Hoa Kỳ so với Trung Quốc và Ả Rập Xê Út
Ông Biden vướng mắc vào liên minh năng lượng mới Trung Quốc-Ả Rập Xê Út
Trong nhiều thập niên, Ả Rập Xê Út đã liên minh với Hoa Kỳ dựa trên việc trao đổi dầu mỏ cho việc bảo đảm an ninh. Ả Rập Xê Út cung cấp dầu khi giá dầu lên quá cao, và Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ đứng ra bảo vệ Ả Rập Xê Út khi, chẳng hạn như, Iraq hoặc Iran bắt đầu sử dụng hỏa tiễn. Do đó, Hoa Kỳ không bao giờ chìm quá sâu vào suy thoái do thiếu dầu mỏ, và đủ mạnh để ổn định Trung Đông.
Tuy nhiên, giờ đây, Ả Rập Xê Út đang rời xa Mỹ và hướng tới khách hàng mới lớn nhất của họ — Trung Quốc. Riyadh không còn cung cấp dầu theo yêu cầu của Hoa Thịnh Đốn, dẫn đến lạm phát cao ngất ngưởng, lãi suất tăng, và một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Thỏa thuận đó đã kết thúc, và chính phủ Tổng thống (TT) Biden không hài lòng.
Căn nguyên của sự tan rã này là kinh tế vĩ mô. Xuất cảng của Ả Rập Xê Út sang Hoa Kỳ giảm từ 2.2 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2003 xuống còn dưới 460,000 thùng vào năm 2020. Năm đó, Ả Rập Xê Út trở thành nguồn cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, xuất cảng gần 1.7 triệu thùng mỗi ngày cho quốc gia độc tài này.
Do đó, thương mại tự do không bị kiểm soát đang tạo điều kiện cho một liên minh Trung Quốc-Ả Rập Xê Út mới nổi.
Trong tuần lễ từ ngày 14-20/10, các bộ trưởng năng lượng Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã tổ chức một cuộc họp qua video, theo đó họ bàn về sự hợp tác dầu mỏ và hạt nhân lớn hơn, cũng như đầu tư vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Một cuộc đối thoại kiểu như vậy loại bỏ các yêu cầu của chính phủ Tổng thống Biden, trong đó có cả yêu cầu về việc Ả Rập Xê Út đối trọng với BRI.
Xét đến những căng thẳng trong khu vực với Iran, các cuộc thảo luận giữa Ả Rập Xê Út với Bắc Kinh có thể dẫn đến việc đàm phán về sản xuất vũ khí. Iran đang đi trước với việc mua vũ khí hạt nhân, điều này có thể khuyến khích Ả Rập Xê Út làm điều tương tự, đặc biệt nếu liên minh của họ với Hoa Kỳ đang bị đặt dấu hỏi.
Phản ứng của chính phủ Tổng thống Biden đối với việc Ả Rập Xê Út trở nên ngày càng độc lập là bình đạm, và có thể là vô ích, khi chính phủ này ngụ ý rằng Hoa Kỳ có thể hạ cấp liên minh với Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, phản ứng của Riyadh thì ngược lại.
Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, và bây giờ là Ả Rập Xê Út đang nói rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ đang kết thúc, và một “kiểu quan hệ quốc tế mới” mang tính đạo đức giả do Bắc Kinh dẫn đầu đang xuất hiện, trong đó Hoa Kỳ sẽ là người đi sau chứ không phải là một nhà lãnh đạo.
Bắc Kinh đang trên đường thay thế Hoa Thịnh Đốn trở thành thủ đô hàng đầu thế giới, cả về khả năng kiểm soát tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn (tính theo sức mua tương đương) lẫn một lực lượng hải quân lớn hơn (tính theo số lượng tàu). Một thế giới do Bắc Kinh lãnh đạo sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta hiện có bởi vì Bắc Kinh tìm kiếm quyền bá chủ trên toàn cầu, điều mà Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
Ắt hẳn Ả Rập Xê Út xem Hoa Kỳ là một đối thủ cạnh tranh sinh tồn, mà ở đó chính phủ Tổng thống Biden đã nhắm mục tiêu vào tất cả các chế độ độc tài một cách công khai, trong khi cố gắng giả nhân giả nghĩa đưa công suất dầu 4 triệu thùng/ngày của Iran trở lại thị trường toàn cầu. Điều đó sẽ làm giảm giá dầu và đe dọa an ninh quốc gia của Ả Rập Xê Út, một rủi ro kép cho Riyadh.
Ả Rập Xê Út cũng không thích áp lực của Hoa Thịnh Đốn đối với Bắc Kinh và Moscow. Riyadh muốn tiếp tục kiếm tiền, trong khi không quan tâm đến chính trị.
Tổng thống Biden đã đi theo con đường tỏ ra ngay thẳng với Ả Rập Xê Út, mà có lẽ phải trả giá bằng những cân nhắc chiến thuật ngắn hạn, bằng cách công khai và liên tục nêu ra vụ ám sát Jamal Khashoggi năm 2018, mà một số người cáo buộc là có sự tham gia của Thái tử Mohammad bin Salmon.
Nhưng dù sao thì, chính phủ cựu Tổng thống Trump, và sau đó là chính phủ Tổng thống Biden, vẫn làm việc để đoàn kết người Ả Rập Xê Út và người Israel chống lại Iran. Đó là những hành động chiến lược có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu khi Iran liên minh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Ả Rập Xê Út cũng đang đồng thời nhích lại gần Trung Quốc. Nga và Ả Rập Xê Út dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ Cộng (OPEC+), các quốc gia sản xuất dầu chuyên hạn chế nguồn cung dầu và do đó ấn định giá ở mức cao hơn. Đầu tháng Mười, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng trong bối cảnh giá cả đã tăng vọt và suy thoái kinh tế có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Họ đã làm điều này bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Biden nhằm tăng sản lượng và chống lạm phát.
Để nới lỏng nút thắt Gordias (*) này của các quốc gia độc tài, Hoa Kỳ đã cố gắng dùng các khuyến khích tích cực, nhưng Hoa Kỳ cũng cần phải táo bạo hơn trong việc sử dụng các biện pháp ngăn chặn.
Chẳng hạn, luật chống OPEC+ được gọi là NOPEC sẽ loại bỏ quyền miễn trừ cho các quốc gia có chủ quyền đối với các nước OPEC+ để tổng chưởng lý Hoa Kỳ có thể khởi kiện các vụ kiện chống độc quyền tại các tòa án Hoa Kỳ. Biện pháp này có thể phá hủy OPEC+ và làm giảm giá dầu, điều này sẽ giúp ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ, ngoại trừ việc sản xuất dầu của chính chúng ta.
NOPEC cũng có thể làm tăng lượng khí thải vào thời điểm trái đất nóng lên. Và, nó có thể hữu ích cho đối thủ lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc, nước nhập cảng dầu lớn nhất thế giới sau Liên minh Âu Châu.
Tuy nhiên, nút thắt của Trung Quốc và các đồng minh độc tài ngày càng khó tháo gỡ. NOPEC và các biện pháp cứng rắn khác phù hợp với các nguyên tắc dân chủ và thị trường, và phải là một phần trong chiến lược lớn của Mỹ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chú thích của dịch giả:
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times