Hoa Kỳ: Cung tiền thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái
Cục Dự trữ Liên bang đã ghi nhận mức cung tiền thu hẹp tháng thứ tư liên tiếp khi ngân hàng trung ương tiếp tục rút tiền ra khỏi hệ thống tài chính.
Trong tháng Ba, M2 — một thước đo lượng tiền đang lưu thông bao gồm tiền mặt, tiền gửi séc và nhiều loại tiền gửi khác — đã giảm 4.05%, từ mức giảm 2.3% trong tháng Hai. Đây là mức giảm phần trăm so với cùng thời kỳ năm ngoái lớn nhất kể từ khi Fed đưa ra loạt dữ liệu này hồi tháng 01/1960. Lần đầu tiên Fed ghi nhận mức giảm là vào tháng 12/2022, khi thước đo này giảm 0.9%.
Nguồn cung tiền của Hoa Kỳ đã liên tục giảm kể từ khi chạm đỉnh điểm vào tháng 02/2021.
Theo dữ liệu của Cục điều tra Dân số, sự thu hẹp cung tiền cũng đang tăng tốc với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái, khi dữ liệu này giảm 28% trong khoảng thời gian từ 1929 đến 1933
Tổng cộng, lượng tiền dự trữ của đất nước ở mức 20.818 ngàn tỷ USD, vẫn cao hơn gần 35% so với thời điểm bắt đầu đại dịch virus corona.
Hồi tháng 03/2022, Fed đã thiết lập chiến dịch thắt chặt định lượng, kết hợp giữa tăng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán trị giá khoảng 9 ngàn tỷ USD của mình. Đây là một công cụ hoạch định chính sách quan trọng vì ngân hàng trung ương có thể giảm cung tiền bằng cách bán tài sản và thay đổi lãi suất ngắn hạn.
Tăng cung tiền có tạo ra lạm phát không?
Một nhóm các kinh tế gia sẽ cho rằng việc Fed bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính một cách quá mức thông qua chương trình nới lỏng định lượng chưa từng có khi bắt đầu cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng COVID-19 là một yếu tố quan trọng dẫn đến lạm phát giá tràn lan đã xảy ra trong 2 năm gần đây.
“Bước đầu tiên để hiểu nguyên nhân của lạm phát là nhận ra rằng nó là một hiện tượng tiền tệ xuất hiện ở khắp mọi nơi,” kinh tế gia lỗi lạc Milton Friedman (năm 1963) cho biết. “Đó là kết quả của quá nhiều tiền ở mọi nơi, do lượng tiền tăng nhanh hơn so với sản lượng.”
Theo ông theo Friedman, các chính phủ đang “kiểm soát số lượng tiền tệ” trong nền kinh tế hiện đại.
“Kết quả là, lạm phát ở Hoa Kỳ được tạo ra ở Hoa Thịnh Đốn chứ không phải nơi nào khác,” ông nói.
Các kinh tế gia, các nhà phân tích thị trường, và các cá nhân kinh doanh nổi tiếng khác đã đưa ra những lập luận tương tự về các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới ngày nay.
Ông James Bullard, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, đã ủng hộ việc theo dõi dữ liệu M2 để có được những hiểu biết sâu sắc hơn về lạm phát.
Ông nói trong một bài diễn văn hồi tháng 01/2023: “M2 đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch và dự đoán được chính xác rằng chúng ta sẽ có lạm phát, và bây giờ nếu quý vị nhìn vào cùng một biểu đồ, thì mức tăng trưởng M2 đã giảm đáng kể. Điều đó báo hiệu rõ rằng sẽ có giảm phát, nhưng giá trị này thực sự đã âm trong các báo cáo gần đây.”
Ông Bullard cũng lặp lại nhận xét của ông Friedman, tự gọi mình là “người theo chủ nghĩa tiền tệ thứ thiệt” và rằng “lạm phát chắc chắn là một hiện tượng tiền tệ. Đó là lý do tại sao nó được gọi là chính sách tiền tệ.”
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã khẳng định trong một bài báo hồi tháng 01/2023 rằng việc đánh giá tăng trưởng cung tiền sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách cải thiện dự báo lạm phát của họ ngay sau đại dịch.
“Một sự liên kết cũng có thể được nhìn thấy trong quá trình chuyển đổi tiền ẩm mới đây từ một chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao. Tăng trưởng tiền tệ gia tăng trước khi lạm phát bùng phát, và các quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiền tệ mạnh hơn đã chứng kiến lạm phát cao hơn rõ rệt,” các nhà kinh tế của BIS đã viết. “Việc xem xét tốc độ tăng trưởng của tiền lẽ ra đã giúp cải thiện được dự báo lạm phát sau đại dịch, cho thấy giá trị thông tin của tăng trưởng cung tiền có thể đã bị sao nhãng.”
