Hoa Kỳ: Tăng chi tiêu phiếu thực phẩm được xem là nguyên nhân gây ra lạm phát giá hàng bách hóa 15%
Một nghiên cứu mới cho rằng việc tăng chi tiêu cho phiếu thực phẩm — bao gồm một đợt mở rộng lớn đối với chương trình này dưới thời Tổng thống Joe Biden — đã góp phần khiến giá hàng bách hóa tăng vọt, trong đó lạm phát thực phẩm ảnh hưởng mạnh nhất đến những người Mỹ có thu nhập thấp.
Trong năm 2021, dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã phát hành các hướng dẫn cập nhật về dinh dưỡng [cho người dân để được] nhận trợ cấp phiếu thực phẩm liên bang. Những thay đổi này đã dẫn đến việc mở rộng Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) khoảng 27% so với quy mô trước đại dịch.
Nghiên cứu mới do Tổ chức Giải trình Chính phủ (Foundation for Government Accountability, FGA) thực hiện và được The Epoch Times xem xét ước tính rằng, từ tháng 12/2019 đến tháng 03/2023, chi tiêu phiếu thực phẩm trung bình trên dân số đã tăng hơn 90%.
Theo báo cáo của FGA, việc chi tiêu cho phiếu thực phẩm tăng lên này đã dẫn đến giá hàng bách hóa tăng vọt thêm ít nhất là 15%.
FGA viết trong báo cáo: “Giá hàng bách hóa đã tăng ít nhất 15% do chi tiêu vào phiếu thực phẩm tăng lên.” Báo cáo ước tính rằng bãi bỏ việc mở rộng phiếu thực phẩm năm 2021 của Tổng thống Biden có thể tiết kiệm cho người đóng thuế hơn 190 tỷ USD trong thập niên tới.
Đảng Cộng Hòa đang nỗ lực hạn chế chi tiêu phiếu thực phẩm, trong khi Đảng Dân Chủ kêu gọi họ không làm như vậy.
Cả Toà Bạch Ốc và USDA đều không phúc đáp yêu cầu bình luận về những phát hiện liên kết chi tiêu phiếu thực phẩm với lạm phát hàng bách hóa của FGA.
Tuy nhiên, Toà Bạch Ốc gần đây đã công bố một ghi chú do Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) soạn thảo về tình trạng lạm phát hàng bách hóa trên toàn quốc trong những năm gần đây.
Báo cáo đổ lỗi cho nhiều yếu tố khiến lạm phát hàng bách hóa “cao hơn mức bình thường”, bao gồm “sự thay đổi trong nhu cầu thực phẩm từ nhà hàng sang cửa hàng bách hóa do đại dịch gây ra, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng những tác động tiêu cực không lường trước được đối với nguồn cung như cúm gia cầm, chiến tranh ở Ukraine, và thời tiết xấu.”
CEA không đề cập đến chính sách phiếu thực phẩm như một yếu tố góp phần thúc đẩy lạm phát.
Đạt tới ‘ít nhất 15%’
FGA đưa ra các tính toán của mình dựa trên dữ liệu của USDA về việc ghi danh và chi phí áp dụng chương trình phiếu thực phẩm hàng tháng, dữ liệu về tổng dân số cư trú hàng tháng từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, và ước tính của Ngân hàng Thế giới về tác động lên giá hàng bách hóa đối với mỗi điểm phần trăm tăng trong chi tiêu phiếu thực phẩm trung bình trên dân số.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng cứ mỗi 1% tăng lên trong phúc lợi trên dân số sẽ khiến giá hàng bách hóa tăng vừa phải và liên tục ở mức 0.08%.”
Dữ liệu lạm phát từ Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy, từ tháng 12/2019 đến tháng 03/2023, chỉ số giá “thực phẩm tại nhà” (một ước tính cho giá hàng bách hóa) đã tăng từ 243 lên 302, tương đương 24.3%.
Báo cáo của FGA ước tính: “Việc tăng chi tiêu cho phiếu thực phẩm có thể chiếm ít nhất ⅔ mức tăng đó.”
⅔ của 24.3% là khoảng 16%, phù hợp với mức tăng giá hàng bách hóa ước tính “ít nhất 15%” do chi tiêu cho phiếu thực phẩm, theo trích dẫn của FGA.
Giá một số mặt hàng thực phẩm riêng lẻ đã tăng nhanh hơn nhiều so với cùng thời kỳ, với giá bơ thực vật tăng hơn 59% và giá trứng tăng 54%.
