Hoa Kỳ: Mặc dù lạm phát có dấu hiệu giảm bớt, nhưng các nhà kinh tế vẫn thận trọng về triển vọng
Một số nhà kinh tế nói chuyện với The Epoch Times về triển vọng của nền kinh tế và lạm phát trong sáu tháng tới cho biết, lạm phát đang rời khỏi mức cao kỷ lục, mặc dù với tốc độ quá chậm.
Tuy nhiên, họ nói, áp lực giảm đối với các đợt tăng giá trong tương lai không nhất thiết sẽ tạo ra khoản giảm giá cho người tiêu dùng ngay bây giờ.
Và ít nhất một chuyên gia cho rằng xu hướng giảm của lạm phát không phải là vĩnh cửu.
Các chuyên gia đồng ý rằng, ở một số khía cạnh, đó là kịch bản tệ hại nhất trong tất cả các kịch bản có thể xảy ra, với áp lực lạm phát, thay vì là thước đo của một nền kinh tế đang bùng nổ, thì lại thực sự làm suy yếu nền kinh tế.
Tâm lý người tiêu dùng đi xuống
Công ty tín dụng tiêu dùng, WalletHub, đã công bố một báo cáo hôm 17/08 cho biết niềm tin của người tiêu dùng, được đo bằng chỉ số của công ty, đã giảm 7% trong tháng này so với năm ngoái, ngay cả khi lạm phát nhìn chung đang giảm.
Cuộc khảo sát của WalletHub đo lường niềm tin kinh tế của người tiêu dùng bằng mười biện pháp khác nhau.
Hai thước đo gián tiếp mà WalletHub sử dụng cho thấy áp lực lạm phát—tâm lý tích cực về tình hình tài chính tổng thể và sự chắc chắn khi có việc làm—đã gây ra tổn thất khá lớn về niềm tin ở mức lần lượt là -6,3% và -5,2%.
Theo một chuyên gia, hai số liệu này dường như cho thấy lạm phát giảm bớt, nhưng có thể là giảm chưa tới mức người tiêu dùng hài lòng.
Nhà phân tích Jill Gonzalez của WalletHub nói với The Epoch Times: “Tháng Bày năm nay, tỷ lệ lạm phát là 3.2%, vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).”
Bà Gonzalez nói thêm: “Lạm phát chắc chắn sẽ giảm, mặc dù chậm, do các đợt tăng lãi suất gần đây của Fed. Có thể nói rằng lạm phát giảm sẽ không được người tiêu dùng nhận thấy ngay lập tức, với giá của nhiều loại hàng hóa vẫn tăng bất chấp các nỗ lực của Fed.”
Giá cả và lãi suất vẫn ở mức cao
Theo một cuộc thăm dò gần đây của CBS News/YouGov với 2,181 người Mỹ trưởng thành được tiến hành từ ngày 26 đến 28/07, xu hướng này một phần là do mặc dù lạm phát có thể đang ở mức vừa phải nhưng giá cả vẫn ở mức cao, trong khi người tiêu dùng phải đối mặt với hậu quả của lạm phát.
69% số người được hỏi nói rằng giá đã tăng trong vài tuần qua.
Bà Gonzalez cho biết khoảng thời gian từ khi kết thúc đại dịch COVID-1 9 — và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do nó gây ra — và khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine, là quá ngắn để nền kinh tế có thể ổn định.
Kết quả là “tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục mà chúng ta từng trải qua trong vài năm qua.”
Cùng với nỗi đau mà người dân cảm thấy trong ví của họ do giá cả tăng cao là nỗi đau mà mọi họ thấy khi phải trả lãi suất cao hơn, điều mà một nhà kinh tế đã ví như “sự khó chịu nôn nao.”
Nhà kinh tế theo phái tự do Dan Mitchell, đồng sáng lập Trung tâm Tự do và Thịnh vượng, nói với The Epoch Times: “Tôi chia sẻ quan điểm của trường phái Áo rằng tình trạng bế tắc là không thể tránh khỏi một khi Fed mắc sai lầm lạm phát.”
Khó chế ngự lạm phát cao kỷ lục
Lạm phát là một thuật ngữ được các nhà kinh tế sử dụng để mô tả khi Cục Dự trữ Liên bang cung cấp tiền cho nền kinh tế thông qua lãi suất thấp hơn hoặc nới lỏng định lượng bằng cách mua chứng khoán trên thị trường mở, đặc biệt là trái phiếu.
Ông Mitchell giải thích rằng khi Fed tạo ra quá nhiều tiền cho nền kinh tế, chắc chắn sẽ dẫn đến giá cả cao hơn, sau đó chắc chắn sẽ dẫn đến thiệt hại khi Fed buộc phải hãm phanh với lãi suất cao hơn.
