Hoa Kỳ và Đài Loan bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại về các quy định, nông nghiệp, tiêu chuẩn lao động
Hôm 17/08, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết Hoa Thịnh Đốn và Đài Bắc sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Hoa Kỳ-Đài Loan, được thông báo hôm 01/06.
Theo một tuyên bố ngày 17/08, những cuộc đàm phán này sẽ diễn ra dưới sự bảo trợ của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ và Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan. Sáng kiến này sẽ bao gồm các cuộc đàm phán về một loạt các chủ đề, chẳng hạn như các thông lệ quản lý tốt, đẩy mạnh thương mại nông sản, thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai quốc gia, tạo thuận lợi cho thương mại, thương mại kỹ thuật số, các tiêu chuẩn lao động và giải quyết các hành vi sai lệch của các doanh nghiệp quốc doanh.
Theo tuyên bố trên, trong suốt những cuộc đàm phán này, các quan chức Hoa Kỳ sẽ tham vấn với Quốc hội cũng như “các bên liên quan chính” trong các nhóm kinh doanh, lao động và môi trường.
Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi cho biết trong tuyên bố: “Chúng tôi có kế hoạch theo đuổi một lịch trình đầy tham vọng để đạt được các cam kết tiêu chuẩn cao và các kết quả quan trọng trên 11 lĩnh vực thương mại trong quy định đàm phán sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế thế kỷ 21 công bằng hơn, thịnh vượng hơn và linh hoạt hơn.”
Theo Reuters, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan Đặng Chấn Trung (John Deng) nói với các phóng viên ở Đài Bắc rằng vòng đàm phán đầu tiên có thể bắt đầu vào tháng tới, có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại tự do mà quốc đảo này đã theo đuổi từ lâu.
Những cuộc đàm phán này diễn ra khi chính phủ ông Biden loại Đài Loan khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), một quan hệ đối tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và 13 quốc gia Á Châu.
Phản hồi của Trung Quốc
Theo ông Đặng, một trong những chủ đề sẽ được thảo luận trong những cuộc đàm phán trên là hành vi cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc. ĐCSTQ đã và đang hạn chế thương mại với các quốc gia mà họ có tranh chấp, một hành động mà theo ông gây tổn hại lớn cho trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu.
Hồi tháng Sáu, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho bi78ết Bắc Kinh phản đối bất kỳ cuộc tiếp xúc chính thức nào giữa Đài Loan và các quốc gia khác, bao gồm cả việc ký kết các thỏa thuận kinh tế và thương mại có “tính chất chính thức”.
Theo Reuters, ông Cao nói: “Hoa Kỳ nên giải quyết thận trọng các mối quan hệ thương mại và kinh tế với Đài Loan để tránh gửi một thông điệp sai lầm đến những người ly khai Đài Loan.”
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan trong tháng này, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất xung quanh hòn đảo này.
Trong sách trắng thường niên năm 2022, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Đài Loan yêu cầu Hoa Thịnh Đốn “đẩy nhanh” hội nhập kinh tế với Đài Bắc thông qua một hiệp định thương mại song phương.
Tổ chức này tuyên bố rằng một thỏa thuận như vậy sẽ “thúc đẩy cả kinh tế của Hoa Kỳ lẫn Đài Loan và do đó là an ninh tổng thể trước một Trung Quốc hiếu chiến.”
Kim ngạch thương mại giữa Đài Loan và Hoa Kỳ vào năm 2020 đạt 106 tỷ USD.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.