Hoa Kỳ cân nhắc tái gia nhập UNESCO
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden và các nhà lập pháp đang âm thầm làm việc để tái gia nhập UNESCO, tuy nhiên luật liên bang hiện hành đang cản trở họ thực hiện việc này.
Sau khi tái gia nhập một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc và thỏa thuận gây tranh cãi vào năm ngoái, chính phủ TT Biden và các đồng minh trong Quốc hội đang âm thầm nỗ lực tìm cách lách luật liên bang để tái gia nhập một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, vốn đã vướng vào bê bối và các cáo buộc chủ nghĩa cực đoan trong nhiều thập kỷ qua.
Bốn năm trước, chính phủ cựu Tổng thống Trump và chính phủ Israel đều đã tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Chủ nghĩa bài Do Thái và tham nhũng tràn lan là một trong số rất nhiều mối lo ngại đã được nêu lên.
Nhưng hiện tại, bất chấp những điều mà các nhà phê bình mô tả như chủ nghĩa cực đoan và các vấn đề tham nhũng vẫn đang tiếp diễn, cũng như ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc cộng sản đối với cơ quan giáo dục này của Liên Hiệp Quốc, thì ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Biden và các nhà chức trách Israel đã sẵn sàng phớt lờ tất cả những điều đó.
Theo yêu cầu của chính phủ Biden, các nhà lập pháp thậm chí đã âm thầm đệ trình các luật cho phép Hoa Thịnh Đốn lách các luật của Hoa Kỳ cấm tài trợ cho cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc gây tranh cãi này.
Số tiền tài trợ được trích từ tiền thuế sẽ rất lớn. Tuy nhiên các nhà phê bình, các nhà phân tích, và các cựu quan chức cao cấp cảnh báo rằng, điều thậm chí còn quan trọng hơn cả chi phí tài chính là sự hợp pháp hóa cơ quan này và thậm chí cả ảnh hưởng của Bắc Kinh bên trong nó.
Ông Kevin Moley, người từng là Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Tổ chức Quốc tế trong một chính phủ tiền nhiệm giải thích rằng: “Tôi không cho rằng UNESCO có thể cải tổ.”
Ông Moley cũng từng đảm trách chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại Geneva dưới thời chính phủ cựu TT Bush. Ông chỉ ra rằng sức ảnh hưởng áp đảo của Trung Quốc cộng sản trong UNESCO, cũng như bề dày thành tích trong việc phá hoại các nguyên tắc của Hoa Kỳ là những nguyên nhân chính gây ra lo ngại.
“Thời của chính phủ cựu Tổng thống Trump, là Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” ông Moley nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Thời của chính phủ ông Biden, thì đó lại là HAA — Làm ô danh nước Mỹ lần nữa.”
“Việc tái gia nhập các tổ chức của Liên Hiệp Quốc vốn thường khiến Israel và Hoa Kỳ bị chỉ trích gay gắt vì những cáo buộc không có bằng chứng về vi phạm nhân quyền trong khi dung túng cho hành vi vi phạm nhân quyền của các thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc như Nga, Venezuela, Trung Quốc, và Cuba, là thể hiện tột bậc cho cái mà Cố Đại sứ vĩ đại Jeane Kirkpatrick đã gọi là đám đông ‘đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên,’” vị cựu trợ lý ngoại trưởng giải thích. “Hiện đám đông này đã kiểm soát hoàn toàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.”
Ít nhất một người trong nội bộ của UNESCO đã nêu ý kiến rằng, việc giới chức Hoa Kỳ thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cơ quan Liên Hiệp Quốc này và các nhà lãnh đạo của nó sẽ là một kế hoạch hợp lý hơn là việc dành hơn nửa tỷ dollar tiền thuế để chi trả “khoản nợ” cho một tổ chức mà ông cho là đã bị chi phối bởi các ý thức hệ và sa lầy trong những vụ bê bối chẳng bao giờ có hồi kết.
Ngay cả những [người có] tiếng nói quyền lực trong cơ quan chính sách ngoại giao lão làng cũng đã cảnh báo đối với việc tái gia nhập UNESCO mà không bảo đảm được rằng có ít nhất một số nhượng bộ và cải tổ lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như không có bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào đang được tìm kiếm.