Không rõ liệu phép tính nhanh “hai phần ba” của FGA có thể được áp dụng cho từng sản phẩm giống như cách họ vẫn luôn áp dụng cho một giỏ hàng hóa hay một giỏ hàng bách hóa thông thường hay không. Nhưng giả sử là áp dụng cùng một phương pháp, thì điều này sẽ gợi ý rằng chi tiêu phiếu thực phẩm đã dẫn đến giá bơ thực vật tăng 39% và giá trứng tăng 36% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 03/2023.
FGA cho biết trong báo cáo: “Chi tiêu cho phiếu thực phẩm gây ra lạm phát, đẩy giá hàng bách hóa lên cao đối với tất cả người Mỹ.”
Chi tiêu cho phiếu thực phẩm tăng vọt
Báo cáo của FGA cho thấy sự gia tăng đáng kể trong tổng chi tiêu cho chương trình phúc lợi phiếu thực phẩm từ năm 2019 đến năm 2022. Việc phân bổ kinh phí đã tăng từ 4.5 tỷ USD vào năm 2019 lên 11 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn này.
Theo FGA, trong khi một số mức tăng chi tiêu xuất phát từ các khoản phân bổ khẩn cấp liên quan đến đại dịch (hết hạn vào tháng 02/2023), thì hầu hết mức chi tiêu cao hơn đều đến từ việc tăng phúc lợi lâu dài.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) phi đảng phái đã ước tính rằng chương trình phiếu thực phẩm sẽ khiến người đóng thuế phải trả tổng cộng 1.1 ngàn tỷ USD trong thập niên tới.
Theo FGA, bản thân việc mở rộng chương trình phiếu thực phẩm — vốn bỏ qua sự cho phép của Quốc hội — sẽ chiếm khoảng 250 tỷ USD trong con số đó trong 10 năm tới.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát giảm bớt trong những tháng gần đây, dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát hàng bách hóa — về mặt kỹ thuật là danh mục “thực phẩm tại nhà” trong thước đo lạm phát Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) của chính phủ — đã giảm xuống 3.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Bảy.
Tỷ lệ này giảm đáng kể so với mức cao nhất gần đây là 13.5% vào tháng 08/2022.
Giá hàng bách hóa cao ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người Mỹ có thu nhập thấp, với Khảo sát Chi tiêu của Người tiêu dùng cho thấy hàng bách hóa chiếm khoảng 8% tổng chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2021, nhưng con số này là hơn 11% đối với những người thuộc nhóm ⅕ dưới cùng trong phân phối thu nhập.
Giá hàng bách hóa không chỉ có tác động quá lớn đến những người Mỹ có thu nhập thấp mà còn có tác động lớn đến kỳ vọng lạm phát trong tương lai.
Ghi chú của Toà Bạch Ốc nói rằng Hội đồng Cố vấn Kinh tế nhận thấy lạm phát thực phẩm tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ dẫn đến kỳ vọng lạm phát một năm tới tăng 0.11 điểm phần trăm.
Ngược lại, kỳ vọng lạm phát trong tương lai có tác động đến nhu cầu tiền lương và mức lương cao hơn có xu hướng làm tăng lạm phát. Trong khi kỳ vọng về lạm phát đã giảm trong những tháng gần đây, nếu vì bất kỳ lý do gì mà kỳ vọng trở nên mất kiểm soát và tăng đáng kể so với mức cơ bản trong lịch sử, thì điều này sẽ đe dọa đẩy lạm phát lên theo vòng xoáy “tiền lương-giá” đáng sợ mà các nhà kinh tế đã nhiều lần cảnh báo.
FGA cho biết trong báo cáo của mình rằng việc cắt giảm chi tiêu tem phiếu thực phẩm không chỉ giúp giảm bớt áp lực lạm phát mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho người đóng thuế.
“Việc hủy bỏ việc mở rộng phiếu thực phẩm bất hợp pháp của Tổng thống Biden có thể mang lại sự cứu trợ đáng kể cho người đóng thuế, tiết kiệm 193 tỷ USD” cho đến năm 2033.
Cải tổ phiếu thực phẩm có thể trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong bối cảnh cuộc chiến dự kiến diễn ra ở Capitol Hill về việc tái cấp phép cho dự luật trang trại, bao gồm mức chi tiêu phiếu thực phẩm.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times