Đi tìm loài hồng hoàn hảo dành cho bạn
Từ các loài hoa hồng được trồng trong chậu cảnh linh hoạt cho đến các loài hồng dại tỏa hương thơm ngát, đâu đó ngoài kia sẽ luôn có một loài hồng phù hợp cho khu vườn của bạn.
Hoa hồng là một trong các loài hoa phổ biến nhất trên thế giới. Trải qua nhiều thế kỷ nhân giống và có vô số giống hồng để lựa chọn, mỗi môi trường sống khác nhau luôn có một loại hồng phù hợp.
Trồng hoa hồng là một sở thích đầy thú vị giúp tăng thêm màu sắc, vẻ đẹp, và hương thơm cho ngôi nhà của bạn.
Đầu tiên, bước quan trọng là lựa chọn được loại hồng phù hợp với cảnh quan. Hoa hồng bụi hoặc hoa hồng cảnh thích hợp với những hàng rào hoa, hoa hồng dại (hoặc “giống tự nhiên”) dễ thích nghi với các loài thực vật bản địa, và hoa hồng cổ (các loài hồng được tạo ra trước năm 1867) là lựa chọn yêu thích của những người theo chủ nghĩa thuần túy. Ngoài ra còn có các giống hồng leo, hồng lai ghép hiện đại, hoa hồng thân gỗ, và có lẽ loại dễ trồng nhất dành cho người mới trồng hoa, là giống hồng trồng trong chậu, rất phù hợp với cư dân thành phố làm vườn trên ban công căn hộ.
Di chuyển linh hoạt
Mặc dù có nhiều người lựa chọn hoa hồng trồng chậu vì có thể trồng được trên ban công, sân thượng, và mái nhà ở thành thị, cũng như trong các không gian sân vườn hạn chế của nhà phố hoặc nhà phố liền kề, tuy nhiên, hoa hồng trồng chậu cũng phù hợp với cả những khu vườn rộng lớn nhất vì tính chất dễ di chuyển của chúng. Hoa hồng trồng chậu có thể tạo thêm chút quyến rũ cho hiên nhà, sàn gỗ, và sân thượng; đặt làm cây cảnh để tạo điểm nhấn xung quanh hồ bơi; dùng để làm nổi bật lối đi với những mảng màu rực rỡ ở chỗ này hay chỗ kia; hoặc được gom lại để tạo thành một lễ hội sân vườn. Loại hồng trồng chậu cỡ nhỏ thậm chí còn có thể trồng trong những chiếc giỏ, treo trước hiên nhà hoặc bất kỳ phần nhô ra nào của ngôi nhà, thậm chí là treo trên cành cây.
Tất cả các loại hồng đều cần đón nắng tối thiểu sáu tiếng mỗi ngày, tốt nhất là nắng nhẹ vào buổi sáng, và tránh nắng gắt vào giữa trưa, đặc biệt là vùng khí hậu phía nam. Ngoại trừ loại hồng mini, kích thước chậu cây lý tưởng tối thiểu là ngang khoảng 46cm và sâu khoảng 36cm, để rễ cây phát triển tốt. Hoa hồng trồng chậu, dù đó là chậu làm bằng đất nung, gốm sứ, đất sét, nhựa, kim loại, hay gỗ, thì đều cần nhiều nước hơn so với những loại hồng trồng trực tiếp ngoài đất.
Đồng thời, chậu cây phải thoát nước hiệu quả; hoa hồng không ưa việc “chân ướt”. Thêm vào đó, một chậu cây ngập nước sẽ rất nặng khi di chuyển. Thực tế thì những chiếc chậu lớn nói chung thường khó di chuyển. Nếu bạn thường xuyên phải di dời chúng thì hãy cân nhắc đặt một chiếc khay trồng cây có bánh xe bên dưới.
Hoa hồng trồng chậu cũng cần được chăm bón thường xuyên; một số người đam mê tưới hàng tuần bằng phân bón hòa tan trong nước với nồng độ 1/4 để cây phát triển tươi tốt và ra nhiều hoa.
Sắc hoa lộng lẫy, chăm sóc dễ dàng
Hoa hồng cảnh hay hoa hồng dại được ưa chuộng, là giống hoa thường thấy nhất trong các trung tâm làm vườn và vườn ươm. Thường cao từ 45cm đến 2.4m, chúng là các giống hoa chủ đạo của khu vườn. Chúng tự tạo thành một hàng rào đẹp mắt, có thể được sử dụng để tạo thêm mảng màu dọc theo mặt trước của hàng rào hoặc hàng cây bụi cao hơn, hay cũng có thể được trồng phía sau hoặc ở giữa để tăng thêm chiều cao cho hàng rào hoa lâu năm.
Hoa hồng cảnh hay hoa hồng dại cũng tạo nên những điểm nhấn tuyệt vời khi trồng riêng lẻ. Chúng có tập tính sinh trưởng thành bụi rậm rạp, có sức hấp dẫn một cách tự nhiên, và có xu hướng kháng được các loại bệnh thông thường như nấm mốc đen và phấn trắng, cho nên bạn sẽ không cần dùng đến thuốc diệt nấm trong vườn. Hoa hồng bụi có nhiều màu sắc đa dạng — đỏ, hồng, vàng, kem, trắng, và các màu sắc trung tính — cùng với các kiểu dáng hoa đơn, hoa kép, và nhiều hình dạng khác, chúng mang lại sắc màu quanh năm với ít công chăm sóc. Giống hoa hồng tốt nhất là loại “tự làm sạch”, nghĩa là hoa rụng nhanh sau khi nở nên bạn không cần phải tỉa bỏ những bông hoa đã tàn để thúc đẩy cây ra nhiều bông hơn.
Có hai giống hoa gần gũi với chúng ta là hoa hồng dại/giống hồng cứng cáp, và các giống hồng lai hiện đại.
Hồng dại, hồng cổ, và hồng hiện đại
Hoa hồng hoang dã là loài hồng dại mọc trên bộ rễ của chính chúng và có khả năng chống chọi qua mùa đông ở vùng mà chúng sinh trưởng. Chúng không phải loài hồng lai tạo hay lai giống, màu sắc phổ biến nhất là màu hồng, dù vẫn tồn tại các giống có màu đỏ hoặc trắng hiếm hơn, bên cạnh đó còn có loài hồng dại màu vàng siêu hiếm. Chúng thường nở hoa vào một mùa duy nhất, thi thoảng có hoa nở trái mùa. Chúng cần không gian để phát triển lan rộng, vì chúng dễ dàng đẻ nhánh để tạo thành một khóm lớn. Một cách khác là tách khóm thường xuyên để tạo ra các cây mới; hẳn là hàng xóm của bạn sẽ cảm kích vì điều này.
Loài hồng cổ có nhiều giống hồng thuộc loại hoang dã này. Với những cái tên như hồng “Madame Victor Verdier” hay hồng “Madame Bravy”, các giống hồng này đã có trước khi người ta tạo ra giống hồng lai đầu tiên được chấp nhận rộng rãi, tên là hồng “La France”. Mặc dù hầu hết những loại hồng cổ này đều cao từ 1 đến 1.2m, nhưng một số cây có thể vươn tới 3m.
Hồng hiện đại hay còn gọi là hồng lai, đều là giống hồng xuất hiện sau năm 1867. Chúng sở hữu nhiều đặc tính cải thiện như ra hoa liên tục, kích thước hoa lớn hơn, màu sắc và kiểu dáng đa dạng hơn, thời gian cắm bình lâu hơn. Nhưng tại sao người ta vẫn trồng những loại hồng cổ khác? Bởi vì, tất cả các ưu điểm trên phải đánh đổi bằng bằng hương thơm nồng nàn, quyến rũ của loài hồng hoang dã. Bên cạnh đó, dù một số loài hồng được lai tạo nhằm tăng khả năng kháng bệnh, nhưng hầu hết chúng đều yếu hơn và dễ mắc bệnh hơn so với những người anh em họ hàng tự nhiên.
Hồng leo và hồng thân gỗ
Hồng leo là loài hồng có thể vươn dài tới 6m và có thể được uốn nắn trên giàn mắt cáo hoặc khung tạo hình. Chúng rộ bông vào mùa xuân, và nhìn chung không ra hoa vào mùa đông như các loại hồng dại khác. Hồng thân gỗ (hay còn gọi là hồng tiêu chuẩn) là loại hồng được ghép vào thân cây. Loại hồng này cần được cắt tỉa, cắm cọc chống thường xuyên, và các biện pháp chăm sóc đặc biệt khác, nhưng chúng làm nên nét đặc trưng cho khu vườn.
Chăm bón cây trồng
Thêm vỏ trứng nghiền mịn vào đất trồng hoa hồng để bổ sung lượng canxi cần thiết giúp cây khỏe mạnh hơn và ra hoa đẹp hơn là bí quyết lâu đời của người trồng hoa hồng. Dưới đây là một số bí quyết khác.
Cỏ linh lăng tuyệt vời
Trộn nửa cốc bột cỏ linh lăng vào đất cho những cây hồng nhỏ và một cốc đầy cho bụi hồng lớn để kích thích sinh trưởng với tỷ lệ nitơ, phốt pho và kali là 5-1-2, cùng các loại canxi, sắt, magie, kẽm, và vitamin A, D, B1, E, K, U và triacontanol.
Vỏ chuối đầy dưỡng chất
Kali và phốt pho có trong vỏ chuối giúp thúc đẩy quá trình ra hoa, đồng thời canxi và magiê trong vỏ chuối có lợi cho sự phát triển toàn diện của cây. Chỉ cần xay vỏ chuối với nước thành hỗn hợp sệt để có thể bón cho đất.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times