Hoa Kỳ trừng phạt quan chức ĐCSTQ vì bức hại Pháp Luân Công
Hoa Kỳ đã trừng phạt một quan chức Trung Quốc vì vai trò của ông này trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tập mà chế độ cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc đã nhắm đến trong một chiến dịch xóa sổ vô cùng tàn nhẫn và không ngừng nghỉ trong hơn 23 năm.
Ông Đường Dũng (Tang Yong), nguyên là phó giám đốc Nhà tù Khu vực Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc, hiện bị chỉ định là một người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, điều này sẽ cấm ông cũng như những người thân ruột thịt trong gia đình của ông được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao cho biết ông Đường phải chịu trách nhiệm về “những hành vi vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, cụ thể là giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công, vốn cũng được xem là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.”
Có rất ít thông tin khác về ông Đường từ danh sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao — vốn nhắm vào một danh sách dài các cá nhân tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền — được công bố hôm 09/12, đêm trước Ngày Nhân quyền.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 09/12, “Tất cả mọi người đều có những quyền này và nên được tự do thực hiện các quyền đó, mà không bị phân biệt đối xử, bất kể điều họ tin là gì, người họ ái mộ là ai, hay họ sống ở đâu.”
“Tất cả có nghĩa là không gì không bao hàm.”
Môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công này thực hành xoay quanh một bộ công pháp tĩnh tại cùng với các bài giảng dựa trên các giá trị cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Kể từ năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách xóa sổ môn tu luyện này trong một chiến dịch toàn quốc bao gồm các vụ bắt giữ tùy tiện, bỏ tù, tra tấn, thu hoạch nội tạng, và các chiêu thức bạo lực khác. Hàng triệu người đã bị giam giữ trong bộ máy trại giam rộng lớn của ĐCSTQ trên khắp Trung Quốc.
Ông Trương Nhi Bình (Erping Zhang), phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cho biết sau hành động này của Hoa Kỳ, “Chúng tôi hoan nghênh việc Hoa Kỳ trừng phạt quan chức ĐCSTQ có liên quan đến cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và chúng tôi khuyến khích những người khác trong cộng đồng quốc tế noi theo bước chân dẫn đường này.”
Ông Uông Trí Viễn (Wang Zhiyuan) của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một nhóm vận động chính sách có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã hối thúc chính phủ ông Biden làm nhiều hơn nữa. Ông nói rằng các hành động của Hoa Kỳ vẫn chưa thấm vào đâu so với quy mô và sự man rợ của các hành vi ngược đãi mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải đối mặt. Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với các tội ác của ĐCSTQ ở Tân Cương liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, trong khi các tội ác nhắm vào Pháp Luân Công vẫn đang tràn lan khắp Trung Quốc.
Những câu chuyện về sự tra tấn
Tại Trùng Khánh, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc với dân số hơn 32 triệu người, chính quyền đã kết án tối thiểu hàng trăm học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ, theo số liệu thống kê chưa hoàn chỉnh được Minghui.org thu thập, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ dành riêng để ghi chép lại những lời kể của người trong cuộc về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong số đó có một chuỗi các tài liệu về sự tra tấn và tử vong dưới bàn tay của ĐCSTQ được trình bày chi tiết bằng hình ảnh.
Bà Trương Lỗ Nguyên (Zhang Luyuan), một phó giáo sư tại trường Cao đẳng Nghề Công tác Xã hội Trùng Khánh, đã mất đi người chồng và cũng là đồng nghiệp của mình vào năm 2004 trong bối cảnh công an thường xuyên đột kích tư gia và sách nhiễu. Sau đó, trong một năm chịu đựng sự tra tấn trong tù, bà đã bị mất 29 chiếc răng khiến bà không thể ăn uống, và bàn chân của bà bị biến dạng, khiến bà gần như không thể đi lại.
Bà Trương qua đời vào tháng 11/2018 ở tuổi 76. Bà từng kể lại trong một tuyên bố với Minghui.org rằng bà bị bắt trên đường phố vì “trông giống một học viên Pháp Luân Công.”
Bà Lưu Phạm Khâm (Liu Fanqin), một giám đốc điều hành cao cấp tại một nhà máy sản xuất dụng cụ quang học thuộc sở hữu nhà nước đã về hưu, đã bị còng tay hơn 30 giờ liên tục sau khi bà quyết định vạch trần vụ lạm dụng tình dục một nữ học viên Pháp Luân Công khác bị cầm tù với giới truyền thông ngoại quốc vào năm 2003. Hai cánh tay của bà Lưu đã bị chệch khớp sau khi bị giam giữ [bằng hình thức này].
Không chỉ có vậy, sau đó bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Trùng Khánh trong chín năm, nơi bà phải ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu thấp lên đến 17 giờ mỗi ngày — một hình thức tra tấn gây đau đớn không thể chịu nổi lên vai, cánh tay, và thắt lưng vốn đã bị thương của bà. Cai ngục ra lệnh cho bà lao động khổ sai giống như những học viên bị cầm tù khác, nhặt các hạt thủy tinh dùng để bọc ghế xe hơi và quét dọn vệ sinh.
Để cầm chổi quét sàn, bà Lưu phải dùng cả hai tay để giữ cố định cây chổi, sau đó tỳ hai khuỷu tay vào eo để dùng sức của cơ thể di chuyển cây chổi về phía trước và phía sau. Sau đó, bà viết rằng, hoạt động đòi hỏi vận động như vậy đã gây ra những cơn đau dữ dội đến mức đôi khi bà không thể ngủ được.
“Nếu mà bà qua đời ở đây, ngay trong nhà tù này, vậy thì sao? Chúng tôi sẽ lo liệu việc đó với 80 [nhân dân tệ] (11.50 USD),” bà Lưu cho biết một nữ quản ngục đã nói với bà trong nhiều lần cố gắng bắt bà ký giấy từ bỏ đức tin của mình nhưng bất thành. Bà Lưu tin rằng số tiền này là chi phí hỏa táng.
Thật khó để đánh giá vai trò của ông Đường trong các nỗ lực đàn áp trong khu vực này. WOIPFG nắm được danh tính của ba thủ phạm trong hồ sơ của họ, những người này đều có tên giống ông Đường. Một người là thủ trưởng đơn vị an ninh nội địa của Công an huyện Phụng Tiết, người đã chỉ huy một số vụ bắt giữ, thẩm vấn, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công; một người là quản lý của một hãng giày Trùng Khánh sử dụng lao động khổ sai từ Nhà tù Nữ Trùng Khánh; và người còn lại là Bí thư Đảng ủy tại một ủy ban khu phố ở quận Giang Bắc còn được gọi là Đại Thạch Bá của thành phố Trùng Khánh.
Các quan chức của Bộ Ngoại giao đã không phúc đáp nghi vấn báo chí của The Epoch Times về việc cung cấp thêm thông tin liên quan đến ông Đường vào thời điểm phát hành bài báo này.
Ông Đường là quan chức thứ hai của Trung Quốc bị trừng phạt liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công dưới thời chính phủ ông Biden. Hồi tháng 05/2021, trước Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, Bộ Ngoại giao đã trừng phạt ông Dư Huy (Yu Hui), cựu giám sát viên của một chiến dịch đàn áp ở Thành Đô, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên.
Dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã trừng phạt ông Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxiong), một trưởng đồn công an địa phương ở phía nam tỉnh Phúc Kiến, đánh dấu Ngày Nhân quyền năm 2020.
Ngoài ông Đường, bốn cá nhân khác bị đưa vào danh sách trừng phạt hôm 09/12 bao gồm ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), cựu Bí thư Đảng ủy Tây Tạng từ 2016 đến 2021; và ông Trương Hồng Ba (Zhang Hongbo), Giám đốc Cục Công an Tây Tạng từ năm 2018, vì những vi phạm nhân quyền đang diễn ra trong khu vực.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times