Hoa Kỳ: Ông Richard Gere và các dân biểu của Hạ viện lên án vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng
Vào một buổi chiều đầy nắng ở Hoa Thịnh Đốn, ông Richard Gere đứng trên Capitol Hill cùng với các thành viên của Quốc hội và một nhóm người ủng hộ để vận động cho Tây Tạng, một mục tiêu mà nam diễn viên này đã ủng hộ trong nhiều thập niên. Ông Gere, đồng thời là chủ tịch hội đồng của tổ chức Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng (International Campaign for Tibet), đã nói một cách nhiệt thành về tình hình hiện tại của Tây Tạng và sự cần thiết phải hành động của Hoa Kỳ.
“Tây Tạng đang đối mặt với một thời điểm quan trọng trong lịch sử của họ. Các chính sách của Trung Quốc đang gây ra một cuộc diệt chủng văn hóa và môi trường,” ông Gere nói. “Chúng ta không thể giữ im lặng trong khi điều này đang xảy ra. Chúng ta phải hành động.”
Nhà hoạt động này đã nói về những trải nghiệm của chính ông ở Tây Tạng và sự kiên cường của người dân Tây Tạng.
“Tôi đã đến Tây Tạng nhiều lần, và tôi đã tận mắt chứng kiến tinh thần và quyết tâm phi thường của người dân Tây Tạng. Họ đã có thể duy trì văn hóa và truyền thống của mình, bất chấp áp lực to lớn” từ chính quyền Trung Quốc, ông cho biết.
Ông Gere đã nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do của Tây Tạng.
“Hoa Kỳ có một nghĩa vụ đạo đức trong việc trợ giúp cho người dân Tây Tạng. Chúng ta phải sát cánh với họ trong cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ,” ông nói.
“Chính phủ Hoa Kỳ phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ ở Tây Tạng.”
Bài diễn văn của ông Gere được đưa ra vào thời điểm mà căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một gia tăng, khi hai nước này bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó có vi phạm nhân quyền. Ông Gere đã thừa nhận tính chất nhạy cảm của chủ đề này nhưng vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lên tiếng.
“Điều này không phải là về việc bài xích Trung Quốc. Đó là về việc ủng hộ nhân quyền. Đó là về việc đứng lên cho những gì là đúng đắn và chính nghĩa.”
Đạo luật Giải quyết Vấn đề Tây Tạng (Resolve Tibet Act) là một phần của luật được đề xướng nhằm giải quyết các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và trợ giúp người dân Tây Tạng trong cuộc đấu tranh giành tự do của họ. Dự luật này, được giới thiệu tại Thượng viện vào năm 2019 và Hạ viện vào năm 2020, bao gồm một số điều khoản chính, chẳng hạn như thành lập một tòa lãnh sự của Hoa Kỳ tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, và yêu cầu các quan chức Hoa Kỳ nêu lên vấn đề Tây Tạng này trong tất cả các cam kết ngoại giao với Trung Quốc.
Cũng trình bày tại sự kiện này là Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) và Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), hai nhà bảo trợ của Đạo luật Giải quyết Vấn đề Tây Tạng, nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tây Tạng.
Dự luật này vẫn chưa được Quốc hội thông qua nhưng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có ông Gere.
Ông McCaul, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, tuyên bố sẽ đưa dự luật này ra bỏ phiếu trong năm nay.
Đạo luật Giải quyết Vấn đề Tây Tạng sẽ khuyến khích các cuộc đối thoại giữa giới lãnh đạo Trung Quốc và Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Luật này cũng sẽ “chống lại thông tin giả về Tây Tạng từ … Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Các diễn giả tại sự kiện này cho biết các biện pháp đối phó với thông tin có thể được thực hiện dưới hình thức công bố các cuộc phỏng vấn chính thức của Bộ Ngoại giao với người bản địa Tây Tạng để xác định khía cạnh lịch sử của họ.
Trong phần nhận xét kết luận của mình, ông Gere đã kêu gọi chú ý nhiều hơn đến tình hình hiện tại.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times