Gần đây, Giám đốc điều hành Tesla và chủ sở hữu Twitter, ông Elon Musk, đã nói với cựu chủ trì chương trình Fox News, ông Tucker Carlson rằng “nếu quý vị tăng cung tiền, thì quý vị sẽ phải đối mặt với lạm phát.”
“Không có phương thuốc kỳ diệu nào để loại bỏ lạm phát, ngoại trừ việc tăng năng suất, sản lượng hàng hóa và dịch vụ.”
Nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng có mối tương quan giữa lạm phát và cung tiền.
Đơn cử, ông Ben Broadbent, một kinh tế gia và phó thống đốc chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Anh, đã lập luận rằng cung tiền không phải là nguyên nhân gây ra lạm phát, giải thích rằng xu hướng giá cả không “phù hợp với câu chuyện này.”
Ông Broadbent tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia cho biết: “Lạm phát thuần túy, do tiền tệ gây ra thì có tác động đến tất cả các mức giá như nhau. [Nhưng] những gì chúng ta thực sự chứng kiến là sự thay đổi lớn về giá tương đối — đầu tiên là sự tăng vọt của giá hàng hóa thương mại phi năng lượng vào năm 2021 và sau đó, vào năm 2022, sự gia tăng mạnh mẽ về chi phí thực phẩm và năng lượng nhập cảng.”
Mặc dù có thể vạch ra “một con đường thay thế khác cho chính sách tiền tệ” để kiểm soát lạm phát, nhưng điều này sẽ không “giống như việc nói rằng chính sách hiện hành ‘chắc chắn’ sẽ dẫn đến lạm phát quá mức.”
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong Báo cáo Chính sách Tiền tệ nửa năm cho Quốc hội hồi tháng 02/2021 rằng, “sự tăng trưởng của M2… không thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng kinh tế,” đồng thời nói thêm rằng đó là một ý tưởng “chúng ta phải loại bỏ.”
Tuy nhiên, Ngân hàng Fed của St. Louis tuyên bố rằng “lạm phát xảy ra khi nguồn cung tiền trong một nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế.”
Vì vậy, trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, đã có quá nhiều tiền, có thể là từ khía cạnh tài chính hoặc tiền tệ, mà lại có quá ít hàng hóa.
Liệu sự suy giảm cung tiền này có loại bỏ được một cách thành công mối đe dọa lạm phát không?
Kinh tế gia trưởng của Raymond James, ông Eugenio J. Aleman, dự đoán rằng tăng trưởng cung tiền thực tế sẽ cần giảm 8-9% so với năm trước và “duy trì ở mức âm trong vài năm” để Fed có thể đạt được tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%.
Suy thoái đã được xác nhận?
Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quan sát thị trường cho rằng nguồn cung tiền thu hẹp mạnh sẽ dẫn đến hoạt động chậm lại và có khả năng xảy ra suy thoái.
Ông Steve Hanke, một giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học John Hopkins, cho rằng “việc quản lý tiền tệ yếu kém” của Fed và sự thu hẹp M2 “có nghĩa là một cuộc suy thoái đang cận kề”.
“Hạ cánh mềm? Không. Hạ cánh cứng? Có thể,” gần đây ông đã tuyên bố trong một tweet .
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu 3 tháng và 10 năm — chỉ báo suy thoái ưa thích của Fed — đã tăng lên khoảng âm 170 điểm căn bản. Nhà kinh tế học Robert Murphy lập luận rằng sự sụt giảm liên tục của nguồn cung tiền trùng hợp với những chuyển động tăng đáng kể của lợi suất ngắn hạn.
Lợi suất ba tháng là trên 5.1%.
Ông viết: “Khi nguồn cung tiền tăng với tốc độ cao, thì chúng ta đang ở trong một thời kỳ ‘bùng nổ’ và đường cong lợi suất là ‘bình thường’, nghĩa là lợi suất của trái phiếu dài hạn cao hơn nhiều so với trái phiếu ngắn hạn. Nhưng khi hệ thống ngân hàng co lại và tăng trưởng cung tiền giảm tốc, thì đường cong lợi suất sẽ phẳng hoặc thậm chí đảo ngược. Không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng ‘nhấn phanh’ với việc tạo ra tiền, còn nền kinh tế sẽ sớm đi vào suy thoái.”
Chỉ số Kinh tế Hàng đầu của Conference Board (LEI), một chỉ số tổng hợp kết hợp các chỉ số khác nhau, chẳng hạn như đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu, giấy phép xây dựng, và giá cổ phiếu, là một thước đo suy thoái được theo dõi rộng rãi khác. LEI đã giảm 1.2% hồi tháng Ba và giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, báo hiệu “các điều kiện kinh tế sắp tới đang xấu đi.”
Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cao cấp về các chỉ số chu kỳ kinh doanh tại Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “The Conference Board dự báo rằng sự suy yếu về kinh tế sẽ gia tăng và lan rộng hơn khắp nền kinh tế Hoa Kỳ trong những tháng tới, dẫn đến suy thoái kinh tế bắt đầu từ giữa năm 2023.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times