Bối cảnh
Tháng 10/2017, theo chân cựu Tổng thống Ronald Reagan, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã đưa ra thông báo trước một năm cho UNESCO rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ rút khỏi tổ chức này.
Trong số các mối lo ngại khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra con số ngày càng tăng của số tiền đóng thuế được cho là của Hoa Kỳ còn nợ cơ quan này kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ ngừng trả hội phí vào năm 2011, theo yêu cầu của các đạo luật được Quốc hội thông qua và các cựu tổng thống Bush và Clinton đã ký.
Việc tài trợ đã bị ngăn lại dưới thời chính phủ Obama do luật liên bang ngăn cấm Hoa Kỳ viện trợ cho các tổ chức quốc tế công nhận “Nhà nước Palestine” là một quốc gia thành viên trước khi thương lượng hòa giải với Israel.
Luật liên bang hiện hành vẫn ngăn cấm Hoa Kỳ tài trợ cho UNESCO. Nhưng Ủy ban Phân bổ Ngân khố của Thượng viện vừa đưa ra luật cho phép chính phủ Biden khước từ lệnh cấm đó nếu họ tin rằng việc tái gia nhập sẽ thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, đằng sau quyết định rút lui của chính phủ Hoa Kỳ là điều mà các nhà chức trách gọi là sự thiên kiến có hệ thống của Liên Hiệp Quốc đối với Israel, cũng như những điều mà Bộ Ngoại giao đã nêu là “cần có sự cải cách căn bản.”
Khi chỉ ra các chế độ độc tài sát nhân trong ủy ban “nhân quyền” của cơ quan này cũng như các chính sách khác, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là bà Nikki Haley cho biết “chính trị hóa cực đoan” của UNESCO đã “trở thành một nỗi hổ thẹn kinh niên.”
“Như chúng ta đã nói vào năm 1984 khi Tổng thống Reagan rút khỏi UNESCO, những người đóng thuế của Hoa Kỳ không còn phải chi trả cho các chính sách thù địch với các giá trị của chúng ta cũng như nhạo báng công lý và lẽ thường,” bà Haley cho biết.
Nhưng những người trong cuộc và các nhà phân tích cho biết, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Vào thời điểm đó, cơ quan Liên Hiệp Quốc này đang nằm dưới sự lãnh đạo của bà Irina Bokova, một thành viên lâu năm trong ban lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Bulgaria. Mối quan hệ sâu sắc của bà với chế độ Cộng Sản cũ ở Bulgaria, cộng với những cáo buộc tham nhũng và âm mưu nghiêm trọng trong và sau nhiệm kỳ của bà, đã khiến các chính phủ Tây phương đặt nghi vấn lớn về người lãnh đạo của cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc này.
Đáp lại sự rút lui của Hoa Kỳ, bà Bokova bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc,” gọi đó là “một sự tổn thất đối với chủ nghĩa đa phương.”
Người đứng đầu UNESCO cùng với bà Bokova là ông Tiền Đường (Qian Tang), một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người từng là trợ lý tổng giám đốc của cơ quan này.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ khi đó là ông Khúc Tinh (Qu Xing), đã được bà Audrey Azoulay, người kế nhiệm của bà Bokova đồng thời là một nhân vật trong Đảng Xã hội Pháp, bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc.
Ảnh hưởng của họ đối với cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc này— đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục — là rất lớn.
Ngay sau khi Hoa Kỳ gửi thông báo cho UNESCO, các nhà chức trách Israel cũng làm điều tương tự. Trong khi lên án UNESCO là “sàn diễn của những điều phi lý”, Thủ tướng [Israel] khi đó là ông Benjamin Netanyahu, đã ca ngợi chính phủ cựu Tổng thống Trump vì “quyết định dũng cảm và đạo đức.”
Bộ Ngoại giao Israel đã thông báo rằng chính phủ sẽ rút lui ngay sau Hoa Thịnh Đốn và cả hai chính phủ này đã chính thức rời khỏi [Liên Hiệp Quốc] vào cuối năm 2018.
