Báo cáo: Số vụ bắt giữ liên quan đến ngày 06/01 hiện cao gần gấp đôi so với năm 2023 và 2022
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo 1,424 người đã bị bắt giữ do các cáo buộc liên quan đến vụ việc ngày 06/01—với nhịp độ nhanh nhất kể từ năm 2021.
Một báo cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho thấy gần 1,425 người đã bị bắt giữ do các cáo buộc trong vụ việc ngày 06/01, với số vụ bắt giữ trong năm 2024 cao gần gấp đôi so với năm 2023 và 2022.
DOJ đưa tin trong bản cập nhật hàng tháng của mình sau khi kết thúc công việc hôm 03/05 rằng, FBI đã bắt giữ 1,424 nghi phạm trong 40 tháng kể từ vụ xâm phạm và bạo lực tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.
Hồ sơ của DOJ cho thấy con số đó bao gồm 159 người đã bị bắt trong bốn tháng đầu của năm 2024, cao gần gấp đôi so với 83 người bị bắt trong cùng thời kỳ năm 2023 và 85 người bị bắt trong cùng thời kỳ năm 2022.
Theo dữ liệu của DOJ, FBI đã thực hiện 391 vụ bắt giữ liên quan đến vụ ngày 06/01 kể từ tháng 05/2023 và 614 vụ bắt giữ kể từ tháng 05/2022.
Vụ ngày 06/01 là cuộc điều tra lớn nhất, sâu rộng nhất trong lịch sử FBI—một cuộc điều tra mà các nhà lãnh đạo DOJ đã cam kết sẽ tiếp tục tiến hành mà không suy giảm. DOJ có thời hạn đến ngày 06/01/2026 để buộc tội các cá nhân trước khi hết thời hạn hiệu lực.
Khoảng 1,334 người đã bị buộc tội đi vào và ở lại trong một tòa nhà hoặc khu vực bị hạn chế ra vào của liên bang, đây là tội nhẹ phổ biến nhất trong vụ ngày 06/01. Trong số đó, 127 người bị buộc tội đã đi vào và ở lại đó khi đang mang theo vũ khí sát thương hoặc nguy hiểm.
Trong tháng qua, chỉ có hai bị cáo bị bắt vì cản trở một cách sai trái một thủ tục chính thức — trọng tội bị cáo buộc phổ biến nhất trong vụ ngày 06/01 mà hiện đang ảnh hưởng đến 355 người — một cáo buộc gây tranh cãi hiện đang được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Ba mươi sáu phần trăm số bị cáo—510 người—đã bị buộc tội hành hung, chống cự, hoặc cản trở các sĩ quan cảnh sát hoặc nhân viên. Bản báo cáo cho biết hơn một phần tư trong số những bị cáo đó có dính líu đến việc sử dụng vũ khí sát thương hoặc nguy hiểm.
Khoảng 820 bị cáo đã nhận tội đối với nhiều tội danh liên bang. Sáu mươi chín phần trăm là tội nhẹ, và 31 phần trăm là trọng tội.
Bản báo cáo cho biết gần 885 bị cáo đã được xét xử, với 61% số bị cáo bị kết án tù, 19% bị quản thúc tại gia, và 3.5% bị kết án cả hai hình thức.
Theo báo cáo, khoảng 160 bị cáo đã bị kết tội tại các phiên tòa tranh chấp, trong đó có ba người bị xét xử tại Tòa Thượng thẩm khu vực Hoa Thịnh Đốn. Ba chục bị cáo khác bị kết tội dựa trên một loạt những tình tiết đã được đồng thuận.
Trong số 199 bị cáo đã ra tòa, 82 người bị kết tội hành hung, chống cự, hoặc cản trở cảnh sát và/hoặc cản trở cảnh sát trong khi gây rối dân sự — cả hai tội nghiêm trọng.
Mỗi bị cáo lựa chọn xét xử bởi bồi thẩm đoàn đều bị kết tội ít nhất một số tội danh được đưa ra cho họ. Chỉ có ba bị cáo được trắng án trước mọi cáo buộc. Những trường hợp đó là các phiên tòa chỉ có một thẩm phán mà không có bồi thẩm đoàn.
Tỷ lệ bắt giữ gia tăng trong quý cuối cùng của năm 2023 và tiếp tục kéo dài đến hết bốn tháng đầu năm 2024.
Hôm 16/04, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã nghe các cuộc tranh luận bằng miệng về một vụ kiện phản đối việc DOJ vận dụng một cách mới lạ luật gian lận doanh nghiệp để truy tố những người biểu tình ngày 06/01 với trọng tội 20 năm.
Hôm 13/12/2023, Tối cao Pháp viện cho biết họ sẽ xem xét đơn kiện của bị cáo vụ ngày 06/01 Joseph W. Fischer về việc sử dụng Mục 1512(c)(2) Bộ luật Hoa Kỳ 18 để truy tố các bị cáo trong vụ ngày 06/01 vì cản trở Quốc hội kiểm phiếu bầu của Đại cử tri Đoàn.
Nếu Tối cao Pháp viện bác bỏ việc sử dụng luật này để áp dụng cho vụ việc ngày 06/01, thì 355 vụ án nói trên có thể bị đảo ngược và giáng một đòn mạnh vào nỗ lực truy tố của DOJ.
Tuy nhiên, phía công tố viên cho biết họ có thể đề nghị tăng mức án đối với các tội danh khác hoặc yêu cầu thi hành án tù liên tiếp như một cách để bảo đảm rằng các bị cáo vẫn phải ngồi tù trong khoảng thời gian tương tự như vậy.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times