Nỗi đau từ việc tăng lãi suất, công cụ duy nhất mà Fed có để giảm lạm phát, có thể tiếp tục trong một thời gian.
Bà Gonzalez của WalletHub cho biết: “Lạm phát cao kỷ lục khó có thể giảm xuống.”
Bà nói thêm, “Các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ tiếp tục, nhưng tác động đáng kể của việc tăng đối với hầu hết các khoản vay là gây thiệt hại khá lớn cho người tiêu dùng. Ví dụ, người tiêu dùng dự kiến sẽ trả khoảng 36 tỷ USD tiền lãi bổ sung trong 12 tháng tới.”
Có một quan điểm đồng thuận chung giữa các nhà kinh tế rằng Ủy ban Thị trường Mở của Fed, cơ quan thiết lập lãi suất chính sách, vẫn chưa hoàn thành việc tăng lãi suất.
Một chuyên gia cho biết, mặc dù tỷ lệ lạm phát 3.2% có vẻ thấp, nhưng việc xem xét biểu đồ từ Cục Thống kê Lao động cho thấy bằng hình ảnh mức độ lạm phát của giai đoạn này cao bất thường so với các thời điểm khác.
Ông E.J. Antoni, một nhà kinh tế của viện nghiên cứu Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn bảo thủ, chuyên về chính sách tài khóa và tiền tệ, nói với The Epoch Times: “Câu trả lời ngắn gọn và dễ dàng là Fed vẫn chưa kiểm soát được lạm phát.”
Ông Antoni cho rằng chỉ cần nhìn vào biểu đồ lạm phát là có thể nhận ra lạm phát chưa hề điều tiết được như quảng bá.
Ông Antoni cho biết đại dịch đã tạo ra một lượng nới lỏng định lượng kỷ lục từ phía Fed, do đó tạo ra lạm phát cao.
“[Fed] đang cố gắng kết thúc vòng tròn này bằng cách tạo ra tiền để chính phủ chi tiêu, mà không cho phép số tiền đó chảy vào nền kinh tế, nơi tiền sẽ gây ra lạm phát,” ông nói thêm.
Đó là một nhiệm vụ bất khả thi, ông nói.
Ông Antoni nói: “Tôi không chắc Fed nghĩ họ sẽ thoát ra khỏi chuyện này như thế nào.”
Ông Antoni cho biết ý kiến cho rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của Fed “là một lời nói dối hoàn toàn.”
Các nhà kinh tế có quan điểm chia rẽ và người tiêu dùng lo lắng
Trong tháng Bảy, lạm phát đã tăng nhẹ từ 3% lên 3.2% và ông Antoni dự đoán rằng tháng Tám sắp có sự tăng thêm của lạm phát.
Trên thực tế, hai thành phần liên quan đến lạm phát đã tăng đáng kể cho đến nay trong quý thứ ba, theo dự báo GDP theo thời gian thực của Cục Dự trữ Liên bang Atlanta.
Fed Atlanta cho biết: “Sau báo cáo về nhà ở từ sáng nay từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ và báo cáo sản xuất công nghiệp từ Hội đồng Thống đốc Dự trữ Liên bang, các dự đoán về tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực tế trong quý 3 và tăng trưởng tổng đầu tư tư nhân trong nước thực tế trong quý 3 đã tăng từ 4.4% và 8.8% lên các mức 4.8% và 11.4% tương ứng.”
Số liệu tiêu dùng cá nhân và đầu tư trong nước tăng mạnh đã khiến Fed Atlanta tăng dự báo tăng trưởng GDP quý 3 lên 5.8%.
Điều đó dường như cho thấy lạm phát đang tăng tốc. Hoặc có thể là không.
Bà Gonzalez nói: “Mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và lạm phát không phải lúc nào cũng đơn giản.”
Bà nói thêm, “Tốc độ tăng trưởng GDP 5% trong một quý là khá cao, nhưng điều này sẽ không có tác động trực tiếp và ngay lập tức đến lạm phát.”
Ông Mitchel nói rằng ông nghĩ lạm phát sẽ tiếp tục giảm khi Fed bán bớt một số trái phiếu mà họ đã mua khi thực hiện nới lỏng định lượng.
Ông nói, “Bảng cân đối kế toán của Fed đang thu hẹp lại, vì vậy tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm.”
Mặc dù không có sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế về việc lạm phát thực sự sẽ đi về đâu, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý rằng điều đó không tốt cho người tiêu dùng.
Bà Gonzalez nói: “Thật không may, điều kiện kinh tế hiện tại đang khiến người tiêu dùng kém tự tin hơn đáng kể về triển vọng tài chính của họ.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times