Trước việc chính phủ Hoa Kỳ và Israel rời đi, UNESCO đã tiếp tục đi theo con đường của mình dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc người Pháp, bà Azoulay, một cựu Bộ trưởng Văn hóa có nhiệm kỳ tại Liên Hiệp Quốc cũng bị chú ý bởi những cáo buộc về hành vi không đúng mực.
Các nhà ngoại giao đã nhận thấy nhiều vấn đề.
Điển hình như vào mùa hè năm ngoái, Đại sứ Anh Quốc tại UNESCO là ông Matthew Lodge, đã gửi một bức thư với giọng điệu khá gay gắt đến các quan chức hàng đầu của UNESCO để bày tỏ mối lo ngại về “gian lận tài chính đã được xác nhận,” ông Lodge cũng nhấn mạnh những nỗ lực từ giới lãnh đạo của cơ quan này nhằm che đậy hành vi gian lận và né tránh việc thông báo cho các quốc gia thành viên.
Các nỗ lực tái gia nhập UNESCO
Một số nguồn tin đáng tin cậy nói với The Epoch Times rằng, sau khi chính phủ TT Biden tái gia nhập một số tổ chức và thỏa thuận khác của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Thỏa thuận Paris về khí hậu, họ đã để mắt đến việc tái gia nhập UNESCO.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trả lời các cuộc gọi và email từ The Epoch Times bằng một câu ngắn gọn: “Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào về UNESCO để công bố vào thời điểm này.”
Tuy nhiên, có vẻ như đang có những nỗ lực nghiêm túc được giấu kín đằng sau, nhằm tái gia nhập và thanh toán các khoản nợ, vốn bị cản trở do luật liên bang cấm Hoa Kỳ tài trợ cho các tổ chức thừa nhận “Nhà nước Palestine.”
Một tuyên bố do UNESCO công bố cho biết cơ quan này đã nhìn thấy “hy vọng thực sự” cho sự trở lại của Hoa Kỳ, nhưng “thời gian và phương thức … vẫn chưa được xác định.”
Theo các báo cáo của giới truyền thông dựa trên một nguồn tin ngoại giao ẩn danh, người đứng đầu UNESCO là bà Azoulay, cũng được cho là đang vận động hành lang phu nhân của ông Biden và các nhà lập pháp Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn.
Và các quan chức như cựu giám đốc USAID và Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Clinton là ông J. Brian Atwood, đang công khai vận động hành lang cho việc chính phủ Hoa Kỳ tái gia nhập [UNESCO].
“Nhiều điều đã thay đổi dưới thời Tổng giám đốc Audrey Azoulay của UNESCO,” ông Atwood viết trong một bài xã luận cho tờ The Hill vào tháng trước. “Đáng lẽ từ rất lâu rồi, Quốc hội nên công nhận rằng lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ được phục vụ tốt nhất bằng cách tham gia vào các tổ chức quốc tế như UNESCO”.
Tại Israel, Ngoại trưởng Yair Lapid đã yêu cầu các quan chức xem xét lại vấn đề này. Trên thực tế, theo báo chí dẫn lời từ các quan chức Israel, ông Lapid tin rằng việc rời khỏi UNESCO và các tổ chức quốc tế khác đã khiến chính sách ngoại giao của Israel kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các nhà phê bình đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về những nỗ lực liên tiếp để gia tái gia nhập UNESCO.
Chia sẻ với The Epoch Times, ông Moley, cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề của Tổ chức Quốc tế đã chỉ trích Bộ Ngoại giao của chính phủ TT Biden và những nỗ lực của cơ quan này nhằm tái gia nhập vào cái mà ông gọi là các cơ quan nằm ngoài tầm kiểm soát của Liên Hiệp Quốc, điển hình như UNESCO. Trên thực tế, ông cho rằng hành động này làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ.
Ông nói thêm, UNESCO đã đi quá xa và không thể cải tổ, và chỉ ra rằng một loạt quy trình hoạch định chính sách của tổ chức này “phần lớn đã bị ĐCSTQ và các đồng minh của họ kiểm soát.” Những mối lo ngại này đã tồn tại trong nhiều thập niên.
Ngoài việc gây hại cho nước Mỹ, Đại sứ Moley cũng cho rằng việc tái gia nhập tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc này sẽ là “một cái tát nữa vào mặt đồng minh dân chủ duy nhất của chúng ta ở Trung Đông.”
