Hoa Kỳ: Tất cả các tiểu bang sống nhờ dòng sông Colorado đều đồng ý cắt giảm đáng kể lượng nước sử dụng
Hôm thứ Hai (23/05), các tiểu bang phía tây nam gồm California, Arizona, và Nevada công bố đã cùng nhau đưa ra một kế hoạch để bảo vệ Lưu vực Sông Colorado và giảm lượng nước sử dụng từ sông này trong ba năm tới để cứu con sông khỏi tình trạng khô hạn hiện tại.
Các tiểu bang phía tây nam này đã đồng ý cắt giảm ít nhất 3 triệu acre-feet (khoảng 3.7 km3) nước cho đến năm 2026 — một sự giảm đáng kể 10% so với lượng nước phân bổ của Sông Colorado cho các tiểu bang này — và sẽ được chia cho các nông dân, bộ lạc, và thành phố đang làm việc với chính phủ liên bang về các khoản thanh toán ngắn hạn để đổi lấy nguồn dự trữ nước.
Con sông này cung cấp nước cho 40 triệu người trên bảy tiểu bang của Hoa Kỳ, một phần của Mexico, và hơn hai chục bộ lạc người Mỹ bản địa.
California, tiểu bang có mức tiêu thụ nước lớn nhất từ Sông Colorado, sẽ giảm tới 1.6 triệu acre-feet (khoảng 1.9 km3) cho đến năm 2026. Thống đốc Gavin Newsom đang dẫn đầu các sáng kiến như vậy, mà ông đã đổ lỗi cho biến đổi khí hậu.
“Toàn bộ miền Tây Hoa Kỳ đang ở những tuyến đầu của biến đổi khí hậu — chúng ta phải nỗ lực cùng nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng này và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt giữa hạn hán và lũ lụt,” ông Newsom cho biết trong một tuyên bố.
“California đã tăng cường cắt giảm đáng kể việc sử dụng nước và giờ đây, mối quan hệ hợp tác lịch sử này giữa California và các tiểu bang Hạ Lưu Vực khác sẽ giúp duy trì nguồn cung cấp nước quan trọng cho hàng triệu người Mỹ khi chúng ta cùng hợp tác để bảo đảm tính bền vững lâu dài của Hệ thống Sông Colorado trong nhiều thập niên tới.”
Thống đốc Arizona Katie Hobbs cho biết thỏa thuận này cung cấp một cách để “xây dựng các hồ chứa của chúng ta hoạt động trở lại trong thời gian tới,” nhưng nói thêm rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu và việc sử dụng quá mức từ dân số đang bùng nổ.
“Từ đây, nhiệm vụ của chúng ta là phải tiếp tục hành động và giải quyết các vấn đề dài hạn về biến đổi khí hậu và phân bổ tổng thể để bảo đảm chúng ta có một Sông Colorado bền vững cho tất cả những người sống nhờ vào con sông này,” bà Hobbs cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó Thống đốc Nevada Joe Lombardo ca ngợi thỏa thuận này, nhấn mạnh tinh thần đội nhóm giữa các tiểu bang để đạt được kế hoạch đó.
“Nevada từ lâu đã dẫn đầu trong các nỗ lực dự trữ nước trong khu vực, và chúng tôi rất vui được tiếp tục dẫn đầu thông qua thỏa thuận này với Các Tiểu bang Hạ Lưu Vực khác,” ông Lombardo cho biết trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland ca ngợi những tiến triển đạt được giữa chính phủ Biden-Harris và các quan chức tiểu bang trong những nỗ lực bảo vệ sự ổn định và bền vững của Hệ thống Sông Colorado hiện tại và trong tương lai.
“Có 40 triệu người, bảy tiểu bang, và 30 Cộng đồng Bộ lạc (Tribal Nations) sống dựa vào Lưu vực Sông Colorado để có các dịch vụ cơ bản như nước uống và điện. Thông báo hôm nay là minh chứng cho cam kết của chính phủ Biden-Harris trong việc hợp tác với các tiểu bang, Bộ lạc, và các cộng đồng trên khắp miền Tây để tìm ra các giải pháp đồng thuận khi đối mặt với biến đổi khí hậu và hạn hán kéo dài,” bà Haaland cho biết trong một tuyên bố.
Sông Colorado đã gặp khủng hoảng trong nhiều năm do hạn hán kéo dài nhiều thập niên ở miền Tây, mà một số nhà khoa học tin rằng tình trạng này có khả năng đã tăng cường do biến đổi khí hậu, cũng như nhu cầu gia tăng và sử dụng quá mức. Những áp lực kết hợp đó đã khiến mực nước tại các hồ chứa quan trọng dọc theo sông này xuống mức thấp chưa từng có, mặc dù mực nước đã phục hồi phần nào nhờ lượng mưa lớn và lớp tuyết dày trong mùa đông này.
Trong những năm gần đây, các vấn đề của dòng sông này đã buộc chính phủ liên bang phải cắt giảm một số phần phân bổ nước và cung cấp hàng tỷ dollar để trả cho các nông dân, thành phố, và những người khác nhằm [khuyến khích họ] cắt giảm. Tuy nhiên, các quan chức cấp nước chủ yếu không xem những nỗ lực đó là đủ để ngăn hệ thống này sụp đổ.
Các quan chức cấp nước từ California cho biết họ hài lòng với kết quả của việc các tiểu bang ở lưu vực hạ lưu quay trở lại bàn đàm phán.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times