Hoa Kỳ cần gây áp lực để các đồng minh giúp đỡ Đài Loan
Quyền lực quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chủ yếu đến từ vai trò người kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc và người bảo vệ sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Điều này được minh họa bằng các biện pháp trừng phạt thương mại và viện trợ phát triển để buộc các nước tuân thủ ý muốn của mình (kể cả việc hối lộ để các nhà lãnh đạo tuân thủ) và tránh xung đột quân sự ở những nơi như Ukraine và Israel.
Công chúng Mỹ thường không chú ý tới chiến lược khoảng cách quân sự kết hợp với các biện pháp trừng phạt thương mại của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này đặc biệt nguy hiểm đối với Hoa Kỳ và nền dân chủ nói chung vì nó làm suy yếu quyền lực và các hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.
Trường hợp của Nam Hàn
Chẳng hạn, ĐCSTQ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại để đạt được sự tuân thủ một cách dễ dàng do các nước quá sợ hãi như Nam Hàn. Hôm 16/10, Reuters đưa tin Nam Hàn đã thẳng tay trấn áp một trong những nhà sản xuất tàu ngầm của quốc gia này vì nhà sản xuất này đã dám trợ giúp Đài Loan. Nguyên nhân là gì? Không phải lệnh trừng phạt thương mại từ Trung Quốc mà đơn thuần là nỗi sợ hãi về các lệnh trừng phạt thương mại.
Bằng cách đạt được sự tuân thủ của Nam Hàn một cách tương đối dễ dàng, Bắc Kinh đã chứng minh cho thế giới thấy cách họ có thể chỉ thị một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ làm theo ý muốn của ĐCSTQ, từ đó hạn chế sức mạnh của các hệ thống liên minh của Hoa Kỳ và làm suy yếu niềm tin quốc tế vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Điều này ảnh hưởng xấu không chỉ ở mức độ vĩ mô và còn ở mức vi mô của các liên minh trong đó có các công dân và các công ty của các đồng minh đang cố gắng làm điều đúng đắn để trợ giúp Đài Loan. Đơn cử như việc Nam Hàn đã ban hành một lệnh bắt giữ đối với giám đốc điều hành của nhà cung cấp tàu ngầm SI Innotec. Công ty này đã bị chính phủ Nam Hàn phạt 10 triệu USD.
Rõ ràng ĐCSTQ đã buộc Seoul phải ban hành lệnh bắt giữ do lo sợ bị trả đũa nếu không tuân theo mong muốn của họ. Theo Reuters, một bản khai yêu cầu bắt giữ năm 2022 dẫn lời cảnh sát Nam Hàn cho biết họ “lo ngại sự lặp lại của các lệnh trừng phạt sâu rộng do Bắc Kinh áp đặt hồi năm 2016, sau khi Seoul quyết định lắp đặt THAAD, một hệ thống chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ.”
Những mối đe dọa như vậy đối với Nam Hàn, quốc gia có nhu cầu phòng thủ chính đáng trước công nghệ hỏa tiễn của Trung Quốc (trong đó có công nghệ mà Bắc Hàn có được), và các công ty tư nhân ở Nam Hàn cung cấp nhu cầu phòng thủ chính đáng cho Đài Loan — một nền dân chủ đối tác — không chỉ giới hạn ở một quốc gia hoặc một công ty.
Hồi tháng 11/2022, hai doanh nghiệp Nam Hàn khác được cho là cung cấp linh kiện tàu ngầm cho Đài Loan cũng bị cáo buộc vi phạm luật thương mại ở Nam Hàn. Chính phủ cáo buộc một trong những giám đốc điều hành phạm tội gián điệp công nghiệp. Nếu những cáo buộc này thực sự là để bảo vệ bí mật thương mại của Nam Hàn, thì điều này là hợp lẽ. Tuy nhiên, trên thực tế những lệnh bắt giữ này cho thấy rốt cuộc chúng là để bảo vệ quân đội Trung Quốc khỏi Đài Loan, trong khi Nam Hàn chịu tổn hại về an ninh và kinh tế.
Theo Reuters, do bị cáo buộc, nhiều công ty Nam Hàn khác có chuyên môn về tàu ngầm đã tìm cách né tránh giúp Đài Loan vì họ cho rằng chính phủ sẽ không chấp thuận trước một “lệnh cấm tiềm ẩn của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất cảng của Nam Hàn.”