Ông lập luận rằng, vấn đề trọng yếu ở đây là Bộ Ngoại giao đang nằm dưới sự “kiểm soát hoàn toàn” của các quan chức mà có “phản ứng đầu tiên đối với hầu hết mọi việc là xin lỗi cho nước Mỹ thay vì đứng lên bảo vệ các giá trị, Hiến pháp và người dân của chúng ta.”
Ông nói thêm rằng, chính phủ ông Biden là đại diện tiêu biểu cho kiểu phản ứng đó, và “gồm đầy đủ các lực lượng xã hội chủ nghĩa, bài xích Mỹ nhiều nhất.”
Một trong những mối lo ngại lớn nữa của ông Moley đó là ông Obama và ông Biden có thái độ không coi trọng mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Ông Biden gần đây thậm chí còn đùa bỡn về mối đe dọa đó. “Trung Quốc sẽ đánh bại chúng ta sao? Thôi nào ông bạn,” ông ấy nói vào tháng 05/2019 trong cuộc vận động chiến dịch tranh cử, chế nhạo ý tưởng cho rằng ĐCSTQ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.
Người tiền nhiệm của ông Moley dưới thời Tổng thống Obama là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề của Tổ chức Quốc tế, bà Bathsheba Crocker, thậm chí còn được trích lời trên tờ báo nhà nước China Daily [của Trung Quốc] nói rằng, bà ấy “đặc biệt vui mừng” khi thấy Trung Quốc gánh vác nhiều trách nhiệm hơn tại Liên Hiệp Quốc.
Sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Như The Epoch Times đã đưa tin hồi tháng 05/2020, ĐCSTQ hiện chiếm giữ các bộ phận quan trọng của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chuyên biệt của tổ chức này, với việc “Liên minh G77 (Nhóm 77) PLus China” do ĐCSTQ kiểm soát đang chiếm đại đa số trong Đại hội đồng.
Các nhà phê bình nói rằng UNESCO không phải là ngoại lệ, và trên thực tế, có thể còn tồi tệ hơn.
Cơ quan này cho biết, đặc vụ của ĐCSTQ và Phó Tổng giám đốc Khúc, người được bổ nhiệm hầu như không qua “quy trình tuyển dụng” công khai theo như quy định của cơ quan này, hiện đang đứng đầu việc “Chuyển đổi chiến lược” của UNESCO.
Một người trong nội bộ UNESCO yêu cầu được ẩn danh do lo sợ về hậu quả của việc tiết lộ sự thật với The Epoch Times rằng ông Khúc đang giải quyết “phần việc nhạy cảm nhất” mà bà Azoulay đã ủy thác cho ông. Điều này cho phép ĐCSTQ xây dựng cơ quan Liên Hiệp Quốc theo khuôn mẫu của riêng mình, theo hướng sẽ [giúp họ] đứng vững lâu dài trong nhiều năm tới, người trong nội bộ này cho biết.
“UNESCO ngày nay là một tổ chức vô luật pháp, một đấu trường chính trị độc hại, với sự giảm thiểu tối đa các hoạt động vốn thông thường là trọng tâm hành động của họ,” một nguồn tin nói với The Epoch Times với điều kiện phải được ẩn danh. “Các nhà lãnh đạo yếu kém đã bán mình cho Trung Quốc.”
Đây không phải là một hiện tượng mới. Dưới thời lãnh đạo của bà Bokova trước đây, người từng được đào tạo ở Moscow dưới thời Liên Xô cũ và từng là một quan chức cao cấp của chế độ Cộng sản cũ ở Bulgaria, cơ quan Liên Hiệp Quốc này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và các trung tâm quyền lực cộng sản khác — ngay cả khi chính phủ Hoa Kỳ đã là một thành viên.
ĐCSTQ hiện có số lượng di sản cao thứ hai thế giới và đang tìm cách chuyển các văn phòng giáo dục chính của UNESCO sang Trung Quốc.
Năm 2017, khá lâu trước khi Hoa Kỳ rời khỏi tổ chức này, ĐCSTQ cũng đã ký một “Biên bản ghi nhớ” với UNESCO đồng ý tăng cường hợp tác trong dự án gây tranh cãi “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. Truyền thông của ĐCSTQ đưa tin cho hay bà Bokova ca ngợi ĐCSTQ vì những sáng kiến của họ đã “nêu gương tốt cho cộng đồng quốc tế”.
