nào là mê tín? Phong tục truyền thống trừ tà trấn trạch, gặp dữ hóa lành đều có ở cả phương Đông và phương Tây. Nó ẩn chứa giá trị phổ quát, trải qua hơn 2,000 năm vẫn được duy trì mạnh mẽ. Điều này nhất định có sự bảo hộ và gia trì của thần linh đối với những người tin theo các Ngài. Nếu chỉ dựa vào sự áp đặt lẫn nhau hay hành động theo quán tính, không xuất phát từ trái tim, thì phong tục này không thể trường tồn được.
Thảo dược cổ đại là hoàn toàn tự nhiên, hiệu quả cao, có thể thật sự chữa khỏi bệnh. Cổ nhân chất phác biết kính Thiên Địa, bái Thần tế tổ, cảm ân và tích phúc. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật thời cận đại mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng gây ra sự tàn phá to lớn đối với môi trường sinh thái. Không khí, đất đai, nước, thực vật đều bị ô nhiễm nặng nề. Thuốc trừ sâu còn tàn dư trên thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người. Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. [Như thế] bài thuốc Trung y lừng danh ngàn năm nay cũng không còn hiệu nghiệm! Nguyên nhân sâu xa chính là do sự thiếu hụt về niềm tin, cùng với sự tha hóa của lòng người, bất chấp thủ đoạn để trục lợi.
Hình ảnh hoa Kim ti đào hiện ra trước mắt thể hiện “ngôn ngữ hoa”: một bên là nở hoa rực rỡ không cần giới hạn, một bên phát ra tín hiệu cảnh báo phòng thủ – không phận sự miễn vào! Tà ma ác quỷ không lại gần! Tôi tuy có vẻ ngoài mỏng manh kiều diễm, nhưng tôi cũng có vị đắng và có độc, nếu làm việc xấu với người khác, hãy chuẩn bị đón nhận hậu quả bị tôi báo thù.
Giữa thời mạt thế đầy hiểm ác, những con người chìm đắm trong tình yêu hận thù, tranh đấu vì danh lợi, liệu có khoảnh khắc nào đột nhiên lóe lên một tia sáng giác ngộ? Giống như chiếc đèn hoa sen tỏa ánh sáng giữa bóng tối…
Tư liệu tham khảo:
“Thực vật miền quê” – “Kim ti đào không phải trái đào nhỏ màu vàng” (Thần Tiểu Sơn)
“Hãy treo bông hoa này lên để mang lại cho bạn một Buff tích cực (Tài Minh)
“Dầu cây Thánh John” – Bí kíp trị liệu “máu” (OShiNatural)
“Lịch sử nhân văn của Kim ti đào xuyên lá” (Bạch Vũ)
“Cây Thánh John – loài hoa có khả năng chữa trầm cảm” (Joanna Harnett)
Chú thích: