Hoa Kỳ và cuộc chiến toàn cầu với nông dân đang leo thang trong bối cảnh thiếu lương thực
Ảnh hưởng của những điều mà các nhà phê bình đã mô tả là một “cuộc chiến” với nông dân và các chủ trang trại trên toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Nhưng ngay cả khi tình trạng thiếu lương thực đang gia tăng, thì các chính phủ, trong đó có chính phủ Tổng thống (TT) Biden, đang siết chặt ngành sản xuất nông nghiệp hơn nữa.
Trao đổi với The Epoch Times, những chuyên gia và các nhà lập pháp đã cảnh báo rằng đã đến lúc phải kiềm chế các chính sách của chính phủ đang gây tổn hại nhiều nhất cho người nghèo. Một nghị sĩ Đảng Cộng Hòa cho biết một Quốc hội do GOP (Grand Old Party, Đảng Cộng Hòa) lãnh đạo sẽ bắt tay vào làm việc ngay sau khi nắm quyền kiểm soát.
Mặc dù các cuộc tấn công vào ngành nông nghiệp và các ngành liên quan dường như khác nhau ở các quốc gia, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là một chính sách có sự phối hợp toàn cầu do Liên Hiệp Quốc (LHQ), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Liên minh Âu Châu (EU), và các lực lượng quốc tế khác thúc đẩy nhằm quyết tâm chuyển đổi nền văn minh.
Hồi tháng Bảy, The Epoch Times đã đăng một bài báo điều tra chuyên sâu trích dẫn nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nói rằng các chính sách do LHQ hậu thuẫn về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, mà họ mô tả là một “cuộc chiến với nông dân,” là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng leo thang khủng hoảng lương thực.
Hậu quả của các chính sách nhắm vào các nhà sản xuất nông nghiệp đang bắt đầu trở nên rõ ràng, với tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng trên khắp thế giới. Hãy nghĩ đến Sri Lanka, nhưng trên một quy mô toàn cầu — ít nhất là nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục.
Các nhà lãnh đạo của LHQ và các quan chức phương Tây đang thảo luận công khai về vấn đề này. Ví dụ, đầu năm nay, TT Joe Biden, viện dẫn cuộc xung đột ở Ukraine, đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực “thực sự” sắp xảy ra.
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ David Beasley đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu “mang tính hủy diệt” có thể dẫn đến nạn đói “thảm khốc” ở hàng chục quốc gia kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID.
Hồi tháng trước (10/2022), tại một sự kiện Ngày Lương thực Thế giới (World Food Day) được tổ chức bởi một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc có lãnh đạo là một thành viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Beasley nói: “Thế giới phải nhận ra sự thật về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có này và hành động ngay bây giờ để ngăn khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Trên thực tế, khi nông dân và các chủ trang trại đang phải chịu áp lực pháp lý ngày càng tăng, thì nhiều nguồn tin có uy tín đang cảnh báo rằng ngay cả các nước thịnh vượng như Hoa Kỳ cũng có thể bắt đầu nhận thấy các vấn đề về chuỗi cung ứng trong ngành thực phẩm và các lĩnh vực quan trọng khác trong những tháng sắp tới.
Tổn thất ở Âu Châu
Ở Âu Châu, các vết nứt trong hệ thống đang bắt đầu xuất hiện. Kệ hàng ở các siêu thị ngày càng thiếu hụt nhiều mặt hàng do giá cả tăng cao. Tại Vương quốc Anh và Đức, tình trạng khan hiếm hàng hóa trong các cửa hàng ngày càng tăng cao đã xuất hiện trên các mặt báo trong nhiều tuần.
Nhiều quốc gia trên thế giới — đặc biệt là ở Trung Đông và Phi Châu — đã và đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng lương thực lớn. Các chuyên gia cho rằng, với việc các chính phủ ban hành những chính sách “bền vững” do LHQ hậu thuẫn, và ngành tài chính đang làm suy yếu các hệ thống năng lượng và ngành sản xuất nông nghiệp, thì nỗi đau này có thể sẽ gia tăng.
Tiến sĩ E. Calvin Beisner, chủ tịch Liên minh Cornwall về Quản lý Sáng tạo (Cornwall Alliance for the Stewardship of Creation), cho biết việc đưa ra các chính sách chống canh tác được cho là nhằm chống lại biến đổi khí hậu đặc biệt gây khó khăn đối với người nghèo.
“Cấm hoặc giảm việc sử dụng phân bón chứa nitơ với danh nghĩa chống lại sự nóng lên toàn cầu là điều vô nghĩa,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời chỉ ra những chính sách mà các chính phủ trên thế giới theo đuổi để đáp lại sự vận động của LHQ.
Theo ông Beisner, “Oxide nitơ đóng một vai trò rất nhỏ trong hiệu ứng nhà kính nói chung, có vai trò nhỏ hơn hàng trăm lần so với carbon dioxide và hàng ngàn lần so với hơi nước.”
“Các bước sóng hồng ngoại mà oxide nitơ hấp thụ gần như vốn đã được hấp thụ gần hết. Do đó, oxide nitơ chỉ có thể đóng góp một lượng không đáng kể vào sự nóng lên toàn cầu.”
“Tuy nhiên sự đóng góp của oxide nitơ đối với cuộc sống của con người là vô cùng to lớn, vì khí này làm tăng năng suất cây trồng trên mỗi mẫu Anh, trên mỗi giờ lao động, và trên mỗi nguồn vốn đầu vào, làm cho lương thực dồi dào hơn và rẻ hơn cho mọi người,” ông Beisner, một người theo đạo Cơ Đốc có thẩm quyền hàng đầu về các vấn đề môi trường cho biết. “Người nghèo được hưởng lợi từ oxide nitơ nhiều hơn bất cứ ai.”
Ông kết luận: “Cuộc chiến với nông dân là cuộc chiến với người nghèo.”
Cuộc chiến với nông dân
Cuộc chiến với nông dân đã được nhìn thấy một cách rõ ràng ở Hà Lan, Sri Lanka, Nam Phi, Canada, và nhiều quốc gia khác — kể cả ở Hoa Kỳ.
Trước công chúng, các nội dung chính của những chính sách đó bao gồm việc cứu hành tinh này khỏi biến đổi khí hậu do con người gây ra, ứng phó với nhiều vấn đề môi trường khác nhau, nâng cao hiệu quả kinh tế, và thậm chí là trả lại đất đai cho người “bản địa.” Nhưng các nhà phê bình nói rằng động cơ thực sự dường như đen tối hơn rất nhiều.
Theo các tổ chức quốc tế, mục tiêu cuối cùng của các tác nhân quốc tế quyền lực, chẳng hạn như WEF, đứng sau nhiều chính sách gây mất an ninh lương thực, là tái định hình mọi yếu tố của sự sống trên hành tinh Địa Cầu này.
Từ việc tái thiết lập tư tưởng về quyền sở hữu tư nhân đến việc xây dựng một “hợp đồng xã hội mới,” mọi thứ phải được chuyển đổi, người sáng lập WEF Klaus Schwab và tổ chức của ông đã lập luận trong nhiều năm trong khi quảng bá điều mà họ gọi là “Đại Tái Thiết.”
Nhưng không phải tất cả mọi người đều có cùng quan điểm.
Quỹ Pháp lý Hành động Chủ trang trại-Người chăn nuôi Mỹ (Ranchers-Cattlemen Action Legal Fund United Stockgrowers of America, gọi tắt là R-CALF USA) đại diện cho những người chăn nuôi và chủ trang trại trên toàn quốc. Nhóm này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm từ nghị trình của Liên Hiệp Quốc và WEF.
“Điều đang diễn ra là những người theo chủ nghĩa toàn cầu có một nghị trình có thể đạt được hiệu quả tốt nhất bằng cách nhắm vào những mục tiêu dễ tổn thương nhất,” Giám đốc điều hành R-CALF USA, ông Bill Bullard, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn, cho biết xu hướng này là rõ rệt khi chính phủ Hà Lan tuyên chiến với nông dân tại quốc gia này.
“Những gì họ đang làm là nhắm vào phân khúc của ngành nông nghiệp ít có khả năng hấp thụ các chi phí pháp lý bổ sung này nhất,” ông nói. “Khi các chính phủ áp đặt các chính sách này, những người có thể gánh chịu các khoản chi phí phụ trội thêm này là các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, chứ không phải các doanh nghiệp nhỏ.”
Ông Bullard cho biết, “Đây là một nỗ lực nhằm loại bỏ những nông dân và chủ trang trại độc lập trên khắp thế giới,” đồng thời lưu ý rằng các chính phủ và các tổ chức quốc tế đang cùng nhau hợp tác trong nỗ lực này.
“Các nhà sản xuất gia súc, nông dân, và chủ trang trại là những người chịu trận đầu tiên; họ đang bị nhắm mục tiêu bởi vì họ rất dễ bị xóa sổ.”
Ông Bullard chỉ ra nhiều chính sách của chính phủ TT Biden nhắm vào nông dân, và nói rằng nếu việc này không dừng lại, thì “chúng ta sẽ thấy có rất nhiều nông dân và chủ trang trại phá sản.”
Ông Bullard tiếp tục cho hay, mục tiêu cuối cùng là để “giới tinh hoa toàn cầu xuyên quốc gia — các tòa án quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và tất cả các tổ chức còn lại thuộc loại này — tiếp tục củng cố và tập trung hóa sản xuất lương thực.”
“Tất cả những điều này bắt nguồn từ nghị trình bền vững của Liên Hiệp Quốc, Nghị trình 2030, Nghị trình 21, và các tập đoàn đa quốc gia đều tham gia vào việc tạo ảnh hưởng cũng như hợp tác với Liên Hiệp Quốc,” ông nói thêm.
Chủ tịch của R-CALF USA, ông Brett Kenzie, cũng tán thành điều này, khi nói rằng “giới tinh hoa toàn cầu” đang thúc đẩy “sự bền vững,” mà ông mô tả như một “chứng minh mới nhất của việc thờ phượng sai lầm mà nên khiến chúng ta biết sợ Đức Chúa Trời.”
“Tất cả những gì họ muốn có là mọi thứ, và khả năng kiếm sống cùng với tài sản riêng của quý vị sẽ trở thành vật tế thần đầu tiên của những tổ chức này,” ông Kenzie nói thêm.
Các chính sách do LHQ hậu thuẫn
Thật vậy, như The Epoch Times đã đưa tin trong một bài báo gần đây có nhan đề “Các chuyên gia: Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đứng sau ‘cuộc chiến với nông dân’ trên toàn cầu”, một số “Mục tiêu Phát triển Bền vững” (SDG) trong Nghị trình 2030 của LHQ có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến với nông dân trên toàn cầu.
Các mục tiêu, được phát triển với sự giúp đỡ của ĐCSTQ và đã được các chính phủ trên toàn thế giới thông qua, kêu gọi những thay đổi mạnh mẽ trong nông nghiệp, sản xuất, và thậm chí là cả tiêu dùng. Các mục tiêu này thường xuyên được các chính phủ viện dẫn trong việc phát triển các chính sách mà nhiều đảng phái hiểu biết cho là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực.
Trong khi đó, WEF đã ký một thỏa thuận “liên kết đối tác chiến lược” chính thức với Liên Hiệp Quốc nhằm đưa các doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới tham gia phong trào áp đặt các mục tiêu của Nghị trình 2030 lên hành tinh này.
Văn bản thỏa thuận này hứa hẹn sẽ “tăng cường sự tham gia của các thể chế và cùng nhau đẩy nhanh việc thực hiện Nghị trình 2030 về Phát triển Bền vững.”
Các chuyên gia cho biết, các chính sách của chính phủ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhắm vào lĩnh vực năng lượng cũng đóng một vai trò quan trọng trong tình trạng thiếu lương thực đang gia tăng.
Ví dụ, những nỗ lực của Âu Châu nhằm loại bỏ dần các nguồn năng lượng đáng tin cậy, trong đó có năng lượng hydrocarbon và năng lượng hạt nhân, đã tạo ra những tác động tàn phá đối với nền công nghiệp của Âu Châu.
