Hoa Kỳ: Không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến ‘trên quy mô lớn’
Huawei mới đây đã ra mắt điện thoại Mate 60 Pro mà một số nhà phân tích mô tả là một “mốc lịch sử” đối với Trung Quốc.
Hôm 19/09, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói với các nhà lập pháp rằng Hoa Kỳ không thấy bằng chứng nào chứng minh được nhà sản xuất Trung Quốc Huawei có thể sản xuất vi mạch bán dẫn điện thoại thông minh tân tiến “trên quy mô lớn.”
Mới đây, Huawei đã ra mắt chiếc điện thoại Mate 60 Pro mà một số nhà phân tích mô tả là một “mốc lịch sử” đối với Trung Quốc, nêu bật sản phẩm vi mạch bán dẫn 7-nanomet được Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, sản xuất trong nước. Bắc Kinh đã ca ngợi thiết bị mới này là “sự trở lại đầy thắng lợi” của Huawei bốn năm sau khi Hoa Kỳ tiến hành loại bỏ quyền tiếp cận của công ty này vào các công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn thiết yếu.
Bà Raimondo thừa nhận rằng bà “lo lắng” khi nghe tin về bước đột phá công nghệ của Trung Quốc trong chuyến công du tới nước này hồi tháng trước (08/2023).
Nhưng bà nói tại một phiên điều trần quốc hội rằng “tin tốt” là “chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ có thể sản xuất [vi mạch bán dẫn] 7-nanomet trên quy mô lớn.”
“Chúng tôi đang cố gắng sử dụng mọi công cụ mà chúng tôi có — BIS, cưỡng chế bằng luật pháp, bằng sáng chế — để dập tắt khả năng của Trung Quốc, quý vị biết đấy, có được quyền sở hữu trí tuệ để cải tiến công nghệ của họ theo những cách có thể gây tổn hại cho chúng ta,” bà nói trong lời chứng, sử dụng BIS là từ viết tắt của Cục Công nghiệp và An ninh (Bureau of Industry and Security), một cơ quan trực thuộc bộ của bà, chịu trách nhiệm quản lý xuất cảng.
Bà Raimondo nói: “Mặc dù tôi không thể nói cụ thể về bất kỳ cuộc điều tra nào, nhưng tôi hứa với quý vị điều này: mỗi khi chúng tôi tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy cho thấy bất kỳ công ty nào vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất cảng của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ điều tra.”
Tech Insights, một công ty nghiên cứu tập trung vào chất bán dẫn đã thực hiện phân tích chi tiết chiếc điện thoại hàng đầu của Huawei, cũng tìm thấy hai linh kiện từ SK Hynix, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn ghi nhớ lớn thứ hai thế giới có trụ sở tại Nam Hàn, khiến SK Hynix phải mở một cuộc điều tra.
Việc Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ vào năm 2019 (một biện pháp hạn chế được mở rộng vào năm sau) đã làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của đại công ty công nghệ Trung Quốc này. Năm 2020, hãng này đã nhanh chóng vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và thách thức từ đại dịch, hồi tháng Ba, Huawei đã báo cáo lợi nhuận giảm gần 70% trong năm 2022.
Nhận xét của bà Raimondo về vi mạch bán dẫn Huawei đã vấp phải phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Hôm 20/09, bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã mô tả các biện pháp hạn chế công nghệ của Hoa Kỳ là một “kiểu lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc” và cho biết điều này sẽ càng thúc đẩy Trung Quốc đi theo hướng tự chủ nhiều hơn.
Bà Raimondo đã đưa ra lời chứng của mình tại một phiên điều trần của Hạ viện để xem xét việc thực hiện Đạo luật Khoa học và CHIPS một năm sau khi đạo luật này được thông qua. Đạo luật này rót hàng chục tỷ USD vào việc phát triển chất bán dẫn trong nước.
Bà Raimondo cho biết, việc tăng cường sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước là điều then chốt để Hoa Kỳ giữ vững vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ.
“Tôi biết rằng chúng ta dễ bị tổn thương; chúng ta mua tất cả những vi mạch bán dẫn mà quý vị đang nói đến, những vi mạch bán dẫn AI, những vi mạch bán dẫn tân tiến nhất, tất cả những sản phẩm đó. Hiện tại không có sản phẩm nào trong số đó được sản xuất ở Mỹ,” bà nói vào lúc đó, và nói thêm rằng bà đặt mục tiêu “đưa hoạt động sản xuất [vi mạch bán dẫn] về lại quê nhà … nhanh nhất có thể.”
Bà nói: “Không có con đường tắt nào cho việc đó vì chúng tôi cần chúng [vi mạch bán dẫn] trên quy mô lớn. AI tiêu thụ số lượng lớn vi mạch bán dẫn.”
‘Đổi mới vượt trội hơn’ Trung Quốc
Bà Raimondo cho biết, so với Trung Quốc, đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực này “thấp hơn nhiều,” đồng thời dẫn chứng các báo cáo về khoản trợ cấp nhà nước của Bắc Kinh lên tới 145 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm ngoái (2022), và sắp tới sẽ có một gói khác trị giá khoảng 40 tỷ USD.
“Chúng ta không phải là một nền kinh tế do nhà nước điều hành và chúng ta cũng không muốn trở thành một nền kinh tế như vậy,” bà nói. “Chúng ta sẽ không đối đầu với họ về vấn đề đầu tư công cộng; chúng ta sẽ đổi mới vượt trội hơn so với những vi mạch bán dẫn đó và thu hút vốn từ khu vực tư nhân.”
Khi ở Trung Quốc, bà Raimondo đã từ chối yêu cầu của Bắc Kinh về việc nới lỏng kiểm soát xuất cảng đối với công nghệ có thể liên quan đến quân sự, nói rằng “chúng tôi không đàm phán về các vấn đề an ninh quốc gia.”
Bà nói tại phiên điều trần: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công nghệ của Hoa Kỳ để họ không thể sử dụng công nghệ này cho quân đội của mình.”
Hôm 22/09, Bộ Thương mại đã công bố các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia cuối cùng của Đạo luật Khoa học và CHIPS. Những quy tắc này phân loại chất bán dẫn là “trọng yếu đối với an ninh quốc gia,” đồng thời hạn chế việc mở rộng các nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn tân tiến ở “các quốc gia ngoại quốc đáng lo ngại” trong 10 năm sau sau khi họ nhận được tiền từ Đạo luật CHIPS.
Hôm thứ Ba (19/09), bà Raimondo lưu ý rằng bộ của bà đã bổ sung thêm 700 tổ chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.
Bộ trưởng Thương mại cho biết: “Ngày càng có nhiều vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến công nghệ và duy trì lợi thế của chúng ta so với Trung Quốc, dẫn trước họ.”
Bà Raimondo cho biết rằng chừng nào chế độ này còn tiếp tục chiến lược kết hợp quân sự-dân sự — tức là tận dụng sự đổi mới dân sự cho mục đích quốc phòng, thì “chúng ta sẽ phải cứng rắn hơn bao giờ hết để kiểm soát công nghệ đó khỏi rơi vào tay quân đội của họ.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times