Hiểu về Hiến Pháp: Tại sao Hiến Pháp không bảo vệ trẻ chưa chào đời
Khi Tối cao Pháp viện bác bỏ kết luận của vụ án Roe v. Wade (pdf), phần lớn sự phẫn nộ đến từ những người tin rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền phá thai. Tuy nhiên, một số người lập luận rằng Hiến Pháp quy định chuẩn mực toàn quốc về cấm phá thai.
Bài tiểu luận này giải thích lý do tại sao những người cho rằng Hiến Pháp cấm phá thai cũng sai lầm như những người cho rằng Hiến Pháp hợp pháp hóa việc phá thai.
Tôi có một lịch sử lâu dài ủng hộ các nguyên tắc vì sự sống. Nhưng có một sự khác biệt giữa sở thích chính trị của tôi và những gì Hiến Pháp thực sự nói. Tôn trọng những gì Hiến Pháp thực sự quy định là chìa khóa của nhà nước pháp quyền — là điều cần thiết đối với một xã hội tự do. Nếu chúng ta không đồng ý với Hiến Pháp, chúng ta nên làm việc để sửa đổi. Chúng ta không nên rơi vào thói hư hỏng của cánh tả giả vờ Hiến Pháp nói những gì Hiến Pháp không nói.
Các lập luận về xem việc phá thai là vi hiến
Các lập luận cho quan điểm rằng Hiến Pháp cấm phá thai đã được đưa ra như sau:
Đầu tiên: Đó là một thực tế khoa học rằng nhân tính (humanity) hình thành kể từ thời điểm thụ thai.
Thứ hai: một nhân mệnh (human being) là một “người” (peson) như Hiến Pháp sử dụng thuật ngữ này.
Thứ ba: Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn của Hiến Pháp đều có điều khoản về thủ tục tố tụng quy định rằng không “người” nào sẽ bị tước đoạt “tính mạng… nếu không có thủ tục tố tụng hợp pháp.”
Thứ tư: Giống như chế độ nô lệ là vấn đề đạo đức quốc gia hơn là vấn đề quyền trong các quốc gia, phá thai cũng là vấn đề đạo đức quốc gia.
Hãy xem xét từng lập luận này.
Luận điểm #1: ‘Nhân tính hình thành kể từ thời điểm thụ thai’
Bản chất của quyết định trong vụ án Roe là việc tiểu bang bảo vệ một đứa trẻ chưa chào đời, trái với mong muốn của người mẹ, trước khi đứa trẻ có thể sống bên ngoài tử cung, là vi hiến. Mặc dù tòa án chủ ý rằng không quyết định thời điểm cuộc sống con người bắt đầu, nhưng phán quyết của tòa án cho rằng thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ chỉ được coi là một người “tiềm năng” sẽ hình thành.
Phán quyết này thật vô lý: Nhân tính của một người không chỉ là chức năng của sự phụ thuộc hay độc lập. Nếu đúng như vậy, thì dân số phụ thuộc cũng khá lớn ở Mỹ sẽ được coi là không phải con người. Sự vô lý của kết luận trong vụ án Roe cho thấy rằng các thẩm phán không được trang bị đầy đủ để đưa ra các quyết định kiểu này.
Nhưng thực tế là nhân tính không chỉ là kết quả của sự (tồn tại) độc lập, và cũng không chứng minh được rằng con người cũng chỉ là kết quả của sự thụ thai. Chính xác khi nào sự sống trở thành người là một chủ đề mà những người tin vào sự hợp lý và người có hiểu biết không nhất trí được với nhau. Một số sẽ đặt thời điểm quan trọng vào lúc thụ thai; những người khác vào lúc các tế bào phân tách với nhau, hoặc tại thời điểm cấy ghép, hoặc khi (và nếu!) não bắt đầu hoạt động, hoặc khi thai nhi có tim, hoặc khi linh hồn tiến nhập vào cơ thể. Khoa học đưa ra những câu trả lời hợp lý và loại trừ những câu không hợp lý, nhưng không cho chúng ta một câu trả lời.
Về khía cạnh này, câu hỏi khi nào nhân tính bắt đầu cũng giống như câu hỏi khi nào thì kết thúc — nghĩa là khi nào cái chết xảy ra. Có thời điểm chúng ta có thể nói một người chắc chắn còn sống và có thời điểm chúng ta có thể nói một người chắc chắn đã chết, nhưng thường có một khoảng sáng và tối giữa hai điều đó. Ở một mức độ thấp hơn, câu hỏi về thời điểm nhân tính bắt đầu giống với câu hỏi khi nào một người không còn là một đứa trẻ và trở thành người lớn, hoặc có năng lực trí tuệ hoặc không đủ năng lực.
Trong một xã hội dân chủ, câu trả lời cho những câu hỏi như vậy được cung cấp bởi những đại diện được bầu lên một cách tự do của người dân, hoạt động theo những chỉ dẫn tín ngưỡng, khoa học và đại chúng. Khi các cơ quan lập pháp cho phép quyền quyết định cho các bác sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ khác (như họ thường làm), họ vẫn áp đặt các quy tắc pháp lý.
Phải thừa nhận rằng những quyết định kiểu này có thể rất khó. Tuy nhiên, khó khăn của họ bảo vệ cho việc họ là sản phẩm của một quá trình cởi mở, dân chủ và có mục đích. Không phải là kết quả của lý luận trừu tượng hoặc phán quyết tư pháp.
Luận điểm #2: ‘Trẻ chưa chào đời là “Người” theo Tu chính án thứ Năm’
Tu chính án thứ Năm cấm chính phủ liên bang tước đoạt mạng sống của bất kỳ “người” nào mà không có thủ tục tố tụng hợp pháp. “Người” ở đây được định nghĩa là gì?
Trong diễn ngôn hàng ngày, chúng ta thường dùng hoán đổi đồng nghĩa như nhau hai từ “người” [person] với “tồn tại nhân tính” (human being). Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đúng trong ngôn ngữ pháp lý. Một số hệ thống pháp luật truyền thống đã phủ nhận tư cách con người [person] đối với một số tầng lớp “tồn tại nhân tính”, chẳng hạn như nô lệ hoặc người ngoại quốc. Hệ thống pháp luật của chính chúng ta trao quyền nhân vị [tình trạng đang tồn tại của một cá nhân] cho các tập đoàn, những tập đoàn hoàn toàn không phải là con người, mà là những tập hợp những con người được tổ chức chính thức theo luật pháp.
Năm 1791, khi các cơ quan lập pháp của tiểu bang phê chuẩn Tu chính án thứ Năm, hệ thống luật pháp Hoa Kỳ đã công nhận tất cả những con người được sinh ra, kể cả nô lệ, là “người”. Nhưng Tu chính án thứ Năm không công nhận trẻ chưa chào đời là con người hoàn chỉnh. Và chắc chắn không công nhận trẻ chưa chào đời là “người” theo pháp luật.
Việc áp dụng Tu chính án thứ Năm để bao gồm cả trẻ chưa chào đời trong từ “người” sẽ yêu cầu sự thay đổi ý nghĩa của tu chính án và những người phê chuẩn hiểu rõ điều đó. Tôi sẽ nói thêm về điều đó dưới đây.
Luận điểm #3: ‘Trẻ chưa chào đời là “Người” theo Tu chính án thứ Mười Bốn’
Khi các cơ quan lập pháp của tiểu bang phê chuẩn Tu chính án thứ Mười Bốn vào năm 1868, kiến thức về sự phát triển của thai nhi đã tiến bộ hơn nhiều so với năm 1791. Theo đó, hầu hết các tiểu bang đã thiết lập một số biện pháp bảo vệ pháp lý cho thai nhi.
Nhưng việc cấp một số biện pháp bảo vệ pháp lý không có nghĩa là các nhà lập pháp tin rằng thai nhi hoàn toàn có nhân tính, chứ chưa nói đến việc là “người”. (Ví dụ, các nhà lập pháp cũng trao quyền bảo vệ hợp pháp cho động vật và rừng.) Mặc dù các cuộc tranh luận pháp lý và công luận về sửa đổi đã thảo luận về “nhân vị” của người thuộc dân tộc thiểu số và phụ nữ, nhưng không có ai thêm bào thai hoặc phôi thai vào danh sách. Và trong những năm sau năm 1868, luật đã được thông qua và các vụ kiện được đệ trình để bảo vệ quyền của Tu chính án thứ Mười Bốn cho các dân tộc thiểu số và phụ nữ—chứ không phải trẻ chưa chào đời.
