Hồ sơ tòa án: Có gần 50 đặc vụ FBI, An ninh Nội địa, Tình báo Quân đội, JTTF đang làm nhiệm vụ vào ngày 06/01
Sự hiện diện dày đặc của các đặc vụ chìm liên bang đã tạo thành một ‘cái bẫy dẫn dụ đối với tất cả những người có mặt tại Quốc hội,’ bị cáo William Pope viết.
Một hồ sơ mới được nộp lên tòa án cho biết, có gần 50 đặc vụ FBI và thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Chung chống Khủng bố (JTTF)—bao gồm cả nhân viên phản gián của Lục quân Hoa Kỳ, An ninh Nội địa, và nhân viên Cơ quan Điều tra Tội phạm Hải quân (NCIS)—đang làm nhiệm vụ vào ngày 06/01/2021, rồi sau đó những người này cung cấp lời khai có tuyên thệ trong các vụ án hình sự ngày 06/01.
Bản kiến nghị của bị cáo William Pope ở Topeka, Kansas, cho rằng nhiều đặc vụ trong số đó đã có mặt ở khuôn viên Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trong các cuộc biểu tình và vụ xâm phạm diễn ra vào ngày hôm đó.
Ông Pope viết rằng sự hiện diện của quá nhiều đặc vụ liên bang như vậy lẽ ra phải khiến cho tình hình an ninh tích cực hơn nhờ có cảnh sát mà chắc hẳn sẽ ngăn chặn được bạo lực cũng như các vụ truy tố hình sự sau đó đối với gần 1,400 người.
“…Mức độ hành động của chính phủ trong và trước ngày 06/01 là thái quá và gây sửng sốt đến mức chúng tạo thành một cái bẫy dẫn dụ đối với tất cả những người có mặt tại Tòa nhà Quốc hội bất kể khuynh hướng [chính trị] như thế nào,” ông Pope viết.
Cựu Cảnh sát trưởng Quốc hội Hoa Kỳ (USCP) Steven Sund cho biết FBI không chia sẻ bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy bạo lực diễn ra ngày hôm đó. Bộ phận tình báo USCP đã không chia sẻ tất cả thông tin mà họ thu thập được với ông Sund, người sau đó đã nói với một ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ rằng: “Ngày 06/01 là một sự thất bại của tình báo.”
Ông Pope đã đưa ra một bảng tính gồm gần 50 đặc vụ FBI và các sĩ quan khác thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Chung chống Khủng bố của Cục này, những người đã khai trong các tài liệu buộc tội hình sự rằng họ đang làm nhiệm vụ vào ngày 06/01.
Nhóm này bao gồm một đặc vụ phản gián của Lục quân Hoa Kỳ đến từ Colorado, một đặc vụ của NCIS, các đặc vụ FBI từ New York, Nashville, Memphis, Newark, Philadelphia, và Albany, New York, và một đặc vụ từ Cơ quan Bảo vệ Liên bang của Bộ An ninh Nội địa, bản kiến nghị nêu rõ.
“Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy FBI đã có sự hiện diện dày đặc tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01, điều mà thậm chí còn đáng báo động hơn khi xét đến thực tế là giờ đây chúng ta biết rằng họ có thông tin tình báo không được chia sẻ với các cơ quan khác,” ông Pope viết, yêu cầu Thẩm phán Rudolph Contreras xem xét lại yêu cầu điều tra của ông về các đặc vụ chìm của FBI và các hoạt động của cơ quan chấp pháp khác vào ngày 06/01.
“Đây là hành vi thái quá của chính phủ.”
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vẫn chưa hồi đáp các kiến nghị của ông Pope. DOJ có chính sách lâu đời là không bình luận về các vụ việc trừ phi trong các hồ sơ tòa án.
The Epoch Times thông qua thư điện tử đã yêu cầu FBI ước tính số lượng nhân viên có mặt tại hiện trường vào ngày 06/01. Văn phòng Báo chí Quốc gia FBI đã trả lời: “Chúng tôi không thể cung cấp cho quý báo thông tin đó.”
Ông Pope cho rằng “có khả năng hàng trăm đặc vụ FBI khác cũng đang làm nhiệm vụ trong ngày 06/01, nhưng không công khai tiết lộ sự hiện diện của họ khi làm nhiệm vụ.”
‘Lý thuyết Giọt mưa’
Ông Pope chỉ ra rằng một phần bào chữa trong vụ án hình sự của ông sẽ sử dụng một biến thể của “Lý thuyết Giọt mưa” gây tranh cãi được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sử dụng rộng rãi để lập luận rằng mỗi người biểu tình tại Tòa nhà Quốc hội đã góp phần tạo ra các điều kiện dẫn đến bạo lực và làm chậm trễ việc tiến hành kiểm phiếu Đại Cử tri đoàn tại một phiên họp chung của Quốc hội.
Ông lập luận rằng mỗi đặc vụ liên bang chìm tại Tòa nhà Quốc hội là một “giọt mưa” chịu trách nhiệm gây ra sự hỗn loạn ở Tòa nhà Quốc hội vì FBI và các cơ quan khác đã không hành động dựa trên thông tin tình báo mà lẽ ra sẽ mang lại sự bảo đảm an ninh trên phạm vi rộng lớn hơn và ngăn chặn được vụ xâm phạm và bạo lực.
Bằng cách để cho các đặc vụ “tràn vào hiện trường” mà không làm thay đổi tình hình an ninh tại Tòa nhà Quốc hội, FBI và các cơ quan khác đã tạo ra một cạm bẫy rộng lớn bởi “hành vi thái quá của chính phủ,” ông Pope nói trong bản kiến nghị dài 32 trang.
“Tôi đang tìm kiếm mọi bằng chứng liên quan đến việc không hành động dựa trên thông tin tình báo để tăng cường tình hình an ninh của Tòa nhà Quốc hội, và mọi bằng chứng liên quan đến các hoạt động bí mật của chính phủ tại Tòa nhà Quốc hội, vì những bằng chứng như vậy là cần thiết để chứng minh hành vi thái quá của chính phủ và sẽ giúp minh oan cho tôi trong vòng khuôn khổ của lý thuyết Giọt mưa,” ông Pope viết.
Hôm 23/04, Thẩm phán Contreras đã bác bỏ bảy kiến nghị của ông Pope nhằm tìm kiếm thông tin về các đặc vụ FBI chìm và các thành viên của Đơn vị Giám sát Điện tử (ESU) thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô. Vị thẩm phán này đã đồng tình với các công tố viên liên bang “rằng bị cáo đã không chứng minh được rằng chính phủ có nghĩa vụ cung cấp tài liệu được yêu cầu.”
Những kiến nghị mới của ông Pope yêu cầu Thẩm phán Contreras xem xét lại quyết định của ông dựa trên thông tin mới.
Ông Pope viết rằng ông đang “áp dụng ‘Lý thuyết Giọt mưa’ như một biện pháp bào chữa hợp pháp để chứng minh rằng các cơ quan có thông tin tình báo nhưng không thay đổi tình hình an ninh, do đó cho phép tồn tại các điều kiện dẫn dụ dòng người tràn vào hiện trường; và những người trong đám đông đang làm việc bí mật cho cùng các cơ quan chính phủ, và rằng sự hiện diện đơn thuần của họ như những giọt nước mưa, ngay cả khi họ ‘hành xử khiêm tốn,’ đã làm tăng thêm sự hỗn loạn và dòng người tràn vào hiện trường.”
Chính phủ “đã cho phép tồn tại các điều kiện khiến nhiều người có thể tràn vào [Quốc hội] bằng cách giấu thông tin tình báo và cố tình duy trì tình trạng an ninh hạn chế,” ông Pope viết, và “để các đặc vụ và những người mật báo của chính họ (những giọt nước mưa) hòa lẫn vào đám đông, kể cả tại các điểm xâm phạm ban đầu, khiến hiện trường tràn ngập người.”
Ông nói rằng những thất bại của FBI, Cảnh sát Quốc hội, Cảnh sát Thủ đô, Bộ An ninh Nội địa, và Bộ Quốc phòng đã dẫn đến các tình trạng diễn biến trong ngày 06/01.
“Nếu không phải vì những thất bại này, thì tôi sẽ không bao giờ nhận thấy khuôn viên Tòa nhà Quốc hội được mở cửa cho công chúng, và sẽ không có người nào bước vào Tòa nhà Quốc hội, hoặc bị buộc tội,” Ông Pope viết. “Những thất bại này là kết quả của hành vi thái quá của chính phủ, và chúng đã dẫn đến một cái bẫy cho hàng trăm người Mỹ hiện đã bị buộc tội vì ngày 06/01.”
Khi viện dẫn ý định sử dụng một cái bẫy để bào chữa cho hành vi thái quá của chính phủ, ông Pope đã trích dẫn vụ kiện ở Tối cao Pháp viện năm 1973 là Hoa Kỳ kiện Russell. Tối cao Pháp viện đã viết trong vụ kiện đó rằng “một ngày nào đó chúng ta có thể phải đối mặt với một tình huống mà trong đó hành vi của các cơ quan chấp pháp thái quá đến mức các nguyên tắc tố tụng hợp pháp sẽ hoàn toàn cấm chính phủ viện dẫn các thủ tục tư pháp để kết án.”
“Tôi đang lập luận rằng phạm vi và bản chất của sự hiện diện và tham gia của chính phủ tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01/2021 là ‘gây sửng sốt đối với nhận thức chung về thực thi luật pháp’ và vi phạm ‘sự công bằng cơ bản’ được quy định bởi Điều khoản Tố tụng Công bằng của Tu chính án thứ Năm,” ông Pope nói.
Cảnh báo của Hải quân
Hải quân Hoa Kỳ đã yêu cầu các thành viên thường trực của họ không tham dự buổi diễn thuyết hôm 06/01 của cựu Tổng thống Donald J. Trump, ông Pope cho biết, trích dẫn một bức thư điện tử của Hải quân được dùng làm bằng chứng trong vụ Hoa Kỳ kiện David Elizalde.
Ông Elizalde, 47 tuổi, một hạ sĩ quan Hải quân, bị kết tội một tội nhẹ trong phiên tòa xét xử không có bồi thẩm đoàn hồi tháng 12/2023 vì diễn hành, biểu tình, hoặc đứng cản trong tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01. Hôm 19/04, ông bị kết án 30 ngày quản thúc tại gia và bị phạt 2,500 USD.
“Thực tế là Hải quân đã thực hiện một biện pháp bất thường khi ra lệnh cho các thủy thủ đoàn thường trực của họ không tham gia vào hoạt động theo Tu chính án thứ Nhất hoặc tham dự một buổi diễn thuyết của Tư lệnh và Tổng tư lệnh [nguyên văn] của họ vào ngày 06/01, cho thấy rằng Hải quân có thông tin tình báo rằng các sự kiện ngày 06/01/2021 sẽ không bình thường,” ông viết.
Ông nói: “Quyết định của Hải quân nhằm chia sẻ cảnh báo này với các thành viên của họ, chứ không phải công chúng, là bằng chứng về hành vi thái quá của chính phủ.”
Trích dẫn một bài báo năm 2022 trên Newsweek, ông Pope nói rằng các lính biệt kích tinh nhuệ đã được cử đến Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01 dưới sự bảo trợ của FBI. Ông cho rằng diễn biến này hoàn toàn trái ngược với sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc đưa lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Tòa nhà Quốc hội để trợ giúp cảnh sát.
“Việc khai triển lạ thường các lực lượng quân sự tinh nhuệ này thậm chí còn có vẻ kỳ lạ hơn khi xét trong bối cảnh Ngũ Giác Đài đã giữ chân lực lượng Vệ binh Quốc gia trong nhiều giờ vào ngày 06/01, và sau đó cố gắng che đậy việc này,” ông Pope viết. “Trong một phiên điều trần gần đây của Quốc hội, các lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Thịnh Đốn đã làm chứng rằng ngày 06/01, họ đã sẵn sàng điều động người tới Tòa nhà Quốc hội, nhưng Tướng Charles Flynn và Tướng Walter Piatt đã ngăn cản việc đưa người tới và nói dối về các sự kiện.
“Ngũ Giác Đài dường như đã có đủ thông tin tình báo khi điều động các lính biệt kích và cảnh báo các thành viên của Hải quân tránh xa các sự kiện ngày 06/01, nhưng cách phản ứng của họ trước thông tin tình báo cho thấy rằng thay vì ngăn chặn hoàn toàn những gì đã xảy ra, họ sẽ sẵn sàng giăng một cái bẫy cho những người dân Mỹ bình thường giống như tôi vậy,” ông Pope nói.
Trong số các nhân viên liên bang đang làm nhiệm vụ vào ngày 06/01, ông Pope dẫn ra trường hợp của ông Charles Robertson, một đặc vụ Phản gián của Lục quân Hoa Kỳ đến từ Colorado và là một thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Chung chống Khủng bố của FBI.
Ông Robertson đã viết bản tường trình các sự kiện của FBI trong vụ án của bà Rebecca K. Lavrenz, 71 tuổi, ở Peyton, Colorado. Hôm 04/04, bà Lavrenz đã bị bồi thẩm đoàn kết tội về bốn tội nhẹ liên quan đến xâm phạm vì đã đi vào Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01.
Hồ sơ của ông Pope cũng lưu ý những tiết lộ gần đây của tổ chức Judicial Watch rằng Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã cử hai kỹ thuật viên xử lý bom đến để trợ giúp gỡ quả bom ống được phát hiện tại Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ vào ngày 06/01. Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng, và Chất nổ (ATF) tiết lộ có “vài đội chó nghiệp vụ của CIA đã trực chờ sẵn” vào ngày 06/01.
Ông Pope trích dẫn điều mà ông gọi là “hành vi thái quá” của các sĩ quan chìm của Sở Cảnh sát Thủ đô (MPD), bao gồm cả việc “liên tục kêu gọi mọi người tiến lên các bậc thang dẫn lên Tòa nhà Quốc hội, cảm ơn những người đã dỡ bỏ hàng rào, và chúc mừng những người đã phá vỡ cửa sổ.”
Ông nói rằng DOJ chưa đưa ra được bằng chứng đầy đủ về hơn hai chục sĩ quan chìm đang làm việc cho Đơn vị Giám sát Điện tử của MPD. Ông Pope cho biết video, ảnh chụp, và các báo cáo điều tra vẫn đang bị thiếu mặc dù DOJ được yêu cầu cung cấp chúng.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times