Dưới sự chỉ thị của bà Bokova, ông Tiền Đình (Qian Ting), một đảng viên ĐCSTQ — một cựu quan chức của “Bộ Giáo dục” ĐCSTQ — đã được bổ nhiệm làm trợ lý tổng giám đốc của UNESCO.
Thậm chí ông Tiền còn được bổ nhiệm làm “quan chức phụ trách” Ban Kế hoạch Chiến lược, mang lại cho ĐCSTQ ảnh hưởng sâu rộng trên lộ trình mà cơ quan Liên Hiệp Quốc này đã vạch ra.
Một điều có lẽ còn quan trọng hơn, là ông Tiền còn dẫn đầu chương trình nghị sự “Giáo dục năm 2030” của Liên Hiệp Quốc, một phần quan trọng của “Các mục tiêu phát triển bền vững” (SDGs) của Liên Hiệp Quốc, còn được gọi là Nghị trình 2030.
Các quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc đã mô tả nghị trình toàn cầu này là “kế hoạch tổng thể cho nhân loại” và thậm chí là “Tuyên ngôn về sự phụ thuộc lẫn nhau” trên toàn cầu.
Trong quá trình tìm cách để trở thành Tổng thư ký của tổ chức Liên Hiệp Quốc rộng lớn hơn, bà Bokova đã trao danh hiệu “Đặc phái viên” về giáo dục nữ giới cho phu nhân của ông Tập Cận Bình.
“Bà là một hình mẫu chuẩn mực cho hàng triệu cô gái trẻ ở Trung Quốc và hơn thế nữa,” bà Bokova tuyên bố khi trao danh hiệu cao quý này cho phu nhân của nhà độc tài ĐCSTQ.
Khi bà Bokova sắp hết nhiệm kỳ ở UNESCO, các quan chức cao cấp ở đó đều biết rằng bà hy vọng ông Tiền sẽ thế chỗ của bà. Thành viên ĐCSTQ này đã được ĐCSTQ chính thức đề cử vào vị trí lãnh đạo của UNESCO với hy vọng ông sẽ đảm nhận vị trí tổng giám đốc của cơ quan này khi nhiệm kỳ của bà Azoulay kết thúc.
Không giống như các nhà ngoại giao từ các quốc gia khác, vốn hứa sẽ làm việc thay mặt cho các tổ chức quốc tế hơn là cho lợi ích quốc gia khi đảm nhiệm các vị trí trong các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã công khai tuyên bố rằng công dân Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc phải tuân theo những mệnh lệnh của đảng. Cựu giám đốc Interpol, ông Mạnh Hoàng Vĩ (Meng Hongwei) thậm chí còn bị ĐCSTQ bắt giữ, bởi các tội danh trong đó có một tội là bất tuân các lệnh của đảng khi đang nắm quyền lãnh đạo cơ quan trị an toàn cầu này.
Chống lại ĐCSTQ, hay hợp pháp hóa và tài trợ cho nghị trình của họ?
Một vài tiếng nói có sức ảnh hưởng trong cơ quan chính sách ngoại giao lão làng, đã đề nghị rằng chính phủ Hoa Kỳ nên tái gia nhập UNESCO nếu muốn chống lại sức ảnh hưởng của ĐCSTQ, vốn đã được thiết lập rất vững chắc trong cơ quan này từ rất lâu trước khi chính phủ cựu Tổng thống Trump rút lui.
Điển hình như bà Kristen Cordell thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, một nhóm quyền lực theo chủ nghĩa quốc tế, viện dẫn ảnh hưởng của ĐCSTQ tại UNESCO là một lý do chính để ông Biden tái gia nhập nhằm đổi lấy một số nhượng bộ.
Tuy nhiên, các nhà phê bình đã nhạo báng ý tưởng này.
Chẳng hạn, Đại sứ Moley đã chỉ trích quan điểm cho rằng tư cách thành viên của Hoa Kỳ sẽ kiềm chế ĐCSTQ trong cơ quan này là “viển vông.”