Bằng chứng này và các bằng chứng khác buộc kết luận rằng thuật ngữ “người” trong Tu chính án thứ Mười Bốn không bao gồm những trẻ em chưa được sinh ra.
Các vấn đề khác với Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn
Quý vị có thể trả lời bằng cách nói: “Dù quan điểm vào năm 1791 và 1868 là gì đi nữa, thì giờ đây chúng ta biết rằng trẻ chưa chào đời là người và do đó, phải có tư cách pháp lý. Vì vậy, hãy mở rộng hai Điều khoản về Quy trình Hợp pháp (Due Process Clauses).”
Tất nhiên, lập luận này sặc mùi “trường phái hiến pháp hiện đại” vô nguyên tắc mà hầu hết những người Mỹ có lương tâm đều bác bỏ. Nhưng có một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: Ngay cả khi chúng ta giải thích “người” trong Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn để bao gồm phôi thai và bào thai, hầu hết các vụ phá thai sẽ không bị ảnh hưởng.
Điều khoản về quy trình hợp pháp của Tu chính án thứ Năm ngăn cản chính phủ liên bang lấy đi mạng sống, quyền tự do hoặc tài sản mà không tuân theo các thủ tục được thiết lập sẵn. Tu chính án thứ Mười Bốn mở rộng hạn chế tương tự cho chính quyền tiểu bang. Nhưng hai tu chính chỉ áp dụng cho các chính phủ, không áp dụng cho các giao dịch của các bên tư nhân, chẳng hạn như thủ tục phá thai điển hình. Về khía cạnh này, Tu chính án thứ Năm và Tu chính án thứ Mười Bốn không giống như Tu chính án thứ Mười Ba (xóa bỏ chế độ nô lệ): Tu chính án thứ Mười Ba áp dụng cho cả chính phủ và cá nhân; Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn chỉ áp dụng cho các chính phủ.
Trong luật hiến pháp, quy tắc loại trừ hành vi cá nhân khỏi Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn được gọi là “học thuyết về hành động của tiểu bang”. Học thuyết hành động của tiểu bang bảo vệ chế độ liên bang và ngăn cản các quan chức và thẩm phán sử dụng các tu chính để hạn chế quyền tự do cá nhân.
Tóm lại, như Thẩm phán Samuel Alito đã chỉ ra trong vụ Dobbs chống lại Jackson Women’s Health (pdf) — và như Cố Tư pháp vĩ đại Antonin Scalia đã nói đi nói lại nhiều lần — Các Điều khoản về Quy trình Hợp pháp (Due Process Clauses) của Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn thực sự không liên quan gì đến việc phá thai.
Luận điểm #4: ‘Phá thai là một vấn đề đạo đức quốc gia, không phải là ‘vấn đề về “Quyền của các tiểu bang”’
Tôi đã thấy một tác giả lập luận rằng “Phá thai không còn là vấn đề quyền của ‘các tiểu bang’ như chế độ nô lệ vào giữa thế kỷ 19.”
Tuy nhiên, người viết đã hiểu sai lịch sử. Chế độ nô lệ là một vấn đề đạo đức, nhưng cũng là vấn đề quyền của các tiểu bang. Ngay cả hầu hết các nhà hoạt động chống chế độ nô lệ cũng thừa nhận điều này. Ví dụ, ông Abraham Lincoln đã đồng ý rằng các tiểu bang có thể duy trì chế độ nô lệ trong biên giới của mình vô thời hạn. Điều ông Lincoln tranh luận là Quốc hội nên thông qua luật bãi bỏ chế độ nô lệ trong các lãnh thổ liên bang.
Chế độ nô lệ không còn là vấn đề quyền của các tiểu bang chỉ khi người Mỹ thông qua một tu chính/sửa đổi hiến pháp để bãi bỏ nó. Tương tự như vậy, những người tìm cách chấm dứt phá thai ở Mỹ sẽ phải sửa đổi hiến pháp để làm như vậy. Hiến Pháp hiện tại sẽ không làm điều đó cho họ.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times