Sản xuất phân bón, một yếu tố đầu vào quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Do giá phân bón tăng cao, nên sản lượng lương thực bị tổn hại khi giá lương thực tăng cao hơn trên toàn thế giới.
Tại Hoa Kỳ, chính phủ TT Biden, các cơ quan hành chính, và Quốc hội cũng đã nhắm mục tiêu vào nền nông nghiệp và ngành năng lượng.
Chẳng hạn như, Đạo luật Giảm Lạm Phát quy định người nộp thuế phải trả tiền cho nông dân để không trồng trọt, dưới chiêu bài thực hiện luân canh cây nông nghiệp “thân thiện với khí hậu.”
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cũng đã khiến nông dân trên toàn quốc phẫn nộ với việc đề nghị một quy định buộc họ phải theo dõi lượng khí thải nếu họ kinh doanh với một công ty đại chúng.
Đó không chỉ là chính phủ. Các ngân hàng lớn và các nhà quản lý đầu tư trên khắp thế giới cũng đã ký vào các chính sách góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực của Liên Hiệp Quốc.
Trên thực tế, một liên minh gồm 19 tổng chưởng lý từ hầu hết các tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa đang điều tra sự thông đồng có thể có giữa sáu ngân hàng lớn nhất của Mỹ và “Liên minh Ngân hàng Net-Zero” của Liên Hiệp Quốc.
Với tư cách là những tổ chức tham gia chương trình của Liên Hiệp Quốc, các ngân hàng đồng ý theo đuổi mức phát thải “ròng bằng không” vào cuối năm 2050 bằng cách chấm dứt, hoặc thu hẹp hết mức, đầu tư và cho vay đối với các nhà sản xuất năng lượng truyền thống và các mục đích nông nghiệp.
Nhiều tổng chưởng lý tiểu bang tham gia vào cuộc điều tra nói với The Epoch Times rằng “sự thông đồng” này của các ngân hàng Hoa Kỳ với Liên Hiệp Quốc đang phá hoại nền nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ trong khi mang lại lợi ích cho chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
“Tiền của chính chúng ta đang được vũ khí hóa để chống lại chúng ta,” Thống đốc Ngân khố tiểu bang West Virginia Riley Moore nói với The Epoch Times hồi tháng Tám khi ông phản đối các ngân hàng lớn nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp chủ chốt.
Quốc hội vào cuộc
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng ngày càng lo ngại về việc nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất nông nghiệp bằng chính sách của chính phủ và áp lực từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
Dân biểu liên bang John Rose (Cộng Hòa-Tennessee) sở hữu và điều hành một trang trại đã gắn bó với gia đình ông hơn 230 năm. Ông cũng từng là Ủy viên Nông nghiệp ở tiểu bang Tennessee trước khi được bầu vào Quốc hội hồi năm 2012.
Lo ngại về việc lạm dụng quy định ảnh hưởng đến nông dân và “mối đe dọa rất chân thực của tình trạng thiếu lương thực,” ông Rose đã tập hợp các nghị sĩ đồng sự để cất lên tiếng nói của họ.
Trong bức thư đầu tiên gửi cho giám đốc SEC, ông Rose và hơn 115 thành viên Quốc hội đã kêu gọi cơ quan này bác bỏ “gánh nặng pháp lý đáng kể và bất khả thi” đang được đề xướng cho cộng đồng nông nghiệp.
Trong bức thư thứ hai, ông Rose và hầu hết các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã chỉ ra phán quyết gần đây của Tối cao Pháp viện đối với việc EPA thiết lập giới hạn phát thải khi sản xuất điện là bằng chứng cho thấy SEC thiếu thẩm quyền để tiếp tục tiến hành.
Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Rose cho biết khi Đảng Cộng Hòa giành lại Hạ viện, họ có ý định nới lỏng sự giám sát “quá mức” và kiềm chế các hành vi lạm dụng quy định nhắm vào ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
“Tôi không nghĩ những chính sách này là cần thiết hoặc phù hợp,” ông nói, khi lưu ý rằng có một mối liên hệ với nghị trình của Liên Hiệp Quốc và áp lực đối với các nông dân là “rất đáng lo ngại.”
“Chúng tôi thấy chính phủ Tổng thống Biden sử dụng năng lực đặt ra quy định để thực hiện nghị trình xanh này thông qua việc lạm dụng quyền lực,” ông Rose tiếp tục.
Ngoài đề nghị của SEC về việc báo cáo phát thải vốn sẽ khiến các trang trại nhỏ không thể trụ lại, ông Rose đã chỉ ra các nỗ lực của chính phủ TT Biden nhằm mở rộng quyền kiểm soát của liên bang đối với nguồn tài nguyên nước bằng cách mở rộng định nghĩa về “Vùng nước của Hoa Kỳ.”
“EPA đã thực hiện các bước đi gay gắt đối với các công cụ bảo vệ thực vật cần thiết mà nông dân sử dụng, thậm chí đình chỉ quyền tiếp cận sau khi nông dân đã mua nguồn cung cấp,” ông nói. “Điều đó không giúp ích.”
“Tôi đã trực tiếp thương thảo với những nông dân đang bị sách nhiễu bởi quy định quá mức mà các chính sách ‘Vùng nước của Hoa Kỳ’ trước đây đã trao cho các cơ quan liên bang trong nhiệm kỳ tổng thống Obama,” ông Rose nói. “Điều đó thực sự là chướng ngại đối với sản xuất nông nghiệp.”
Ông cho biết kết quả cuối cùng của những chính sách chống lại nông dân này sẽ là “tình trạng thiếu hụt tiếp diễn và cản trở sản xuất trên toàn thế giới.”
Vị dân biểu này nói thêm rằng tất cả điều đó đều do “tự mình gây ra.”
“Chúng ta phải nắm bắt thực tế rằng chúng ta không thể thực hiện các chính sách dẫn đến tình trạng thiếu hụt thứ gì đó quan trọng như là lương thực,” ông nói, và gọi điều đó là “quá rõ ràng” đồng thời lưu ý rằng nông dân phải tiếp tục nuôi sống thế giới.
“Tất cả những chính sách này là một công thức dẫn đến nạn đói trên toàn cầu,” ông Rose nói.
Điều này cũng đúng trong lĩnh vực năng lượng, ông nói, khi chỉ ra các chính sách đang cản trở việc thăm dò và phát triển các nguồn tài nguyên.
Ông nói: “Thật vô lý khi chúng ta phải vờ như không biết những vấn đề này.”
“Mọi người đều quan tâm đến môi trường, nhưng lòng nhiệt thành kiểu tôn giáo này, khi họ biến những mối quan tâm về cuộc sống xanh thành một chân ngôn để sống là một sai lầm lớn,” ông Rose nói thêm, kêu gọi mọi người hãy biết “cân bằng.”
Nhưng nếu Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện của Quốc hội vào tháng Một, thì “chúng ta sẽ thấy một nỗ lực tập trung một cách dứt khoát để tiến hành việc giám sát thích hợp đối với chính phủ Tổng thống Biden và nhiều cơ quan quản lý khác, trong đó có các cơ quan trong dịch vụ tài chính,” ông nói.
“Chúng ta sẽ có sự giám sát cương quyết và mạnh mẽ,” ông tiếp tục cho hay, khi nói rằng tính minh bạch và hạn chế lạm dụng [quyền lực] sẽ là một trọng tâm chính.
“Quý vị sẽ thấy những hành động dứt khoát trên tất cả những phương diện đó,” ông Rose cho biết, khi chỉ ra rằng luật pháp và đòn bẩy tài chính là những công cụ có thể ngăn chính phủ “cố ý gây hại” cho nền kinh tế [nói chung] và cho ngành nông nghiệp Hoa Kỳ nói riêng.
“Cuối cùng, áp lực to lớn sẽ phải có tác dụng.”
Các đồng minh ngoại quốc nên được “khuyến khích” không mắc phải những “sai lầm” chính sách tương tự mà TT Biden đã phạm phải, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực và năng lượng, ông Rose nói.
“Năng lực sản xuất để cung cấp lương thực cho thế giới là có — trên thực tế, nó tăng lên hàng năm. Chúng tôi đã chứng minh rằng chúng ta có thể nuôi sống cả thế giới,” ông nói. “Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải tiến lên phía trước mà không bị trói một tay lại phía sau, đó là điều mà ông Biden và nhiều người trên toàn thế giới quan tâm đến các sáng kiến sống xanh đang cố gắng thực hiện.”
“Có lẽ đó là thứ họ muốn,” ông nói thêm. “Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà tôi nhận được từ các cử tri là, ‘nghị trình ẩn sau đó là gì?’”
“Mọi người hiểu rằng nếu quý vị không sản xuất dầu và không có một sản phẩm thay thế, thì điều gì sẽ xảy ra? Quý vị gặp phải tình trạng sụt áp, mất điện như California; bị yêu cầu không sạc điện cho xe hơi của quý vị,” ông nói. “Điều đó không thực tiễn. Những gợn sóng kinh tế tạo ra dẫn đến những chuyện như tình trạng thiếu hụt, trong đó có thiếu hụt lương thực. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra.”
Phản hồi từ ông Biden và LHQ
Khi tình trạng thiếu lương thực trở nên ngày càng nghiêm trọng, các nhân vật chính trị phương Tây, trong đó có ông Biden, đã đưa ra một số gợi ý rõ ràng về cách họ sẽ ứng phó.
Ví dụ, khi đối mặt với giá năng lượng tăng vọt, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do các chính sách của ông, TT Biden — phát ngôn nghe giống một chiến binh Venezuela hơn là một tổng thống Hoa Kỳ — liên tục quy kết rằng điều này là do các công ty [dầu mỏ] đã “trục lợi.”
Để đối phó với tình trạng thiếu phân bón, Quản trị viên USAID Samantha Power đã ca ngợi điều mà bà gọi là một “tia hy vọng.”
“Hiện nay tình trạng thiếu phân bón là có thật,” bà nói trên ABC News. “Do đó, chúng tôi đang hợp tác với các quốc gia để nghĩ ra các giải pháp tự nhiên như phân chuồng và phân trộn, và điều này có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mà cuối cùng sẽ có lợi cho người nông dân khi thực hiện [quá trình đó].”
Nông dân Sri Lanka đã thử áp dụng điều này để hưởng ứng lệnh cấm phân bón do chính phủ xã hội chủ nghĩa ở đó ban hành, được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, và tình hình đã kết thúc trong thảm họa.
Trớ trêu thay, Liên Hiệp Quốc, vốn từ lâu đã ủng hộ các chính sách về khí hậu và phát triển bền vững, các chính sách mà giới chuyên gia cho rằng đã gây ra vấn đề về nguồn cung cấp lương thực trên toàn thế giới, giờ lại đang tự cho mình là đáp án dành cho cuộc khủng hoảng.
“Báo cáo viên đặc biệt về quyền có lương thực” của Liên Hiệp Quốc, ông Michael Fakhri, cho biết trong một thông cáo báo chí mô tả Liên Hiệp Quốc và các chính phủ là giải pháp cho vấn đề mà các chuyên gia cho rằng chính những người này đã gây ra: “Cộng đồng quốc tế có ý thức tốt về cách giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực; những gì chúng ta cần bây giờ là hành động phối hợp của các chính phủ.”
Ông Fakhri cũng kêu gọi các chính phủ “thiết lập các điều kiện thích hợp cho một sự chuyển đổi sang ngành nông nghiệp sinh thái.”
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, một cựu lãnh đạo Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều mà ông mô tả là “cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.”
Tại một sự kiện diễn ra hồi tháng trước do người đứng đầu Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), một thành viên của ĐCSTQ và là cựu quan chức của chính quyền Bắc Kinh, ông Guterres cho biết ngày nay có 3 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
“Số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói đã tăng hơn gấp đôi trong ba năm qua,” ông nói, và bổ sung rằng “gần một triệu người đang sống trong các điều kiện đói kém, với nạn đói và tử vong là điều diễn ra hàng ngày.”
Ông Guterres nói: “Chính phủ, các nhà khoa học, khu vực tư nhân và xã hội dân sự cần phải phối hợp cùng nhau để cung cấp các chế độ ăn bổ dưỡng và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times