“Như chúng ta từng có kinh nghiệm khi tham gia vào các tổ chức của Liên Hiệp Quốc – mọi người nghĩ rằng chúng ta có quyền phủ quyết – chúng ta chỉ đơn giản là một trong 193 thành viên,” ông Moley nói. “Trung Quốc có những kẻ khờ khạo hữu dụng, gồm hơn 130 chính phủ trong G77 Plus China, những người chiếm phần lớn trong số các thành viên của Liên Hiệp Quốc.”
Ông cho biết thêm: “Cho đến khi nào mà việc hối lộ, cưỡng ép, và tống tiền vẫn là những công cụ chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, thì rất khó có khả năng để chúng ta có thể giành ưu thế trong một diễn đàn của Liên Hiệp Quốc như UNESCO, chỉ với một lá phiếu của mình.”
Nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề, ông Moley gọi ĐCSTQ là “kẻ thù của chúng ta” và là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với nền cộng hòa của chúng ta kể từ năm 1860.”
Tương tự, người trong nội bộ của UNESCO cũng phản đối ý tưởng cho rằng việc tái gia nhập cơ quan Liên Hiệp Quốc này sẽ giúp chính phủ Hoa Kỳ có khả năng chống lại ĐCSTQ.
“Nếu Tổng thống Biden quyết định tái gia nhập UNESCO, đó sẽ là một cử chỉ đẹp đối với Trung Quốc, điều này sẽ làm Bắc Kinh rất hài lòng, vì điều này sẽ hợp pháp hóa quyền lực của họ ở cơ quan này,” nguồn tin này cho biết. “Nó cũng sẽ làm hài lòng tất cả những người theo chủ nghĩa khuynh tả toàn cầu đồng thời sẽ không mang lại điều gì ngoài phiền toái tốn kém cho cả Hoa Kỳ và Israel.”
“Thực ra, bằng cách để Hoa Kỳ đứng ngoài cơ quan này, ông Joe Biden sẽ có nhiều đối trọng hơn để gây áp lực buộc UNESCO cải tổ,” một nguồn tin ngoại giao tại Paris cho biết thêm.
Ông Brett Schaefer, một thành viên trong Bộ phận Các vấn đề Quy chế Quốc tế thuộc Quỹ Di sản có khuynh hướng bảo tồn truyền thống đã nhắc lại những lo ngại về ảnh hưởng của ĐCSTQ trong Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chuyên môn của tổ chức này, nói rằng việc chính phủ Hoa Kỳ tái gia nhập là một “sai lầm.”
“Rõ ràng là, mọi người nên lo lắng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế,” ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Tuy nhiên, thắc mắc của tôi về vấn đề này là liệu UNESCO thậm chí có phải là tâm điểm đối với các lợi ích của Hoa Kỳ hay không,” ông Schaefer tiếp tục bày tỏ. “Hoa Kỳ đã không tham gia [vào tổ chức này] và lợi ích của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng ít nhất.”
Ngoài ra, ngay cả khi Hoa Thịnh Đốn vẫn còn là thành viên, “UNESCO đã theo đuổi các chính sách mà Hoa Kỳ không tán thành và thẳng thắn mà nói thì đó là trở ngại đối với tổ chức này cũng như cho sứ mệnh và nhiệm vụ của họ,” ông Schaefer nói thêm.
Mặc dù việc chống lại ĐCSTQ là một mục tiêu chính đáng, ông cũng bày tỏ lo ngại về số tiền quá lớn mà người đóng thuế Hoa Kỳ sẽ phải chi trả để tái gia nhập UNESCO — hơn 500 triệu USD số tiền nợ sẽ được chi tiêu theo bất cứ cách nào mà cơ quan này và các quốc gia thành viên khác mong muốn.
Nhắc đến việc Hoa Kỳ tái gia nhập dưới thời Tổng thống Bush, chuyên gia thuộc Quỹ Di sản này cho biết đã có tiền lệ lâu đời về việc phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ.
Ông Schaefer bày tỏ: “Đó là một khoản tiền từ trên trời rơi xuống mà họ có thể sử dụng theo bất kỳ cách nào họ muốn.”
Đó là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Ông nói thêm: “Chính quyền mới này đã thực hiện việc tái gia nhập các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới và Hội đồng Nhân quyền mà không có bất kỳ điều kiện nào, vì vậy đó sẽ là kỳ vọng của các quốc gia thành viên khác, khi biết rằng chính quyền này muốn tái gia nhập [các tổ chức này].”
UNESCO: Tham nhũng đến tận xương tủy?
Bên cạnh những cáo buộc về chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa cực đoan, UNESCO từ lâu đã ngập chìm trong các vụ bê bối tham nhũng và chính trị hóa ở các cấp cao nhất.
Biên bản bị rò rỉ từ Ban chấp hành UNESCO tiết lộ rằng Đại sứ Anh Quốc khi đó tại UNESCO là ông Matthew Sudders, đã lên án bà Bokova vì cáo buộc tham nhũng trong việc chỉ định những người thân cận để hỗ trợ cho các tham vọng vươn xa hơn của bà ta tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Sudders tuyên bố: “Là một viên chức của Anh Quốc, tôi có một nhiệm vụ báo cáo tất cả các trường hợp có thể hoặc bị nghi ngờ là gian lận cho bộ phận điều tra của chúng tôi.” Những tuyên bố này được cho là đã được thực hiện với sự hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ của ông, trong đó kết luận rằng cần phải có một “cuộc đánh giá toàn diện từ bên ngoài”.
Gần đây nhất, dưới thời ban lãnh đạo hiện tại của UNESCO, Đại sứ Anh Quốc tại UNESCO Matthew Lodge đã yêu cầu được biết lý do vì sao các quốc gia thành viên lại bị bưng bít thông tin trước vụ “gian lận tài chính đã bị phanh phui,” việc biển thủ ngân quỹ trái phép, và nhiều vụ việc nữa của lãnh đạo cấp cao nhất của UNESCO.
Kỳ lạ hơn nữa là các tin tức cho thấy có thể tồn tại một mối liên hệ giữa những rắc rối của bà Azoulay và một cuộc đột nhập đêm khuya chưa từng có vào trụ sở UNESCO và hệ thống công nghệ thông tin của các đặc vụ chính phủ Pháp.
Các báo cáo cũng gợi ý rằng các viên chức quốc tế trong văn phòng của tổng giám đốc Azoulay tại UNESCO đã vận động hành lang trái phép để loại bỏ một ứng cử viên thứ hai cho vị trí tổng giám đốc của cơ quan này.
Ban thư ký của UNESCO, do bà Azoulay giám sát, đã không xác nhận vô số yêu cầu bình luận.
Nhưng trong một email gửi tới The Epoch Times, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Altay Cengizer cho biết, cần phải giải quyết những cáo buộc gian lận tài chính do các nhà ngoại giao phương Tây nêu ra, nhưng chúng vượt quá khả năng của ông.
Ông Cengizer cho biết, ông “không biết” liệu các nhà chức trách Pháp có “đóng một vai trò nào đó trong việc bảo đảm các Quốc gia Thành viên im lặng trước cáo buộc rằng Ban Thư ký đã coi thường các quy định về tài chính và trách nhiệm pháp lý kể từ năm 2017.”
“Khi các cáo buộc vẫn tồn tại trong một thời gian dài như vậy, tôi nghĩ rằng một lời giải thích rõ ràng từ Ban thư ký, để khiến mọi thứ trở nên minh bạch, là cách tốt nhất để giải quyết các nghi vấn về bất thường tài chính,” ông Cengizer cho hay.
Cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng nào.
Ông cho biết, bởi vì UNESCO được thành lập tại Pháp, nên “mối quan hệ có phần rắc rối” giữa bà Azoulay và các nhà chức trách Pháp là điều mọi người đều đã nghĩ đến.
“Trong những trường hợp như vậy, người ta hy vọng rằng nó sẽ không vượt một quá giới hạn nhất định và không gây nguy hiểm cho một số cân bằng vốn có đối với một tổ chức quốc tế và liên chính phủ,” ông cho biết và lưu ý rằng đã có “những phản ứng mạnh mẽ” trước “Bê bối gián điệp” liên quan đến việc các quan chức Pháp được phép vào trụ sở của UNESCO ngoài giờ làm việc.