Tự hủy hoại có hệ thống
Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Lithuania, Úc, Philippines và Nhật Bản để đạt được mục đích của mình — tất cả các nước này đều là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Trong trường hợp của Nhật Bản, Bắc Kinh đã tác động lên Nga hôm 16/10 để họ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt. Khi Trung Quốc cộng sản trở nên hùng mạnh hơn, quốc gia này sẽ ngày càng có khả năng lợi dụng quyền lực kinh tế để gây ảnh hưởng không chỉ cho Hoa Kỳ và các đồng minh mà còn cả nền kinh tế của các quốc gia khác.
Các nhà xuất cảng dầu lớn nhất thế giới — bao gồm Nga, Saudi Arabia, và Venezuela — đều ngày càng sát lại gần Bắc Kinh hơn. Điều này làm giảm nguy cơ cấm vận dầu mỏ đối với Trung Quốc nhưng cũng mang lại cho quốc gia này đòn bẩy có thể được sử dụng để tạo ra các cơn biến động về dầu mỏ khiến lạm phát tăng vọt ở Hoa Kỳ, gây ra tình trạng gia tăng lãi suất, và khiến nền kinh tế của chúng ta rơi vào suy thoái.
Thật không may, hệ thống các đồng minh và đối tác quốc tế của Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng thiếu sự lãnh đạo mà ĐCSTQ có thể lợi dụng bằng nhiều cách. Các biện pháp trừng phạt thương mại có tác động sâu rộng và gây chia rẽ đối với các mối liên hệ đối tác của Hoa Kỳ, như được minh họa bằng việc Nam Hàn từ chối cung cấp công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan. Công nghệ đó có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở Đài Loan.
Nam Hàn, quốc gia có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến như vậy do các căn cứ của Hoa Kỳ trên lãnh thổ của mình, có mọi lý do để muốn tăng cường khả năng răn đe của Đài Loan từ góc độ an ninh quốc gia và mọi lý do kinh tế để làm điều đó thông qua các công ty của mình. Tuy nhiên cũng giống với trường hợp THAAD, Bắc Kinh đang nỗ lực, và trong trường hợp này đã thành công, trong việc buộc Seoul hành động theo cách trái ngược với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của chính họ.
Đánh bại các mối đe dọa thương mại của Bắc Kinh
Động lực tự hủy hoại này có thể được khắc phục nếu Hoa Kỳ và các đối tác G7 thể hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo của họ. Sự lãnh đạo như vậy có thể mang lại cho hệ thống liên minh hai nguyên tắc. Đầu tiên, khi bị quốc gia đối thủ đe dọa trừng phạt thương mại, hãy luôn trợ giúp những quốc gia khác trong hệ thống liên minh. Việc không trợ giúp một quốc gia đối tác trong lúc họ cần sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại của các nước G7 đối với đối tác từ chối giúp đỡ các quốc gia khác.
Điều này khiến các đồng minh của chúng ta bị “ràng buộc” khi thực thi những gì phù hợp với họ từ góc độ an ninh quốc gia và vô hiệu hóa các mối đe dọa thương mại của Bắc Kinh thông qua việc “ra hiệu” rằng những mối đe dọa như vậy sẽ bị phớt lờ.
Chẳng hạn, nếu biết rằng Seoul không thể tuân thủ các biện pháp an ninh tự hủy hoại quốc gia mình, thì Bắc Kinh sẽ không cố đạt được sự tuân thủ đó ngay từ đầu. Việc hạn chế các hành động của Nam Hàn sẽ mang lại lợi ích cho chính họ, điều này nghe có vẻ kỳ lạ, và lại mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.
G7 có thể đưa ra biện pháp khuyến khích để giảm thiểu mối lo ngại của công chúng về những hậu quả tiêu cực đối với Nam Hàn. Nếu một quốc gia đối địch áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại, thì G7 và các đối tác khác sẽ giúp đỡ nạn nhân, chẳng hạn, bằng cách gia tăng nhập cảng bất kỳ mặt hàng xuất cảng nào của quốc gia bị ảnh hưởng. Chính sách này sẽ tạo ra một thỏa thuận trợ giúp và bảo hiểm cho các nước G7 và các đối tác của chúng ta, vốn đẩy lùi một cách mạnh mẽ những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm lợi dụng hoạt động thương mại của họ để chia rẽ chúng ta.
Hoa Kỳ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất của G7, cần phải dẫn đầu sáng kiến này. Nếu ban đầu các nước G7 khác từ chối tham gia, thì Hoa Kỳ và một liên minh có thiện chí có thể tự mình thiết lập các quy trình. Các quy trình này vẫn sẽ được áp dụng và mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times