Trong email trên, ông Cengizer bày tỏ mối lo ngại — và đã công khai trước đây — về “hoạt động vận động hành lang tích cực của các viên chức quốc tế để có được sự ủng hộ cho việc tái đắc cử của Tổng giám đốc đương nhiệm.”
Người đứng đầu Đại hội đồng UNESCO cho biết, ông không có thông tin chi tiết xung quanh việc bí mật loại bỏ đối thủ của bà Azoulay để giành quyền lãnh đạo tại cơ quan Liên Hiệp Quốc này, một quy trình mà các nhà phê bình cho rằng đã bị vấy bẩn bởi tham nhũng.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng các Quốc gia Thành viên lẽ ra phải được thông báo về một vụ việc như vậy,” ông nói thêm.
Trong khi những người ủng hộ việc tái gia nhập UNESCO cho rằng tham nhũng và chủ nghĩa cực đoan đã bị quét sạch kể từ khi Hoa Kỳ rời đi, những người chỉ trích và thậm chí những người có liên hệ chặt chẽ với cơ quan này cho rằng không phải như vậy.
Một con đường khó khăn phía trước
Cả hai phe trong cuộc tranh luận về việc liệu chính phủ Hoa Kỳ có nên tái gia nhập UNESCO hay không, đều đồng ý một điểm đó là: Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một quá trình phức tạp.
[Trong một bài báo] đăng tải trên tờ New York Daily News vào mùa hè này, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia và Đại sứ Liên Hiệp Quốc John Bolton cho biết [ông] “không thể hiểu nổi” tại sao ông Biden lại tìm cách khơi lại vấn đề của UNESCO — đặc biệt là vì Quốc hội “chắc chắn sẽ từ chối” tài trợ cho tổ chức này.
Ông Bolton nói thêm: “Ông Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh chính trị lớn mà không có triển vọng đạt được bất kỳ thành tựu đáng kể nào.”
Trong mọi trường hợp, bất kỳ nỗ lực nào để tái gia nhập UNESCO sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng,” ông nói. “UNESCO từ lâu đã là một trong những tổ chức chính trị hóa nhất của Liên Hiệp Quốc”, ông Bolton tiếp tục và cho rằng thật là “sai lầm” khi tin tưởng rằng tổ chức này có khả năng cải tổ.
Như đổ thêm dầu vào lửa, vào tháng 10, UNESCO đã thông qua hai nghị quyết lên án Israel và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Jerusalem ngừng các hành động “bất hợp pháp” của họ.
Các cáo buộc tham nhũng tràn lan và ảnh hưởng của ĐCSTQ xung quanh UNESCO xuất hiện trong bối cảnh một vụ bê bối leo thang về sự lật đổ của Bắc Kinh tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, điều này càng làm phức tạp thêm nỗ lực mở rộng chủ nghĩa đa phương của chính phủ Biden.
Một cuộc điều tra độc lập gần đây đã phát hiện ra rằng Giám đốc IMF là bà Kristalina Georgieva, cũng là người Bulgaria, có mối liên hệ với bà Bokova, đã gây “áp lực quá đáng” lên các quan chức Ngân hàng Thế giới để thao túng dữ liệu. Cuộc điều tra này kết luận rằng mục tiêu là khiến ĐCSTQ có một hình ảnh trong sạch trong báo cáo chính thức của họ về môi trường kinh doanh.
Các quan chức hàng đầu của ông Biden bao gồm Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã công khai bày tỏ lo ngại và thề thốt sẽ “giám sát” tổ chức này. Nhưng bà Georgieva, có mối quan hệ với các lực lượng Cộng sản ở Bulgaria và hơn thế nữa như bà Bokova, vẫn nắm quyền lãnh đạo IMF.
UNESCO đã không phúc đáp các cuộc điện thoại và email yêu cầu bình luận.
Cơ quan quốc tế này được biết đến nhiều nhất với việc công nhận các di sản thế giới, nhưng cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính sách giáo dục, văn hóa, và khoa học toàn cầu của Liên Hiệp Quốc.
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác Của Các Nhà Giáo Dục: Cách Thức Mà Người Utopians Đang Sử Dụng Trường Học Của Chính Phủ Để Hủy Hoại Trẻ Em Hoa Kỳ”. Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit, Giám đốc điều hành của Liberty Sentinel Media, và viết bài cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: